Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Hàn gắn nước Mỹ đang bị chia rẽ - Con đường chông gai của Tổng thống đắc cử Joe Biden

Ngày phát hành: 12/01/2021 Lượt xem 1849

 

 Đến thời điểm này, tình hình an ninh trật tự kể từ sau cuộc biểu tình bạo loạn ngày 6/1/2021 vừa qua ở xung quanh tòa nhà Quốc hội Mỹ đã được lập lại, nhưng nước Mỹ thực sự chưa yên bình. Sự chia rẽ sâu sắc đang tồn tại trong lòng nước Mỹ chắc chắn là một thách thức nghiêm trọng mà tân Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt.

* Nhìn lại cuộc bầu cử chưa từng có tiền lệ
Ngày 3/11 vừa qua, cử tri Mỹ đã chính thức đi bỏ phiếu để lựa chọn ra nhà lãnh đạo quốc gia và đứng đầu chính quyền để chèo lái đất nước trong 4 năm tới, với nhiệm vụ nặng nề là trước mắt đưa Mỹ sớm thoát khỏi cuộc khủng hoảng kép do đại dịch COVID-19. Đây là cuộc bầu chọn giữa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đại diện đảng Cộng hòa theo đường lối bảo thủ, với cựu Phó Tổng thống Joe Biden đại diện đảng Dân chủ theo đường lối tự do.
Không chỉ bầu chọn ra Tổng thống và Phó Tổng thống mới, trong cuộc tổng tuyển cử này, cử tri Mỹ cũng lựa chọn các gương mặt nghị sỹ cho nhiệm kỳ tới, theo đó bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện và 35 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, đồng thời bầu 11 vị trí Thống đốc bang và khoảng 5.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên cả nước.
Bốn ngày sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, vào ngày 7/11/2020, các hãng truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden là người đã cán đích trước ông Trump khi đã có trong tay hơn 270 phiếu đại cử tri, số phiếu tối thiểu mà một ứng cử viên cần phải có. Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không thừa nhận kết quả này và từ đây đội ngũ tranh cử của ông Trump đã tiến hành những cuộc kiện tụng tố cáo gian lận bầu cử.
Các vụ kiện tập trung vào những bang chiến trường bao gồm Arizona, Georgia, Michigan, Nevada và Pennsylvania… Đơn kiện được gửi lên các tòa án cấp bang và liên bang, nơi ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã được tuyên bố giành chiến thắng. Tuy nhiên, các vụ kiện của đội ngũ tranh cử của Tổng thống Trump nhằm nhằm lật ngược kết quả bầu cử ở các bang đều không đạt kết quả.  
Chiến thắng của ông Biden tiếp tục được củng cố vững chắc một lần nữa vào ngày 14/12/2020, khi cử tri đoàn bỏ phiếu xác nhận ông vượt qua đương kim Tổng thống Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Theo kết quả các cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn, ông Joe Biden đã giành được chiến thắng với 306 phiếu đại cử tri tại 24 bang, trong đó có nhiều bang chiến địa quan trọng gây tranh cãi như Michigan, Pennsylvania, Georgia và Wisconsin, còn Tổng thống Trump chỉ giành được 232 phiếu đại cử tri.
Kết quả cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn sau đó đã được gửi tới Quốc hội. Lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã có phiên họp chung vào ngày 6/1/2021 để tiến hành kiểm đếm số phiếu đại cử tri từ tất cả 50 bang và thủ đô Washington trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11/2020 vừa qua. Cuộc họp của chung của Quốc hội này là thủ tục cuối cùng trước khi tân Tổng thống tuyên thệ nhậm chức. Thông thường ở mọi lần bầu cử tổng thống trước đó ở Mỹ, hội nghị đại cử tri và cả phiên họp chung của lưỡng viện Quốc hội Mỹ chỉ là chuyện hình thức, vì ứng cử viên thất cử đã công nhận sự thắng cử của đối thủ chính trị ngay sau khi các hãng truyền thông ở Mỹ xác nhận ứng cử viên nào giành về được hơn 270 đại cử tri. Nhưng riêng kỳ bầu cử năm 2020, do Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không chịu công nhận thua cuộc nên đã khiến các thủ tục thông thường trên trở nên gay cấn và căng thẳng.
Sau khi bị gián đoạn nhiều lần do cuộc bạo loạn của những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump đột nhập vào bên trong Tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021, cuối cùng các nhà lập pháp Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ theo đúng luật định, qua đó xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden trong cuộc bỏ phiếu của cử tri đoàn vào ngày 14/12/2020 vừa qua. Những khiếu nại liên quan tới kết quả bầu cử tại các bang chiến địa như Pennsylvania, Arizona… cũng đều bị bác bỏ.
Việc lưỡng viện Quốc hội Mỹ xác nhận được toàn bộ số phiếu đại cử tri của các bang trong cuộc họp ngày 6/1 đã giúp khép lại cuộc chiến pháp lý và những tranh cãi dai dẳng liên quan, đồng thời mở ra một chương mới trong lịch sử Mỹ. Cả nước Mỹ hiện đang hướng tới ngày 20/1/2021, thời điểm Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức nhậm chức.
Tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc bầu cử Mỹ năm 2020, có thể thấy có quá nhiều điều chưa từng có tiền lệ. Từ những tranh cãi kéo dài kể từ ngày cử tri cả nước bỏ phiếu ngày 3/11/2020, cuộc đua bổ sung vào Thượng viện tại bang Georgia ngày 5/1/2021, đến phiên họp thông thường vốn mang tình thủ tục của lưỡng viện Quốc hội ngày 6/1/2021, tất cả đều diễn ra đầy kịch tính, thậm chí trong bạo loạn. Tất cả đã trở thành những sự kiện vô cùng quan trọng, thu hút mọi sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước Mỹ.
Sự kiện hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump từ khắp nơi trên nước Mỹ ngày 6/1/2021 đổ về khu vực trung tâm thủ đô Washington D.C cũng như tòa nhà Quốc hội (Đồi Capitol) nhằm cản trở việc Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden đã cho thấy những chia rẽ rất lớn trong lòng nước Mỹ. Các cuộc biểu tình biến thành bạo động khi nhóm người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát và tràn vào tòa nhà Quốc hội, khiến cảnh sát Mỹ đã phải phong tỏa các tòa nhà, sơ tán các nghị sĩ và nhân viên làm việc trong các trụ sở Quốc hôi, đồng thời phải sử dụng hơi cay và đạn không sát thương để giải tán đám đông người biểu tình.
Sự kiện này cũng đã khiến nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ, đứng đầu là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, ngày 7/1 lên tiếng kêu gọi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và chính quyền đương nhiệm Mỹ vận dụng Tu chính án thứ 25 theo Hiến pháp để ngay lập tức phế truất Tổng thống Trump khi cho rằng ông không đủ khả năng lãnh đạo đất nước.
Bà Pelosi thậm chí còn tuyên bố Hạ viện Mỹ "sẽ tiến hành đưa ra dự luật luận tội". Nếu điều này xảy ra thì đây sẽ là lần thứ hai Tổng thống Trump phải đối mặt với quá trình điều tra luận tội trong nhiệm kỳ 4 năm của mình. Chưa rõ những sự việc này sẽ diễn tiến ra sao trong những ngày tới, song có một điều mà ai cũng thấy rõ là những động thái trên đang khiến nước Mỹ chia rẽ ngày càng sâu sắc hơn.

* Hàn gắn và đoàn kết nước Mỹ
Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 tới, chính quyền mới tại Nhà Trắng sẽ phải đối mặt với hàng loạt nhiệm vụ cấp bách như: ứng phó với đại dịch COIVD-19 để khôi phục tăng trưởng kinh tế, chấm dứt các vấn nạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, bất bình đẳng thu nhập, phân biệt sắc tộc… trong đó, thách thức lớn và quan trọng hơn cả là hàn gắn sự chia rẽ và bất đồng trên chính trường và trong xã hội Mỹ.
Thực tế, dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump, tình trạng chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ ngày càng sâu sắc, thể hiện qua sự phân cực chính trị giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. Kể từ khi giành lại Hạ viện trong bầu cử giữa nhiệm kỳ (năm 2018), đảng Dân chủ liên tục cản trở chương trình nghị sự của Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa, như: xây tường biên giới, điều tra về công việc của gia đình Tổng thống, yêu cầu Tổng thống nộp bản khai thuế và đỉnh điểm là tiến hành luận tội Tổng thống tại Hạ viện. Hiện nay, hầu hết các vấn đề đều bị chính trị hóa, ngôn từ và hành động vượt ngoài phạm vi cạnh tranh giữa các đảng phái thông thường. Trong cuộc phỏng vấn ngày 26/8/2020, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã từng gọi đảng Cộng hòa là “kẻ thù nội địa” của nước Mỹ. Sự chia rẽ giữa hai đảng khiến nước Mỹ gặp nhiều khó khăn trong việc hoạch định và triển khai các chính sách, như: đưa ra gói cứu trợ kinh tế thứ 5 hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, đối phó với thiệt hại từ đại dịch COVID-19 hay vấn đề trấn áp người biểu tình, bạo động…
Và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua tiếp tục phơi bày những mâu thuẫn trong nội bộ nước Mỹ. Cuộc bạo loạn ngày 6/1/2021 là minh chứng rõ ràng cho thấy xu hướng về một nước Mỹ chia rẽ nghiêm trọng. Vụ bạo loạn này được giới bình luận ví như một “cú đấm” vào uy tín nước Mỹ, “cú đấm” vào nền dân chủ và tự do, vốn là niềm tự hào của nước Mỹ. Dù vụ bạo loạn sau đó đã nhanh chóng được dập tắt, nhưng đã để lại hậu quả xấu về nhiều mặt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế.
Không chỉ tồn tại sự chia rẽ giữa các đảng phái chính trị, trong lòng nước Mỹ vẫn còn âm ỉ sự chia rẽ về sắc tộc, bất bình đẳng trong xã hội. Còn nhớ sự việc người đàn ông da màu George Floyd thiệt mạng do bị cảnh sát da trắng lạm dụng bạo lực khi trấn áp hồi tháng 5/2020 đã thổi bùng lên một làn sóng phản đối chưa từng thấy kể từ phong trào dân quyền những năm 1960. Cái chết của ông được coi là ngòi nổ kích hoạt nhận thức quốc gia về vấn đề chủng tộc tại Mỹ. Khi đó, việc chính quyền Trump thể hiện quan điểm cứng rắn nhằm khôi phục trật tự và ngăn chặn bạo lực lan rộng đã càng làm sự bất bình gia tăng, nới rộng chia rẽ xã hội.
Tuy nhiên, không phải vụ việc ông George Floyd mới khiến nước Mỹ đau đầu về nạn phân biệt chủng tộc, mà đây là một vấn đề nhức nhối đã tồn tại nhiều năm qua tại quốc gia này. Mỹ được biết tới là quốc gia đa sắc tộc và đa văn hóa, một xã hội phát triển hàng đầu thế giới và người Mỹ luôn tự hào với những giá trị của bình đẳng và dân chủ. Tình trạng phân biệt chủng tộc, đặc biệt là sự kỳ thị của những người Mỹ da trắng với cộng đồng người Mỹ gốc Phi, tình trạng phân biệt đối xử của các nhân viên thực thi pháp luật da trắng với công dân da màu, vẫn âm ỉ và hầu như năm nay cũng có những vụ việc bùng phát, dù chính quyền Mỹ đã làm rất nhiều việc để phá bỏ quan điểm về "chủ nghĩa da trắng thượng đẳng". Thế nhưng đại dịch COVID-19 xuất hiện đã càng làm sâu sắc hơn tình trạng bất bình đẳng xã hội ở Mỹ. Theo số liệu chính thức, những người sống tại các khu dân cư nghèo có tỷ lệ tử vong cao hơn từ 3 đến 5 lần so với các khu giàu có. Người Mỹ gốc Phi thường là nhóm người thiểu số chịu thiệt thòi nhất ở nhiều bang, do có tình trạng sức khỏe kém so với các nhóm dân số khác. Hồi giữa tháng 4/2020, người da màu chiếm 40% số ca tử vong do COVID-19 ở Illinois, trong khi chỉ chiếm 15% dân số bang này. Có lẽ chính vì những bất công, bất bình đẳng vẫn hiện hữu như vậy cộng với tư tưởng phân biệt chủng tộc ăn sâu cắm rễ trong xã hội Mỹ đã khiến sự bất mãn trong một bộ phận người dân Mỹ tích tụ ngày một nhiều. Và đây chắc chắn là một thách thức không nhỏ đối với chính quyền mới ở Mỹ.  
Nhìn chung, nước Mỹ sẽ còn chặng đường dài nỗ lực với những giải pháp mang tính gốc rễ để biến "giấc mơ" về xã hội công bằng, nơi con người được đánh giá không phải vì màu da, tài sản hay tôn giáo, sắc tộc..., mà được tôn trọng bởi nhân cách, phẩm giá và năng lực.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, sự chia rẽ trong xã hội và hệ thống chính trị ở Mỹ thực tế đã tồn tại từ lâu, trở thành bản chất của nền chính trị lưỡng đảng. Lịch sử nước Mỹ đã từng trải qua các thời kỳ chia rẽ sâu sắc, như: nội chiến (1861-1865), đế quốc Mỹ tham chiến tại Việt Nam (giai đoạn 1960-1970) hay vụ Watergate (1974) làm Tổng thống Nixon phải từ chức. Việc phục hồi sau chia rẽ khó khăn và kéo dài, nhưng nước Mỹ đều nhanh chóng vượt qua, không những vậy, nó còn mang đến sự thay đổi tích cực, như: bãi bỏ chế độ nô lệ, thúc đẩy bảo đảm quyền lợi cho người da đen, quyền bầu cử của phụ nữ hay mở đường cho sự tham gia của truyền thông trong việc minh bạch hóa Chính phủ… Bởi vậy, những chia rẽ trên tuy có nhiều tác động tiêu cực, song cũng là động lực cho sự phát triển, mang đến sự thay đổi tích cực.
Từ bối cảnh nước Mỹ hiện nay, có thể thấy, hàn gắn chia rẽ chính trường và xã hội Mỹ sẽ là ưu tiên và nhiệm vụ hàng đầu của nhà lãnh đạo mới ở nước Mỹ. Tương lai của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ không mấy dễ dàng, khi chính quyền mới phải nỗ lực hết sức để đưa “nước Mỹ tươi đẹp trở lại”. Dù ông Biden được nhận định là người có tính cách ít gây chia rẽ hơn so với người sắp mãn nhiệm Donald Trump, song đây vẫn là thách thức về mặt cấu trúc mà không một Tổng thống Mỹ nào có thể giải quyết trong một, thậm chí hai, ba nhiệm kỳ.
Hiện nay nhiều nhà phân tích đều chung nhận định rằng, nếu dịch bệnh COVID-19 sớm được kiểm soát, nền kinh tế sớm phục hồi, người dân trở lại làm việc thì tình trạng biểu tình, những mâu thuẫn nội bộ trong lòng nước Mỹ cũng sẽ theo đó thuyên giảm.
Chỉ còn hơn một tuần nữa là tới thời điểm tân Tổng thống Mỹ tuyên thệ nhậm chức. Và giờ chính là lúc người dân Mỹ cần đoàn kết, tiếp tục thể hiện sự ủng hộ đối với Tổng thống đắc cử Joe Biden để sớm ổn định bộ máy chính quyền, đưa nước Mỹ thoát khỏi nhiều gánh nặng như hiện nay./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết