Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Cháy rừng nghiêm trọng trên thế giới: Lời cảnh báo từ sự biến đổi khí hậu

Ngày phát hành: 30/08/2023 Lượt xem 1856


Cháy rừng quy mô lớn đang hoành hành tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt ở châu Mỹ và châu Âu, gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản. Số vụ cháy rừng nghiêm trọng liên tiếp xảy ra là dấu hiệu "báo động đỏ" từ tình trạng biến đổi khí hậu.


Cháy rừng nghiêm trọng trên thế giới

 
Trên khắp thế giới, đặc biệt là khu vực châu Mỹ và châu Âu, nhiều nước đang phải “căng mình” chiến đấu với “giặc lửa” khi các đám cháy rừng lan rộng với sức tàn phá lớn.


Do thời tiết khô nóng, cháy rừng đã bất ngờ bùng phát tại đảo Maui ở Hawaii hôm 9/8, buộc hàng chục nghìn cư dân và du khách sơ tán. Báo cáo mới nhất cho thấy ít nhất 115 người thiệt mạng trong thảm họa cháy rừng này và đây cũng là thảm họa cháy rừng cướp đi nhiều sinh mạng nhất trong 1 thế kỷ qua tại Mỹ. 2 tuần sau vụ cháy, ngày 22/8, giới chức Mỹ thông báo ít nhất 1.100 người vẫn mất tích và con số có thể còn tăng. Theo ước tính của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's, thiệt hại về kinh tế trong thảm họa cháy rừng này có thể dao động từ 4 tỷ đến 6 tỷ USD.


Tại Bắc Mỹ, Canada cũng đang trải qua mùa cháy rừng kỷ lục, với hơn 100.000 km2 đã bị thiêu rụi tính đến thời điểm này - tăng gấp 4 lần diện tích trung bình đất rừng bị thiêu rụi trong một mùa. Thời tiết khô nóng kéo dài nhiều tháng đã tạo ra những điều kiện giống như “mồi lửa” khiến cháy rừng bùng phát dữ dội trong năm nay. Cháy rừng ở Canada khiến hàng nghìn người phải sơ tán, gây nhiều thiệt hại về vật chất.


Trung tâm Ứng phó Khẩn cấp quốc gia của Peru ngày 22/8 cho biết cháy rừng quy mô lớn ở vùng Apurimac, miền Nam nước này, đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng và 12 khác bị thương. Đám cháy bùng phát từ hôm 20/8, gây thiệt hại đáng kể đối với ngành chăn nuôi gia súc và môi trường tự nhiên ở địa phương.


Tại châu Âu, Italy tiếp tục hứng chịu cháy rừng do nắng nóng kéo dài, gây ra hạn hán. Vụ cháy rừng gần đây nhất xảy ra trên đảo Elba, ngoài khơi phía Tây Bắc của Italy từ cuối ngày 21/8. Gió mạnh làm đám cháy lan rộng quy mô lớn, khiến ít nhất 700 người trên đảo phải đi sơ tán. Hồi tháng 7, cháy rừng cũng tàn phá nghiêm trọng vùng Calabria ở miền Nam Italy.
Ngày 23/8, đám cháy quanh thủ đô Athens đã lan sang Công viên quốc gia núi Parnitha ở phía Tây Bắc thành phố. Ngọn lửa bùng lên dưới chân núi làm hư hại nhà cửa và thiêu rụi đất rừng, buộc nhà chức trách phải sơ tán các khu dân cư và một khu trại cho người di cư ở gần đó. Dựa trên dữ liệu vệ tinh, Đài Quan sát quốc gia Hy Lạp ước tính chỉ trong 3 ngày từ 19-21/8, hỏa hoạn đã tàn phá hơn 40.000 ha rừng và đất nông nghiệp. Ngày 22/8, nhà chức trách tìm thấy 18 thi thể nạn nhân chết cháy tại một khu rừng gần Alexandroupolis, những người này có thể là người di cư trái phép vào Hy Lạp.
Tại miền Tây Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, cháy rừng ở tỉnh Canakkale, đã khiến giới chức địa phương ngày 22/8 đưa ra lệnh sơ tán dân làng thuộc tỉnh này. Đám cháy bùng phát ở làng Kayadere và lan rộng do gió mạnh.


Kể từ đầu năm đến nay, Tây Ban Nha ghi nhận 340 đám cháy trên diện rộng, tiêu hủy gần 76.000 ha đất rừng và đất canh tác. Tình hình thời tiết cực đoan đang khiến đám cháy rừng lớn trên đảo Tenerife thuộc Quần đảo Canary tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong lúc lực lượng cứu hỏa gồng mình đối phó với ngọn lửa dữ, hàng chục nghìn người trên hòn đảo nghỉ dưỡng này đã phải gấp rút sơ tán.


Ở Bồ Đào Nha, Pháp, những đám cháy rừng lan rộng từ đầu tháng 8 buộc chính quyền các địa phương phải huy động lượng lớn nhân viên cứu hộ, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Cháy rừng bùng phát ở khu vực Castelo Branco, miền Trung Bồ Đào Nha từ ngày 4/8 đã thiêu rụi 7.000 ha đất và khiến 11 người bị thương. Giới chức địa phương cảnh báo nguy cơ cháy rừng có thể thiêu rụi diện tích đất lên đến hơn 20.000 ha. Khu vực cháy hiện đã lan rộng tới 60 km. Tại Pháp, tối 14/8, hơn 3.000 người  đã phải đi sơ tán khẩn cấp sau khi một đám cháy rừng dữ dội bùng phát tại khu vực Saint-Andre, thuộc tỉnh Pyrenees-Orientales ở miền Nam nước này. Ngọn lửa bùng phát vào khoảng 5h15 chiều khiến khoảng 530 ha đất rừng đã bị thiêu rụi.


Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (LHQ), tính đến thời điểm này, các vụ cháy rừng đã thải trực tiếp hơn một tỷ tấn CO2 vào khí quyển, cũng như khí methane và nitrous oxide.


Lời cảnh báo từ sự biến đổi khí hậu

 
Theo các nhà khoa học, mặc dù nguyên nhân của hầu hết các vụ cháy rừng là do lỗi chủ quan của con người, song các đám cháy trên thế giới đang lan nhanh hơn, kéo dài hơn và dữ dội hơn xuất phát từ tình trạng biến đổi khí hậu, vốn gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu.


Theo nghiên cứu của World Weather Attribution (WWA) - Tổ chức hợp tác quốc tế chuyên nghiên cứu về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cháy rừng và biến đổi khí hậu có mối tương quan chặt chẽ. Biến đổi khí hậu làm gia tăng tình trạng nóng và khô khiến các đám cháy rừng lan nhanh hơn, thời gian cháy lâu hơn và dữ dội hơn. Thời tiết nóng hơn cũng lấy mất độ ẩm của thảm thực vật, biến chúng thành nhiên liệu khô giúp đám cháy lan rộng. Điều kiện khô hơn, nóng hơn khiến đám cháy trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều. Ngược lại, cháy rừng khiến tình trạng biến đổi khí hậu trở nên ngày càng trầm trọng, bởi chúng tàn phá các hệ sinh thái và giàu carbon như vùng đất than bùn và rừng nhiệt đới.


Năm 2023 El Nino đã chính thức quay trở lại, cùng với biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng khắc nghiệt nhất trong lịch sử, lũ lụt nghiêm trọng, cháy rừng trên khắp thế giới trong thời gian qua. Biến đổi khí hậu đã khiến các đợt sóng nhiệt trở nên nóng hơn và xảy ra thường xuyên hơn. Đây là trường hợp đối với hầu hết các vùng đất liền và đã được xác nhận bởi Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC). Trong đó, khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động của con người đã làm hành tinh nóng lên khoảng 1,2 độ C kể từ thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ trung bình ấm hơn đồng nghĩa với việc nhiệt độ sẽ cao hơn trong các đợt nắng nóng cực đoan.


Các nhà khoa học cảnh báo nếu không cắt giảm mạnh lượng khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu, thì sóng nhiệt, cháy rừng, lũ lụt và hạn hán sẽ ngày càng tồi tệ hơn. Chương trình Môi trường LHQ cảnh báo, thế giới sẽ chứng kiến cháy rừng xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ mạnh hơn do tác động của biến đổi khí hậu đồng thời lo ngại về nguy cơ khi các vụ cháy rừng xảy ra với cường độ lớn sẽ tạo ra nhiều khí thải CO2 hơn khiến nhiệt độ tăng lên. Theo dự báo của cơ quan này, số vụ cháy rừng nghiêm trọng trên toàn cầu sẽ tăng 14% vào năm 2030, 30% vào năm 2050 và 50% vào cuối thế kỷ này.


Rừng là yếu tố quan trọng nhất của sinh quyển và có ý nghĩa lớn trong sự phát triển kinh tế xã hội, sinh thái và môi trường. Rừng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu trên toàn hành tình bởi chúng giúp giảm thiểu rủi ro từ thiên tai như lũ lụt, giúp điều chỉnh lưu lượng nước và vi khí hậu, khả năng hấp thụ CO2, cải thiện sức khỏe của hệ sinh thái…


Hàng loạt các vụ cháy rừng tại nhiều nước thời gian qua gây ra những thiệt hại vô cùng lớn về người và của chính là lời cảnh báo của thiên nhiên trước sự chậm trễ của con người trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Thực trạng này đòi hỏi sự nỗ lực chung của thế giới để giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính - vốn là tác nhân chính đe dọa đẩy Trái Đất vào kỷ nguyên "nung nóng toàn cầu"./. 


Thanh Lâm (tổng hợp)
[Nguồn: TTXVN]

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết