Ngày 3/11, Chính phủ Trung Quốc đã công bố báo cáo thuyết trình về “Kiến nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) về việc lập quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035”. Đây là văn kiện chỉ đạo của Hội nghị trung ương 5 khóa XIX về việc xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội Trung Quốc trong thời gian tới. Mặc dù bản quy hoạch chính thức phải chờ Lưỡng hội 2021 (Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân – Mặt trận tổ quốc và Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc – Quốc hội) xem xét thông qua mới được công bố, nhưng văn kiện chỉ đạo đã xác định tương đối rõ các phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc giai đoạn tới.
“Thay đổi” và “không thay đổi”
Từ Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 đến mục tiêu tầm nhìn năm 2035, Chính phủ Trung Quốc luôn thông qua quy hoạch dài hạn để đảm bảo tính liên tục của chính sách. Quy hoạch 5 năm là cách làm Trung Quốc học tập Liên Xô sau khi xây dựng chính quyền, là bộ phận quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế quốc dân. Kể từ khi xây dựng Quy hoạch 5 năm lần thứ nhất đến nay, Trung Quốc đã công bố 15 Quy hoạch 5 năm, xuyên suốt từ thời kỳ kinh tế kế hoạch đến thời kỳ kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Xây dựng quy hoạch dài hạn rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có hệ thống đồng bộ, luôn rất công phu. Lấy Quy hoạch 5 năm làm ví dụ, nhìn chung phải bắt tay xây dựng kể từ giữa kỳ thực hiện quy hoạch kỳ trước, thu thập và tham vấn ý kiến chính quyền địa phương, các tổ chức và cơ quan nghiên cứu, đồng thời căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội để điều chỉnh phù hợp, thông thường quá trình này kéo dài từ 2 đến 3 năm.
Trước cục diện thay đổi chưa từng có trong 100 năm qua, môi trường bên ngoài xuất hiện tính khó đoán định nhiều hơn, lôgích hạt nhân của tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã thay đổi. Sau 42 năm cải cách mở cửa, các yếu tố hỗ trợ kinh tế Trung Quốc duy trì tốc độ tăng trưởng cao bắt đầu suy yếu – lợi tức dân số không còn, đóng góp của đầu tư và xuất khẩu đối với tăng trưởng kinh tế đang giảm dần, toàn cầu hóa đối diện với sự uy hiếp của chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa biệt lập. Mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc cần phải chuyển từ tăng trưởng tốc độ cao trước đó sang tăng trưởng hiệu quả và chất lượng. Đồng thời, ảnh hưởng của dịch COVID-19 có thể kéo dài sẽ làm thay đổi sâu sắc lôgích phát triển của nhiều ngành nghề trước đó, tất cả những yếu tố này đều tạo thành thách thức đối với quy hoạch dài hạn của đất nước.
Vấn đề đáng chú ý là trong dự thảo đặc biệt nhấn mạnh đến việc một số địa phương và bộ ngành kiến nghị xác định rõ mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn, nhưng ban soạn thảo quy hoạch cho rằng cho dù là môi trường bên ngoài hay phát triển kinh tế bên trong đều phải đối diện với những rủi ro tiềm ẩn, do đó không xác định rõ mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy trong bối cảnh cần thay đổi phương thức tăng trưởng kinh tế, rất nhiều bộ ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương vẫn loay hoay trong mô hình tư duy quản lý “tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước - GDP”, vì vậy cần thông qua quy hoạch dài hạn, thống nhất nhận thức, thay đổi phương thức đánh giá thành tích, làm cho chính quyền địa phương chú trọng nhiều hơn vào chất lượng, chứ không phải tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Có thể nói, thông qua thiết kế thượng tầng để xác định mục tiêu phát triển, lộ trình thực hiện quy hoạch trong thời gian tương đối dài là phương châm không thay đổi từ trước đến nay của ĐCSTQ, hơn nữa phải điều chỉnh sao cho phù hợp với sự thay đổi của thời cuộc. Trong nhiều năm qua, mô hình phát triển của Trung Quốc không phải là một khung khái niệm hoặc tư duy cứng nhắc.
Địa vị hạt nhân của đổi mới sáng tạo
Lưu Tiếu, Viện trưởng Học viện quản lý Quang Hoa thuộc Đại học Bắc Kinh cho rằng nhìn từ góc độ trung và dài hạn, kinh tế Trung Quốc có thể đối diện với ba thách thức lớn: Một là, sau khi hoàn thành tiến trình công nghiệp hóa, làm thế nào để nâng cao hơn nữa năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Thời đại công nghiệp hóa thích hợp cho việc duy trì tăng trưởng tốc độ cao của TFP, nhưng khi tiến trình công nghiệp hóa của Trung Quốc cơ bản kết thúc, đến năm 2035, tỷ trọng của ngành dịch vụ trong GDP lên đến trên 65%, lúc đó việc phải duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm của ngành dịch vụ cao hơn TFP là điều không dễ. Hai là, sự lưu chuyển của các yếu tố như nguồn vốn, nhân lực, đất đai của Trung Quốc không được thông suốt đã hạn chế sự phát triển chất lượng cao của nền kinh tế. Ba là, làm thế nào để nâng cao địa vị của nền kinh tế Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Mặc dù mức độ tham gia của nền kinh tế Trung Quốc vào chuỗi giá trị toàn cầu rất cao, nhưng lại phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu thượng nguồn, đặc biệt là những hàng hóa và dịch vụ có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao.
Khi đánh giá vị trí chiến lược của một quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, trọng điểm được đặt ở trình độ thượng nguồn. Theo dự tính của Học viện quản lý Quang Hoa, trình độ thượng nguồn của Trung Quốc trong chuỗi giá trị toàn cầu là 0,01 (trị số càng lớn, vị trí càng cao), của Mỹ là 0,29, và bình quân của các nền kinh tế mở cửa chủ chốt là 0,04. Điều này có nghĩa là so với các nền kinh tế mở cửa khác, Trung Quốc nằm ở hạ nguồn trong chuỗi giá trị toàn cầu, và phụ thuộc tương đối nhiều vào nguyên vật liệu thượng nguồn, công nghệ cốt lõi và linh kiện then chốt.
Để giải quyết vấn đề trên, trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 và mục tiêu tầm nhìn đến năm 2035, Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ nhấn mạnh “kiên trì địa vị hạt nhân của đổi mới sáng tạo trong cục diện xây dựng hiện đại hóa Trung Quốc, coi tự lực tự cường khoa học công nghệ là trụ cột chiến lược để phát triển đất nước”. Theo tiền lệ, dù là chọn lọc từ ngữ chính trị hay kinh tế, thì việc sử dụng hai từ “hạt nhân” trong văn kiện của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ là rất thận trọng. Điều này chứng tỏ sự nhấn mạnh của trung ương đối với đổi mới sáng tạo đã đạt đến mức độ chưa từng có từ trước đến nay. Trong thông cáo của Hội nghị trung ương 5 khóa XIX, “khoa học công nghệ” và “đổi mới sáng tạo” là hai cụm từ được nhiều lần nhắc đến. Theo kiến nghị của dự thảo quy hoạch, trong 12 nhiệm vụ trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội được xác định trong Quy hoạch 5 năm lần thứ 14, “đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ” được đặt ở vị trí đầu tiên.
Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ cần phải “thưởng phạt rõ ràng”
Trước tiên, vấn đề mấu chốt của đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ là nhân tài. Bên cạnh việc hoàn thiện “thể chế toàn quốc”, trọng điểm nên đặt ở phương diện nhân tài và cải cách các cơ quan nghiên cứu khoa học, phá vỡ thể chế quản lý quan liêu và bầu không khí học phiệt trong hệ thống trường học, cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc hiện nay, khuyến khích mong muốn đổi mới sáng tạo, giúp những nhân tài ưu tú có thể phát triển hiệu quả.
Thời gian gần đây, những sự kiện gian lận học thuật trong, cơ quan nghiên cứu khoa học diễn ra thường xuyên. Theo thống kê, từ tháng 11/2007 đến tháng 2/2020, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương ĐCSTQ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổng cộng đã thông báo có 61 cán bộ thuộc 55 trường đại học bị điều tra. Lĩnh vực vi phạm pháp luật liên quan đến công trình xây dựng cơ bản, tuyển sinh, mua sắm vật tư, quản lý tài sản nhà trường, kinh phí nghiên cứu khoa học… Trên lĩnh vực nghiên cứu khoa học, không ít cơ quan tồn tại hiện tượng nhân viên nghiên cứu khoa học thông qua các biện pháp như chi tiêu khống, thay đổi kết quả thí nghiệm… để lấy kinh phí nghiên cứu khoa học.
Những hiện tượng này không chỉ tồn tại ở các cơ quan nghiên cứu khoa học phát triển, mà còn xuất hiện xu thế “trẻ tuổi hóa”. Cách đây không lâu, một học sinh lớp 6 ở thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam dựa vào đề tài nghiên cứu của bố đạt được giải 3 trong cuộc thi sáng tạo khoa học thanh thiếu niên. Sau đó, truyền thông phát hiện bố của “thiếu niên thiên tài” này là chuyên gia nghiên cứu của Viện nghiên cứu động vật Côn Minh.
Nếu gian lận học thuật là vấn đề hiếm hoi thì có thể lý giải là hành vi cá nhân, nhưng đằng này nó lại diễn ra một cách hỗn loạn, chứng tỏ môi trường và cơ chế học thuật đều đã xuất hiện vấn đề. Hiện nay, cơ chế giám sát đối với các cơ quan nghiên cứu khoa học và trường đại học chưa hoàn thiện, vấn đề quản lý gian lận học thuật, tham nhũng học thuật vẫn chưa có quy định pháp luật và biện pháp xử phạt rõ ràng, chi phí vi phạm pháp luật tương đối thấp, nên về khách quan không có lợi cho đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ.
Trên cơ sở thiết lập cơ chế giải trình trách nhiệm giám sát, mở thông rào cản giữa cơ quan nghiên cứu khoa học của quân đội, chính phủ và doanh nghiệp, thiết lập cơ chế kết nối và vận hành, kích thích hiệu quả việc chia sẻ lợi ích, cùng chịu rủi ro, tránh tình trạng làm theo ý mình, bảo thủ, “ăn xổi” trong nghiên cứu khoa học của Trung Quốc hiện nay.
Bên cạnh việc thiết lập cơ chế giám sát xử phạt, việc quán triệt chính sách khuyến khích quyền sở hữu trí tuệ và chế độ phân phối thu nhập lợi ích sáng chế một cách có hiệu quả có thể sẽ kích thích sức sống đổi mới sáng tạo của nhân viên và cơ quan khoa học công nghệ. Về phương diện này, có thể học tập kinh nghiệm của Mỹ. Chẳng hạn, lý do quan trọng khiến Đại học Stanford, Học viện công nghệ MIT thu hút được hàng nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc loại hình đổi mới sáng tạo thực hiện việc chuyển hóa thành quả nghiên cứu, hình thành giá trị sản xuất gần 1.000 tỷ USD là bởi việc phân phối thu nhập của thành quả nghiên cứu khoa học tuân thủ nguyên tắc 3 “1/3”. Tức là Đạo luật Bayh-Dole của Mỹ quy định, những thành quả sử dụng công nghệ của chính phủ hoặc vốn của doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thì thu nhập có được từ quyền sở hữu trí tuệ được chia thành 3 phần: 1/3 thuộc về trường học hoặc công ty; 1/3 thuộc về đội ngũ nghiên cứu phát triển; 1/3 thuộc về doanh nghiệp phụ trách việc chuyển hóa thành quả nghiên cứu.
Điều này khác với quy định hiện hành của Trung Quốc. Ngay từ thời kỳ kinh tế kế hoạch, tất cả lợi ích sáng chế đều thuộc về sở hữu nhà nước và tập thể. Từ năm 2000 đến nay, cùng với việc cải cách cơ chế nghiên cứu khoa học, người phát minh thành quả nghiên cứu khoa học có thể nhận được 25%-50% lợi ích sáng chế, và trong những năm gần đây tỷ lệ này được nới rộng lên 50%-75%. Trọng điểm của chính sách chủ yếu là tăng cường khuyến khích quyền sở hữu trí tuệ đối với nhân viên nghiên cứu phát triển.
Tuy nhiên, vấn đề cần chú ý là nếu chỉ tăng cường khuyến khích thì vẫn chưa đủ, bởi người phát minh và người chuyển hóa thành quả nghiên cứu thành công nghệ sản xuất, người tổ chức sản xuất là hai hệ thống hoàn toàn khác nhau. Đây cũng là lý do quan trọng dẫn đến tình trạng mặc dù các nhà phát minh nhận được từ 50%-75% lợi ích của các sáng chế, nhưng cuối cùng dường như không thấy nhiều triệu phú và tỷ phú xuất hiện. Mặc dù người phát minh nắm giữ 50%-75% quyền lợi, nhưng do thiếu các quy định giống như Đạo luật Bayh-Dole, có ít doanh nghiệp được khuyến khích chuyển hóa lợi ích sáng chế, dẫn đến không có nhiều thành quả của lợi ích sáng chế được chuyển hóa thành sức sản xuất, hiệu quả của lợi ích sáng chế cuối cùng không được thể hiện. Nếu lợi ích của ba bên (cơ quan nghiên cứu khoa học, người phát minh, doanh nghiệp khoa học công nghệ) có thể phân phối hợp lý, thì tính tích cực của 3 bên đều có thể được huy động, đẩy nhanh việc chuyển hóa và thương mại hóa thành quả nghiên cứu khoa học.
Học tập kinh nghiệm của nước khác
Thứ hai, bên cạnh chú trọng đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ, cũng nên chú ý đến việc bồi dưỡng đội ngũ nhân viên tuyến đầu nghiên cứu cơ bản và ngành nghề cơ bản. Nhìn từ điểm yếu công nghệ của các ngành công nghiệp của Trung Quốc như chip, chế biến sâu, hóa chất tinh chế…, phần lớn đều do thiếu nghiên cứu cơ bản và công nghệ. “Thể chế toàn quốc” không những cần tập trung vào các sản phẩm cụ thể cần thiết hiện nay, mà còn cần bắt đầu từ những điều cơ bản trong giáo dục và đào tạo, tuyển dụng nhân tài và phân phối thu nhập. Như vậy mới có thể hình thành bầu không khí và cục diện toàn xã hội coi trọng nghiên cứu khoa học, nhân tài chảy về các ngành cơ bản.
Tiếp đến, thiết lập hệ thống nghiên cứu phát triển bậc thang của chính phủ, doanh nghiệp, chú trọng hợp tác toàn cầu, hình thành cục diện “ràng buộc lẫn nhau”. Làm cho ngành công nghệ cao không phải là một hệ thống khép kín, tự chủ công nghệ không đồng nghĩa với việc không trao đổi với bên ngoài. Một mặt, mạnh dạn thu hút những doanh nghiệp và nhân tài trên thế giới muốn đầu tư vào Trung Quốc, chia sẻ công nghệ, mặt khác cũng nên chia sẻ công nghệ của Trung Quốc với các nước trên thế giới và nhà đầu tư quốc tế. Vì vậy, Chính phủ Trung Quốc nên đẩy nhanh việc thành lập các cơ chế tham gia và rút khỏi đầu tư mạo hiểm ở cấp độ quốc gia, kiện toàn thị trường đầu tư mạo hiểm. Hiện nay, theo Ủy ban sáng tạo khoa học công nghệ (STAR Market), cổ phiếu loại A của Trung Quốc là một thử nghiệm tốt, nhưng vẫn nên có nhiều mô hình thử nghiệm hơn nữa, đặc biệt là cần nhanh chóng nghiên cứu, triển khai thí điểm tập trung vào thị trường đầu tư mạo hiểm quốc tế, đội ngũ nghiên cứu phát triển công nghệ.
Vấn đề cần phải quan tâm hơn là chính quyền địa phương thiếu nhận thức đối với quy luật phát triển khách quan của các ngành nghề, thúc đẩy mù quáng các dự án, trong khi doanh nghiệp lại tận dụng cơ hội để có được sự hỗ trợ chính sách. Trong nhiều năm qua, không ít dự án sản xuất chip của các địa phương như Giang Tô, Tứ Xuyên, Hồ Bắc… lần lượt thất bại. Về vấn đề này, Ủy ban cải cách và phát triển Trung Quốc đã yêu cầu truy cứu trách nhiệm đối với những chủ thể gây nên thiệt hại nghiêm trọng dẫn đến rủi ro lớn. Điều này cũng phản ánh một số lỗ hổng cơ chế trong quy hoạch dài hạn.
Theo Phó Chủ tịch Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc Hoàng Kỳ Phàm, một số địa phương khi xây dựng vườn ươm công nghệ luôn sử dụng biện pháp ưu đãi về giá khi cho thuê đất để thu hút các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng hiệu quả của cách làm này không cao. Sở dĩ năng lực ươm tạo của Thung lũng Silicon mạnh là do trên cơ sở sàng lọc các dự án tốt, chính phủ cung cấp toàn bộ hướng dẫn kinh doanh và cơ sở hạ tầng như phòng thí nghiệm chuyên nghiệp… cho nhà đầu tư. Ngoài ra, Thung lũng Silicon còn thông qua việc thu hút các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm để thực hiện các giai đoạn khác nhau của vòng đời doanh nghiệp sáng tạo công nghệ, cộng thêm sự khuyến khích của Đạo luật Bayh-Dole, nên thành quả nghiên cứu khoa học có thể chuyển hóa thành sức sản xuất.
Cuối cùng, Trung Quốc cần chú trọng đến việc bồi dưỡng toàn bộ hệ thống thị trường và xây dựng hệ sinh thái công nghệ. Bên cạnh việc duy trì mở cửa, cần tăng cường bảo vệ các ngành công nghiệp. Trong ứng dụng, hỗ trợ công nghệ tự chủ không thể chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt, mà phải nhấn mạnh đến việc tối đa hóa lợi ích tổng hợp, nhấn mạnh sự phối hợp của toàn bộ hệ thống công nghiệp, tiêu dùng xã hội. Việc phát triển bất cứ một công nghệ nào cũng rất khó khăn, do đó phải có lòng kiên trì, cần bồi dưỡng thói quen tiêu dùng, hình thành văn hóa ủng hộ Trung Quốc đổi mới sáng tạo.
Trong vài tháng tới, ban soạn thảo Quy hoạch 5 năm lần thứ 14 sẽ trưng cầu ý kiến các bên, xây dựng, hoàn thiện dự thảo quy hoạch, đồng thời trình Quốc hội xem xét phê chuẩn vào năm 2021, khi đó các giới bên ngoài sẽ có nhận thức rõ ràng và chính xác hơn đối với quy hoạch dài hạn phát triển kinh tế-xã hội của Trung Quốc. Có thể khẳng định rằng cho dù bản quy hoạch chi tiết được hoàn thiện như thế nào, thì khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ là hạt nhân của kinh tế Trung Quốc trong tương lai./.
(Tạp chí “Đa chiều”, tháng 12/2020)
Theo TTXVN