Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Han Dong-hoon nhấn mạnh chính sách thị thực là một lĩnh vực liên quan lợi ích quốc gia, không phải là lĩnh vực về bình đẳng hay công bằng.
Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Han Dong-hoon. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Ngày 17/7, Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc Han Dong-hoon cho rằng cần xem xét thiết lập một "tháp điều khiển" chính sách xuất nhập cảnh và nhập cư một cách nhất quán trong bối cảnh dân số già hóa.
Theo đó, Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ sửa đổi chính sách thị thực (Visa) đối với lao động nước ngoài.
Phát biểu tại Diễn đàn Jeju do Phòng Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KORCHAM) tổ chức, Bộ trưởng Han Dong-hoon nhấn mạnh chính sách thị thực là một lĩnh vực liên quan lợi ích quốc gia, không phải là lĩnh vực về bình đẳng hay công bằng.
Theo ông Han Dong-hoon, đã quá muộn để có thể khắc phục tình trạng khủng hoảng dân số Hàn Quốc hiện nay chỉ bằng việc khuyến khích sinh con. Sụt giảm dân số là một vấn đề phức tạp, mang tính cơ cấu và cần tìm ra giải pháp giải quyết thông qua chính sách xuất nhập cảnh, nhập cư.
Bộ trưởng Han Dong-hoon nêu rõ Bộ Tư pháp sẽ ưu tiên chuyển đổi sang Visa lao động lành nghề (E-7-4) đối với người lao động nước ngoài trình độ cao được doanh nghiệp tiến cử, nâng số lượng người nước ngoài được cấp loại thị thực này từ 1.000 người lên 35.000 người.
Visa E-7-4 là Visa làm việc có chuyên môn ở Hàn Quốc, không hạn chế về thời gian cư trú, khác với Visa lao động phổ thông (E9) có thời hạn cư trú tối đa 4 năm 10 tháng.
Bộ Tư pháp cũng sẽ mở rộng các cách thức chuyển đổi sang Visa E-7-4 cho những lao động phổ thông đã được doanh nghiệp kiểm chứng và có mong muốn tự nguyện chuyển đổi để tiếp tục làm việc tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, sẽ cộng điểm và có ưu đãi đối với những nhân lực giỏi tiếng Hàn. Ngoài ra, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp để xúc tiến chính sách tổng hợp, đánh giá toàn bộ quá trình hỗ trợ từ lúc người nước ngoài nhập cảnh cho tới khi ổn định cuộc sống tại Hàn Quốc.
Khi nhậm chức Bộ trưởng Tư pháp năm 2022, ông Han Dong-hoon từng đề xuất thành lập Cơ quan Nhập cư. Ông dẫn chứng thực tế tại Mỹ cho thấy trong số 87 công ty kỳ lân ở nước này năm 2016, có tới 44 công ty có nhà sáng lập là người nhập cư. Theo đó, ông cho rằng Hàn Quốc cần lên phương án thu hút nhân tài ưu tú người nước ngoài và chính sách này phải được đặt lên hàng đầu trong số các chính sách quốc gia.
Theo số liệu của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc, trong năm 2022, nước này ghi nhận 606.000 người nhập cảnh, tăng 196.000 người (47,7%) so với năm 2021.
Trong tổng số người nước ngoài nhập cảnh, người ở lại có Visa làm việc là phổ biến nhất, chiếm 33,4%. Những người đăng ký Visa E9 có số lượng cao nhất là 87.000 người, tăng tới 638,6% so với mức 12.000 người trong năm 2021. Đây là kết quả của việc Chính phủ Hàn Quốc mở rộng hạn ngạch nhằm thu hút lao động nước ngoài.
Liên quan vấn đề dân số, cổng Dịch vụ thông tin thống kê Hàn Quốc ngày 18/7 công bố số liệu cho thấy dân số nước này đang giảm dần ở hầu hết các thành phố và các tỉnh thành. Đáng chú ý, số cư dân ở thủ đô Seoul đã giảm 7,5% (tương đương 766.946 người xuống) xuống còn 9,42 triệu người từ năm 2012-2022.
Đây là tỷ lệ giảm lớn nhất trong số 17 đơn vị hành chính của Hàn Quốc 10 năm qua, tiếp theo là thành phố Busan với mức giảm 6,2% và thành phố Daegu với 5,7%.
Cư dân ở Seoul hiện chiếm 18,3% trong tổng số 51,43 triệu người Hàn Quốc. Năm 2020, dân số Seoul giảm xuống dưới mốc 10 triệu người lần đầu tiên sau hơn 30 năm.
Theo các chuyên gia, giá nhà đất tăng chóng mặt đang khiến cuộc sống ở Seoul trở nên khó khăn hơn và thúc đẩy mọi người chuyển đến các địa phương khác sinh sống như thành phố Incheon và tỉnh Gyeonggi./.
Theo TTXVN