Nhiều chính phủ các nước trên thế giới đã ban hành các chính sách nhằm vực dậy nền kinh tế sau giai đoạn suy sụp bởi các biện pháp phong tỏa được thực hiện để kiểm soát dịch COVID-19. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có rất nhiều trung tâm đô thị đông đúc, hiện cũng là thời điểm để các nước cân nhắc về phương hướng phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả để tái thiết nền kinh tế.
* Đầu tư hạ tầng là con đường phục hồi
Tốc độ đô thị hóa theo cấp số nhân ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã thúc đẩy nhu cầu tăng nhanh đối với cơ sở hạ tầng đô thị như hệ thống cấp nước, điện, giao thông và xử lý chất thải. Tuy nhiên, cung không đủ cầu, mức thiếu hụt nguồn tài chính dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng càng trầm trọng hơn khi cuộc khủng hoảng y tế xảy ra.
Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trước đại dịch, các nền kinh tế khu vực đã chi tiêu tổng cộng tới 880 tỷ USD mỗi năm cho cơ sở hạ tầng, song con số này vẫn thấp hơn nhiều so với nhu cầu ước tính là 1.340 tỷ USD hàng năm cho đến năm 2030.
Đại dịch COVID-19 đã chuyển trọng tâm chi tiêu của chính phủ sang hỗ trợ tài chính, nhưng đây không phải là giải pháp bền vững cho nhu cầu ngày càng tăng của người dân đô thị.
Báo cáo chung của Mạng lưới dịch vụ chuyên nghiệp đa quốc gia Deloitte và tổ chức Infrastructure Asia (IA) nhận định, phát triển cơ sở hạ tầng sẽ có ý nghĩa then chốt trong quá trình đưa khu vực Đông Nam Á tiến tới một sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ cũng như tới một tương lai bền vững và kiên cường hơn.
Quan điểm này dựa trên cơ sở cho rằng việc phát triển cơ sở hạ tầng có hiệu ứng mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế và tạo công ăn việc làm. Điều đó có nghĩa là tác động cuối cùng của đầu tư cơ sở hạ tầng đối với sản lượng kinh tế lớn hơn nhiều so với mức chi tiêu ban đầu.
Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng có ý nghĩa then chốt đối với việc thiết lập một di sản tích cực của tăng trưởng kinh tế dẻo dai, bền vững và hiệu quả hơn. Tình hình dịch bệnh đã cho thấy các nền kinh tế và xã hội của các quốc gia gặp khó khăn như thế nào, và điều này sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu các nước không được tiếp cận các mạng lưới viễn thông và cơ sở hạ tầng hậu cần hiệu quả.
Trong khi dịch bệnh COVID-19 đã bộc lộ những sự dễ bị tổn thương khác, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cung ứng để cải thiện việc chăm sóc tích cực hiện nay ở các bệnh viện, cũng như việc nhanh chóng đảm bảo có sẵn các trang thiết bị xét nghiệm và thiết yếu sẽ là những sự chuẩn bị sẵn sàng quan trọng cho tình huống xảy ra các cuộc khủng hoảng có bản chất tương tự trong tương lai.
* Bài học từ các siêu đô thị hàng đầu thế giới
Đại dịch đã gây ra áp lực nghiêm trọng đối với hệ thống quản lý chất thải đô thị. Thực thi giãn cách xã hội cũng đồng nghĩa với việc người dân cần sử dụng nhiều hơn các dịch vụ giao hàng và thực phẩm tận nơi. Thói quen tiêu dùng này đang ngày càng trở nên phổ biến và xu hướng đó cũng đã góp phần gia tăng rác thải nhựa. Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng quay trở lại sử dụng các sản phẩm dùng một lần vì lo ngại về an toàn sức khỏe.
Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 6/2002 do các nghiên cứu sinh tại Đại học Quốc gia Singapore thực hiện, các hộ gia đình ở nước này đã thải ra thêm khoảng 1.334 tấn chất thải nhựa trong thời gian hai tháng phong tỏa do đại dịch. Viện Môi trường Thái Lan cũng cho biết, thủ đô Bangkok đã chứng kiến số lượng rác thải nhựa tăng trung bình mỗi ngày gần 3.000 tấn so với trước đại dịch.
Đây chỉ là một trong những vấn đề mà các nhà quy hoạch sẽ cần giải quyết để đảm bảo sự bền vững trong quá trình đô thị hóa tại khu vực này. Trong thời gian gần đây, nhiều hành động đã được thực hiện để hướng tới sự thay đổi toàn diện, đáng chú ý là Chương trình nghị sự của các Thị trưởng C40 về Phục hồi xanh và Công bằng. Tên gọi C40 xuất phát từ việc hình thành mạng lưới các siêu đô thị trên thế giới cam kết giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. C40 kết nối 96 thành phố lớn nhất thế giới nhằm hỗ trợ các thành phố hợp tác hiệu quả, chia sẻ kiến thức và thúc đẩy các hành động có ý nghĩa và bền vững về biến đổi khí hậu.
Theo khuôn khổ chương trình này, 96 thành phố lớn trên thế giới, trong đó có Singapore, Tokyo, Bắc Kinh, Seoul và Mumbai, đang thúc đẩy các biện pháp mũi nhọn để tạo "việc làm xanh", duy trì hoạt động sử dụng phương tiện giao thông công cộng và trả lại không gian công cộng cho con người và thiên nhiên. Khi nhìn xa hơn đến một thế giới hậu đại dịch, có ba bài học có thể rút ra từ các hoạt động của C40.
Đầu tiên, các thành phố của châu Á nên coi đại dịch là cơ hội để chuyển dịch từ nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong các khâu sản xuất, phân phối và tiêu dùng, nên xác định lại tính hiệu quả và giảm bớt lãng phí, khuyến khích tái sử dụng các nguồn lực để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, xã hội và môi trường. Ví dụ, các nhà máy chuyển chất thải thành năng lượng vừa giúp giảm đáng kể lượng khí phát thải từ các nhà máy điện truyền thống và giúp các thành phố giải quyết lượng chất thải ngày càng lớn do chủ nghĩa tiêu dùng gia tăng.
Thứ hai, các thành phố nên tập trung đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ và đo lường tác động môi trường của chúng. Đây là điều kiện thiết yếu để đạt được các mục tiêu về Thành phố và Cộng đồng bền vững trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Các lĩnh vực trọng tâm là nhà ở an toàn và “hợp túi tiền”, giảm thiểu tác động môi trường, tăng khả năng tiếp cận không gian xanh công cộng, hệ thống giao thông công cộng bền vững với giá cả phải chăng.
Trong khi các hệ thống giao thông đô thị góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường, nhu cầu sử dụng giao thông công cộng hiện tại giảm mạnh do lo ngại về các nguy cơ đối với sức khỏe. Bên cạnh đó, nhiều người làm việc từ xa nên doanh thu từ phương tiện giao thông công cộng giảm mạnh. Do đó, các thành phố trong tương lai sẽ cần những phương tiện giao thông và tòa văn phòng làm việc thông minh hơn, an toàn hơn để giải tỏa mối lo ngại về giãn cách xã hội và không gian công cộng.
Thứ ba, các nhà quy hoạch có thể học hỏi từ những kinh nghiệm thành công và thất bại của nhau trong thiết kế thành phố và kiến thiết nền kinh tế theo hướng bền vững hơn. Malaysia đã triển khai dự án năng lượng Mặt Trời quy mô lớn như một động lực chính trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19. Chính phủ nước này đã phân bổ 2,9 tỷ USD để lắp đặt các tấm pin Mặt Trời trên mái nhà và đèn LED chiếu sáng đường phố. Hàn Quốc cũng công bố một "Thỏa thuận xanh mới" (Green New Deal), với các dự án trị giá hơn 73.000 tỷ won (66 tỷ USD) trong gói kích thích kinh tế 160.000 tỷ won.
Khi các thành phố của châu Á mở cửa trở lại và phục hồi sau COVID-19, đó cũng là thời điểm quan trọng để các nhà lãnh đạo thay đổi cách tiếp cận, chuyển dịch dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hướng tới một mô hình phát triển kinh tế đô thị bền vững hơn./.
Theo TTXVN