Thứ Sáu, ngày 04 tháng 10 năm 2024

Những vấn đề nước Anh phải đối mặt sau 3 năm rời EU

Ngày phát hành: 06/02/2023 Lượt xem 2380


Ngày càng nhiều người ở Anh cho rằng rời khỏi EU là một bước đi sai lầm. (Ảnh: HuffPost UK)


Đã 3 năm trôi qua kể từ khi Vương quốc Anh chính thức rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Chia tay mái nhà chung EU với nhiều kỳ vọng và dự định, tuy nhiên, bối cảnh hiện nay chắc hẳn là điều mà nước Anh không hề mong muốn, khi Xứ sở sương mù đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế-xã hội chưa từng có.


 Thương mại sụt giảm

 
Bloomberg nhìn nhận bằng chứng rõ ràng nhất về thiệt hại của Brexit nằm ở dữ liệu thương mại. Khi Anh rút khỏi thị trường chung và liên minh thuế quan, các công ty giao dịch với EU phải đối mặt với các quy tắc mới, thủ tục giấy tờ mới và các biện pháp kiểm tra mới đối với một số hàng hóa. Điều đó làm dấy lên lo ngại về những gì sẽ xảy ra với khoản 550 tỷ Bảng tiền giao dịch thương mại giữa Anh và đối tác thương mại ở gần London nhất. Theo một nghiên cứu, Brexit đã làm giảm 20% lượng trao đổi thương mại giữa Anh và EU.
Trong khi đó, theo một báo cáo phân tích công bố vào cuối tháng 1 vừa qua, phần lớn trong số 71 thỏa thuận Anh đạt được kể từ Brexit là các thỏa thuận tái lập với các quốc gia đã có thỏa thuận thương mại với EU trước đây. Những người ủng hộ Brexit luôn tuyên bố rằng thương mại toàn cầu với các nước ngoài EU sẽ giúp bù đắp cho bất kỳ tổn thất nào khi nước Anh rời khỏi thị trường chung song các thỏa thuận thương mại mới này không bù đắp cho việc được tiếp cận thị trường chung châu Âu. Những tác động của Brexit không phải ở mức "thảm họa" song Anh phải trả thêm tiền mua hàng hóa nước ngoài, bị tách biệt hơn với các thị trường xuất khẩu bởi tất cả các thủ tục giấy tờ hiện liên quan đến giao dịch khắp châu Âu.


 Tụt hậu đầu tư

 
Đầu tư kinh doanh của Anh cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn Đức, Pháp và Italy. Sự không chắc chắn và bất ổn chính trị trong quá trình đàm phán với EU đã khiến khu vực tư nhân giảm chi tiêu vốn ở Anh. Đầu tư đã tụt hậu so với tất cả nền kinh tế tiên tiến của nhóm G7 kể từ sau Brexit.
Đại dịch COVID-19, cuộc xung đột tại Ukraine, cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường được coi là những nguyên nhân khách quan. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Anh cho rằng chính khó khăn trong làm ăn với thị trường gần nhất là EU trong bối cảnh hậu Brexit đã đẩy giá cả tăng cao. Phó Giáo sư Thomas Sampson - Đại học Kinh tế London, Anh nhận định "Rời EU chắc chắn đã kéo kinh tế Anh phát triển chậm lại, các rào cản thương mại mới đã khiến các công ty Anh khó làm ăn với EU hơn".


 Đồng nội tệ mất giá

 
Trong những lo ngại về thiệt hại kinh tế, tỷ giá bảng Anh là một trong những điều dễ thấy. Đồng tiền này đã giảm 12,5% so với trọng số thương mại kể từ cuộc trưng cầu ý dân về Brexit. Bảng Anh giảm 19% so với USD và 11% so với euro. Sự mất giá của nội tệ đã làm tăng lạm phát cho Anh so với các quốc gia khác, người dân nước này đã phải chịu giảm mức sống mạnh hơn. Thu nhập khả dụng thực tế của hộ gia đình - thước đo sát với đời sống kinh tế của người dân hơn GDP, đã tuột lại hẳn so với 4 quốc gia lớn của EU.


 Chông gai thỏa thuận hậu Brexit liên quan tới Bắc Ireland

 
Nghị định thư Bắc Ireland là một phần quan trọng trong thỏa thuận Brexit, cho phép vùng Bắc Ireland thuộc Anh vẫn nằm trong thị trường hàng hóa chung của EU nhằm tránh tạo ra một biên giới cứng trên đảo Ireland. Tuy nhiên, việc thực thi nghị định này đã dẫn tới tình trạng chia cắt về mặt thủ tục giữa Bắc Ireland với phần còn lại của Vương quốc Anh.
Ba năm sau khi Anh chính thức rời EU, hai bên đã thảo luận về cách thức thực hiện các thỏa thuận hậu Brexit về biên giới mở giữa Bắc Ireland và Ireland - quốc gia thành viên EU. Sau nhiều tháng căng thẳng, các bên gần đây được cho là đã đạt được tiến bộ trong quá trình giải quyết tranh cãi liên quan Nghị định thư Bắc Ireland song ngày 1/2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết hai bên vẫn chưa đạt thỏa thuận nào.


 Thiếu hụt hơn 300.000 lao động

 
Một nghiên cứu do hai tổ chức Nước Anh trong một châu Âu thay đổi và Trung tâm Cải cách châu Âu thực hiện mới đây cho thấy nền kinh tế Anh thời kỳ hậu Brexit đang thiếu hụt 330.000 lao động do việc chấm dứt di chuyển lao động tự do với EU.
Theo nghiên cứu, việc chấm dứt di chuyển tự do đang hạn chế nền kinh tế Anh và "góp phần đáng kể" gây ra tình trạng thiếu lao động ở nước này trong các lĩnh vực yêu cầu tay nghề thấp như hậu cần, xây dựng và khách sạn. Sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), Anh đã chuyển sang hệ thống nhập cư dựa trên điểm số, theo đó những lao động lành nghề có thu nhập hơn 25.600 bảng/năm hoặc 10,10 bảng/giờ sẽ được cấp thị thực làm việc. Tuy nhiên, cơ chế này không đủ để bù đắp cho sự thiếu hụt lao động đến từ EU. Việc giảm nguồn cung lao động sẽ hạn chế nền kinh tế, người sử dụng lao động sẽ phải ứng phó bằng cách tăng lương và tăng giá, trong khi giảm sản lượng, đặc biệt là trong những ngành khó tự động hóa.
Một thực tế là Brexit đã tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội Anh và sự ủng hộ của công chúng đối với lựa chọn này đã giảm đi. Theo một cuộc khảo sát gần đây, 1/5 số người đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit hối tiếc về sự lựa chọn của mình và 56% người tham gia khảo sát cho rằng rời khỏi EU là một quyết định sai lầm trong khi trước Brexit tỷ lệ này là 42%./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết