Khủng hoảng chi phí sinh hoạt là rủi ro lớn nhất đe dọa toàn cầu
Lạm phát toàn cầu vẫn ở mức cao vọt khi giá năng lượng và lương thực tăng vọt trong năm 2022. Ảnh: AFP
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ là rủi ro ở cấp độ toàn cầu lớn nhất trong 2 năm tới. Đây là một phần kết quả nghiên cứu do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) thực hiện và công bố ngày 11/1 trước thềm hội nghị sắp diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) vào cuối tuần này.
Nghiên cứu được thực hiện với sự tham vấn từ các tập đoàn quản lý rủi ro hàng đầu như Marsh McLennan và Zurich Insurance, lấy ý kiến của hơn 1.200 chuyên gia về rủi ro toàn cầu, các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp. Nghiên cứu miêu tả cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt là rủi ro ngắn hạn lớn nhất tính đến năm 2025, tiếp đến là các thảm họa thiên nhiên, các hình thái thời tiết cực đoan và đối đầu kinh tế-chính trị.
Giám đốc quản lý Saadia Zahidi tại WEF nhận định năng lượng, thực phẩm, nợ công và thiên tai là những yếu tố dễ nhận thấy nhất trong nhóm rủi ro ngắn hạn. Đây vốn là những yếu tố dễ bị tác động và trong hoàn cảnh khủng hoảng đa tầng, nhóm dễ bị tác động nhất nhanh chóng mở rộng, bất kể đó là ở quốc gia giàu hay nghèo.
Lạm phát toàn cầu hiện vẫn ở mức cao chót vót sau khi giá năng lượng và thực phẩm tăng chóng mặt trong năm 2022 do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga- Ukraine, hai cường quốc nông nghiệp và dầu mỏ, khí đốt. Bên cạnh đó, những hạn chế trong chuỗi cung ứng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng khiến chi tiêu tiêu dùng tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Nghiên cứu nêu rõ xung đột và những căng thẳng kinh tế-chính trị đã kích hoạt một loạt nguy cơ đan xen trên toàn cầu, trong đó bao gồm tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng và thực phẩm (có thể tồn tại trong 2 năm tới) và chi phí sinh hoạt, chi phí đi vay tăng mạnh. Những rủi ro khủng hoảng này làm suy yếu các nỗ lực tháo gỡ những rủi ro dài hạn, đặc biệt là những rủi ro liên quan biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học và đầu tư cho con người.
Giám đốc quản lý rủi ro Carolina Klint từ Marsh McLennan cho rằng năm 2023 gắn liền với các rủi ro ngày càng tăng liên quan thực phẩm, năng lượng, vật liệu thô và an ninh mạng, tiếp tục gây gián đoạn các chuỗi cung ứng toàn cầu và tác động tới các quyết định đầu tư. Nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái trong năm 2023 khi lạm phát tiếp tục tăng mạnh.
Nghiên cứu của WEF kêu gọi các nhà lãnh đạo cùng hành động một cách kiên định, cân bằng tầm nhìn ngắn và dài hạn. Nghiên cứu kết luận cần hợp tác để củng cố ổn định tài chính, quản trị công nghệ, phát triển kinh tế cũng như đầu tư cho nghiên cứu, khoa học, giáo dục và y tế./.
Theo TTXVN