Không chỉ tạo ra cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng là “miền đất đầy hấp dẫn” của các quốc gia mong muốn trở thành siêu cường công nghệ trong khu vực. Cuộc đua AI, vì thế chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt mà ngày càng nóng lên trên toàn cầu.
Trên bình diện quốc gia, Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành một trong ba quốc gia hàng đầu trên thế giới về AI. Chính phủ nước này cho biết sẽ tăng cường đầu tư phát triển chip bộ nhớ băng thông cao và đầu tư phát triển công nghệ AI thế hệ mới. Theo đó, vào năm 2027, chính phủ sẽ đầu tư 6,9 tỷ USD vào lĩnh vực AI nói chung và chip AI nói riêng, đồng thời thiết lập quỹ để hỗ trợ các công ty nghiên cứu và phát triển chip AI. Riêng trong năm 2024, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 527 triệu USD vào 69 lĩnh vực để thúc đẩy những đổi mới mà AI đem lại trong cuộc sống hằng ngày của người dân, cũng như trong các ngành công nghiệp và dịch vụ hành chính của chính phủ. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ thông tin Hàn Quốc, hiệu quả kinh tế của việc ứng dụng AI có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP trung bình hằng năm tăng thêm 1,8 điểm phần trăm. Chính phủ Hàn Quốc coi việc ứng dụng phổ biến công nghệ AI là cơ hội để giải quyết các thách thức hiện nay ở nước này như tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ sinh giảm.
Thái Lan cũng đề ra lộ trình chiến lược AI quốc gia 5 năm (2022-2027) với mục tiêu biến nước này trở thành trung tâm AI của Đông Nam Á vào năm 2027. Chiến lược này cũng nhằm mục đích nâng cao vị thế của Thái Lan về chỉ số sẵn sàng AI từ vị trí thứ 59 năm 2021 lên top 50 vào năm 2025, đảm bảo ít nhất 600.000 người Thái có nhận thức về luật và đạo đức AI. Chiến lược này cũng dự kiến sẽ tạo ra 1,32 tỷ USD về tác động kinh doanh và xã hội vào năm 2027. Trong khuôn khổ chiến lược AI quốc gia, Thái Lan đã mở rộng hợp tác với các công ty công nghệ lớn trong lĩnh vực AI. Cụ thể trong năm 2023, chính phủ Thái Lan đã ký bản ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực AI với cả Microsoft và “gã khổng lồ” công nghệ Huawei của Trung Quốc. Thái Lan cũng chuẩn bị sẵn sàng dự thảo luật điều chỉnh các quy định liên quan AI.
Ở cấp tập đoàn, tính riêng trong tháng 4/2024, nhiều “gã khổng lồ” về công nghệ trên thế giới đã đua nhau có những bước tiến vượt bậc về AI.
Công ty truyền thông xã hội và công nghệ Mỹ Meta Platforms tháng 4/2024 đã phát hành các phiên bản của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mới nhất mang tên Llama 3, cùng với một trình tạo hình ảnh có khả năng cập nhật hình ảnh theo thời gian thực dựa trên các yêu cầu bằng văn bản của người dùng. Đây được xem là một bước đi của Meta nhằm bắt kịp OpenAI, công ty dẫn đầu thị trường AI tạo sinh.
AI tạo sinh (Generative AI) là một loại Trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có, đây cũng là một phần ứng dụng của lĩnh vực máy học (Machine Learning). Cũng giống như các dạng trí tuệ nhân tạo khác, AI sẽ “học” cách thực hiện các hành động được yêu cầu nhờ vào các dữ liệu đã thu thập được trong quá khứ. Nhưng thay vì chỉ đơn giản là phân loại hoặc xác định dữ liệu như các AI phổ biến khác, Generative AI sẽ tạo ra nội dung hoàn toàn mới - từ văn bản, hình ảnh, thậm chí cả mã máy tính.
Các mô hình trên sẽ được tích hợp vào trợ lý ảo Meta AI của Meta và theo đánh giá của công ty công nghệ này, đây sẽ là trợ lý ảo miễn phí tiên tiến nhất hiện nay. Meta AI vượt trội về khả năng lập trình và sáng tác so với các đối thủ, trong đó có Google của Alphabet (Mỹ) và Mistral AI của Pháp. Trợ lý Meta AI cải tiến sẽ đóng vai trò nổi bật hơn trong các ứng dụng Facebook, Instagram, WhatsApp và Messenger của Meta, đồng thời có thêm trang web riêng để cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT, sản phẩm ăn khách của OpenAI được Microsoft hỗ trợ.
Tập đoàn công nghệ Microsoft của Mỹ - hiện dẫn đầu thế giới về AI - cũng công bố kế hoạch thành lập một trung tâm AI tại thủ đô London (Anh), chú trọng vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Mặc dù hiện chưa rõ trung tâm mới sẽ tạo ra bao nhiêu việc làm, nhưng kế hoạch trên dựa vào cam kết gần đây của Microsoft đầu tư 3,16 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu và cải thiện kỹ năng AI trên khắp nước Anh.
Trong khi đó, “gã khổng lồ” công nghệ Amazon cũng “mạnh tay” đầu tư cho AI khi đang thực hiện khoản đầu tư bên ngoài lớn nhất trong lịch sử 30 năm của hãng với quyết tâm giành ưu thế trong cuộc đua AI. Amazon cho biết sẽ chi thêm 2,75 tỷ USD để hỗ trợ Anthropic - công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco và đang được xem là công ty đi đầu trong lĩnh vực AI tạo sinh. Đây là đợt tài trợ thứ hai của Amazon dành cho công ty này. Trước đó vài tuần, Anthropic ra mắt Claude 3, bộ mô hình AI mới nhất mà công ty này khẳng định là nhanh nhất và mạnh nhất ở thời điểm hiện tại. Theo Anthropic, mô hình mới có khả năng vượt trội so với GPT-4 của OpenAI và Gemini Ultra của Google về các bài kiểm tra tiêu chuẩn ngành, chẳng hạn như kiến thức cấp đại học, lý luận cấp độ sau đại học và toán cơ bản.
Về phần mình, tập đoàn sản xuất chip Nvidia của Mỹ có kế hoạch xây dựng một trung tâm AI trị giá 200 triệu USD tại Indonesia. Sự hiện diện ngày càng tăng của Nvidia tại Indonesia thể hiện sự thúc đẩy mạnh mẽ đầu tư vào Đông Nam Á trong năm 2024, khi nhu cầu dữ liệu trong khu vực bùng nổ nhờ nền kinh tế kỹ thuật số đang phát triển. Hồi tháng 1/2024, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông Singapore Singtel cũng đã tuyên bố hợp tác với Nvidia nhằm triển khai năng lực AI trong các trung tâm dữ liệu của mình. Singtel kỳ vọng lần bắt tay này sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu vực quyền truy cập vào sức mạnh tính toán AI của Nvidia mà không cần khách hàng phải đầu tư và quản lý cơ sở hạ tầng của trung tâm dữ liệu.
Không hề chịu kém cạnh, tập đoàn viễn thông Nippon (NTT) của Nhật Bản thông báo cho ra mắt một nền tảng AI tạo sinh mới có khả năng phân tích các tài liệu chứa biểu đồ và sơ đồ. Nền tảng mới của NTT có tên Tsuzumi, có thể đọc các tài liệu chứa biểu đồ và sơ đồ, có khả năng xử lý tiếng Nhật tốt hơn ChatGPT do OpenAI phát triển. Do có khả năng hiểu hình ảnh, mô hình ngôn ngữ của NTT có thể tóm tắt và trích xuất thông tin cần thiết từ một hình minh họa hoặc biểu đồ. Việc áp dụng rộng rãi công nghệ này trong các doanh nghiệp có thể cải thiện năng suất./.
Theo TTXVN