Các lãnh đạo tại lễ trồng cây lưu niệm bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 18 đã đạt được đồng thuận và thông qua Tuyên bố Delhi. Tuyên bố chung được lãnh đạo các nước G20 đưa ra tại hội nghị cho thấy quyết tâm hợp tác của khối trong việc đi đầu nỗ lực đối phó thách thức chung.
Nhấn mạnh thúc đẩy tăng trưởng bền vững
Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ trong hai ngày 9 và 10/9 gồm chuỗi các cuộc họp sâu rộng tập trung vào việc định hình một chương trình nghị sự đa phương cho một loạt các vấn đề toàn cầu quan trọng. Các chủ đề bao gồm cải cách thể chế tài chính toàn cầu, giải quyết vấn đề tài chính khí hậu, các thách thức về nợ tại các nền kinh tế đang phát triển, thúc đẩy phát triển toàn diện và giới thiệu sáng kiến “Lối sống vì Môi trường” (LiFE) mà Ấn Độ thúc đẩy. Hội nghị cũng bao gồm các cuộc thảo luận nhóm bao trùm những lĩnh vực kinh tế toàn cầu đa dạng như chăm sóc y tế, cơ sở hạ tầng, giáo dục, chuyển đổi năng lượng, nền kinh tế kỹ thuật số và du lịch.
Trong ngày làm việc đầu tiên của, lãnh đạo các nước G20 đã đạt được đồng thuận và thông qua Tuyên bố Delhi. Tuyên bố dày 37 trang tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững, cân bằng và toàn diện; đẩy nhanh tiến độ đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) và đã đưa ra kế hoạch hành động phù hợp. Tuyên bố dự tính một hiệp ước phát triển xanh cho một tương lai bền vững, ủng hộ các nguyên tắc cấp cao về lối sống để phát triển bền vững... Tuyên bố chung nêu rõ mỗi năm, thế giới cần tổng cộng 4.000 tỷ USD hỗ trợ ưu đãi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, kêu gọi tăng cường nỗ lực hướng tới việc giảm dần sử dụng than đá. Các nước G20 nhất trí hỗ trợ các ngân hàng phát triển đa phương cải cách nhằm tăng hiệu quả hoạt động, đồng thời chấp nhận đề xuất về các quy định chặt chẽ hơn đối với tiền điện tử.
Liên quan tới cuộc xung đột Nga-Ukraine, tuyên bố kêu gọi tất cả các nước duy trì các nguyên tắc của luật pháp quốc tế bao gồm toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật nhân đạo quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và ổn định. G20 khẳng định hoan nghênh tất cả các sáng kiến liên quan và mang tính xây dựng nhằm thúc đẩy một nền hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài ở Ukraine. Tuyên bố cũng kêu gọi khôi phục Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen nhằm đảm bảo nguồn cung an toàn của ngũ cốc, thực phẩm và phân bón từ Ukraine và Nga ra thị trường thế giới.
G20 cũng đạt được đồng thuận về việc cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU).
Cũng tại Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Modi đã công bố lễ ra mắt Liên minh Nhiên liệu Sinh học Toàn cầu để tăng cường sử dụng nhiên liệu sạch hơn. Ông cũng đồng thời mời các quốc gia và tổ chức quốc tế tham gia sáng kiến này.
Ngày 10/9, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã tuyên bố bế mạc Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 18 và trao búa Chủ tịch G20 cho Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva. Brazil sẽ chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch G20 trong thời gian 1 năm, bắt đầu từ ngày 1/12/2023.
Gạt bỏ bất đồng, hướng tới đồng thuận
Là tập hợp các quốc gia chiếm 2/3 dân số, 80% GDP và 75% thương mại toàn cầu, bất cứ quyết định nào của G20 đều mang tính thực thi rất cao và có ảnh hưởng sâu rộng. Chính vì vậy, các cam kết được các nước phát triển trong G20 đưa ra tại hội nghị cho thấy quyết tâm của khối trong việc đi đầu nỗ lực đối phó thách thức chung, cũng như sức mạnh của chủ nghĩa đa phương, gắn với đoàn kết, minh bạch và sự phối hợp toàn cầu.
Việc các nhà lãnh đạo G20 cùng nỗ lực gạt bỏ bất đồng, nhất trí đưa ra một Tuyên bố chung, được coi là kết quả bất ngờ và quan trọng nhất của hội nghị. Đây được xem là điểm sáng trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực hàn gắn những bất đồng và sự xói mòn lòng tin. Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo G20 được xem là thành công đặc biệt của thượng đỉnh G20 năm nay trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những mâu thuẫn và xung đột. Nước chủ nhà Ấn Độ gọi tuyên bố chung đạt được là văn bản lịch sử cho thấy các quốc gia sẵn sàng gạt sang bất đồng để hướng đến người dân.
Thành công của hội nghị G20 cũng nâng cao vị thế của Ấn Độ trong vai trò dẫn dắt G20 trong năm 2023. Ấn Độ đang cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của mình và cách nước này có thể đóng góp vào các cuộc thảo luận toàn cầu. Nhận trọng trách chèo lái G20 vào thời điểm khó khăn khi thế giới đang vật lộn với căng thẳng địa chính trị, suy thoái kinh tế, tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch COVID-19 cùng chia rẽ sâu sắc về cuộc xung đột ở Ukraine ngăn cản tiến triển trong những vấn đề như an ninh lương thực, áp lực nợ, chuỗi cung ứng thực phẩm, năng lượng và hợp tác toàn cầu chống biến đối khí hậu, với chủ đề “Một Trái đất, Một Gia đình, Một Tương lai” cho Năm Chủ tịch G20, Ấn Độ muốn khẳng định nỗ lực tăng cường sự kết nối toàn cầu, xây dựng dựa trên giá trị của sự kết nối và tìm ra giải pháp sáng tạo nhằm đối phó với mọi thách thức. Các hoạt động của Ấn Độ trong gần 1 năm thực hiện chức trách nước chủ tịch như triển khai các cuộc họp để triển khai các ưu tiên, tập trung giải quyết các thách thức, nỗ lực xoa dịu tranh cãi xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine đã góp phần nâng tầm vị thế của G20.
Việc G20 đạt được đồng thuận về cấp tư cách thành viên thường trực cho AU cũng khẳng định vai trò của Ấn Độ và được dự báo sẽ nâng cao vị thế của G20 với tư cách là một diễn đàn đa phương. Trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch G20, Ấn Độ đã tích cực vận động để AU có được tư cách thành viên đầy đủ trong G20, một đề xuất nhận được sự ủng hộ từ hầu hết các quốc gia thành viên. Quyết định này cũng có tầm quan trọng đáng kể khi thể hiện vị thế ngày càng tăng của châu Phi trong hệ thống kinh tế toàn cầu, phản ánh sự cần thiết phải cải tổ G20 để phù hợp và bao hàm cả châu Phi cũng như để giải quyết các thách thức toàn cầu một cách hiệu quả hơn. Động thái này thể hiện sự tiến bộ, từ ý định ngoại giao đến hành động cụ thể, nhằm đưa sự hiện diện của châu Phi trở nên rõ ràng hơn trong G20, tiềm tàng nhiều tác động đối với các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa.
Thành công của hội nghị trong việc thu hẹp bất đồng, hướng tới đồng thuận, đề xuất cách thức giải quyết một loạt vấn đề nan giải toàn cầu một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của G20 trong việc dẫn dắt thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng, hướng tới phục hồi bền vững./.
Theo TTXVN