Năm 2024 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử nhân loại và cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ toàn cầu đạt mức tăng hơn 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Trước những hiện tượng khí hậu ngày càng cực đoan đòi hỏi các nước trên thế giới cần tăng cường vai trò mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.
2024 - năm nóng nhất trong lịch sử
Sau những đợt nắng nóng gay gắt, năm 2023 đã được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử kể từ thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900 đến nay. Thế nhưng, theo số liệu do Tổ chức Biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (European Union's Copernicus Climate Change Service - C3S) thì kỷ lục của năm 2023 đã phải nhường chỗ cho năm 2024, khi mỗi tháng trong năm 2024 đều ghi nhận nhiệt độ nóng hơn so với cùng kỳ của những năm trước.
Ngày 9/12/2024, Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu Copernicus (Copernicus Climate Change Service - C3S) công bố báo cáo nhấn mạnh năm 2024 "chắc chắn" là năm nóng nhất được ghi nhận từ trước đến nay và là năm đầu tiên vượt "lằn ranh đỏ" vốn được vạch ra trong việc bảo vệ hành tinh khỏi tình trạng quá nóng đến mức nguy hiểm.
Theo dữ liệu do Cơ quan giám sát khí hậu châu Âu Copernicus (Copernicus Climate Change Service - C3S), trong thời điểm từ tháng 1 đến 11/2024, nhiệt độ trung bình của Trái đất đã vượt quá 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Trong khi đó, nhiệt độ trung bình Trái đất trong năm 2023 vượt quá 1,18 độ C. Với mức vượt 1,5 độ C, năm 2024 đã phá vỡ kỷ lục của năm 2023 và trở thành năm nóng nhất trong lịch sử kể từ khi số liệu chính thức được ghi chép từ năm 1940 đến nay. Tháng 11/2024 vừa qua được xếp hạng là tháng 11 nóng thứ hai chỉ đứng sau kỷ lục tháng 11/2023.
Các nhà khoa học của Liên minh châu Âu (EU) cho biết, dự kiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao đột biến sẽ kéo dài ít nhất đến những tháng đầu năm 2025.
Nguyên nhân của thời tiết nóng cực đoan này được xác định là do biến đổi khí hậu mà con người gây ra, cộng thêm tác động của hiện tượng khí hậu El Nino - một kiểu hình thời tiết khiến nhiệt độ nước biển tăng. Hai nhân tố chính đã khiến cho nhiệt độ Trái đất bị đẩy lên mức cao kỷ lục trong năm 2024.
Khí hậu khắc nghiệt trong năm 2024 đã gây ra nhiều tổn thất về tài sản, con người đồng thời làm trầm trọng thêm các vấn đề về kinh tế, xã hội trên khắp các châu lục. Các quốc gia Nam Mỹ bị mất mùa màng, ảnh hưởng tới giao thông, sản xuất do nạn hạn hán nặng nề; các đợt nắng nóng gay gắt khiến hàng nghìn người thiệt mạng ở Mexico, Mali, Arab và khu vực Nam Á hay những cơn bão thảm khốc ở Đông Nam Á và Mỹ đã gây ra những thiệt hại lớn về con người và tài sản.
Hiện các nhà khoa học cũng đang theo dõi xem hiện tượng thời tiết La Nina có chính thức hình thành vào năm 2025 hay không. Nếu La Nina xuất hiện, Trái đất sẽ hạ nhiệt trong thời gian ngắn do đây là kiểu thời tiết khiến cho bề mặt đại dương lạnh lên, trái ngược với kiểu thời tiết El Nino xuất hiện trong năm 2023 và 2024. Được biết, hiện tại Trái đất đang ở pha trung tính ENSO giao thoa giữa 2 pha nóng El Nino và lạnh La Nina.
Nỗ lực nhưng chưa đủ
Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của môi trường mà đã trở thành vấn đề sống còn đối với sức khỏe cộng đồng và thế giới cần khẩn trương phối hợp hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra.
Không thể phủ nhận, trong năm 2024, cộng đồng thế giới tiếp tục các nỗ lực nhằm đạt được những cam kết nhằm ngăn biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) (tháng 11/2024), các nước tham gia đã thảo luận để tìm kiếm những giải pháp giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ trọng tâm của COP29 là đạt được đồng thuận về mức cam kết hỗ trợ tài chính hằng năm mà các nước phát triển cung cấp nhằm giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo độc lập được Liên hợp quốc công bố, các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần 1.000 tỷ USD viện trợ bên ngoài mỗi năm vào cuối thập kỷ này để ứng phó tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này gấp hàng chục lần cam kết 100 tỷ USD/năm hiện tại. Các nước đang phát triển, nhất là các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latinh và châu Á, từ lâu đã kêu gọi mục tiêu tài chính là 1.300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035. Số tiền này là cần thiết để giúp họ giảm phát thải, xây dựng khả năng thích ứng tác động của biến đổi khí hậu và thích nghi những ảnh hưởng ngày càng tồi tệ của sự nóng lên toàn cầu.
Tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), mặc dù các bên đã đạt được thỏa thuận cuối cùng với mức đóng góp của các nước giàu để hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu tăng lên 300 tỷ USD, song con số này vẫn gây tranh cãi khi không làm hài lòng tất cả các bên. Bất đồng khó có thể thỏa hiệp giữa các nước vì thế tiếp tục là yếu tố cản trở nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất.
Bên cạnh vấn đề tài chính khí hậu, việc chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch cũng là một vấn đề gây tranh cãi không kém trong năm qua. Tuy những cam kết quan trọng về việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch đã được đưa ra tại COP28 (tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, tháng 12/2023), thế nhưng COP29 lại không đưa ra các bước đi cụ thể để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng này. Khi nhắc đến nhiên liệu hóa thạch, COP29 chỉ đề cập việc loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả và khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp những hành động vì khí hậu và điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp để phù hợp Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
Tuy nhiên, trong năm 2024 cũng ghi nhận một kết quả tích cực khi đạt được thỏa thuận kỹ thuật, tạo nền tảng quan trọng để khởi động thị trường carbon toàn cầu do Liên hợp quốc hậu thuẫn, nhằm tài trợ hàng tỷ USD cho các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Tại COP29, gần 200 quốc gia đã thông qua tiêu chuẩn mới về “tín dụng carbon”, mở đường cho một thị trường carbon toàn cầu hoàn chỉnh được hiện thực hóa trong tương lai gần. Mặc dù vậy, đây mới chỉ là các quy tắc cơ bản đưa thị trường vào hoạt động, trong khi một số vấn đề quan trọng khác còn cần được tiếp tục đàm phán, trong đó có vấn đề quản trị và biện pháp bảo vệ.
Hệ thống “tín dụng carbon” được Liên hợp quốc thúc đẩy xây dựng trong nhiều năm qua, cho phép các quốc gia, doanh nghiệp chi trả cho các dự án giảm hoặc loại bỏ CO2 và để bù đắp cho lượng khí thải của quốc gia, doanh nghiệp đó. Tuy nhiên, hoạt động tín dụng carbon tự nguyện gặp khó khăn do không có tiêu chuẩn chung để đánh giá mức giảm khí thải…
Trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng diễn biến nghiêm trọng, đòi hỏi chúng ta hành động khẩn cấp để tăng cường cơ chế ứng phó cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. Các nước trên thế giới cần tăng cường vai trò mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu đang diễn ra./.
Theo TTXVN