Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

Dạy môn Lịch sử ở trường phổ thông: Góc nhìn khác từ Nga

Ngày phát hành: 28/04/2022 Lượt xem 1596

Sau 55 ngày đêm chiến đấu, ngày 7/5/1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch.
(Ảnh: hochiminh.vn)

 

TTXVN (Sputnik) - Trong khi ở Nga đề xuất dạy môn Lịch sử từ lớp1, thì ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên bố rằng từ năm học 2022-2023, Lịch sử sẽ không còn là môn học bắt buộc đối với học sinh phổ thông. Môn Sử chuyển sang loại tự chọn, vì theo quan điểm của Bộ chủ quản, học sinh các lớp cuối cấp ở trường trung học cần tập trung nhiều hơn vào khâu hướng nghiệp chuyên môn cho tương lai.


Khi phát biểu tại Diễn đàn Lịch sử Trường học toàn Nga lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nga Sergei Kravtsov tuyên bố: “Tôi đã thông qua quyết định rằng việc giáo dục lịch sử sẽ bắt đầu trong các trường phổ thông ngay từ lớp I”. Ông nhấn mạnh, chuyện ở đây không phải là những giờ học bổ sung về lịch sử, mà là cuộc thảo luận “về lịch sử của một vùng, lịch sử của quê hương gần gũi” của học trò trong khuôn khổ môn học chuyên đề “Thế giới xung quanh”. Dù giáo dục lịch sử ở các lớp tiểu học của nhà trường Nga sẽ có hình thức như thế nào chăng nữa, mục tiêu chính vẫn là phục vụ nuôi dưỡng và phát triển lòng yêu nước trong lớp trẻ.


Trong khi đó, ở Việt Nam, Lịch sử sẽ không còn là môn học bắt buộc. Chuyên gia Việt Nam học Piotr Tsvetov của Sputnik nêu ý kiến: “Là người được đào tạo chuyên môn về Lịch sử, tôi không hiểu là kiến thức lịch sử có thể gây cản trở gì cho một chuyên gia tương lai? Xét cho cùng, không ngẫu nhiên mà lịch sử thường được gọi là “Mẹ của các khoa học”, vì trong bất kỳ ngành nghề nào lịch sử cũng cho phép nhận thức được con đường mà thế hệ trước đã trải qua, và giúp không lặp lại sai lầm”.


Không thể phủ nhận tầm quan trọng của lịch sử như một bộ môn giáo dục, cụ thể là giáo dục chủ nghĩa yêu nước. Một bác học vĩ đại khác của nước Nga là Mikhail Lomonosov (1711 - 1765) đã vững tin khẳng định rằng: “Dân tộc nào không biết quá khứ của mình thì sẽ không có tương lai”.


Ở Việt Nam, kể từ thời điểm thành lập đảng Cộng sản, lịch sử đã thực hiện cả hai chức năng: vừa là chìa khóa để hiểu các tiến trình xã hội, vừa là vũ khí giáo dục lòng yêu nước. Hoàn toàn không ngẫu nhiên mà trước ngưỡng Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết diễn ca “Lịch sử Việt Nam” bằng thơ để quần chúng nhân dân hiểu biết và yêu quý lịch sử đất nước mình hơn. Những người cộng sản Việt Nam lỗi lạc thuộc thế hệ tiên phong như Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Nguyễn Khánh Toàn đã trở thành những học giả kiệt xuất, coi công việc viết lịch sử dân tộc là công cụ quan trọng để bồi dưỡng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.


Ngày nay, ý nghĩa quan trọng của kiến thức lịch sử không hề suy giảm. Ở Nga, hiện đang trải qua giai đoạn khó khăn, hứng chịu sự tấn công từ nước ngoài, chủ nghĩa yêu nước vẫn được yêu cầu hơn bao giờ hết. Và lịch sử nước Nga giờ đây không chỉ được giảng dạy trong các trường đại học xã hội nhân văn, mà còn được dạy cả trong các trường kỹ thuật, ví dụ như tại Học viện Dầu khí Gubkin hay Học viện Giao thông vận tải (trước đây gọi là trường MIIT).


Quan sát viên Piotr Tsvetov nêu ý kiến: “Tôi cho rằng ở Việt Nam, việc phổ biến kiến thức lịch sử nhiều hơn vẫn là yêu cầu có tính thời sự. Nhiều người trong giới trẻ Việt Nam mù quáng chạy theo mốt, bắt chước cách hành xử của dân tộc khác, tuân theo những chuẩn mực đạo đức của xã hội tiêu dùng hải ngoại mà quên đi cội nguồn quê hương dân tộc của mình. Vì vậy, không nên để môn học lịch sử rời khỏi chương trình đào tạo bắt buộc đối với lớp trẻ. Hơn nữa, khi mà dân tộc Việt Nam có lịch sử hào hùng vẻ vang như vậy khiến thế giới trọng nể ngưỡng mộ…”./.

 

Theo TTXVN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết