Năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát dữ dội, tác động đến các nền kinh tế khắp nơi trên thế giới. Các phương tiện truyền thông truyền thống ở nhiều quốc gia, nhất là báo in cũng đã trở thành đối tượng bị tác động đầu tiên, nếu không đóng cửa thì cũng rơi vào tình cảnh khốn khó do doanh thu quảng cáo sụt giảm mạnh. Để duy trì sự tồn tại, nhiều phương tiện truyền thông truyền thống đã đẩy nhanh sự chuyển đổi, bao gồm thay đổi chiến lược kinh doanh chuyển sang Internet. Sự sa sút của báo chí địa phương đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt thông tin. Do đó, bên cạnh để cho các cơ quan truyền thông nghĩ cách tương trợ nhau, chính phủ các nước cũng bắt đầu đưa ra phương án hỗ trợ, giúp ngành công nghiệp truyền thông giảm nhẹ nỗi đau chuyển đổi do dịch bệnh gây nên.
* Tác động của dịch COVID-19
Dịch COVID-19 xuất hiện đột ngột càn quét khắp nơi trên thế giới đã đẩy nhanh việc thay đổi phương thức tiếp nhận thông tin của mọi người, cũng như số phận của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặc biệt là quá trình chuyển đổi để tồn tại hoặc đóng cửa của loại hình báo in.
Năm 2020, Viện nghiên cứu báo chí Reuters đã thực hiện một cuộc khảo sát với chủ đề các cơ quan truyền thông chịu ảnh hưởng như thế nào của dịch bệnh. Kết quả cho thấy lượng khán giả của hầu hết các phương tiện truyền thông độc lập gia tăng trong thời gian dịch bệnh, nhưng gần 20% phương tiện truyền thông được phỏng vấn (chủ yếu là báo giấy) cho biết, lượng độc giả nhìn chung giảm xuống. Theo kết quả khảo sát, các phương tiện thông tin, tạp chí thương mại có nguồn thu chủ yếu dựa vào quảng cáo và các phương tiện truyền thông địa phương chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh.
Cuộc khảo sát này được tiến hành từ tháng 7-8/2020, đối tượng phỏng vấn là đại diện 165 tổ chức truyền thông độc lập khắp thế giới, nhưng không bao gồm đại diện các cơ quan truyền thông thuộc sở hữu nhà nước hoặc do chính phủ kiểm soát. Vào thời điểm đó, hơn 80% đại diện các tổ chức truyền thông được phỏng vấn cho rằng doanh thu năm 2020 sẽ sụt giảm, trong đó khoảng 36% dự kiến doanh thu sẽ giảm trên 30%, chỉ có 14% đại diện các tổ chức truyền thông được phỏng vấn cho rằng sẽ có doanh thu ổn định hoặc tăng trưởng trong năm 2020.
Báo cáo khảo sát được Viện nghiên cứu báo chí Reuters công bố vào tháng 11/2020 nhấn mạnh, nếu kết quả khảo sát đủ để phản ánh bức tranh chung của ngành truyền thông toàn cầu, thì chỉ riêng ngành báo chí, doanh thu có thể đã sụt giảm khoảng 30 tỷ USD trong năm 2020. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nhà báo, đặc biệt là những nhà báo đang làm việc ở các quốc gia và khu vực tương đối nghèo khó.
Tại Mỹ, trong một thông báo tháng vào 12/2020, tờ The New York Times cho biết, có hơn 37.000 nhà báo Mỹ chịu các ảnh hưởng như thất nghiệp, nghỉ việc bắt buộc hoặc giảm lương… Theo báo cáo của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) được công bố vào tháng 10/2020, doanh thu quảng cáo trong quý II/2020 của báo chí Mỹ giảm 42% so với cùng kỳ, trong khi doanh thu phát hành giảm 8%. Theo số liệu của Viện nghiên cứu truyền thông Poynter (Mỹ), bắt đầu từ tháng 3/2020, ít nhất có 60 hãng truyền thông của Mỹ ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh, ngoài ra còn có một số hãng sáp nhập hoặc tạm ngừng xuất bản.
"Báo cáo về sự phát triển của ngành công nghiệp truyền thông Trung Quốc (2020)" do Giáo sư Thôi Bảo Quốc thuộc Đại học Thanh Hoa công bố gần đây nhấn mạnh kênh phát hành truyền thống của báo chí bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh, một số tờ báo áp dụng biện pháp ngừng hoạt động tạm thời, ở một số khu vực đã xuất hiện tình trạng báo chí chỉ tồn tại trên danh nghĩa. Một số phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin có khoảng 30 phương tiện truyền thông báo giấy tuyên bố đóng cửa hoặc tạm ngừng xuất bản trước Tết dương lịch năm nay.
Ngoài các phương tiện truyền thông báo giấy, các loại hình truyền thông khác như truyền hình và phát thanh cũng bị tác động bởi dịch bệnh. Một báo cáo nghiên cứu của mạng thông tin tin tức CP24 thuộc Công ty viễn thông Bell của Canada cho thấy, trong vòng 3 năm tới Canada sẽ có 40 tờ báo và đài truyền hình, cũng như 200 đài phát thanh phải ngừng hoạt động. Báo cáo nhấn mạnh do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nên nhiều nhà quảng cáo ngưng hoặc cắt giảm kinh phí quảng cáo dẫn đến doanh thu của ngành truyền thông sụt giảm đột ngột, dự kiến đến năm 2022 doanh thu của toàn ngành sẽ sụt giảm khoảng 1,06 tỷ CAD (830 triệu USD).
* Chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa
Các tổ chức truyền thông đang tìm mọi cách để tồn tại, chìa khóa để chuyển đổi tồn tại của các phương tiện truyền thông truyền thống bao gồm xây dựng kế hoạch số hóa dài hạn, mở rộng đối tượng đọc báo điện tử trả phí, cũng như tích cực gian tăng nguồn thu và giảm thiểu các khoản chi.
Kết quả một cuộc khảo sát được Reuters công bố trong tháng 1/2021 cho thấy 76% trong số 234 nhà quản lý truyền thông đến từ 43 quốc gia được phỏng vấn cho rằng dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của họ. Chẳng hạn, tập đoàn truyền thông News Corp của Australia đã đẩy nhanh việc thực hiện kế hoạch số hóa vào tháng 5/2020, ngừng in 112 tờ báo cộng đồng và khu vực, đồng thời chuyển 76 tờ báo giấy thành báo điện tử, 36 tờ còn lại ngừng xuất bản.
Nhiều phương tiện truyền thông truyền thống chuyển sang chế độ “đăng ký đọc có thu phí” để tăng doanh thu số. Tháng 7/2020, tờ Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong (Trung Quốc) bắt đầu thu phí nội dung trực tuyến. Theo kết quả khảo sát của Reuters, 76% nhà quản lý của ngành truyền thông được phỏng vấn cho rằng thúc đẩy đăng ký đọc thu phí kỹ thuật số là nguồn thu “quan trọng” hoặc “rất quan trọng”, vượt qua quảng cáo hiển thị (Display Advertising) và quảng cáo tự nhiên (Native Advertising).
Các tờ The New York Times, The Washington Post, The Wall Street Journal cũng đều dần chuyển trọng tâm sang đăng ký đọc báo điện tử trả phí. Theo số liệu thống kê, quý III/2020, số người đăng ký đọc báo điện tử trả phí của tờ The New York Times lần đầu tiên vượt số khách hàng đăng ký báo giấy, tổng số khách hàng đăng ký trả phí cho phương tiện truyền thông báo giấy và kỹ thuật số đạt 7 triệu, mức cao nhất từ trước đến nay.
Theo Meredith Levien, Giám đốc điều hành tờ The New York Times, đăng ký đọc báo trả phí kỹ thuật số không chỉ trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng, mà sau cùng còn trở thành nghiệp vụ lớn nhất của các tổ chức truyền thông báo chí. Tuy nhiên, “Báo cáo tin tức kỹ thuật số năm 2020” do Reuters công bố cũng nhấn mạnh, về phương diện người đọc trả phí, chỉ một số thương hiệu tin tức lớn trong nước và quốc tế chiếm phần lớn thị phần, nhiều phương tiện truyền thông báo chí tầm trung và địa phương vẫn phải chật vật để tồn tại.
Đồng thời, với việc chuyển trọng tâm sang kỹ thuật số, một số tờ báo cũng đã chủ động nâng cao chất lượng thông tin, đặc biệt một số tờ báo lựa chọn chiến lược tập trung nguồn lực để khai thác thị trường mới, xây dựng nội dung đa dạng, chẳng hạn như phát sóng kỹ thuật số để thu hút độc giả, mở rộng lượng khách hàng đăng ký.
Cải cách mô hình kinh doanh để mở rộng nguồn thu, đồng thời cũng giúp một số phương tiện truyền thông dòng chính hoạt động theo mô hình tích hợp bắt đầu thu được thành tựu. Tờ The Independent của Anh đã ngưng toàn bộ nghiệp vụ báo giấy để chuyển sang kỹ thuật số cách đây 4 năm, đồng thời kết hợp các hình thức quảng cáo số, thương mại điện tử, thu thập hội viên và quyên góp mở… Tháng 3/2020, tờ báo công bố doanh thu năm tăng 9%, hơn nữa đạt được lợi nhuận trong 3 quý liên tiếp.
Theo phân tích dự báo của Reuters, cùng với sự tăng trưởng bùng nổ của thương mại điện tử, ngày càng nhiều nhà xuất bản báo chí sẽ chú trọng hơn đến phát triển nghiệp vụ này. Chẳng hạn, từ trang mạng bình luận độc lập Wirecutter của tờ The New York Times, đến sản phẩm và thiết bị nấu ăn thương hiệu Tasty do BuzzFeed đưa ra đều là ví dụ điển hình về việc mở rộng nguồn thu.
* Vai trò của tin tức chất lượng cao
Một số học giả lo ngại rằng làn sóng phá sản báo chí và việc các phương tiện truyền thông truyền thống chuyển sang Internet có thể làm gia tăng tình trạng thiếu hụt thông tin, đặc biệt là đối với những khu vực tương đối khó khăn hoặc Internet không phổ cập. Một báo cáo của Đại học Bắc Carolina nhấn mạnh, trong 5 năm tới sẽ có hơn 2.100 tờ báo của Mỹ ngừng xuất bản, tương đương với 1/4 số lượng báo chí của Mỹ, trong đó phần lớn là các tờ báo địa phương. Điều này dẫn đến tình trạng rất nhiều người ở địa phương không có báo để xem, nhiều tờ báo mặc dù vẫn đang hoạt động cũng cắt giảm mạnh nhân sự và dường như trở thành “báo ma” không có thông tin nguồn hoặc thông tin chuyên sâu.
Báo cáo nhấn mạnh, phần lớn mọi người sống trong “sa mạc tin tức”, nghĩa là tình trạng thiếu báo chí địa phương. Nhiều người thiếu dịch vụ Internet tốc độ cao, nền tảng tiếp nhận thông tin cũng rất hạn chế, và một khi mất đi các phương tiện báo chí địa phương cung cấp nguồn thông tin cho cộng đồng, về cơ bản sự hiểu biết của họ đối với những vấn đề quan trọng của địa phương sẽ ít đi.
Nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ về thúc đẩy văn học và tự do ngôn luận PEN phản ánh ảnh hưởng của hệ sinh thái báo chí địa phương đối với cộng đồng khu vực, bao gồm cả việc các phương tiện truyền thông địa phương không có khả năng giám sát các chính sách địa phương hoặc hành vi tiêu cực của các quan chức công vụ do không đủ nhân viên, không có báo chí địa phương lên tiếng cho cộng đồng, những vấn đề tồn tại và yêu cầu của các khu vực khó khăn thường bị bỏ qua.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu báo chí, chính trị và chính sách công Shorenstein thuộc Đại học Harvard cho rằng, thông tin chất lượng cao đã được kiểm chứng thực tế có lợi cho khán giả nắm chắc tình hình và xu hướng phát triển của địa phương mình trong tương lai. Không có báo chí, sự xuống cấp về quyền phát ngôn của công dân, cũng như năng lực ban hành chính sách chuẩn xác của chính quyền đối với cử tri sẽ giảm xuống đáng kể.
Một báo cáo của trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) cũng nhấn mạnh, nhiều nhà nghiên cứu chứng minh rằng việc mất đi báo chí địa phương sẽ hạ thấp mức độ tham gia chính trị của người dân và mức độ giải trình của quan chức địa phương, cử tri cũng sẽ phân hóa nhiều hơn.
Hơn nữa, do trên các nền tảng truyền thông xã hội đầy rẫy các dư luận cực đoan, thông tin giả, thậm chí là những nội dung giả tạo được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo, nên vấn đề làm thế nào để phân biệt thật giả và sự nguy hại của thông tin giả trên mạng gây ra cũng trở thành thách thức của người sử dụng mạng, thậm chí là chính phủ các nước.
Đặc biệt là trong thời gian dịch bệnh, nhu cầu lớn nhất của mọi người là nguồn thông tinh đáng tin cậy, cho dù là các vấn đề như chuyển tải thông tin dịch bệnh, quan chức chính phủ triển khai viện trợ như thế nào, hay phản bác thông tin giả… thì các phương tiện truyền thông truyền thống vẫn đóng vai trò quan trọng.
Để ứng phó với những vấn đề tiềm ẩn này, một số tổ chức truyền thông lớn đã đi đầu trong việc hợp tác với các tổ chức truyền thông địa phương, cung cấp nguồn lực cho các tổ chức truyền thông địa phương, giúp các tờ báo địa phương có thể tiếp tục phục vụ cộng đồng.
Năm 2017, BBC và Hiệp hội truyền thông báo chí bắt đầu đưa ra chương trình “Hợp tác báo chí địa phương”, tài trợ mời hơn 150 nhà báo khắp nước Anh đưa các tin tức địa phương có liên quan. Theo đó, kể từ khi đưa ra chương trình này, những nhà báo được mời đã cung cấp hơn 130.000 thông tin nguồn, bao gồm những thông tin điều tra sự lạm quyền của công chức địa phương, cũng như thúc đẩy thành công việc thay đổi chính sách địa phương để ngăn chặn quan chức lợi dụng các lỗ hổng tư lợi… BBC cũng đã chọn một phần ba các bản tin để đạt được hiệu ứng "đôi bên cùng có lợi".
Khi hỗ trợ cho các phương tiện truyền thông địa phương, các tổ chức truyền thông hàng đầu cũng có thể nâng cao sức ảnh hưởng trong ngành, và vấn đề quan trọng hơn là điều này giúp giảm bớt khó khăn cho các phương tiện truyền thông địa phương trong việc phải từ bỏ đưa tin những vấn đề quan trọng do thiếu nhân lực, từ đó giảm nhẹ lỗ hổng thiếu hụt thông tin. Được biết, New Zealand và Canada cũng đưa ra chương trình tương tự.
* Sự hỗ trợ của chính phủ
Việc chính phủ đưa ra phương án hỗ trợ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong xoa dịu nỗi đau chuyển đổi do dịch bệnh gây nên. Tháng 7/2020, Pháp thông qua dự luật, miễn thuế cho những gia đình đặt báo 50 euro trên 12 tháng. Trong cùng tháng, Mỹ cũng đã đưa ra “Luật phát triển bền vững báo chí địa phương” tương tự, miễn thuế cho người đăng ký đọc báo điện tử trả phí, các tổ chức truyền thông báo chí và chi phí quảng cáo của một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương, song hiện nay dự luật này vẫn chưa có tiến triển tại quốc hội.
Về chiến lược “xử lý triệt để” dài hạn, một số nước đề xuất đánh thuế kỹ thuật số để hỗ trợ các ngành nghề bị tác động, bao gồm ngành truyền thông truyền thống. Các nước châu Âu như Anh, Pháp… đều bắt đầu đánh thuế kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ như Facebook, Amazon, Google…
Trợ lý Tổng thư ký Liên đoàn Nhà báo Anh Seamus Dooley cho biết, cuộc khủng hoảng này là cơ hội để hành động, kêu gọi chính quyền địa phương xem xét đánh thuế kỹ thuật số cao hơn đối với những ông lớn công nghệ để tài trợ “chương trình phục hồi báo chí” lâu dài. Các cơ quan chức năng Anh cho biết, việc đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số mới bắt đầu triển khai từ tháng 4/2020 dự kiến thu về 280 triệu bảng trong năm đầu tiên, đến năm 2025 sẽ đạt mức 500 triệu bảng.
Tháng 4/2020, Chính phủ Australia cũng tuyên bố sẽ soạn thảo dự luật, buộc Google và Facebook phải trả tiền khi sử dụng thông tin của các tổ chức truyền thông báo chí Australia. Dự luật này sau khi trình lên quốc hội vào tháng trước đã được chuyển cho một ủy ban Thượng viện xem xét và sẽ báo cáo trong tháng 2/2021, sau đó tiến hành bỏ phiếu tại quốc hội.
Tuy nhiên, Google và Facebook phản đối mạnh mẽ. Facebook tuyên bố nếu có dự luật liên quan được thông qua sẽ chặn các tài khoản của người Australia đăng lại tin tức trên nền tảng này. Google cũng tuyên bố nếu Chính phủ Australia kiên quyết thúc đẩy dự luật này thì sẽ khóa các chức năng hỗ trợ tìm kiếm của Google ở Australia. Dự báo, tiến độ và hiệu lực của dự luật này như thế nào trong thời gian tới, và liệu dự luật có gây ra những ảnh hưởng sâu sắc đối với ngành công nghiệp truyền thông hay không sẽ nhận được sự quan tâm của toàn thế giới./.
Theo TTXVN