Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024

Phục hồi đất suy thoái - Chìa khóa đạt được các mục tiêu khí hậu và đa dạng sinh học

Ngày phát hành: 28/04/2022 Lượt xem 1000

Sự suy thoái đất do con người gây ra ảnh hưởng đến 34% (khoảng 1.660 triệu ha) đất nông nghiệp. 


Hoạt động canh tác không bền vững đang làm gia tăng lượng đất bị suy thoái nghiêm trọng, với diện tích  bằng với Nam Mỹ vào giữa thế kỷ này. Đây là cảnh báo được Liên Hợp quốc (LHQ) đưa ra trong một báo cáo công bố ngày 27/4, trong đó các chuyên gia nhấn mạnh việc khôi phục tài nguyên đất mang ý nghĩa "sống còn" đối với sự tồn vong của các loài trên "hành tinh Xanh".
Trong báo cáo Triển vọng đất đai toàn cầu 2 của Công ước Liên hợp quốc chống sa mạc hóa (UNCCD), các chuyên gia cho biết hoạt động của hệ thống lương thực toàn cầu là nguyên nhân gây ra 80% nạn phá rừng và 70% việc sử dụng nước sạch. Đây cũng là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự tuyệt chủng của các loài, vốn đang xảy ra với tốc độ nhanh hơn 100 đến 1.000 lần so với giai đoạn hoạt động của con người bắt đầu làm thay đổi hoàn toàn khí hậu và làm suy thoái thiên nhiên.
Theo báo cáo, nguy cơ thay đổi môi trường trên diện rộng, đột ngột hoặc không thể đảo ngược sẽ ngày càng lớn. Khoảng 40% diện tích đất không bị đóng băng của Trái Đất đã bị biến chất do tình trạng lạm dụng hóa chất, đe dọa gây thiệt hại khoảng một nửa GDP toàn cầu, tương đương khoảng 44.000 tỷ USD. Ngoài ra, ít nhất 70% diện tích đất không có băng tồn tại trên Trái Đất đã được chuyển đổi theo mục đích sử dụng của con người và hầu hết trong số đó đã bị suy thoái. Điều đó có nghĩa là đất đai không phát triển nhiều hoặc tốt như trước đây, trong khi tốc độ sử dụng đất thì ngày một được đẩy mạnh. Điều đáng chú ý là tình trạng tập trung đáng kinh ngạc trong quá trình sản xuất thực phẩm. Theo đó, chỉ 1% các doanh nghiệp nông nghiệp kiểm soát tới 70% đất nông nghiệp của thế giới, trong khi 80% trang trại lại chỉ chiếm 12% diện tích đất canh tác.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đưa ra những kịch bản tương phản về cách thức sử dụng đất trong tương lai. Nếu con người vẫn duy trì cách khai thác và sử dụng đất như hiện nay, thế giới sẽ có thêm 250 tỷ tấn CO2 được thải vào bầu khí quyển vào năm 2050 - gần gấp 4 lần lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hằng năm hiện nay từ tất cả các nguồn. Một chiến lược phục hồi và bảo vệ đất có thể mang lại lợi ích lớn: khoảng 300 tỷ tấn CO2 sẽ được lưu giữ an toàn trong đất và thảm thực vật - tương đương với lượng khí thải hiện tại trong 5 năm.

 

Việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đất và nước sẽ là chìa khóa để đạt được các mục tiêu giảm nhẹ và thích ứng với khí hậu. (Ảnh minh họa)


Báo cáo kêu gọi thế giới cần hành động quyết liệt để giải quyết cuộc khủng hoảng suy thoái đất hiện nay. Báo cáo cũng lần đầu tiên khuyến nghị tăng quyền sử dụng đất đai của người dân bản địa như một giải pháp chống biến đổi khí hậu và để đảm bảo sự thành công của các dự án phục hồi thiên nhiên.
Trao đổi với báo giới, Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw nhấn mạnh cách con người quản lý và sử dụng tài nguyên đất đang đe dọa sức khỏe và sự tồn tại của nhiều loài trên Trái Đất, bao gồm cả loài người. Đây không phải là "con đường khả thi" để con người có thể tiếp tục duy trì sự tồn tại và thịnh vượng.
Trong khi đó, nhà khoa học trưởng UNCCD Barron Orr cho biết hiện thế giới không còn nhiều đất, trong khi tốc độ sử dụng tài nguyên này vẫn tăng mạnh. Giải pháp là, ít nhất trong giai đoạn đầu, không để đất bị chuyển trở lại cho các chủ sở hữu nhỏ, cũng như phải đảm bảo ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững hơn.  
Báo cáo hàng đầu của UNCCD được đưa ra 2 tuần trước khi đại diện của 197 nước tham gia hiệp ước này chuẩn bị nhóm họp lần đầu tiên sau 3 năm tại Abidjan (Côte d’Ivoire). Thích ứng với hạn hán ngày một nghiêm trọng và chuyển đổi sang nông nghiệp bền vững, trong đó tập trung hơn vào việc khôi phục thể trạng của tài nguyên đất, là một trong những trọng tâm trong chương trình nghị sự của cuộc họp lần này.
Cạnh tranh về đất đai đang ngày một nóng lên và sẽ ngày càng khiến con người đứng trước nhiều lựa chọn khó khăn trong tương lai về việc nên dành đất để trồng hoa màu, sản xuất lương thực, hay ưu tiên trồng rừng hấp thụ CO2 hoặc thúc đẩy việc bảo tồn đa dạng sinh học. Mục tiêu nền tảng mà Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của LHQ năm 2015 đặt ra là khống chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Trong khi đó, Công ước về đa dạng sinh học đang hướng tới mục tiêu cuối năm nay là tận dụng 30% bề mặt Trái Đất để xây dựng các khu bảo tồn./.


Phương Oanh (TTXVN)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết