Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Thương mại điện tử tại Việt Nam và cơ hội kinh doanh xuyên biên giới với Trung Quốc

Ngày phát hành: 27/07/2023 Lượt xem 921

Trang vietnam-briefing.com vừa đăng bài phân tích thị trường thương mại điện tử đang phát triển mạnh ở Việt Nam và tiềm năng cho các cơ hội kinh doanh xuyên biên giới với Trung Quốc, nội dung như sau:

 

Ngày hội kết nối TMĐT xuyên biên giới thu hút rất nhiều doanh nghiệp tham gia đăng ký và tìm hiểu. 


Những năm gần đây, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng cao. Mua sắm xuyên biên giới đóng vai trò quan trọng, chiếm 37% tổng thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam. Khi người tiêu dùng Việt Nam ngày càng thực hiện nhiều giao dịch xuyên biên giới thì nhu cầu đối với các loại sản phẩm từ nước ngoài ngày càng tăng. Xu hướng này mở ra nhiều cơ hội cho các bên mới tham gia để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.


Mặt khác, kết nối thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc thậm chí còn đem lại nhiều cơ hội hơn nữa. Vị trí thống lĩnh của Trung Quốc trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu, năng lực công nghệ tiên tiến và mạng lưới giao vận rộng khắp của Trung Quốc mang lại sức mạnh tổng hợp quý báu cho thương mại xuyên biên giới. Bằng cách tận dụng chuyên môn của Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài có thể khai thác tiềm năng thị trường to lớn của cả Việt Nam và Trung Quốc.


Tình hình ở Việt Nam
Sự tăng trưởng dự kiến về số lượng người dùng trong thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cho thấy xu hướng tăng trưởng liên tục từ năm 2023-2027: số người dùng dự kiến tăng lên 15,5 triệu, mức tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 24,61%. Số lượng người dùng ước tính sẽ lập kỷ lục mới vào năm 2027, với 78,44 triệu người dùng.
Năm 2022, trang thegioididong.com dẫn đầu lĩnh vực thương mại điện tử của Việt Nam với tổng doanh thu 598,3 triệu USD. Theo sau là trang fptshop.com.vn và hoanghamobile.com, lần lượt là cửa hàng trực tuyến lớn thứ hai và thứ ba với mức thu nhập là 298,8 triệu USD và 293,4 triệu USD. Nhìn chung, 3 gian hàng này đóng góp tới 32,7% tổng doanh thu trong số 100 cửa hàng trực tuyến hàng đầu tại Việt Nam.


Theo một khảo sát mới đây, các nền tảng thương mại điện tử xã hội tại Việt Nam cũng ghi nhận đà tăng trưởng. Thương mại xã hội là một phân khúc trong ngành thương mại điện tử, tích hợp phương tiện truyền thông xã hội và nền tảng trực tuyến để tăng tương tác xã hội cũng như mua bán sản phẩm và dịch vụ. Năm 2021, lĩnh vực này chiếm 65% trong nền kinh tế bán lẻ trực tuyến trị giá 22 tỷ USD của Việt Nam.


Cơ hội thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc
Tận dụng các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc để thâm nhập và mở rộng thị trường: Các nền tảng thương mại điện tử thống trị của Trung Quốc như Tmall Global của Alibaba và JD Worldwide, cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài cơ sở hạ tầng vững chắc để thâm nhập và mở rộng thị trường. Các nền tảng này cung cấp quyền truy cập vào cơ sở khách hàng khổng lồ tại Trung Quốc, cho phép các nhà đầu tư nước ngoài giới thiệu sản phẩm và tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Tận dụng sự phổ biến và phạm vi tiếp cận lớn của các nền tảng này, quá trình thâm nhập thị trường ở cả Trung Quốc và Việt Nam sẽ trở nên hiệu quả hơn.


Tận dụng mạng lưới giao vận và chuỗi cung ứng của Trung Quốc để hoạt động thông suốt: Mạng lưới giao vận và chuỗi cung ứng vững chắc ở Trung Quốc mang lại nhiều lợi thế to lớn cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Trung Quốc và Việt Nam. Các mạng lưới này có khả năng kết nối thông suốt, chu trình xử lý hiệu quả và hạ tầng ổn định, giúp nâng cao trải nghiệm thương mại xuyên biên giới nói chung. Điều này cho phép các doanh nghiệp nước ngoài có thể quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng và đảm bảo giao hàng kịp thời cho khách hàng Việt Nam. Khả năng tiếp cận của các tuyến vận tải giúp quy trình giao vận suôn sẻ, giảm thiểu thời gian vận chuyển và tối ưu hóa hiệu quả thương mại điện tử xuyên biên giới. Hơn nữa, quy trình thông quan hiệu quả ở Trung Quốc sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới với Việt Nam.


Tận dụng các khu thí điểm của Trung Quốc cho thương mại điện tử xuyên biên giới:  Nhận thấy rằng thương mại điện tử xuyên biên giới đạt được đà phát triển ở Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đã phê duyệt 5 khu trong số 105 khu thí điểm toàn diện cho thương mại điện tử xuyên biên giới (khu thí điểm CBEC), bao gồm hầu hết các tỉnh ngoại trừ Tây Tạng. Mục đích của các khu thí điểm CBEC là kích thích sự tăng trưởng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Trung Quốc, đặc biệt chú trọng thúc đẩy xuất khẩu. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể tận dụng sự hỗ trợ chính sách này để điều hướng các khuôn khổ pháp lý, đơn giản hóa thủ tục hải quan và hưởng lợi từ các chính sách thương mại ưu đãi. Sự hỗ trợ này tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh và giảm bớt rào cản gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam.


Tóm lại, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam đem lại cơ hội đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Với sự gia tăng của hoạt động mua sắm xuyên biên giới và sự hội nhập sâu rộng với thương mại điện tử của Trung Quốc, các bên tham gia có nhiều cơ hội khai thác tiềm năng của cơ sở người tiêu dùng quy mô lớn, tiếp cận các sản phẩm chất lượng cao và tận dụng mạng lưới giao vận hiệu quả để vận hành thông suốt. Các doanh nghiệp có thể tận dụng những cơ hội này để thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ trên thị trường và phát triển mạnh trong bối cảnh thương mại điện tử của Việt Nam và Trung Quốc đầy năng động./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết