Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Thách thức từ tình trạng tỷ lệ sinh giảm trên toàn cầu

Ngày phát hành: 03/04/2024 Lượt xem 780


Hiện nay, tình trạng dân số già đang ngày càng phổ biến và trở thành xu hướng khó tránh tại nhiều nước. Tỷ lệ sinh tại nhiều nước thấp kỷ lục khiến dân số giảm và làm thay đổi cấu trúc nhân khẩu học, tác động đáng kể tới kinh tế và xã hội của các nước. Thực trạng này đòi hỏi chính phủ nhiều nước phải tìm giải pháp khắc phục.


 Những con số báo động

 
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy trong 70 năm qua, tỷ lệ sinh toàn cầu đã giảm 50%. Một ghi nhận vào năm 1950 cho thấy, trung bình mỗi gia đình sẽ có 5 đứa trẻ nhưng vào năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn là 2,4. Ở một số nước tiên tiến, tỷ lệ này hiện chỉ khoảng 1,6. Trong đó, tỷ lệ của những nước nằm ở khu vực Đông Á lại đặc biệt thấp, chỉ vào khoảng trên dưới 1 bao gồm cả Trung Quốc.


Tại Hàn Quốc, số trẻ sinh ra năm 2023 ở mức thấp kỷ lục là 229.970 trẻ, giảm hơn 40% so với năm 2017. Số trẻ em sinh ra tại Hàn Quốc trong tháng 1 vừa qua tiếp tục ở mức thấp kỷ lục so với bất cứ tháng 1 nào từ trước đến nay, theo đó có 21.422 trẻ em được sinh ra tại nước này trong tháng 1/2024, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số thấp nhất trong tháng 1 của các năm kể từ khi Tổng cục Thống kê Hàn Quốc bắt đầu thu thập dữ liệu liên quan năm 1981. Tốc độ giảm cũng nhanh dần trong những năm gần đây, từ 1% tháng 1/2022 đến 7,7% tháng 1/2023 và đến tháng 1/2024 là 7,7%. Điều này càng làm gia tăng lo ngại về bức tranh nhân khẩu học của nước này do dân số già hóa nhanh và tỷ lệ sinh đặc biệt thấp.


Theo dự báo, Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia dân số già vào năm 2072 khi độ tuổi trung bình dân số nước này tăng lên 63,4 tuổi, từ mức 44,9 tuổi năm 2022, đồng thời dân số sẽ giảm xuống khoảng 36,22 triệu người, từ mức 51 triệu người năm 2023. Do tỷ lệ sinh quá thấp, lần đầu tiên số trẻ em vào học năm đầu tiên của bậc tiểu học ở nước này dự kiến giảm xuống dưới 400.000 em trong năm nay. Hàng loạt trường đại học ở Hàn Quốc cũng đang phải nỗ lực để đáp ứng chỉ tiêu tuyển sinh thường xuyên.


Hàn Quốc đang đứng trước những biến động nhân khẩu học không thuận lợi, khi nhiều người trẻ tuổi chọn trì hoãn kết hôn, không kết hôn hoặc không có con. Tình trạng này xảy ra theo sau những thay đổi về quan niệm xã hội và lối sống, cũng như những áp lực gia tăng về giá nhà ở, việc làm và kinh tế trì trệ.


Tương tự Hàn Quốc, Nhật Bản, đất nước có hơn 122 triệu dân, cũng vừa phải chứng kiến năm thứ 8 liên tiếp suy giảm dân số. Nhật Bản hiện là nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số với hơn 29%. Các số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản năm ngoái cho thấy số trẻ sơ sinh chào đời trên cả nước đã giảm 5,1% xuống còn 758.631 trẻ, mức thấp nhất từ trước tới nay và là năm thứ 8 giảm liên tiếp. Số cặp đôi kết hôn đã giảm 5,9% xuống 489.281 cặp, đánh dấu lần đầu tiên sau 90 năm con số này  xuống dưới 500.000. Theo dự báo của Viện Nghiên cứu Dân số và An sinh xã hội quốc gia (NIPSSR), nếu số lượng các cặp đôi kết hôn không tăng lên, sẽ không có triển vọng đảo ngược mức tăng sinh.
Tại Trung Quốc, năm 2023 là năm thứ hai liên tiếp dân số nước này giảm nhanh khi tỷ lệ sinh giảm, tỷ lệ tử vong tăng và đất nước từng đông dân nhất thế giới đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học trong tương lai. Chính phủ dự báo đến năm 2035, sẽ có khoảng 400 triệu người tại Trung Quốc trong độ tuổi từ 60 trở lên, chiếm 30% dân số.
Ở Đông Nam Á, Thái Lan cũng được dự báo sẽ trở thành xã hội siêu già vào năm 2029 do tỷ lệ sinh giảm liên tiếp trong những năm qua. Trong khi tổng tỷ suất sinh của Singapore năm 2023 lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống mức dưới 1 và điều này đang đặt ra mối lo ngại về kinh tế và xã hội.


Trong khi đó, tỷ lệ sinh tại Tây Ban Nha năm 2023 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được thống kê năm 1941. Trong năm 2023, tại nước này chỉ có 322.075 trẻ được sinh ra, giảm 2% so với năm 2022 và giảm gần 25% trong 10 năm. Với mức giảm này, Tây Ban Nha trở thành nước có tỷ lệ sinh thấp thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sau Malta. Năm 2023, số người tử vong tại Tây Ban Nha nhiều hơn 113.256 người so với số trẻ được sinh ra và đây là năm thứ 7 liên tiếp số người tử vong vượt số trẻ được sinh ra rại nước này.


Viện Nghiên cứu Dân số Liên bang Đức (BiB) công bố kết quả nghiên cứu cho thấy số ca sinh nở tại Đức cũng giảm rõ rệt trong năm 2023, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009. Theo đó tỷ lệ sinh con tại Đức giảm từ 1,57 trẻ em/1 phụ nữ vào năm 2021 xuống còn khoảng 1,36 trẻ em/1 phụ nữ vào mùa Thu năm 2023. BiB đánh giá sự sụt giảm mạnh này trong vòng 2 năm là "bất thường, vì các giai đoạn tỷ lệ sinh giảm có xu hướng diễn ra chậm hơn trong quá khứ".


Tình hình tại Canada cũng không mấy sáng sủa khi tổng tỷ suất sinh (TFR) của nước này vào năm 2022 chỉ đạt 1,33 trẻ em/phụ nữ, mức thấp nhất trong hơn 100 năm. TFR là ước tính bình quân số con được sinh ra khỏe mạnh của một người phụ nữ trong cả cuộc đời. Tỷ suất này tại Canada bắt đầu xu hướng giảm vào năm 2009, nhưng mức giảm càng lớn vào năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Mức giảm càng rõ hơn vào năm 2022, sau khi TFR tăng nhẹ vào năm 2021.
Tỷ lệ sinh ở khu vực Mỹ Latinh phần lớn cũng đang giảm, trong đó Cuba là trường hợp nổi bật. Dân số Cuba tiếp tục xu hướng già hóa và giảm tự nhiên trong năm 2023 khi chỉ ghi nhận khoảng 90.300 ca sinh, con số thấp nhất trong 6 thập kỷ.

Những thách thức

 
Nguyên nhân khiến tỷ lệ sinh tại nhiều nước giảm là do xu hướng kết hôn giảm khi nhiều người gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn tâm giao vào thời kỳ đại dịch COVID-19. Nhiều người trẻ đã lựa chọn trì hoãn, từ bỏ việc kết hôn hoặc sinh con do thay đổi lối sống hoặc quan niệm sống để phù hợp với những thay đổi về chuẩn mực xã hội. Những lo ngại về tài chính, thu nhập giảm sút cũng đè nặng lên tâm trí giới trẻ. Trách nhiệm chăm sóc con cái vẫn chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, khiến họ gặp trở ngại trong việc cân bằng cuộc sống, cũng như thăng tiến trong sự nghiệp. Đây là lý do khiến nhiều người lựa chọn cuộc sống độc thân, chẳng hạn như tại Nhật Bản, tính đến năm 2020, tỷ lệ nam giới Nhật Bản không kết hôn trong suốt cuộc đời là 30%, trong khi con số này năm 1933 là chưa đến 2%.


Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc dân số giảm có thể mang lại lợi ích đối với môi trường và an ninh lương thực, nhưng cũng đi kèm những bất lợi về nguồn cung lao động, an sinh xã hội,...


Tỷ lệ sinh thấp và dân số già hóa cũng đặt ra mối lo ngại về thiếu hụt nguồn nhân lực, làm tăng chi phí trợ cấp xã hội, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế, đồng thời giảm triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế. Giảm dân số có thể dẫn đến thu hẹp toàn bộ nền kinh tế, khi vừa gây thiếu nhân lực cho ngành sản xuất, dịch vụ, đồng thời cũng làm giảm sức mua, tiêu dùng. Giảm dân số cũng dẫn đến giảm số người lao động có khả năng gánh vác hệ thống bảo hiểm xã hội, trong khi dân số già hóa lại khiến nguồn chi cho lương hưu, y tế và các bảo hiểm xã hội khác tăng nhanh, đặt ra nhiều thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.


Tuy nhiên, cũng có một thực tế là trong khi giảm mạnh ở các quốc gia giàu có đang có dân số già hóa, thì tỷ lệ sinh sẽ tiếp tục tăng ở các nước có thu nhập thấp hơn, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về kinh tế và chính trị hơn, đặc biệt là ở các nước châu Phi Nam Sahara. Dự báo tỷ lệ trẻ sinh sống trên thế giới ở các khu vực thu nhập thấp sẽ tăng gần gấp đôi từ 18% vào năm 2021 lên 35% vào năm 2100. Riêng khu vực châu Phi cận Sahara sẽ chiếm 1/2 trẻ em được sinh ra trên hành tinh vào năm 2100.


Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ sinh nhiều hơn ở các nước thu nhập thấp sẽ đe dọa an ninh lương thực, nước và các tài nguyên khác và sẽ khiến việc cải thiện tỷ lệ tử vong ở trẻ em càng trở nên khó khăn hơn. Sự bất ổn chính trị và các vấn đề an ninh cũng có thể nảy sinh ở những khu vực dễ bị tổn thương này.

Tìm hướng khắc phục

 
Các nhà nghiên cứu nhận định rằng, những thay đổi sâu sắc về mức sinh trong tương lai cho thấy sự phân chia nhân khẩu học rõ ràng tác động lên nhiều quốc gia. Điều này đòi hỏi chính phủ các nước phải thực hiện các chính sách an toàn và có lợi để giúp hỗ trợ các điều kiện có thể làm tăng tỷ lệ sinh ở các quốc gia có dân số già.


Trợ cấp tài chính là một trong các biện pháp mà Chính phủ Hàn Quốc triển khai nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con. Từ năm 2024, các gia đình Hàn Quốc có thể nhận được khoản trợ cấp trị giá lên tới 29,6 triệu won (22.154 USD) cho mỗi trẻ. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã thành lập một nhóm đặc trách để xây dựng chính sách khuyến khích sinh con.


Để giảm áp lực già hóa dân số nhanh, Trung Quốc chủ trương cho phép mỗi cặp vợ chồng có thể sinh 3 con, tăng dần tuổi nghỉ hưu và hoàn thiện hệ thống dưỡng lão. Chính phủ Trung Quốc hiện đang thúc đẩy tỷ lệ sinh thông qua việc tuyên truyền về sinh sản và thực hiện các hình thức trợ cấp. Năm 2016, Trung Quốc đã chấm dứt chính sách mỗi gia đình có một con - áp dụng từ những năm 1980 trong bối cảnh lo ngại về dân số quá đông. Năm 2021, Trung Quốc bắt đầu cho phép các cặp vợ chồng có thể sinh con thứ ba. Để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế khi số người trưởng thành trong độ tuổi lao động bị thu hẹp, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc nên đưa ra nhiều ưu đãi hơn cho việc chăm sóc, nuôi dạy trẻ em.


Nội các Nhật Bản tháng 2/2024 đã nhất trí về dự luật mở rộng các biện pháp trợ cấp hằng tháng cho trẻ em đến 18 tuổi. Theo dự luật, quy định về mức thu nhập đối với các hộ gia đình được nhận trợ cấp sẽ được hủy bỏ. Ngoài ra, Nhật Bản còn tăng trợ cấp cho bố, mẹ đơn thân có từ 3 con trở lên mà thu nhập thấp và bảo đảm những người nghỉ chăm sóc con cái có thể nhận được nhiều phúc lợi hơn. Chính phủ Nhật Bản cũng có kế hoạch tăng chi tiêu hằng năm cho việc chăm sóc trẻ em và nâng tỷ lệ này từ mức 11% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay lên 16%...


Trong khi đó, Bộ Y tế Thái Lan đã phát động chiến dịch mang tên “Sinh con, Thế giới vĩ đại” nhằm khuyến khích các cặp vợ chồng sinh con và thúc đẩy tỷ lệ sinh trong nước vốn đang thấp đáng lo ngại. Bộ có kế hoạch thành lập 119 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước và các phòng khám có thể đưa ra lời khuyên và điều trị cho những người có vấn đề về sức khỏe sinh sản.


Bộ Phát triển gia đình và xã hội Singapore (MSF) có kế hoạch phát triển các dịch vụ trông trẻ, hạ mức trần phí chăm sóc trẻ em tại các trường mầm non chủ chốt và đối tác vào năm 2025. Trong ngân sách 2023, Singapore đã tăng thời gian nghỉ thai sản được chính phủ chi trả lên 4 tuần, khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp công việc linh hoạt để giúp cha mẹ quản lý tốt hơn các cam kết công việc và nghĩa vụ gia đình…


Theo các nhà nghiên cứu, để cải thiện tình trạng thiếu hụt lao động, các chính sách đổi mới lao động và nhập cư cũng cần được chính phủ các nước thúc đẩy mạnh mẽ, như tận dụng những tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, khuyến khích phụ nữ tham gia nhiều hơn vào lực lượng lao động, có thể giúp giảm một số tác động kinh tế của sự thay đổi nhân khẩu học do tỷ lệ sinh giảm này…/.

 

Theo TTXVN
       

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết