Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Bức tranh việc làm của thế giới trong bối cảnh số hóa

Ngày phát hành: 16/08/2023 Lượt xem 903


Theo trang mạng của Viện Lowy Australia, một nghiên cứu gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) – được thực hiện đối với 46 quốc gia - ước tính rằng 83 triệu việc làm hiện nay sẽ không còn tồn tại trong vòng 5 năm tới, nguyên nhân là do quá trình chuyển đổi nhanh chóng nhờ số hóa. Tuy nhiên, quá trình này không phải là “có tổng bằng 0” bởi nghiên cứu cũng cho thấy 69 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra.

Việc giảm ròng 14 triệu việc làm có thể chỉ chiếm 2% trong số 673 triệu việc làm được đánh giá trong nghiên cứu của WEF, nhưng điều này sẽ tạo ra một hậu quả rất thực tế đối với những người bị mất việc làm. Và khi các công việc hiện tại bị thay thế, các vị trí việc làm thay vào đó sẽ yêu cầu các kỹ năng và trình độ mà có thể không sẵn có trong lực lượng lao động hiện tại.

Nếu không được giải quyết vấn đề này, tác động sẽ tồi tệ hơn nhiều và khả năng xã hội khai thác toàn bộ lợi ích của các công nghệ mới cũng sẽ kém hơn rất nhiều. Điều này có nghĩa là cần có các chiến lược khẩn cấp, toàn diện để giải quyết tác động tiêu cực tiềm tàng của số hóa và tự động hóa đối với việc làm. Nếu không, nó sẽ gây ra sự xáo trộn đáng kể trên thị trường lao động toàn cầu.

Khía cạnh tích cực

Cuộc cách mạng công nghệ có những mặt tích cực đáng kể, đặc biệt là khi thế giới phải đối mặt với những thay đổi lớn. Chẳng hạn, những tiến bộ kỹ thuật số đang làm giảm nhu cầu đối với các công việc hành chính truyền thống, với xu hướng đáng chú ý là sự suy giảm vai trò của văn thư và thư ký.

Ngược lại, các lĩnh vực việc làm phát triển nhanh nhất là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến số hóa cũng như tính bền vững và năng lượng tái tạo. Sự gia tăng của trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và công nghệ dựa trên dữ liệu đã tạo ra nhu cầu về các chuyên gia có kỹ năng trong các lĩnh vực này, tập trung vào đổi mới, hiệu quả và thực hành có ý thức về môi trường. Những lĩnh vực mới nổi này sẽ rất cần thiết trong việc định hình lực lượng lao động trong tương lai để chống lại biến đổi khí hậu. Và đó là những vị trí có xu hướng thu hút mức lương cao hơn.

Rủi ro tiềm ẩn

Tuy nhiên, những rủi ro tiềm tàng và ý nghĩa đạo đức của công nghệ kỹ thuật số đòi hỏi phải xem xét cẩn thận khi tự động hóa thay thế công việc, quyền riêng tư bị xâm phạm, nền dân chủ đối mặt với các mối đe dọa mới và sự bất bình đẳng gia tăng. Đầu tư vào việc đào tạo lại công nhân là điều cần thiết để thích ứng với những thay đổi công nghệ.

Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức là một mô hình thành công, theo đó người sử dụng lao động, công đoàn và chính phủ hợp tác để điều chỉnh giáo dục cho phù hợp với nhu cầu của ngành. Kết quả là, Đức duy trì một lĩnh vực sản xuất mạnh mẽ và cạnh tranh, kiên cường trong bối cảnh gián đoạn công nghệ. Ngược lại, Mỹ đóng vai trò là một lời cảnh báo, vì việc bỏ qua những tiến bộ công nghệ đã dẫn đến sự suy giảm của ngành sản xuất, gây ra tình trạng mất việc làm và khó khăn kinh tế ở nhiều khu vực.

Tiến bộ công nghệ dẫn đến những cơ hội mới

Chiến lược đúng đắn nằm ở việc đón nhận sự đổi mới, đồng thời đảm bảo rằng con người tiếp tục định hình công nghệ để phục vụ tốt nhất lợi ích xã hội. Điều quan trọng là con người phải giữ toàn quyền kiểm soát việc sử dụng và định hướng các công nghệ mới nổi, để đảm bảo chúng phù hợp với các giá trị và tạo ra một thế giới có lợi cho tất cả mọi người. Đó là nơi mà chính trị và cạnh tranh địa chính trị luôn xuất hiện.             

Xuyên suốt lịch sử, các quốc gia hùng mạnh đã định hình thế giới vào những thời điểm thay đổi lớn. Các quốc gia Tây Âu và Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc định hình các nền văn minh thông qua những tiến bộ nông nghiệp. Cuộc Cách mạng Công nghiệp do Anh và Mỹ dẫn đầu đã mang lại sự thay đổi trong sản xuất, giao thông vận tải và đô thị hóa.

Trong thời kỳ hiện đại, Mỹ và Trung Quốc đã đi đầu trong cuộc cách mạng kỹ thuật số, định hình lại bối cảnh toàn cầu đương đại. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng được chứng kiến ở Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc được tạo điều kiện thuận lợi nhờ việc sử dụng hiệu quả các công nghệ mới.            

Những lo ngại xung quanh tự động hóa do AI điều khiển là có cơ sở, đặc biệt là tình trạng mất việc làm. Tuy nhiên, bằng chứng lịch sử cho thấy những tiến bộ công nghệ đã liên tục dẫn đến những cơ hội và ngành công nghiệp mới. Nắm bắt AI và đầu tư vào các chương trình nâng cao và đào tạo lại kỹ năng sẽ cho phép lực lượng lao động thích nghi trong bối cảnh đang phát triển này.            

Các cuộc khảo sát về mức độ hài lòng trong công việc gần đây của Mỹ cho thấy người lao động đang có mức độ hạnh phúc và hài lòng trong công việc cao hơn so với những thập kỷ trước, nhờ tác động của công nghệ kỹ thuật số đối với việc sắp xếp công việc. Sắp xếp công việc kết hợp và từ xa cho phép người lao động đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm cá nhân của họ.            

Ở các quốc gia đang phát triển, nền kinh tế đã được thúc đẩy bởi sự phát triển của các nền tảng kỹ thuật số như gọi xe, giao đồ ăn, thương mại điện tử và làm việc tự do. Một ví dụ điển hình là tập đoàn công nghệ Gojek ở Indonesia. Hàng chục nghìn người đã đăng ký làm tài xế cho tập đoàn này vào tháng 8/2015. Theo báo cáo của Gojeck, số lượng đối tác tài xế hiện đã lên tới 2 hai triệu.

Ấn Độ cũng đã chứng kiến sự bùng nổ về thương mại điện tử – Amazon Ấn Độ, Flipkart và Snapdeal đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân trở thành doanh nhân và tiếp cận cơ sở khách hàng rộng lớn trên khắp đất nước.            

Ở Kenya, khoảng cách kỹ thuật số là mối quan tâm lớn, nơi 40% tổng dân số và 70% dân số nông thôn làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nông dân vẫn thiếu khả năng tiếp cận với các công nghệ hiện đại và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, cản trở khả năng khai thác toàn bộ tiềm năng của các giải pháp kỹ thuật số. Các giải pháp kỹ thuật số phù hợp mang lại lợi ích đáng kể cho người nông dân. Các nền tảng kỹ thuật số cung cấp thông tin thị trường theo thời gian thực, trao quyền cho người nông dân đưa ra quyết định sáng suốt về việc bán sản phẩm của họ.             

GPS và phân tích dữ liệu hỗ trợ nông nghiệp chính xác, tối ưu hóa việc sử dụng đầu vào để có năng suất cao hơn và tiết kiệm chi phí. Các nền tảng thương mại điện tử kết nối trực tiếp nông dân với người mua, giảm tổn thất sau thu hoạch. Dự báo thời tiết kỹ thuật số hỗ trợ lập kế hoạch cây trồng, tưới tiêu và kiểm soát dịch hại, dẫn đến các phương pháp canh tác hiệu quả hơn. Việc triển khai các giải pháp kỹ thuật số này có thể cách mạng hóa nông nghiệp, nâng cao năng suất và lợi nhuận.            

Tuy nhiên, những cơ hội từ quá trình số hóa nói trên chưa được ứng dúng rộng rãi trên toàn thế giới. Do đó, thách thức vẫn là phải đảm bảo một số lượng lớn nhất người dân có thể nắm bắt cơ hội trong quá trình số hóa./.            

 


Theo TTXVN 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết