Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Một thế giới kinh tế mới đang hình thành

Ngày phát hành: 04/01/2023 Lượt xem 1146



Nhìn lại thực trạng kinh tế toàn cầu và dự báo về thời gian tới, tạp chí Le Nouvel Economiste của Pháp cho rằng các cơ hội cũng như những mối đe dọa và tác động của chúng đối với người dân và doanh nghiệp đang tạo nên một thế giới kinh tế mới.

Trong nhiều tháng, thị trường tài chính đã rơi vào tình trạng hỗn loạn và các bằng chứng cho thấy sự căng thẳng trong nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Điều này khiến mọi người có thể nghĩ rằng đây chỉ là những dấu hiệu bình thường của một thị trường cổ phiếu xuống giá và một cuộc suy thoái đang tới. 

Tuy nhiên, tình huống này cũng đánh dấu sự xuất hiện một chế độ mới trong nền kinh tế toàn cầu - một sự thay đổi có thể quan trọng như sự trỗi dậy của triết lý kinh tế Keynes sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai và sự xoay trục sang thị trường tự do và toàn cầu hóa trong những năm 1990. 

Kỷ nguyên mới này hứa hẹn rằng các nước giàu có thể thoát khỏi cái bẫy tăng trưởng thấp của những năm 2010 và giải quyết các vấn đề lớn như già hóa và biến đổi khí hậu. Song nó cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm nghiêm trọng, từ hỗn loạn tài chính đến sự sụp đổ của các ngân hàng trung ương và chi tiêu công không kiểm soát được.

Có thể nói biến động kinh tế trong năm qua cho thấy sự rối loạn thị trường đã xảy ra ở quy mô chưa từng thấy kể từ 30 năm trở lại đây. Lạm phát toàn cầu lần đầu tiên ở mức hai con số sau gần 40 năm. Sau phản ứng chậm chạp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hiện đang tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980, trong khi đồng USD đang mạnh nhất trong hai thập kỷ, gây ra sự hỗn loạn bên ngoài nước Mỹ. 

Đối với nhà đầu tư hoặc người có tiền tiết kiệm hưu trí, năm 2022 trở thành cơn ác mộng. Chứng khoán toàn cầu giảm 25% tính theo đồng USD, năm tồi tệ nhất kể từ những năm 1980 và trái phiếu chính phủ cũng ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ năm 1949. Ngoài con số thiệt hại ước tính 40.000 tỷ USD, có một cảm giác đáng lo ngại là trật tự thế giới đang bị đảo lộn, khi mà toàn cầu hóa bị đảo ngược và hệ thống năng lượng bị rạn nứt sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tất cả những điều này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên bình ổn kinh tế trong những năm 2010.

Những ảnh hưởng đặc biệt trầm trọng do đại dịch gây ra đã dẫn đến những hành động bất thường góp phần gây ra lạm phát ngày nay: việc tung ra các gói kích cầu và cứu trợ của các chính phủ, phương thức tiêu dùng truyền thống bị biến đổi tạm thời và sự gián đoạn chuỗi cung ứng do phong tỏa.

Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng, khi Nga, một trong những nhà xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch chính cùng với Saudi Arabia, đã cắt đứt quan hệ với các thị trường phương Tây. Đối mặt với vấn đề lạm phát nghiêm trọng, Fed đã tăng lãi suất từ gần bằng 0 lên 4,25-4,5%. Trên toàn thế giới, hầu hết các cơ quan quản lý tiền tệ đều đang đi theo xu hướng này.

 "Lùm xùm" lớn trên thị trường tín dụng

Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Một trong những mối lo ngại trước mắt là hệ thống tài chính vốn đã quen với lãi suất thấp giờ đây phải đối mặt với chi phí đi vay tăng chóng mặt. Tuy nhiên, các ngân hàng dường như không có khả năng gây ra những lo ngại lớn vì hầu hết họ có giải pháp bảo đảm an toàn tốt hơn so với trước đây. 

Thay vào đó, những mối nguy hiểm nằm ở nơi khác, ở loại hệ thống tài chính mới, ít phụ thuộc vào ngân hàng hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường thanh khoản và vào công nghệ. Tin tốt là tiền gửi sẽ không "tan thành mây khói", nhưng tin xấu là hệ thống tài chính tiêu dùng và kinh doanh này không minh bạch và quá nhạy cảm với thua lỗ.

Chúng ta có thể thấy điều này trên thị trường tín dụng. Khi các công ty mua nợ chạy trốn rủi ro, lãi suất thế chấp và trái phiếu rác tăng cao. Thị trường cho vay "có đòn bẩy", được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho các vụ mua lại công ty, trở nên sôi sục - sau khi tỷ phú Elon Musk mua mạng xã hội Twitter, các khoản nợ phát sinh có thể trở thành một vấn đề lớn. 

Trong khi đó, các quỹ đầu tư, bao gồm cả quỹ hưu trí, đang chịu lỗ trên danh mục tài sản kém thanh khoản mà họ đang sở hữu. Một số bộ phận của hệ thống bơm tiền có thể ngừng hoạt động. Thị trường trái phiếu kho bạc Mỹ trở nên khó đoán định hơn. Các công ty năng lượng châu Âu đối mặt với các cảnh báo tài sản thế chấp đã bị vượt quá mức có thể bảo lãnh. Thị trường trái phiếu Vương quốc Anh đã rơi vào tình trạng hỗn loạn bởi các vụ cá cược phái sinh mờ ám của các quỹ hưu trí.

 Mục tiêu lạm phát là 4%

Hầu hết các nhà dự báo đánh giá rằng lạm phát ở Mỹ sẽ giảm từ 8% hiện tại xuống 4% vào năm 2023, nhờ giá năng lượng thấp hơn và lãi suất cao hơn. Để hiểu tại sao lại là mục tiêu lạm phát tăng lên 4% chứ không phải là 2% như hiện nay, cần phải thoát ra ngoài tình trạng hỗn loạn hiện tại và xem xét trên các nguyên tắc cơ bản dài hạn.

Một sự thay đổi lớn so với những năm 2010, đó là việc tăng cơ cấu trong chi tiêu và đầu tư công đang được diễn ra. Dân số già đi sẽ cần được chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Châu Âu và Nhật Bản sẽ chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng để chống lại các mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc. Biến đổi khí hậu và yêu cầu đảm bảo an ninh năng lượng sẽ kích thích đầu tư của các quốc gia vào lĩnh vực năng lượng, từ cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo đến các cơ sở lưu trữ khí đốt. 

Căng thẳng địa chính trị cũng đang khiến các chính phủ chi tiêu nhiều hơn cho các chính sách công nghiệp. Tuy nhiên, ngay cả khi đầu tư tăng lên, nhân khẩu học sẽ ngày càng đè nặng lên các nền kinh tế giàu có. Những người càng lớn tuổi, họ càng tiết kiệm được nhiều hơn và khoản tiết kiệm vượt mức này sẽ tiếp tục làm giảm lãi suất cơ bản.

Do đó, xu hướng cơ bản trong những năm 2020 và 2030 là sự can thiệp của chính phủ tăng nhưng lãi suất thực vẫn ở mức thấp. Đối với các ngân hàng trung ương, điều này tạo ra một tình thế đặc biệt khó xử. Để đưa lạm phát trở lại mục tiêu khoảng 2% như hiện nay, họ có thể phải thắt chặt chính sách tiền tệ đến mức gây ra suy thoái kinh tế. 

Điều này sẽ gây ra tổn thất lớn về con người, dưới dạng mất việc làm và gây ra phản ứng chính trị dữ dội. Hơn nữa, nếu nền kinh tế giảm phát và rơi trở lại cái bẫy tăng trưởng thấp và lãi suất thấp của những năm 2010, các ngân hàng trung ương một lần nữa lại có thể thiếu các công cụ kích thích. 

Do đó cần phải tìm kiếm một lối thoát khác, đó là từ bỏ các mục tiêu lạm phát 2% trong những thập kỷ qua và tăng chúng một cách khiêm tốn lên 4%. Giải pháp này có thể sẽ có trong các lựa chọn khi Fed bắt đầu đánh giá chiến lược tiếp theo vào năm 2024.

Các mối đe dọa và cơ hội của một thế giới mới

Thế giới mới này, được định hình bởi chi tiêu công cao hơn một chút và lạm phát cao hơn một chút, sẽ có những lợi thế. Trong ngắn hạn, điều này có nghĩa là suy thoái ít nghiêm trọng hơn hoặc không có suy thoái. 

Trong dài hạn, các ngân hàng trung ương sẽ có biên độ rộng hơn để cắt giảm lãi suất trong trường hợp xảy ra suy thoái, vốn có thể làm giảm nhu cầu mua trái phiếu và khiến các chính phủ đưa ra các gói cứu trợ mỗi khi có bất ổn xảy ra, dẫn đến sự méo mó lớn của nền kinh tế.

Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với những mối nguy hiểm lớn. Uy tín của các ngân hàng trung ương sẽ bị suy giảm. Nếu như mục tiêu đã bị điều chỉnh một lần, thì cũng có thể thay đổi nhiều lần khác. Hàng triệu hợp đồng và khoản đầu tư được ký kết với lời hứa lạm phát 2% sẽ bị chấm dứt, trong khi chỉ cần lạm phát cao hơn một chút thì của cải sẽ được phân phối lại từ chủ nợ sang con nợ. 

Trong khi đó, lời hứa về sự can thiệp vừa phải hơn của chính phủ sẽ khó có thể giữ được, nếu các chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy đưa ra những cam kết chi tiêu thiếu xem xét kỹ lưỡng, hoặc nếu các khoản đầu tư của nhà nước vào chính sách năng lượng và công nghiệp được thực hiện kém và biến thành các dự án khoa trương, quá khổ, gây kìm hãm năng suất.

Không thể xem thường những cơ hội và các mối nguy hiểm này. Đã đến lúc phải đánh giá và đo lường tác động của chúng đối với người dân và doanh nghiệp. Những sai lầm lớn nhất trong kinh tế thường bắt nguồn từ sự thiếu dự báo và luôn dựa trên giả định rằng chế độ kinh tế hiện tại sẽ tồn tại mãi mãi. Điều này không bao giờ xảy ra trong thực tế: cuộc sống luôn thay đổi và chúng ta cần sẵn sàng để đối mặt với những thay đổi đó./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết