Bản đồ sáng chế là bức tranh toàn cảnh công nghệ của quốc gia và là công cụ quan trọng trong hoạt động đổi mới sáng tạo, để khai thác thông tin sáng chế góp phần thúc đẩy đưa sáng chế vào cuộc sống. Bản đồ công nghệ là nguồn dữ liệu sáng chế quý giá được sử dụng tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới và mang lại hiệu quả thiết thực nhưng tại Việt Nam bản đồ sáng chế vẫn còn đang rất mới mẻ, chưa thực sự được khai phá và áp dụng tại Việt Nam.

Xây dựng bản đồ sáng chế – Mang tính cấp thiết
Bản đồ sáng chế là tập hợp các thông tin sáng chế được mô tả dưới dạng trực quan, cung cấp thông tin hữu ích cho hoạt động của các cơ quan quản lý, tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp, giúp dự báo xu hướng phát triển công nghệ, hoạch định chính sách, chiến lược sản xuất kinh doanh, phân tích thị trường tiềm năng, đối thủ cạnh tranh...
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long khẳng định: Bản đồ sáng chế không chỉ giúp phát hiện các "khoảng trống" công nghệ, giảm thiểu xung đột bằng sáng chế, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách sở hữu trí tuệ và tối ưu hóa chiến lược nghiên cứu và phát triển (R&D). Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức… cho thấy, bản đồ sáng chế đã trở thành công cụ quan trọng và được ứng dụng rộng rãi trong quản lý tài sản trí tuệ, xây dựng chiến lược sản phẩm và thu hút đầu tư vào các ngành công nghệ mũi nhọn. Vì vậy, việc xây dựng và đưa vào sử dụng bản đồ sáng chế mang tính cấp thiết.
Liên quan đến Bản đồ sáng chế, ông Ogawa Akira chuyên gia Dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) – Cơ quan hợp tác với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam trong việc nâng cao năng lực xử lý đơn đăng ký sáng chế cũng khẳng định tính cấp thiết trong việc xây dựng, khai thác bản đồ sáng chế, đồng thời cho biết: JICA sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các phương pháp luận hiện đại về xây dựng và khai thác bản đồ sáng chế. Bên cạnh đó, ông Ogawa Akira cũng chia sẻ một số kinh nghiệm quý báu về xây dựng và sử dụng bản đồ sáng chế tại Nhật Bản. Hiện nay, tại Nhật Bản, bản đồ sáng chế được sử dụng rộng rãi không chỉ trong các doanh nghiệp mà còn trong các cơ quan hoạch định chính sách nhằm xác định xu hướng công nghệ và định hướng đầu tư vào nghiên cứu phát triển… Bản đồ công nghệ là công cụ quan trọng khi vẽ lên bức tranh toàn cảnh về công nghệ, sáng chế, để cơ quan quản lý, doanh nghiệp… nắm được chiến lược ngành, quốc gia để từ đó xây dựng chiến lược phát triển phù hợp.
Theo ông Ogawa Akira, chi tiết về các phương pháp xây dựng bản đồ sáng chế đã được triển khai thành công tại Nhật Bản, đồng thời khuyến nghị Việt Nam tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực và xây dựng các công cụ phân tích dữ liệu sáng chế phù hợp với đặc thù của Việt Nam. Đối với doanh nghiệp muốn đổi mới công nghệ, Bản đồ công nghệ sẽ giúp phân tích về những lĩnh vực công nghệ mà thế giới đang tập trung phát triển, công nghệ đang ở giai đoạn phát triển nào của vòng đời để doanh nghiệp đưa ra quyết định trước khi đầu tư, để việc đầu tư đảm bảo mang lại hiệu quả cao.
Công cụ khai thác thông tin sáng chế
Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long nhấn mạnh: Bản đồ sáng chế khẳng định vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tối ưu hóa chiến lược nghiên cứu và phát triển. Trong bối cảnh, sở hữu trí tuệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, thì Bản đồ sáng chế “nổi lên” như một công cụ then chốt, hỗ trợ phân tích xu hướng công nghệ và định hướng chiến lược cho các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu.
Cục trưởng Lưu Hoàng Long cho rằng, việc xây dựng và đưa vào ứng dụng hiệu quả bản đồ sáng chế sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đưa các sáng chế vào cuộc sống và thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao... Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tăng cường thu thập và phân tích dữ liệu sáng chế, nâng cao năng lực sử dụng bản đồ sáng chế trong các doanh nghiệp và viện nghiên cứu, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến xong việc xây dựng, sử dụng và khai thác bản đồ sáng chế.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bản đồ sáng chế, ông Phạm Ngọc Pha, Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, Bản đồ sáng chế là bức tranh về thông tin sáng chế, rất hữu dụng cho các tổ chức quản lý và nghiên cứu, cung cấp thông tin có giá trị khi hoạch định các chính sách và xác định nội dung nghiên cứu tại các tổ chức chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học... Đồng thời, công nghệ không ngừng thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh do sự cạnh tranh khắc nghiệt của thị trường, nhu cầu đa dạng và yêu cầu đổi mới sản phẩm của khách hàng. Bản đồ công nghệ còn thể hiện tiến trình thay đổi công nghệ giúp các doanh nghiệp nói riêng, các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế nói chung hoạch định chiến lược, chính sách phát triển một cách phù hợp và có lợi nhất.
Bản đồ sáng chế không chỉ là công cụ khai thác thông tin sáng chế mà còn giúp xác định xu hướng nghiên cứu công nghệ hàng năm, nhóm ngành hoặc lĩnh vực công nghệ đang chú trọng phát triển; phân tích xu hướng nộp đơn sáng chế của quốc gia trong một lĩnh vực công nghệ cụ thể... Đồng thời, thể hiện các thông tin hữu ích như: xác định công nghệ đang ở dạng nghiên cứu hàn lâm hay đã được áp dụng hoặc có nhiều tiềm năng áp dụng, tìm kiếm lĩnh vực công nghệ tiềm năng; tìm kiếm các ý tưởng, giải pháp mới, giảm thiểu lãng phí trong việc đầu tư vào những công nghệ không phù hợp hoặc các hướng công nghệ không đạt hiệu quả. Bản đồ sáng chế góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa khai thác tài sản trí tuệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong kỷ nguyên số./.
Theo TTXVN