Các trung tâm dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây đang đẩy nhu cầu và sản xuất năng lượng lên mức chưa từng có. Theo dự báo của Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu điện toàn cầu có thể tăng tới 75% vào năm 2050, trong đó tham vọng phát triển AI của ngành công nghệ là động lực chính.
Những trung tâm dữ liệu phục vụ AI và điện toán đám mây sớm sẽ phát triển đến mức tiêu thụ điện năng nhiều hơn cả các thành phố lớn. Khi các "ông lớn" trong cuộc đua AI đẩy mạnh phát triển và triển khai công nghệ, họ nhận ra nhu cầu năng lượng ngày càng mâu thuẫn với mục tiêu phát triển bền vững.
"Một trung tâm dữ liệu cần lượng điện ngang ngửa thành phố Chicago không thể chỉ đơn thuần xây dựng cơ sở hạ tầng mà không tính đến nhu cầu năng lượng," ông Mark Nelson, Giám đốc điều hành Tập đoàn Radiant Energy nhận định. "Đó là nhu cầu điện ổn định, liên tục 24/7 suốt 365 ngày trong năm," ông nói thêm.
Sau nhiều năm tập trung vào năng lượng tái tạo, các tập đoàn công nghệ lớn giờ đây đang hướng đến năng lượng hạt nhân như một giải pháp cung cấp điện quy mô lớn, hiệu quả và bền vững hơn.
Google, Amazon, Microsoft và Meta là những cái tên nổi bật đang tìm hiểu hoặc đầu tư vào các dự án điện hạt nhân. Được thúc đẩy bởi nhu cầu năng lượng từ các trung tâm dữ liệu và mô hình AI, những thông báo của họ đánh dấu khởi đầu cho một xu hướng mới của toàn ngành.
Michael Terrell, Giám đốc cấp cao về năng lượng và khí hậu của Google cho biết: "Chúng tôi nhận thấy năng lượng hạt nhân mang lại nhiều lợi ích. Đây là nguồn điện không phát thải carbon, có thể hoạt động liên tục và tạo ra tác động kinh tế to lớn".
Dù năng lượng hạt nhân từng bị gạt bỏ trong quá khứ do nỗi sợ về sự cố và rủi ro an toàn - cùng những thông tin sai lệch làm trầm trọng thêm những lo ngại đó - các chuyên gia nhận định làn sóng đầu tư gần đây từ các công ty công nghệ đang mở ra "kỷ nguyên phục hưng" của năng lượng hạt nhân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Mỹ và trên toàn cầu./.
Thanh Tùng (TTXVN)