Bài học rút ra từ đại dịch COVID-19
Nếu có một bài học rút ra từ đại dịch COVID-19 thì đó là chúng ta cần sát cánh bên nhau để không chỉ trở lại trạng thái “bình thường mới” mà còn trở thành trạng thái “bình thường tốt hơn” cho tất cả chúng ta. Tác giả Roland Galharague và Peter Blomeyer đã đưa ra kết luận trên trong bài bình luận gần đây được đăng trên trang mạng Malaysiakini số ra ngày 5/2, nội dung như sau:
Đã 1 năm trôi qua kể từ khi COVID-19 trở thành đại dịch trên toàn thế giới. Đã có hơn 2,2 triệu người tử vong vì căn bệnh lây nhiễm mới này. Ở tất cả các châu lục, mọi quốc gia trên thế giới đều bị ảnh hưởng, và tình hình ở một số nước nghiêm trọng hơn những nước khác, song tất cả đều phải đối mặt với những thách thức như nhau, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển kinh tế, xã hội.
Trong một kỳ tích lớn, giới nghiên cứu y học đã "gồng mình" gắng sức và tìm cách điều chế vaccine trong thời gian kỷ lục. Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn tồn tại - đầu tiên và quan trọng nhất là vấn đề tiếp cận vaccine một cách công bằng và phổ quát. Trong một nỗ lực để giải quyết vấn đề này, Pháp, Đức, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cùng nhau khởi động một sáng kiến mang tên "Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với COVID-19" (Act-A). Sáng kiến này tập hợp các chính phủ, nhà khoa học, doanh nghiệp, xã hội dân sự, các nhà từ thiện và các tổ chức y tế toàn cầu, nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận công bằng và phổ quát với các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vaccine ngừa COVID-19 trong khi hỗ trợ các hệ thống y tế quốc gia. Cơ chế COVAX (COVAX Facility) đã được đưa ra theo sáng kiến này và chỉ tập trung vào việc phân phối vaccine. Đây là sáng kiến toàn cầu duy nhất đang phối hợp với các chính phủ và các nhà sản xuất để đảm bảo vaccine COVID-19 được phân phối trên toàn cầu cho cả các quốc gia có thu nhập cao và thu nhập thấp. Sáng kiến này đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, với 10 tỷ USD đã huy động được sẽ cho phép cung cấp vaccine và triển khai các chiến dịch tiêm chủng đầu tiên ở các nước thành viên, bao gồm ở cả một số nước có thu nhập thấp, vào cuối tháng này.
Là một phần của chiến lược mua sắm quốc gia, Malaysia đã tham gia Cơ chế COVAX và đặt hàng tự chi trả cho 6,4 triệu liều vaccine phục vụ cho 10% dân số. COVAX cho phép tiếp cận danh mục vaccine với những điều kiện rất hấp dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm bởi ước tính sáng kiến này cần khoảng 27,2 tỷ USD nữa trước khi năm 2021 kết thúc. Đặc biệt, các hạng mục dành riêng cho điều trị, chẩn đoán và hỗ trợ hệ thống y tế vẫn thiếu gần 90% ngân sách tài trợ. EU là một trong những nhà tài trợ lớn nhất thế giới với 850 triệu euro (1 tỷ USD). Chính quyền mới của Mỹ dường như đã sẵn sàng đóng góp một cách có ý nghĩa thông qua hỗ trợ tài chính, nhưng cần có sự đóng góp từ tất cả các cấp, kể cả từ các nước sản xuất vaccine lớn khác. Để chắc chắn, cần có thêm các giải pháp tài trợ sáng tạo khác để vượt qua thách thức. EU đồng ý với sáng kiến hợp tác vaccine, không phải cạnh tranh. Đây rõ ràng là vấn đề công bằng và pháp lý. Tuy nhiên, một điều cũng không kém phần quan trọng là không ai được an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn.
Vì vậy, thay vì sử dụng việc tiếp cận vaccine như một lợi thế chính trị hoặc kinh tế, tất cả chúng ta hãy cùng nhau hợp tác và phối hợp vaccine thông qua các sáng kiến hợp tác quốc tế như Act-A!
Theo TTXVN