Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Tiếng nói đoàn kết của các nước châu Phi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Ngày phát hành: 10/09/2023 Lượt xem 1148

Các đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu châu Phi. (Ảnh: TTXVN)


Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của châu Phi đã ra tuyên bố chung củng cố hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua các giải pháp tài chính. Tuyên bố đánh dấu lần đầu tiên các nước châu Phi cùng tuyên chiến với biến đổi khí hậu bằng một tiếng nói.


“Lục địa đen” vật lộn với rủi ro khí hậu

 
Châu Phi với 1,4 tỷ dân là khu vực ít chịu trách nhiệm về lượng khí thải carbon nhất,  nhưng lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán, lũ lụt, bão và sóng nhiệt. Theo số liệu của Liên hợp quốc (LHQ), các nước châu Phi chỉ chiếm 10% lượng khí thải carbon toàn cầu nhưng ngày càng phải đối mặt với tác động của thời tiết khắc nghiệt liên quan đến biến đổi khí hậu. Ngày 5/9, một báo cáo chung của LHQ và Liên minh châu Phi (AU) cho biết, châu Phi đang nóng lên với tốc độ nhanh hơn so với phần còn lại của hành tinh và phải hứng chịu những thảm họa về khí hậu và thời tiết khắc nghiệt.


Biến đổi khí hậu đã tác động đáng kể đến hệ sinh thái, sinh kế, xã hội của người dân châu Phi. Biến đổi khí hậu cũng “bào mòn” những tiến bộ phát triển kinh tế của châu Phi. Châu Phi đang mất 5% đến 15% GDP hàng năm do tác động lan rộng của biến đổi khí hậu. Hạn hán liên tiếp từ năm 2020 đến 2022, đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm ở vùng Sừng châu Phi khiến 5.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại kinh tế hơn 8,5 tỷ USD. Năm ngoái, Lục địa này đã phải hứng chịu 80 mối nguy hiểm về thời tiết và khí hậu cực đoan. Trong năm nay, 1,8 triệu người dân châu Phi đã phải di dời do đợt hạn hán kéo dài.


Chương trình Lương thực thế giới ước tính do hạn hán kéo dài, 23 triệu người ở vùng Sừng châu Phi không được bảo đảm an ninh lương thực, với hơn 5 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng. Hạn hán và nạn đói đã ảnh hưởng nặng nề đến phụ nữ và trẻ em, đồng thời làm leo thang xung đột giữa các cộng đồng chăn nuôi.


Báo cáo mới đây của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng cho biết, trẻ em ở 48 trong số 49 quốc gia châu Phi được đánh giá có nguy cơ cao hoặc cực cao trước tác động của biến đổi khí hậu. Các em dễ bị phơi nhiễm và dễ bị tổn thương trước lốc xoáy, sóng nhiệt và các cú sốc về khí hậu và môi trường khác, cũng như khả năng tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu. Trong số đó, các em sống ở Cộng hòa Trung Phi, Chad, Nigeria, Guinea, Somalia và Guinea-Bissau có nguy cơ cao nhất.


Trong khi đó, khu vực phía nam châu Phi lại đối mặt những trận bão nguy hiểm với tần suất ngày càng tăng. Bão Freddy - Một trong những cơn bão mạnh nhất đổ vào châu Phi trong năm nay đã gây thiệt hại nặng nề cho Malawi và Mozambique. Những thảm họa thiên nhiên tàn khốc này dự kiến sẽ trở nên tồi tệ hơn khi nhiệt độ trái đất tăng lên.


Nút thắt về tài chính cũng là thách thức với châu Phi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Châu Phi đang phải hứng chịu một số tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, song lục địa này chỉ nhận được khoảng 12% ngân sách cần thiết để đối phó với thiên tai. Trong khi đó, trong nỗ lực đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, một số nền kinh tế lớn ở châu Phi đã đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo, với các siêu dự án như Trạm năng lượng Mặt trời Ourzazate của Maroc, Nhà máy năng lượng Mặt trời Kom Ombo của Ai Cập, Nhà máy địa nhiệt Menengai của Kenya, trang trại gió ở Hồ Turkana và Nhà máy năng lượng Mặt trời Jasper ở Nam Phi. Tuy vậy chính phủ các nước châu Phi lại phải đối mặt với mức nợ và lãi suất cao, gây cản trở đầu tư vào năng lượng tái tạo. Trong thập niên qua, châu Phi chỉ thu hút được 2% tổng số vốn đầu tư cho năng lượng tái tạo.


Tiếng nói đoàn kết

 
Nhằm củng cố hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua các giải pháp tài chính, Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu đầu tiên của châu Phi đã được tổ chức từ ngày 4 đến 6/9, tại thủ đô Nairobi của Kenya.


Hội nghị đã ra tuyên bố chung, trong đó nêu bật yêu cầu thay đổi toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu và hối thúc cộng đồng quốc tế ủng hộ thúc đẩy năng lượng tái tạo. Tuyên bố chung Nairobi có đoạn nêu rõ châu Phi có những tiềm năng và tham vọng trở thành một phần quan trọng trong giải pháp toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Dù vậy, để giải phóng tiềm năng tăng trưởng xanh trên toàn châu lục ở mức độ có thể tạo ra những đóng góp ý nghĩa cho quá trình phi carbon hóa nền kinh tế toàn cầu, cần phải mở rộng hoạt động cấp vốn quy mô lớn. Các nước châu Phi kêu gọi cộng đồng quốc tế giảm gánh nặng nợ cho các nước này và cải cách hệ thống tài chính toàn cầu để mở đường cho hoạt động đầu tư vào năng lượng sạch.


Theo tuyên bố chung, châu lục này cần số vốn khoảng 600 tỷ USD để đầu tư cho năng lượng tái tạo trong 7 năm tới, qua đó đạt mục tiêu nâng sản lượng năng lượng tái tạo từ 56 GW trong năm 2022 lên tối thiểu 300 GW vào năm 2030.
  Dù châu Phi đặc biệt dễ chịu tác động ngày càng nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, nhưng lãnh đạo các nước châu lục không muốn Lục địa Đen được biết đến như nạn nhân mà thay vào đó là một đồng minh mạnh trong cuộc chiến toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Đứng trước những khoản nợ chồng chất trong khi thiếu vốn trầm trọng, các nước châu Phi kêu gọi cải cách toàn bộ cấu trúc tài chính toàn cầu, gia tăng áp lực với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) mở đường cho hoạt động đầu tư và tài chính khí hậu. Tuyên bố chung kêu gọi kiên quyết thực hiện các cải cách cần thiết giúp tạo ra cấu trúc tài chính mới, đáp ứng nhu cầu đầu tư của châu Phi, trong đó có các biện pháp tái cấu trúc và giãn nợ cho các nước này. Châu Phi cần một sân chơi công bằng để tiếp cận đầu tư cần thiết giúp giải phóng tiềm năng và kiến tạo cơ hội cho châu lục này. Trong tuyên bố Nairobi, các nước châu Phi cho biết nhận được cam kết về khoản đầu tư 23 tỷ USD từ nhiều bên liên quan.


Các nhà lãnh đạo châu Phi cũng hối thúc các nước phát triển, vốn là những nước xả thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất, tôn trọng các cam kết đã đưa ra, trong đó có việc cung cấp 100 tỷ USD/năm cho năng lượng sạch và hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tuyên bố chung kêu gọi các lãnh đạo trên thế giới ủng hộ đề xuất cơ chế đánh thuế carbon toàn cầu trong đó có thuế carbon với hoạt động giao thương nhiên liệu hóa thạch, vận tải biển và hàng không.


Những tuyên bố tại hội nghị đã củng cố quan điểm của châu Phi trên con đường tiến tới hành động vì khí hậu và các nguyên tắc cơ bản mà cộng đồng quốc tế phải tuân theo để xây dựng lộ trình giải quyết thảm họa khí hậu thông qua tài chính khí hậu. Giới phân tích cho rằng việc các nước châu Phi có được tiếng nói đoàn kết sẽ tạo động lực cho nhiều hội nghị quốc tế quan trọng sắp tới, trong đó có hội nghị G20 ở Ấn Độ trong cuối tuần này, hội nghị COP28 tại Dubai (UAE) vào tháng 11 tới./.



Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết