Biến đổi khí hậu: Một loạt nước châu Âu đối mặt nắng nóng bất thường
Bơm nước tưới cho một cánh đồng ở Pampliega, Tây Ban Nha.
Người dân Tây Ban Nha tiếp tục trải qua những ngày nắng nóng bất thường trong khi các cơ quan khí tượng dự báo tình trạng này cũng sẽ xảy ra tại những nước khác ở châu Âu, chẳng hạn như Pháp.
Theo Cơ quan khí tượng quốc gia Tây Ban Nha AEMET, nhiệt độ tại nhiều khu vực ở miền Trung và Nam của nước này trong ngày 13/6 đã vượt 40 độ C. Thậm chí, vùng Andalusia, đặc biệt ở các thành phố Cordoba hoặc Seville, ghi nhận mức nhiệt 43 độ C. AEMET cho biết đây là đợt nắng nóng trước mùa Hè chưa từng thấy kể từ năm 1981.
Cơ quan trên giải thích nền nhiệt tại Tây Ban Nha tăng cao do luồng không khí nóng từ Bắc Phi thổi tới. Theo người phát ngôn AEMET, ông Ruben del Campo, nhiệt độ cao bất thường trong nửa đầu tháng 6 xảy ra sau khi Tây Ban Nha trải qua tháng 5 nóng nhất trong ít nhất 100 năm của nước này. Dự báo, thời tiết nắng nóng gay gắt sẽ kéo dài tại nhiều khu vực của Tây Ban Nha từ nay đến ngày 16 hoặc 17/6 tới, vài ngày trước khi mùa Hè chính thức bắt đầu vào ngày 21/6.
Theo ông Ruben del Campo, nhiệt độ trung bình của quốc gia Tây Nam châu Âu hiện tăng thêm 1,7 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Nắng nóng không những khắc nghiệt hơn mà các đợt nắng nóng cũng xảy ra thường xuyên hơn. Ông cho biết thêm mùa Hè ở Tây Ban Nha nóng hơn mỗi năm và ngày càng kéo dài hơn. So với giai đoạn đầu năm 1980, mùa Hè hiện nay kéo dài hơn 1 tháng.
Tại quốc gia láng giềng Pháp, Cơ quan Khí tượng quốc gia METEO dự báo các khu vực phía Nam nước này sẽ hứng chịu nắng nóng từ cuối ngày 14/6, khiến hạn hán tại nhiều nơi trên cả nước trở nên trầm trọng hơn. Từ ngày 15/6 tới, nhiều khu vực của Pháp sẽ ghi nhận mốc nhiệt có thể tăng lên tới 38 hoặc thậm chí 40 độ C. Các nhà dự báo của METEO nhấn mạnh mùa Hè năm nay đến “rất sớm” so với mọi năm. Khoảng 30% các khu vực của Pháp đã áp dụng lệnh hạn chế sử dụng nước trong khi các công ty cấp nước hối thúc người dân tiết kiệm nước.
Tại Bồ Đào Nha, thời tiết nóng bức đã bắt đầu từ ngày 10/6 vừa qua, buộc cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo về nguy cơ cháy rừng. Bồ Đào Nha là một trong số những nước châu Âu đối mặt với cháy rừng dữ dội vào mùa Hè năm ngoái. Hồi năm 2017, cháy rừng đã cướp đi sinh mạng của hàng chục người tại quốc gia này.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp lại chứng kiến mưa bão và lũ lụt từ cuối tuần qua.
Giới khoa học cho rằng biến đổi khí hậu đã làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng. Nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã tăng thêm 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Thập kỷ qua (2011 – 2020) cũng là thập kỷ nóng nhất kể từ khi bắt đầu thời đại công nghiệp và 6 năm qua cũng là giai đoạn nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử./.
Theo TTXVN