Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Những vấn đề đặt ra từ sự phát triển vũ bão của TikTok

Ngày phát hành: 16/11/2023 Lượt xem 2201

 

Mạng xã hội TikTok đang trở thành một nền tảng nổi bật và có tốc độ phát triển nhanh chóng, được nhiều người yêu thích, đặc biệt là giới trẻ. Thực tế thời gian qua cho thấy, ngoài những mặt tích cực thì TikTok cũng đặt ra nhiều vấn đề tiêu cực. Người dùng nền tảng này đang phải chứng kiến ngày càng nhiều những video có nội dung tục tĩu, xuyên tạc xuất hiện nhan nhản dưới dạng các video ngắn.

 

Tăng trưởng nóng  

     
TikTok là một nền tảng mạng xã hội phổ biến hiện nay. Nó cho phép người dùng tạo, xem và chia sẻ các video ngắn đa dạng chủ đề. Với tâm lý thích xem lười đọc, muốn sự ngắn gọn của đa số giới trẻ thời nay, những nội dung ngắn trên Tiktok ngay lập tức “gây nghiện” và sở hữu lượng tương tác “khủng” từ người dùng.


Năm 2016, TikTok ra mắt người dùng tại Trung Quốc với cái tên Douyin (công ty mẹ là Bytedance). Ngay lập tức, mạng xã hội này chiếm lĩnh được thị phần và vượt qua một số đối thủ nhờ những trải nghiệm mới thú vị thông qua các nội dung video ngắn đa dạng, đặc sắc tới người dùng. Ở phạm vi toàn cầu, quy mô người dùng của TikTok duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm. Số lượng người dùng truy cập TikTok đạt mốc hơn một tỷ người dùng mỗi tháng, trong đó, có đến 1/4 người dùng đến từ khu vực Đông Nam Á.


Tại nhiều quốc gia và khu vực, TikTok đã trở thành ứng dụng có thời gian sử dụng của người dùng cao nhất. Dữ liệu của cơ quan nghiên cứu thị trường Apptopia cũng cho thấy, trong năm 2022, TikTok đứng đầu trong danh sách 10 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu với 672 triệu lượt. Tiếp đó là Instagram ở vị trí số hai với 548 triệu. Cùng với đó, lượt tải xuống của Facebook lại giảm mạnh.


Một trong những ưu điểm nổi bật của TikTok “hút” được người dùng bởi tính năng đặc sắc như cho phép người dùng xem, tạo và chia sẻ các video ngắn đa dạng các chủ đề khác nhau với hiệu ứng phù hợp với sở thích cá nhân như bộ lọc, nhạc nền, hiệu ứng, nhãn dán vào video... Đây là một trong những điểm nhấn giúp TikTok vượt qua các đối thủ.


Theo các nhà phân tích, TikTok có đầy đủ các ưu thế trên 5 phương diện mà nền tảng xã hội cung cấp cho người dùng, là: Khẳng định bản sắc, kết nối với xã hội, chứng tỏ khả năng sáng tạo, thể hiện cảm xúc và khả năng chia sẻ. Đa số người dùng TikTok là người trẻ, khó khẳng định hay thể hiện bản thân trong học tập, công việc, nhưng TikTok cho họ bệ đỡ để khẳng định bản sắc, thể hiện bản thân trong cộng đồng mạng, kết nối với nhiều người. TikTok có sẵn các “bản mẫu” định dạng video, có nhạc, có hiệu ứng hình ảnh và âm thanh bắt mắt, người dùng không cần phải có khả năng sáng tạo chuyên nghiệp nhưng vẫn có clip đẹp như được sản xuất bởi người chuyên nghiệp.


Giới chuyên môn đánh giá TikTok đã làm thay đổi phương tiện truyền thông xã hội và là “cỗ máy có khả năng lan truyền lớn nhất thế giới”. Tiktok đã đem đến một sân chơi giải trí cho hàng triệu người dùng như cập nhật tin tức xã hội, bắt kịp xu hướng nhanh chóng... Đồng thời, mạng xã hội này đã giúp nhiều bạn trẻ không chỉ khám phá thế mạnh, phát triển bản thân mà còn đem lại một nguồn thu nhập đáng kể.

 

Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

 
Đối với TikTok, những nguy cơ tiềm ẩn được đánh giá khá cao khi lượng dữ liệu người dùng mà nền tảng này thu thập là vô cùng lớn. Hệ lụy của việc Tiktok tăng trưởng nhanh, phát triển nhiều clip ngắn thu hút người sử dụng đã và đang tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội… Theo công ty truyền thông xã hội We Are Social, TikTok đang đối mặt với các hạn chế tại nhiều quốc gia do vi phạm các quy định về dữ liệu cũng như do tác động tiềm tàng đối với giới trẻ.


Khác với các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay YouTube phân phối nội dung hoàn toàn tự động hoặc gợi ý thụ động, TikTok hoàn toàn do thuật toán phân phối nội dung. Thuật toán này, theo giới chuyên môn, là ưu tiên đưa nội dung “câu view, giật tít”, bất kể là thông tin tốt hay độc hại để tạo thành “trend” (trào lưu, xu hướng), gây ảnh hưởng lớn đến giới trẻ. Tiếp đến là tin giả liên quan đến đời sống xã hội cũng phát tán trên môi trường TikTok rất nhiều. Bên cạnh đó, thương mại điện tử của TikTok gần đây phát triển rất mạnh, kéo theo những hoạt động lừa đảo, kinh doanh buôn bán lừa đảo, quảng cáo sai sự thật cũng bùng nổ.


Hầu hết những người dùng TikTok đều là đối tượng còn rất trẻ, phần lớn ở độ tuổi từ 16 đến 24. Ngoài ra, với chính sách cho phép người dùng trên 13 tuổi đăng ký tài khoản và thoải mái thể hiện bản thân trên TikTok mà không có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, thì TikTok là một nền tảng mạng xã hội thực sự ẩn chứa rất nhiều nguy cơ. Các video có nội dung “toxic” (độc hại) phát tán trên TikTok có thể tác đôngj tiêu cực tới trẻ nhỏ, khiến các em bắt chước theo hay học theo lối sống buông thả, thiếu lành mạnh.


Ngoài việc thực hiện nhiều nỗ lực nhằm hạn chế tối đa nội dung tiêu cực, để tạo ra một môi trường mạng xã hội an toàn lành mạnh, TikTok cũng đưa ra những định hướng thông tin tới người dùng như gắn cảnh báo với nội dung nhạy cảm; tuân thủ các chính sách liên quan đến trẻ em; cần làm mờ những hình ảnh ghê rợn, bạo lực phản cảm, gợi dục; đăng tải các thông tin chính xác, đúng đắn, không phóng đại thông tin để dẫn dụ người dùng… Tuy nhiên, khi những hệ lụy nêu trên của TikTok vẫn còn tồn tại đồng thời chưa có các biện pháp kiểm soát triệt để thì vẫn còn xảy ra tình trạng người dùng cổ súy, bắt chước các trào lưu xấu trên mạng xã hội này.

 

Cần kiểm soát chặt chẽ

 
Các nhà lập pháp và cơ quan quản lý ở phương Tây cho rằng, Tiktok có thể sử dụng trái phép dữ liệu nhạy cảm của người dùng để phục vụ hoạt động thu thập thông tin tình báo. Họ cũng lo ngại các đề xuất nội dung của Tiktok có thể cung cấp thông tin sai lệch, trái phép, nội dung độc hại, gây chết người. Chủ tịch Tổ chức thúc đẩy công nghệ số Digital Progress Institute, ông Joel Thayer, còn chỉ ra một nguy cơ tiềm ẩn đó là hầu hết người dùng TikTok là trẻ vị thành niên, nên các loại tội phạm có thể lợi dụng mạng xã hội này để tiếp cận trẻ em. Ngược lại, phía TikTok đã phủ nhận những cáo buộc đó.


Đứng trước những nguy cơ rò rỉ thông tin người dùng qua ứng dụng Tiktok, nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm đối với nền tảng mạng xã hội này. Các lệnh cấm một phần thường được giới hạn đối với nhân viên chính phủ hoặc khu vực công. Lệnh cấm đầy đủ áp dụng cho mọi công dân. Ba quốc gia ban lệnh cấm hoàn toàn gồm Jordan, Ấn Độ và Afghanistan. Ngoài ra, Indonesia và Pakistan cũng từng nhiều lần áp đặt lệnh cấm tạm thời với nền tảng này. Trong khi đó, Australia, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Liên minh châu Âu (EU), Pháp, Latvia, New Zealand, Na Uy, Anh... ban hành lệnh cấm Tiktok trên các thiết bị do chính phủ cấp. Lệnh cấm sử dụng Tiktok trên các thiết bị công vụ cũng đã có hiệu lực tại nhiều nước như Mỹ, Canada, Đan Mạch và Australia. Ba cơ quan hàng đầu của EU là Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu cũng đã áp dụng lệnh cấm các nhân viên tải ứng dụng Tiktok vào các thiết bị phục vụ công việc.


Theo giới phân tích, các nền tảng nội dung số, trong đó có TikTok, cần thắt chặt hơn tiêu chuẩn cộng đồng và kiểm soát chặt nội dung đăng tải để xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn. Trong một diễn biến có liên quan, EU hôm 9/11/2023 thông báo mở các cuộc điều tra đối với YouTube và TikTok để tìm hiểu xem các nền tảng này đang hành động như thế nào để đảm bảo an toàn cho trẻ vị thành niên. Ủy ban châu Âu (EC) đã gửi yêu cầu cung cấp thông tin chính thức tới TikTok và YouTube, bước đầu tiên trong quy trình được đưa ra theo Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (DSA) mới được EU thông qua. EC muốn biết các nền tảng chia sẻ video nói trên đã thực hiện những biện pháp nào để tuân thủ DSA, đặc biệt là liên quan đến những rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em. DSA là một “vũ khí” mạnh của EU nhằm yêu cầu các đại gia công nghệ phải làm nhiều hơn để chống lại sự lan truyền các nội dung bất hợp pháp và có hại, cũng như thông tin sai lệch. Theo luật này, các nền tảng vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt có thể lên tới 6% doanh thu toàn cầu. Cả hai công ty sẽ phải trả lời yêu cầu của EC trước ngày 30/11 tới.


DSA có hiệu lực vào tháng 8/2023 và các quy định của đaọ luật này được áp dụng đối với 19 trang web được EU xếp vào loại nền tảng “rất lớn” có hơn 45 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, bao gồm Google Search, Facebook, Instagram, TikTok, YouTube, Amazon và AppStore của Apple. Các công ty kỹ thuật số nhỏ hơn sẽ phải tuân thủ DSA từ tháng 2/2024, khi các quốc gia thành viên EU thành lập cơ quan giám sát quốc gia./.

 

Minh Trà (tổng hợp) 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết