Thứ Ba, ngày 05 tháng 11 năm 2024

Những bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á

Ngày phát hành: 03/08/2022 Lượt xem 5162

Ảnh minh họa


  Theo Giáo sư, Tiến sĩ Obiyathulla Ismath Bacha, chuyên gia tài chính tại Đại học INCEIF, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 vẫn còn nguyên giá trị hiện hữu mà không chỉ các quốc gia châu Á mà cả các nước trên thế giới cần nghiên cứu, tránh đi vào "vết xe đổ" này. 

 

25 năm trước, Đông Á rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Một số quốc gia, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc và Philippines hứng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Những gì bắt đầu như cuộc tấn công vào đồng baht Thái Lan vào tháng 7/1997 đã nhanh chóng lây lan như dịch bệnh sang các quốc gia láng giềng khác. 

 

Trong vòng 3 tháng từ tháng 7-10/1997, đồng baht giảm giá 40%, đồng peso của Philippines cũng trượt giá tới 27% trong khi đồng rupiah mất 40% giá trị và đồng won Hàn Quốc giảm 35% so với đồng USD. 

 

Đây là một đòn giáng nghiêm trọng đối với các quốc gia được mệnh danh là "các nền kinh tế thần kỳ". Cuộc khủng hoảng tiền tệ nhanh chóng biến thành “một cuộc khủng hoảng song sinh”, một thuật ngữ được các nhà kinh tế học đặt tên. Về bản chất, đồng tiền lao dốc và phản ứng chính sách bảo vệ tiền tệ thông qua tăng lãi suất đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng trong nước. Thực tế này đã xảy ra ở 4 nước Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

 

Điều đáng lưu ý là tăng trưởng GDP danh nghĩa trung bình của 4 nước này trong giai đoạn 7 năm trước cuộc khủng hoảng vượt 12%/năm. Tổng cộng lại, mỗi quốc gia đã tăng hơn gấp đôi GDP vào năm 1996 so với mức của năm 1990, là nguồn gốc cho thuật ngữ “các nền kinh tế thần kỳ” mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này không bền vững khi tiền tệ tăng trưởng nhanh, thâm hụt tài khoản vãng lai lớn và dòng vốn chảy vào, đặc biệt là các loại hình ngắn hạn.

 

Theo giới phân tích, có ba nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng này.

Thứ nhất, sự tồn tại của những yếu kém về cơ cấu và sự bóp méo chính sách, trước hết là mức nợ bằng ngoại tệ cao dựa trên lãi suất thay đổi, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh và tỷ giá hối đoái được định giá quá cao. Do các chế độ tỷ giá hối đoái chủ yếu được cố định hoặc bán cố định theo tỷ giá xác định của chính phủ nên việc định giá quá cao hoàn toàn là sự bóp méo chính sách.

 

Thứ hai, rủi ro đạo đức phát sinh từ kết hợp của sự bất cân xứng về thông tin, những đảm bảo ngầm cùng sự thiếu minh bạch. Sự tồn tại của các liên kết chính trị - kinh doanh làm nổi bật các vấn đề lựa chọn bất lợi, làm cho các nền kinh tế cơ bản dễ bị tổn thương. Những lỗ hổng này vẫn được che đậy cho đến khi cuộc khủng hoảng làm sáng tỏ.

 

Thứ ba, đảo ngược dòng vốn và dẫn đến tính thanh khoản kém.

Khi nợ nước ngoài ngắn hạn tích tụ nhanh chóng, một cuộc khủng hoảng có thể được kích hoạt khi năng lực giải quyết các khoản nợ ngắn hạn tồn đọng của một quốc gia rơi vào nghi ngờ. Nếu tồn tại những khoảng trống lớn trong kho tài sản tài chính thanh khoản và tổng dự trữ theo tỷ giá hối đoái cố định, lỗ hổng sẽ hình thành. Với sự mất cân bằng này, một cú sốc đột ngột có thể nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn dự trữ, làm cho tỷ giá hối đoái cố định không bền vững.

 

*Những bài học kinh nghiệm rút ra

Theo Giáo sư Obiyathulla Ismath Bacha, cuộc khủng hoảng giúp giới hoạch định chính sách mở rộng tầm nhìn. Cuộc khủng hoảng này không chỉ chỉ ra cho các nhà hoạch định chính sách các bài học đắt giá mà quan trọng hơn, mang đến các cơ hội thực hiện những cải cách cần thiết nhưng bị giới tinh hoa chính trị cầm quyền chống lại.

 

Bài học đầu tiên, tính minh bạch và công bố thông tin tốt là "liều thuốc giải độc" tốt nhất chống lại các cuộc tấn công đầu cơ, vốn dựa trên sự nhập nhèm, mờ mịt về thông tin cùng các lỗ hổng thông tin. Giai đoạn sau khủng hoảng chứng kiến việc sản xuất và phát hành các thông tin liên quan kịp thời, đặc biệt là về lĩnh vực ngân hàng và tài chính.

 

Bài học quan trọng thứ hai rút ra là tỷ giá hối đoái được cố định không tương thích và có thể rất nguy hiểm đối với các nền kinh tế đang phát triển khi tỷ giá luôn dẫn đến sự không phù hợp về tiền tệ và khuyến khích các công ty đưa ra các quyết sách ít giá trị, thậm chí không có giá trị. Sau cuộc khủng hoảng, có một sự chuyển đổi từ ấn định sang thả nổi tỷ giá có quản lý, điều tiết của chính phủ thông qua ngân hàng trung ương.

 

Tiếp theo, tăng trưởng dựa trên nợ là tăng trưởng bề nổi, không bền vững và dễ xảy ra khủng hoảng. Vị chuyên gia tài chính này khẳng định "câu thần chú" tăng trưởng bằng mọi giá đã bị loại bỏ khi cuộc khủng hoảng cho thấy khả năng dễ bị tổn thương bởi các cú sốc bên ngoài có thể tàn phá cũng như tốn kém như thế nào khi nền kinh tế được sử dụng đòn bẩy cao.

 

Bài học quan trọng thứ ba là cần phải kiểm tra việc chấp nhận rủi ro quá mức của các tác nhân kinh tế, vốn bị thúc đẩy bởi tính háo danh, lòng tham và rủi ro đạo đức khi có thể loại trừ rủi ro, xã hội hóa rủi ro một cách hiệu quả thông qua các đảm bảo ngầm và các gói cứu trợ rõ ràng. 

 

Với các bài học này dành cho giới hoạch định chính sách, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn và các quy định thận trọng được đưa ra, đồng thời các ngân hàng được tái cấp vốn, củng cố và tăng cường. Thị trường vốn được phát triển để thoát khỏi hệ thống ngân hàng đồng tâm vốn không ổn định.

 

*Bài học không rút ra được

Với các bài học kinh nghiệm rút ra, các nền kinh tế đã thu được kết quả khả quan. Đánh giá về thời gian sau khủng hoảng, một số quốc gia như Hàn Quốc và Indonesia, có thể do phải gánh chịu những chi phí lớn về chính trị và nhân lực, đã theo đuổi nhiều hơn các cải cách, trong khi những quốc gia khác như Malaysia thì ít hơn.

 

Theo Giáo sư Obiyathulla Ismath Bacha, với tình hình hiện tại, có vẻ như một số bài học quan trọng vẫn chưa được rút ra.

 

Bài học đầu tiên là về sự nguy hiểm của việc tích tụ nợ, bất kể lĩnh vực nào. Với việc kiếm tiền dễ dàng và lãi suất bị kìm hãm trong nhiều năm, các ngưỡng thanh toán và đòn bẩy có thể chấp nhận được đã được phép tăng lên. 

Ví dụ, một số lĩnh vực ở Malaysia, các hộ gia đình đã tích lũy mức nợ khổng lồ. Các con số được báo cáo thậm chí có thể không bao gồm các khoản nợ ngang hàng và nợ phi chính thức khác. Do đó, phần nhô ra có thể lớn hơn những con số cho thấy. Hơn nữa, một thực tế thường bị bỏ qua là khi các thể chế yếu kém và có lỗi vì chúng dễ uốn nắn, thì khả năng phục hồi sẽ bị tổn hại ngay cả khi ở mức nợ thấp. 

Do đó, tỷ lệ nợ trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể không nhất thiết phản ánh tình trạng dễ bị tổn thương thực sự. Trường hợp cụ thể, tỷ lệ nợ trên GDP của Sri Lanka vào năm 2021 thấp hơn so với Singapore và Nhật Bản trong cùng năm. Ngoài tỷ lệ nợ, tính độc lập và sức mạnh của thể chế là chìa khóa.

 

Bài học thứ hai không được rút ra là quản trị tốt đòi hỏi chính trị và kinh doanh không được phép hòa lẫn với nhau. Nhiều cáo buộc trong cuộc khủng hoảng về chủ nghĩa tư bản thân hữu là gốc rễ của các vấn đề của Malaysia dường như đã không được xem xét một cách nghiêm túc. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những vụ lạm dụng và bê bối tài chính tồi tệ nhất và thái quá nhất của Malaysia đã xảy ra sau khủng hoảng. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự hời hợt của những cải cách được thực hiện. Khi các vị trí trong hội đồng quản trị và lãnh đạo trong các doanh nghiệp liên kết với chính phủ được coi là miếng mồi béo bở được sử dụng để để đạt được lợi ích chính trị, sẽ không thể mong đợi sự quản trị tốt.

 

Bài học quan trọng cuối cùng không rút ra được là việc chỉ áp dụng các quy tắc và quy định, ngay cả những quy định dựa trên các thông lệ quốc tế tốt nhất, là không đủ nếu thiếu việc thực thi và thi hành. Thực tế, nhiều vụ bê bối gần đây đã cho thấy, không phải do thiếu quy định mà do sự giám sát và thực thi không đầy đủ đã khiến chúng trở nên không khả thi. Chính những lỗ hổng trong thực thi và những thất bại trong quy định này có thể khiến Malaysia nói riêng và nhiều quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn trong thời gian tới./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết