Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Giới chức Đức kêu gọi thu hẹp khác biệt giữa hai miền Đông-Tây - Chênh lệch thu nhập hộ gia đình lên tới 2 con số

Ngày phát hành: 06/10/2023 Lượt xem 1519
 

Cổng Brandenburg xây dựng năm 1791 đánh dấu biên giới giữa Đông và Tây nước Đức.

Năm 1989, Bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức tái thống nhất. (Nguồn: dw.com)

 

33 năm sau khi nước Đức tái thống nhất, buổi lễ kỷ niệm chính của sự kiện sẽ diễn ra ngày 3/10 tại Hamburg - bang hiện giữ chức Chủ tịch Hội đồng Liên bang Đức, với sự tham dự của nhiều quan chức cấp cao và khoảng 1.300 khách mời. Phát biểu trên truyền hình nhân dịp này, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi nước Đức tiếp tục thu hẹp sự mất cân bằng đáng kể giữa hai miền Đông và Tây nước Đức.

  Phát biểu trên kênh ARD, Tổng thống Steinmeier  cho rằng, 33 năm sau khi nước Đức tái thống nhất, tuy đã đạt được nhiều thành tựu, song giữa hai miền Đông và Tây vẫn tồn tại sự mất cân đối, không chỉ về vật chất mà cả về cảm giác bình đẳng. Tổng thống Steinmeier nhấn mạnh rằng, nếu nhìn vào số người Đông Đức trong các vị trí lãnh đạo, điều đó có lẽ phần nào cho thấy sự thành công về mặt chính trị, nhưng trong các lĩnh vực kinh tế, khoa học và cả truyền thông thì vẫn còn nhiều khác biệt giữa hai miền. Theo ông, nhiều người Đông Đức có cảm giác họ không được lắng nghe và không được nhìn nhận, rằng lịch sử của họ không trở thành một phần lịch sử chung của nước Đức.

 Thủ hiến bang Thüringen Bodo Ramelow cũng kêu gọi cần phải quan tâm hơn tới cảm xúc của người dân Đông Đức. Theo ông, nước Đức đã đạt được nhiều thành tựu sau 33 năm tái thống nhất, song những kỳ vọng và mong đợi từ sự thống nhất không phải lúc nào cũng được thực hiện. Đối với nhiều người ở bang Thüringen và toàn bộ miền Đông, sự thống nhất gắn liền với khó khăn trong quá khứ và vẫn có sự khác biệt về mức lương cho cùng một công việc, trong khi người Đông Đức có ít đại diện hơn trong đội ngũ lãnh đạo.

Về phần mình, Thủ hiến bang Brandenburg Dietmar Woidke cũng cho rằng, cuộc "tranh luận Đông-Tây" vẫn chưa có hồi kết. Theo ông, thu nhập trung bình của người ở miền Đông vẫn thấp hơn đáng kể so với người ở miền Tây, do vậy việc điều chỉnh tiền lương là cấp thiết. Ngoài ra, cần có thêm nhiều người Đông Đức trong các vị trí lãnh đạo.

Báo cáo thường niên mới nhất do Uỷ viên phụ trách Đông Đức của Chính phủ liên bang, Bộ trưởng Quốc vụ Carsten Schneider, soạn thảo cho biết, dấu vết chia cắt nước Đức vẫn còn hiện diện rất rõ 33 năm sau ngày thống nhất. Theo ông, sự khác biệt về cấu trúc giữa Đông và Tây Đức đã được thu hẹp hoặc biến mất, song hai miền vẫn còn nhiều khác biệt. Thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở miền Đông vẫn thấp hơn 11% so với ở miền Tây. Tình trạng già hóa dân số ở Đông Đức cũng là một vấn đề lớn. Trong giai đoạn 1991-2021, khoảng 4 triệu người Đông Đức (chủ yếu là thanh niên ở độ tuổi từ 18-29) đã di cư đến các bang khác, trong khi số người nước ngoài tới các bang phía Đông cũng thấp hơn so với phía Tây.

Kết quả một cuộc khảo sát của tổ chức Infratest Dimap thực hiện cho kênh ARD cũng cho thấy có những khác biệt lớn giữa miền Đông và miền Tây nước Đức. Có 40% số người ở Đông Đức tự nhận mình là "người Đông Đức" và chỉ có 52% nhận mình là "người Đức". Trong khi đó tại Tây Đức, có 76% nhận mình là "người Đức" và chỉ có 18% nhận là "người Tây Đức". Ngoài ra, gần 50% số người ở Đông Đức cảm thấy mình chỉ là "công dân hạng 2".

Một ngày trước khi Hamburg tổ chức lễ kỷ niệm chính thức, Chủ tịch Hội đồng liên bang, Thị trưởng Hamburg Peter Tschentscher đã khai mạc sự kiện kéo dài 2 ngày (2-3/10) với lời kêu gọi về sự gắn kết trong xã hội Đức. Ông hối thúc nước Đức tự tin nhìn về tương lai, không để bị chệch hướng vì chủ nghĩa dân tuý hay sự phân cực trong xã hội./.

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết