Thứ Bảy, ngày 27 tháng 07 năm 2024

Một số thành tựu lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới

Ngày phát hành: 14/09/2023 Lượt xem 1785

                                                  Toàn cảnh phiên khai mạc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.              

         

Từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 8 năm 2023, Đoàn Nghiên cứu thuộc Đề tài KX.04.02 “Những phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua 40 năm đổi mới” có chuyến thăm, làm việc tại Trung Quốc. Đoàn đã có các cuộc trao đổi học thuật với Viện Lịch sử Đảng và văn kiện Đảng trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc; Viện Khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây; Đại học Dân tộc tỉnh Quảng Tây và thăm quan thực tế nông thôn xã hội chủ nghĩa tại Quảng Tây. Qua trao đổi, Đoàn nghiên cứu nhận thức rõ hơn nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng liên quan đến lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới. 

 

Thời đại hóa và Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác: thành quả lý luận bao trùm, quan trọng nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc

 

Từ đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác - Lênin đã sớm thâm nhập Trung Quốc qua 3 con đường: do các lưu học sinh từ châu Âu mang về nước, từ các học giả Nhật Bản truyền bá sang và trực tiếp từ nước Nga, người Nga mang đến.

 

Ngay từ đầu, Trung Quốc coi trọng cả chủ nghĩa Mác do C.Mác và Ph.Ăngghen xây dựng và chủ nghĩa Lênin như sự bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại mới, do lãnh tụ V.I. Lênin thực hiện. Đến nay, Điều lệ Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin như một trong những thực thể cấu thành nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc và kim chỉ nam cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân Trung Hoa. Trong văn kiện Đại hội XX, cũng có hai lần đề cập một cách trân trọng đến chủ nghĩa Mác - Lênin.

 

Hiện nay, nói chủ nghĩa Mác là thể hiện cách diễn đạt vắn tắt của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một nguyên nhân nữa, đó là do chia rẽ Trung - Xô ngày càng căng thẳng và dẫn đến xung đột (1962 và 1969), nên ở Trung Quốc trước kia đã xuất hiện tâm thế loại trừ mọi biểu hiện từ Nga, Liên Xô, trong đó có chủ nghĩa Lênin.

 

Mặc dù đã từng được Lưu Thiếu Kỳ nêu ra từ năm 1945, nhưng phải đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII năm 1982, tư tưởng Mao Trạch Đông (Mao Zedong Thought) mới được đưa vào Cương lĩnh Đảng Cộng sản Trung Quốc: "Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam cho hành động của mình". Với tính cách là kết quả vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong bối cảnh mới của thời đại và các điều kiện cụ thể của Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông được đánh giá như thành quả lý luận trọng đại nhất trong quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác - Lênin. Nhờ có lý luận tiền phong soi đường, Trung Quốc đã “đứng lên” giải phóng dân tộc, đánh đổ ách cai trị của tư bản đế quốc và thế lực phát xít, kết thúc lịch sử hàng nghìn năm phong kiến lạc hậu, thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội.

 

Trong công cuộc cải cách, mở cửa từ năm 1978 đến nay, với tinh thần giải phóng tư tưởng, thật sự cầu thị, cầu chân vụ lợi, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh thời đại hóa, Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác thông qua lý luận Đặng Tiểu Bình, tư tưởng quan trọng ba đại diện (dưới thời Tổng Bí thư Giang Trạch Dân) và quan điểm phát triển khoa học, hài hòa (dưới thời Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào). Những hệ thống lý luận này đã soi đường cho Trung Quốc thoát khỏi khủng hoảng, chậm phát triển, xây dựng xã hội khá giả - Trung Quốc đã “giàu lên”.

 

Từ năm 2012, đồng chí Tập Cận Bình trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và từ năm 2016 chính thức được định danh là “nhà lãnh đạo hạt nhân” đại diện cho thế hệ lãnh đạo thứ năm. Tổng Bí thư Tập Cận Bình tiếp tục đẩy mạnh thời đại hóa, Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác thông qua tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, với mục tiêu làm cho Trung Quốc “mạnh lên”: phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại và xây dựng cường quốc xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa, tươi đẹp.

 

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc: thành tựu lý luận quan trọng nhất của Đại hội XX

 

Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc (2022) tiếp tục bổ sung, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới, trong đó lý luận về hiện đại hóa kiểu Trung Quốc (hay hiện đại hóa theo mô hình Trung Quốc).

 

Lịch sử hiện đại hóa (modernisation) bắt nguồn từ nền sản xuất công nghiệp và chủ nghĩa tư bản. Các học giả tư sản đã đưa ra nhiều lý thuyết hiện đại hóa gắn với phương thức sản xuất và chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa. Trên bình diện chung nhất, họ xem hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi kinh tế - xã hội do công nghiệp hóa và đô thị hóa tạo ra, nhất là quá trình ứng dụng công nghệ hiện đại; họ lấy Mỹ như mô hình phổ biến, thậm chí bắt buộc đối với các quốc gia khác trên con đường hiện đại hóa; họ tuyệt đối hóa nội dung kinh tế, tăng trưởng kinh tế, sức mạnh vật chất trong thiết kế tiêu chí đánh giá trình độ hiện đại hóa; thậm chí, họ cường điệu chỉ số thu nhập bình quân đầu người, vốn rất danh nghĩa và hình thức, nhằm che đậy hàng loạt bất công, bất bình đẳng xã hội cũng như các nghịch lý trong quá trình hiện đại hóa(1).

 

Từ cuối thế kỷ XX đến nay, mô hình và con đường hiện đại hóa kiểu phương Tây đã bị phê phán, bác bỏ một cách gay gắt, quyết liệt trên phạm vi toàn thế giới, kể cả ở các trung tâm tư bản chủ nghĩa. Các quốc gia dân tộc trên thế giới, ở các mức độ khác nhau, đã chủ động tìm kiếm những mô hình và con đường hiện đại hóa phủ hợp với thời đại mới và các điều kiện cụ thể của mình. Trung Quốc là một trong những dẫn chứng tiêu biểu, không thể thiếu khi bàn về hiện đại hóa ngày nay.

 

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc có 5 đặc trưng thể hiện bản sắc Trung Quốc rất rõ nét:

 

Một là, đây là quá trình hiện đại hóa cho trên 1,4 tỷ dân thuộc 56 dân tộc khác nhau. Trên thế giới, chưa từng diễn ra quá trình hiện đại hóa nào có quy mô to lớn như vậy. Ưu thế và bất lợi tồn tại đan xen: vừa là nguồn nhân lực khổng lồ, có ý chí lớn, lòng tự tôn, tự cường dân tộc, thị trường sức lao động và thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc biệt quý giá…; đồng thời, cũng đặt ra hàng loạt yêu cầu, khó khăn, thách thức không hề có tiền lệ trong lịch sử hiện đại hóa trên thế giới.

 

Hai là, đây là quá trình hiện đại hóa cho toàn dân trở nên giàu có, chấp nhận một bộ phận dân giàu trước và mọi người cùng giàu. Trong chủ nghĩa tư bản, hiện đại hóa là quá trình phát triển được triển khai theo mô hình phân hóa hai cực giàu - nghèo đối lập, đối kháng nhau, để có người giàu thì phải có nhiều người nghèo. Trong chủ nghĩa xã hội trước kia, hai cực giàu - nghèo trở thành mục tiêu cần xóa bỏ và thay thế cho nó là tình trạng phát triển bình quân, không ai thật sự giàu có cũng không ai nghèo đói cùng cực. Cả hai hình thái hiện đại hóa như vậy đều không phù hợp: hoặc là làm cho bất bình đẳng, bất công xã hội ngày càng trầm trọng; hoặc là trượt tiêu động lực phát triển, đẩy kinh tế - xã hội vào trì trệ, khó khăn, khủng hoảng. Mô hình Trung Quốc chấp nhận một bộ phận của đất nước (một số thành phố duyên hải đông bắc), một bộ phận dân cư, một số ngành nghề… giàu có trước, trở thành những đầu tàu kéo cả nước, toàn dân cùng đi lên khá giả, giàu có.

 

Mô hình Trung Quốc vừa khắc phục được sự phân hóa hai cực và chủ nghĩa bình quân trong quá trình hiện đại hóa; bác bỏ ảo tưởng mọi người nhất loạt trở nên giàu có cùng thời điểm và một trình độ như nhau; khuyến khích mọi người cùng tham gia như chủ thể hiện đại hóa để cùng thụ hưởng, không trông nhờ vào chủ nghĩa từ thiện và cũng không cam chịu định mệnh nghèo khổ; thực hiện “2 không”: không nóng vội và không chờ đợi. Chính phủ Trung Quốc áp dụng chế độ phân phối lại nhiều lần: lần I theo hiệu quả lao động; lần II vì công bằng xã hội; lần III vì nhân đạo, từ thiện; lần IV tái phân phối trong gia đình, đảm bảo công bằng từ đời này đến đời sau. Cả nước thực hiện chính sách dắt tay nhau cùng đi lên, địa phương giàu chi viện, giúp đỡ địa phương nghèo phát triển. Đầu năm 2021, với thành tích 770 triệu người  Trung Quốc thoát nghèo kể từ khi cải cách mở cửa, chiếm hơn 70% số dân thoát nghèo trên toàn cầu, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo trước 10 năm so với yêu cầu của Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030(2). Đây thật sự là một đóng góp lý luận và thực tiễn quan trọng của Trung Quốc đối với lịch sử hiện đại hóa và phát triển trên toàn thế giới.

 

Ba là, đây là quá trình phát triển hài hòa giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Phát triển (development) là một thuộc tính của xã hội và diễn ra như một quá trình lịch sử - tự nhiên. Toàn bộ quá trình phát triển lịch sử - tự nhiên như vậy được định danh bằng thuật ngữ triết học là tiến bộ xã hội (social progress). Ở mỗi thời kỳ lịch sử, thế giới đều có mô hình phát triển phổ biến, phản ánh nhu cầu trực tiếp của xã hội loài người của thời kỳ ấy và phù hợp với các điều kiện của riêng nó.

 

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, mục tiêu phát triển của đông đảo các quốc gia tư bản chủ nghĩa đều được thực hiện thông qua mô hình hiện đại hóa kiểu phương Tây coi trọng tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhanh và nhiều tư liệu tiêu dùng và tư liệu sản xuất cho con người ở mọi cấp độ. Hầu hết các lý thuyết hiện đại hóa, về cơ bản, là các lý thuyết phát triển kinh tế, coi trọng văn minh vật chất. Tư duy, chính sách và thực tiễn hiện đại hóa này rõ ràng là mang nặng thiên hướng phát triển duy kinh tế (economist development), vừa tạo ra nhiều quá trình tăng trưởng ngoạn mục, sản xuất ra lượng của cải vật chất dồi dào, đảm bảo tiêu dùng ngày càng cao, thúc đẩy ngoại thương rộng mở…; đồng thời, vừa gây ra nhiều phản phát triển trên các bình diện xã hội, văn hóa, môi trường, tạo ra mâu thuẫn giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần.

Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc vừa nhấn mạnh nội dung kinh tế và nền văn minh vật chất; đồng thời, coi trọng nội dung văn hóa, đạo đức và nền văn minh tinh thần nói chung. Tăng trưởng kinh tế phải gắn với phát triển văn hóa, con người; sự khá giả, giàu có về vật chất phải phù hợp với bản sắc văn minh Trung Hoa và tinh hoa văn hóa nhân loại. Đây cũng là đóng góp quan trọng của Trung Quốc đối với lý luận và thực tiễn hiện đại hóa.

 

Bốn là, đây là quá trình phát triển đảm bảo sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Nền văn minh Trung Hoa luôn nhấn mạnh mọi quá trình phát triển phải đảm bảo thuận thiên như yêu cầu cao nhất, hợp với quy luật của tự nhiên. Lão Tử sớm đưa ra mệnh đề: “Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên”, có nghĩa là con người phải tuân theo trái đất, trái đất theo mệnh trời, mệnh trời theo theo chân lý, chân lý theo tự nhiên. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã nêu rõ, giới tự nhiên là thân thể vô cơ của chính con người, cho nên con người gắn bó sống chết với giới tự nhiên(3); mỗi lần con người đạt một thắng lợi chinh phục tự nhiên thì cũng sẽ một lần tự nhiên trả thù lại con người(4). Năm 2015, Liên hợp quốc đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững, được cụ thể hóa thành 169 tiêu chí để đến năm 2030 các quốc gia trên thế giới phấn đấu hoàn thành, trong đó hàng loạt các mục tiêu, tiêu chí liên quan trực tiếp đến bảo vệ môi trường sinh thái trong quá trình hiện đại hóa(5). Mô hình hiện đại hóa của Trung Quốc hiện nay vừa phù hợp với truyền thống văn minh Trung Hoa và với xu thế chung của thế giới đương đại.

 

Năm là, đây là quá trình phát triển theo con đường hòa bình. Toàn bộ quá trình hiện đại hóa tư bản chủ nghĩa kéo dài hàng thế kỷ gắn với hàng trăm cuộc chiến tranh lớn, nhỏ trên toàn thế giới; sự hưng thịnh của một nhóm nhỏ các cường quốc tư bản phải được đánh đổi bằng thân phận lệ thuộc của hàng trăm thuộc địa kiểu cũ và kiểu mới. Hiện đại hóa kiểu Trung Quốc lựa chọn con đường hòa bình. Đảng, Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh, đi theo con đường phát triển hòa bình là sự lựa chọn chiến lược của Trung Quốc trong quá trình kế thừa truyền thống văn hóa Trung Hoa, phù hợp với trào lưu phát triển của thời đại và đáp ứng lợi ích căn bản của Trung Quốc hiện nay. Để triển khai trên thực tế con đường ấy, Trung Quốc đã chủ động đưa các quan niệm, dự án, sáng kiến quan trọng: quan niệm Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại (năm 2007); Dự án Vành đai và Con đường (năm 2013); Sáng kiến Phát triển toàn cầu (năm 2021); Sáng kiến An ninh toàn cầu (năm 2022); Sáng kiến Văn minh toàn cầu (năm 2023)… 

 

Kiện toàn, củng cố hệ thống cơ quan nghiên cứu lý luận chính trị, nghiên cứu Đông Nam Á, nghiên cứu Việt Nam

 

Các cơ quan, thiết chế nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị (chủ nghĩa Mác, lịch sử Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Trung Quốc, tư tưởng Tập Cận Bình…) được kiện toàn, củng cố. Ở Trung ương, có Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; Viện Nghiên cứu Lịch sử Đảng và Văn kiện Đảng như cơ quan trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương; Học viện chủ nghĩa Mác; Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc… Hàng năm, các cơ quan này xuất bản hàng trăm tác phẩm lý luận bằng tiếng Trung và nhiều ngoại văn (Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Nga, Ả rập…). Ở các trường đại học, các viện, khoa lý luận chính trị được chú trọng đầu tư, phát triển. Ở các đơn vị cấp tỉnh, đều có Viện Khoa học xã hội, trong đó có viện chuyên trách lý luận chính trị. Viện Khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây hiện nay được xác định là cơ quan tư vấn kiểu mới, có gần 200 cán bộ; 12 Viện thành viên, xuất bản 4 tạp chí.

 

Công tác nghiên cứu Đông Nam Á, nghiên cứu Việt Nam được triển khai cả ở Trung ương và các tỉnh phía Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam…). Trường Đại học Dân tộc Quảng Tây có Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á nằm trong 5 tạp chí chuyên sâu Đông Nam Á có uy tín nhất toàn quốc; tổ chức Diễn đàn Đối thoại Trung Quốc - ASEAN trong suốt hơn 10 năm qua; xuất bản Báo cáo Việt Nam hàng năm duy nhất ở Trung Quốc. Viện Khoa học xã hội tỉnh Quảng Tây mới thành lập Viện Nghiên cứu Việt Nam cách đây gần 2 năm. Các cơ quan này đang tích cực tuyên truyền tư tưởng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình về 5 mái nhà Trung Quốc - ASEAN: hòa bình, an ninh, hữu hảo, phồn vinh và sinh thái tươi đẹp. Trung Quốc xem Việt Nam là mắt khâu trọng yếu trong giao lưu, hợp tác Trung Quốc - ASEAN và trong Dự án Vành đai & Con đường./.

 

 PGS,TS Nguyễn Viết Thảo

Thư ký Đề tài KX.04.02/21-25

 

CHÚ THÍCH:

  1. Prateek Goorha: Modernization Theory, 

    Oxford Research Encyclopedia of International Studies.

    Oxford University Press, 2010, p.249.

  2. Xóa đói giảm nghèo: thành tựu của Đảng Cộng sản Trung Quốc, https://vov.vn/the-gioi/ho-so/xoa-doi-giam-ngheo-thanh-tuu-cua-dang-cong-san-trung-quoc-870293.vov
  3. C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, t.42, tr.135
  4. C.Mác - Ph.Ăngghen: Sđd, t.20, tr.654
  5. Các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam,

https://vietnam.un.org/vi/sdgs

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết