Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Phát triển chính sách xã hội ở Singapore và kinh nghiệm cho Việt Nam

Ngày phát hành: 27/12/2022 Lượt xem 4450

 

Là quốc đảo nhỏ bé với diện tích 719 km2, dân số 5.9 triệu người (2021) -tương đương quy mô dân số của Phần Lan, Israel nhưng nghèo tài nguyên, Singapore đã vươn lên thành quốc gia thịnh vượng nhờ hoạch định phát triển chính sách xã hội một cách cẩn trọng nhưng minh bạch, thực dụng. Chiến lược tạo nên thành công trong suốt chặng đường phát triển của Singapore là đặt lợi ích của con người, người dân vào trung tâm phụng sự của hệ thống công, của chính sách phát triển đất nước. Sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa chiến lược phát triển kinh tế và bảo đảm phúc lợi xã hội là định hướng nhất quán trong chính sách của Singapore.

 

1. Chính sách xã hội: Khái niệm, đặc trưng và vai trò

Chính sách xã hội (chính sách an sinh xã hội), theo định nghĩa của Trường Kinh tế Luân Đôn (Anh) là “một môn học liên ngành và ứng dụng liên quan đến việc phân tích các phản ứng của xã hội đối với nhu cầu xã hội”[1].  Trường Đại học Harvard (Mỹ) xem chính sách xã hội là “chính sách công và thực hành trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ con người, tư pháp hình sự, bất bình đẳng, giáo dục và lao động”.

Ở Việt Nam, chính sách xã hội cũng như ở nhiều nước trên thế giới bao gồm chính sách an sinh xã hội và xóa đói, giảm nghèo; chính sách về sức khỏe cộng đồng; chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; chính sách ưu tiên thực hiện việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

 

Chính sách xã hội có những đặc trưng cơ bản sau:

 Thứ nhất, chính sách xã hội là chính sách đối với con người, nhằm vào con người, lấy con người và nhóm người trong cộng đồng làm đối tượng tác động để hoàn thiện và phát triển con người một cách toàn diện.

 

Thứ hai, chính sách xã hội mang tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, luôn hướng tới việc hình thành những giá trị chuẩn mực mới, tiến bộ góp phần đẩy lùi các ác, cái xấu trong xã hội. 

 

Thứ ba, chính sách xã hội có tính trách nhiệm xã hội cao, quan tâm và tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi để mọi người phát triển, đặc biệt những người sống trong điều kiện khó khăn so với mặt bằng chung của xã hội, tạo điều kiện cho những người đó phát huy khả năng vốn có của mình vươn lên hòa nhập với xã hội.

 

Thứ tư, chính sách xã hội với việc thực hiện đúng mục tiêu, đối tượng bao giờ cũng có cơ chế hoạt động, bộ máy nhân sự, chương trình dự án và kinh phí hoạt động riêng của chính sách xã hội.

 

Xây dựng và thực hiện tốt các chính sách xã hội, bảo đảm cho xã hội được ổn định, an toàn, con người sống được yên ổn, không bị bấp bênh là mục tiêu, là động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững. Chính sách xã hội thực hiện những vai trò quan trọng sau:

 

Một là, chính sách xã hội là một trong các công cụ, biện pháp để Nhà nước tiến hành phát triển toàn diện con người, là chính sách đối với con người nhằm phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực con người trong việc ổn định và phát triển xã hội và có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của xã hội.

 

Hai là, chính sách xã hội nhằm xác định và tìm cách giảm thiểu bất bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ và hỗ trợ (hỗ trợ trẻ em và gia đình, hỗ trợ thất nghiệp và đào tạo, lương hưu, chăm sóc sức khỏe) giữa các nhóm xã hội được xác định theo tình trạng kinh tế - xã hội, chủng tộc, dân tộc, tình trạng di cư, giới, khuynh hướng tình dục, khuyết tật và tuổi tác.

 

Ba là, chính sách xã hội có vai trò điều tiết các quan hệ xã hội nhằm phát huy khả năng của toàn xã hội vào những mục tiêu chung. Khi cơ cấu xã hội của xã hội không còn phù hợp để thúc đẩy xã hội phát triển hoặc khi xã hội có “vấn đề xã hội” nảy sinh, cần phải điều chỉnh các phân hệ của cơ cấu xã hội bằng cách dùng chính sách xã hội tác động để xã hội được công bằng, tạo môi trường tích cực cho xã hội phát triển và hướng tới hình thành cơ cấu xã hội mới phù hợp, tối ưu, đảm bảo xã hội tồn tại và phát triển trong sự ổn định.

 

Bốn là, vai trò quan trọng của chính sách xã hội là tạo ra sự công bằng xã hội, nhờ đó tạo ra tính tích cực, năng động xã hội, làm cho xã hội phát triển bền vững. Chính sách xã hội giải quyết các vấn đề lợi ích giữa các đối tượng mặc dù có thể có chênh lệch nhưng xã hội chấp nhận được và được xác định là công bằng. Nếu không có chính sách xã hội phù hợp, các động lực xã hội sẽ bị triệt tiêu, dẫn tới sự trì trệ và khủng hoảng xã hội. Kinh nghiệm áp dụng chính sách xã hội cào bằng sẽ dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng.

 

2. Phát triển chính sách xã hội ở Singapore

Chính sách xã hội là một bộ phận chính sách của nhà nước để quản lý xã hội. Mục tiêu của chính sách xã hội là ngăn chặn hoặc giải quyết các vấn đề xã hội còn tồn tại nhằm ổn định và phát triển bền vững. Phát triển bền vững là mục tiêu cốt lõi mà mỗi quốc gia đều hướng đến với mục đích xây dựng xã hội tốt đẹp, lành mạnh, an toàn; con người được tự do và hạnh phúc. Phát triển chính sách xã hội ở Singapore được thực hiện trên những lĩnh vực sau:

 

Thứ nhất, chính sách an sinh xã hội và giảm thất nghiệp

Đảm bảo an sinh xã hội được xem là một trong những chức năng quan trọng của chính sách xã hội. Singapore xây dựng chiến lược an sinh xã hội phù hợp, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và định hướng sử dụng chiến lược an sinh xã hội vào phát triển kinh tế. Singapore chủ trương xây dựng và phát triển Quỹ tiết kiệm an sinh xã hội để tất cả công dân tự chủ về nguồn thu nhập, y tế, giáo dục... nhằm đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội và các mục tiêu kinh tế khác.

 

Quỹ Dự Phòng Trung ương Singapore (Central Provident Fund - CPF)[2] là hệ thống An sinh xã hội dành cho tất cả công dân và người lao động thường trú tại Singapore. Thông qua xây dựng hệ thống Quỹ tiết kiệm an sinh xã hội để giúp giảm thiểu gánh nặng tài chính cho ngân sách Singapore trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống an sinh xã hội của Singapore được hình thành dựa trên triết lý tự chủ và vận hành theo 3 trụ cột chính: nghỉ hưu, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội.  Hai trụ cột (nghỉ hưu và phúc lợi xã hội) vận hành dựa trên sự đóng góp của người dân. Hệ thống phúc lợi xã hội của Singapore được coi là một trong những hệ thống thành công nhất theo tiêu chuẩn của các nước.

Hệ thống phúc lợi xã hội ở Singapore được lấy từ quỹ tiết kiệm của cá nhân, sau đó lấy từ gia đình và cộng đồng ở địa phương trước khi chuyển sang lấy từ chính phủ. Nhà nước chỉ là người giúp cuối cùng nếu phải cần đến. Nhà nước không đóng vai trò người bảo lãnh cho tất cả. Singapore chủ trương cứu trợ cho những người không thể duy trì mức sống tối thiểu như: Trợ cấp nhà ở và y tế, giảm giá và các hình thức khác của cứu trợ cho các gia đình, cá nhân thu nhập thấp. Tại Singapore, mọi người dân cần tiết kiệm để trang trải các chi phí về lương hưu, nhà ở, giáo dục, y tế… Đôi khi tỷ lệ tiết kiệm của người dân Singapore cao hơn 50% trong tổng thu nhập.

 

Để bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh dịch Covid 19, Singapore đã khởi động Chương trình Hỗ trợ việc làm (Jobs Support Scheme), Gói Kỹ năng và Việc làm SGUnited (SGUnited Jobs and Skills Package) cùng một số chính sách tiền tệ, nhờ vậy góp phần giúp tỷ lệ thất nghiệp ở Singapore giữ ở mức thấp, giúp khoảng 378.000 lao động đảm bảo cơ hội việc làm trong thời kỳ đại dịch. Năm 2021, Chương trình Hỗ trợ việc làm (Jobs Support Scheme) đã tạo được 165.000 việc làm trong nước với hơn 166.300 cơ hội việc làm và kỹ năng trong gói Kỹ năng và Việt làm (SGUnited Jobs and Skills Package)[3].

Hiện người lao động dưới 50 tuổi ở Singapore dành khoảng 20% tiền lương và người sử dụng lao động sẽ đóng góp 16% vào khoản tiết kiệm của người lao động. Khoản tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản và được duy trì theo thời gian cho đến khi phát sinh nhu cầu sử dụng. Một trong những nhu cầu sử dụng khoản tiết kiệm của người dân Singapore là dành cho nhà ở. Khoảng 90% hộ gia đình ở Singapore sở hữu nhà ở, tỷ lệ sở hữu nhà ở cao nhất thế giới.

 

 

Thứ hai, chính sách bảo hiểm hưu trí. Trong hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm hưu trí được đánh giá có vị trí đặc biệt quan trọng và giữ vai trò hạt nhân. Singapore là một trong những quốc gia điển hình thực hiện thành công mô hình bảo hiểm hưu trí và sử dụng bảo hiểm hưu trí như một công cụ để xây dựng xã hội phát triển.

 

Quỹ Dự phòng Trung ương (CPF) chính là xương sống của bảo hiểm hưu trí Singapore. Quỹ CPF nhằm cung cấp sự bảo đảm về tài chính cho người lao động khi họ nghỉ hưu hoặc không thể tiếp tục làm việc. Cơ cấu CPF bao gồm 3 tài khoản: i) tài khoản thông thường (Ordinary Account - OA): OA được sử dụng cho các vấn đề nhà ở, bảo hiểm, đầu tư và giáo dục; ii) tài khoản đặc biệt (Special Account - SA): SA được chi trả các khoản chi khi chủ tài khoản về già và các khoản đầu tư vào các sản phẩm tài chính hưu trí; iii) tài khoản y tế (Medisave Account - MA): là tài khoản dành cho các khoản viện phí và các loại bảo hiểm y tế được Chính phủ quy định. Khi người lao động đủ 55 tuổi, tài khoản thứ 4 được thành lập mang tên tài khoản hưu trí (Retirement Account - RA).

 

Chế độ hưu trí ở Singapore là sự kết hợp của 3 chương trình:1) thu nhập suốt đời cho người cao tuổi (Lifelong Income for The Elderly); 2) kế hoạch hưu trí tổng thể (Retirement Sum Scheme); 3) rút tiền tiết kiệm khi đủ 55 tuổi (Withdrawals of savings from 55). Ngoài 3 chương trình trên, người lao động còn có thể sử dụng tài khoản OA và SA của mình để đầu tư mà không phải lo ngại rủi ro. Tham gia chương trình này, người lao động có thể nâng cao tài khoản hưu trí của mình và có nhiều quyền lợi hơn khi về hưu.

 

Chính sách bảo hiểm hưu trí của Singapore đã được sửa đổi, bổ sung nhiều lần trong giai đoạn 2010-2020. Những sự thay đổi chủ yếu đều liên quan đến mức đóng góp và quyền lợi hưởng theo chiều hướng có lợi hơn cho người lao động. Đặc biệt, từ năm 2016, Chính phủ Singapore đã triển khai kế hoạch đổi mới hệ thống, bao gồm: cung cấp lượng tiền tối thiểu từ Quỹ CPF cho những cá nhân nghèo nhất; linh hoạt hơn trong việc rút tiền hưu trí; tăng mức đóng góp nhất định và đảm bảo lãi suất hằng năm. Singapore đang xem xét nâng tuổi nghỉ hưu, đồng thời có những điều chỉnh đối với Quỹ CPF để người lao động có thể tiết kiệm được nhiều tiền hơn vào tài khoản cá nhân họ.

 

Năm 2021, Quỹ Hưu trí trung ương Singapore thực hiện Chương trình Hỗ trợ đóng cho các thành viên trong độ tuổi từ 55 đến 70 có số tiền trong tài khoản tiết kiệm hưu trí thấp hơn mức hưu trí cơ bản (93.000 SUD, tương đương 69.800 USD), có thu nhập trung bình hằng tháng không quá 4.000 SUD, tương đương 3.003 USD và đáp ứng một số quy định về sở hữu tài sản khác. Hệ thống bảo hiểm hưu trí ở Singapore đòi hỏi mọi người dân phải tiết kiệm, tích lũy vào tài khoản cá nhân để trang trải chi phí về lương hưu của họ. Tài khoản này được duy trì theo thời gian cho đến khi người tham gia phát sinh nhu cầu sử dụng. Hệ thống Quỹ Dự phòng Trung ương được thiết lập với quản trị tốt, phạm vi bao phủ rộng khắp và pháp luật về bảo hiểm hưu trí luôn chú trọng, quan tâm đến mỗi thành viên trong xã hội, lấy người dân là trung tâm. Hệ thống an sinh xã hội nói chung, bảo hiểm hưu trí nói riêng của Singapore đang đứng đầu ở châu Á và thứ đứng 7 thế giới dựa trên sự đầy đủ, tính toàn vẹn và tính bền vững.

 

Thứ ba, chính sách chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế.  Singapore có một hệ thống chăm sóc sức khỏe đẳng cấp thế giới, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp hạng nhất ở châu Á (trên cả Hong Kong và Nhật Bản), đứng thứ 6/100 hệ thống chăm sóc sức khỏe tốt nhất trên thế giới. Hiện Singapore có 22 bệnh viện và cơ sở y tế đạt chứng nhận của JCI (Joint Commission International)[4]

 

Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, Singapore đã bắt đầu xây dựng hệ thống Tài khoản Medisave “Medisave Account” (1984). Khoản tiết kiệm dành cho y tế của mỗi người lao động sẽ được gửi vào tài khoản Medisave riêng của từng cá nhân và các cá nhân cũng tự động tham gia bảo hiểm cho các bệnh hiểm nghèo. Singapore cũng dành sự quan tâm đặc biệt trong việc hỗ trợ người già, người có thu nhập thấp, thu nhập trung bình. Chính phủ tiếp cận đối với chi tiêu tài chính của người dân bằng việc giữ mức thuế thấp. Điều này đảm bảo rằng nguồn tài nguyên có hạn của quốc gia sẽ đến được với những người cần hỗ trợ nhiều nhất.

 

Chi tiêu cho y tế của chính phủ Singapore chỉ chiếm 4,3% GDP so với Mỹ (16,9% GDP); Pháp (11% GDP); Anh (9,9% GDP): Nhật Bản (10,9% GDP) và Hàn Quốc (7,1% GDP)[5] trong khi đạt được kết quả sức khỏe bằng hoặc tốt hơn, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp và kỳ vọng sống cao hơn. Hầu hết các nước châu Âu, Scandinavia và Bắc Mỹ chi 30-40% GDP cho các chương trình phúc lợi xã hội, trong khi Singapore chi ít hơn nhưng vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh tế tương tự với một xã hội tương đối ổn định.

 

Singapore luôn quan tâm vấn đề chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế nhằm đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng. Người lao động có thể tham gia bảo hiểm y tế theo hình thức bắt buộc hoặc tự nguyện. Người lao động dưới 55 tuổi có thu nhập trong khoảng 5000-6000SD/tháng phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc thông qua quỹ y tế dùng để chi trả chi phí điều trị bệnh và mua bảo hiểm y tế nhân thọ (Medisave Account). Ngoài các đối tượng phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, Singapore đưa ra các quy định cụ thể về việc đóng bảo hiểm y tế tự nguyện cho những đối tượng không thuộc diện đóng bảo hiểm y tế bắt buộc. Tuy không bắt buộc nhưng đã có nhiều người lao động, kinh doanh tự do ở Singapore chủ động tham gia Quỹ bảo hiểm y tế bắt buộc nhằm đảm bảo chi phí khám chữa bệnh và giúp cắt giảm một phần thuế thu nhập, bởi phần đóng góp cho bảo hiểm y tế không bị đánh thuế.

 

Thứ tư, chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người dân có chỗ ở. Với quan điểm “nhà ở là tài sản xã hội, không phải tài sản tài chính” đã giúp Singapore ổn định vấn đề nhà ở, an sinh xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh trong thời gian ngắn. 

 

Năm 1960, Singapore thành lập Uỷ ban Phát triển nhà ở (Housing Development Board - HDB) là cơ quan hợp pháp chính thức và duy nhất, có nhiệm vụ giải quyết nhanh vấn đề nhà ở xã hội để ổn định an sinh. Nhiệm vụ của Ủy ban Phát triển nhà ở (HDB) nhằm phân bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả, không những bảo đảm nguyên liệu, quỹ đất và nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng quy mô lớn, mà còn góp phần tiết kiệm chi phí. Nhờ sự định hướng, hỗ trợ mạnh của Chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý, chương trình nhà ở xã hội của Singapore đã đi đúng lộ trình, đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dân trong cộng đồng. 

 

Chính sách hỗ trợ nhà ở của Singapore thường kết hợp trợ cấp cho cả hai bên cung và cầu. Trợ cấp về bên cung được thực hiện thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp cung cấp nhà thu nhập thấp dưới nhiều hình thức khác nhau như: Chính phủ miễn, giảm thuế cho các nhà cung cấp nhà ở thu nhập thấp; hỗ trợ tín dụng (các khoản vay dài hạn với lãi suất thấp, vay ân hạn); cung cấp một số cơ chế bảo lãnh, cung cấp đất, cơ sở hạ tầng. Trợ cấp về bên cầu được thực hiện thông qua việc hỗ trợ cho các hộ gia đình dưới nhiều hình thức khác nhau như: Ưu đãi thuế (cho phép khấu trừ thuế đối với chi phí mua nhà thu nhập thấp); trợ cấp để mua/thuê nhà; hỗ trợ về tiết kiệm cho mua nhà; cung cấp các khoản vay ưu đãi để mua nhà. Singapore hỗ trợ tài chính cho người mua nhà từ nguồn tiền của Quỹ Dự phòng Trung ương CPF[6]

 

Hội đồng Phát triển Nhà ở HDB, về mặt pháp lý, vẫn là chủ sở hữu nhà ở lớn nhất. Nghĩa là, đa số bất động sản nhà ở Singapore là tài sản Nhà nước với quyền sở hữu thuộc về Nhà nước. Do đó, nếu muốn cải thiện hoặc sửa đổi khu dân cư thuộc dự án nhà ở xã hội, Hội đồng Phát triển Nhà ở HDB hoàn toàn có thể triển khai một cách thống nhất. Hiện có khoảng hơn 80% người dân Singapore có nhà ở và 90% trong số đó sở hữu căn hộ do HDB cung cấp. Chiến lược phát triển nhà ở xã hội của Singapore thành công dựa trên ba nhân tố quyết định.

 

Thứ nhất, Singapore đã thực hiện chính sách một cơ quan duy nhất chịu trách nhiệm về nhà ở xã hội để phân bổ và quy hoạch nguồn lực hiệu quả. Chính sách vừa giúp cho HDB có khả năng bảo đảm quỹ đất, nguyên liệu và nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng quy mô lớn, vừa bảo đảm tiết kiệm chi phí song lại đạt kết quả cao nhất.

 

Thứ hai, Singapore áp dụng phương thức tiếp cận tổng thể đối với nhà ở. Từ quy hoạch, thiết kế cho đến thu hồi đất và xây dựng, thông qua phân phối, quản lý, bảo trì, các nhiệm vụ liên quan đến nhà ở nằm trong một tổng thể trọn vẹn, liền mạch.

 

Thứ ba, phát triển nhà ở xã hội của Singapore có sự định hướng cũng như hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ về lĩnh vực tài chính và pháp lý đã giúp cho chương trình nhà ở xã hội đi đúng lộ trình và đến được với người dân có nhu cầu thực sự.

 

Tóm lại, với tầm nhìn xa và có quy hoạch rõ ràng trong việc xây dựng các khu nhà ở xã hội, Chính phủ Singapore một mặt đã giải quyết tốt vấn đề nhà ở của người dân và phát triển kinh tế của đất nước, mặt khác giữ được quỹ đất cho tương lai cũng như phục vụ cho các mục đích khác.

 

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Chính sách xã hội của Việt Nam luôn hướng đến mục tiêu vì con người và đặt con người vào trung tâm của quá trình phát triển. Con người là mục tiêu, động lực của phát triển và là trung tâm của chính sách xã hội. Việt Nam đã dành 21% ngân sách nhà nước cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN[7]. Nghiên cứu hệ thống chính sách xã hội Singapore giúp Việt Nam có những bài học kinh nghiệm quý báu sau:

 

Bài học thứ nhất, nhà nước có vai trò quan trọng trong phát triển chính sách an sinh xã hội. Nhà nước có thể can thiệp trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng đều phải hoạch định chiến lược, xây dựng hệ thống luật pháp. Quan trọng hơn, nhà nước cần sát sao phối hợp và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo an sinh xã hội. Nhà nước giúp tổ chức một hệ thống bảo hiểm xã hội toàn diện nhằm hạn chế những rủi ro phổ biến trong cuộc sống mà ít người có thể cung cấp đầy đủ.

 

Quan điểm chung của chủ nghĩa tự do khi nói đến phúc lợi xã hội là vai trò của nhà nước chỉ nên hạn chế trong việc cung cấp một mạng lưới an toàn. Một mạng lưới cơ bản an toàn sẽ bảo vệ xã hội dễ bị tổn thương về kinh tế khỏi bị rơi vào các vết nứt. Milton Friedman[8] đề xuất đánh thuế thu nhập âm như một cách khuyến khích người nghèo làm việc để thoát nghèo. Sự giàu có của quốc gia bị giảm sút khi các động lực làm việc bị xói mòn bởi phúc lợi nhà nước dễ dàng tiếp cận.

Nhà nước cần khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào cung ứng an sinh xã hội, sử dụng các chính sách kinh tế phối hợp với chính sách xã hội nhằm giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân trong chính sách an sinh xã hội làm tăng trách nhiệm của cá nhân, doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm gánh nặng tài chính cho Nhà nước. Phát triển Quỹ tiết kiệm an sinh xã hội giúp giảm tải gánh nặng về ngân sách của Chính phủ Singapore đã duy trì trong nhiều năm qua.   Vai trò quản lý Nhà nước trong phát triển nhà ở xã hội là rất quan trọng. Sự thống nhất về cơ quan có thẩm quyền, chính sách, quy định pháp lý là một trong những nền tảng chủ đạo để người cần nhà ở xã hội có thể tiếp cận những dự án nhà ở bình dân của Chính phủ.

 

Trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, vai trò cùa nhà nước Singapore được thể hiện ở sự thắt chặt phối hợp giữa các chính sách kinh tế và chính sách xã hội để đảm bảo rằng người dân Singapore có thể tiếp cận với việc làm và cơ hội trong nền kinh tế hậu Covid.

 

Bài học thứ hai, nhấn mạnh tầm quan trọng vào tính tự lực của mỗi cá nhân (self- reliance). Để đủ điều kiện nhận phúc lợi xã hội ở Singapore là không dễ theo tiêu chuẩn của hầu hết các nước phát triển phương Tây. Quan điểm của Singapore về việc phân phát phúc lợi xã hội được củng cố bằng triết lý kinh tế vững chắc về sự tự lực và tự chịu trách nhiệm, trong đó phúc lợi xã hội đầu tiên phải được lấy từ khoản tiết kiệm của cá nhân, đơn vị gia đình và cộng đồng địa phương trước khi chuyển sang lấy của chính phủ. Nhà nước không nên đóng vai trò là người bảo đảm các phương tiện mà chỉ đơn thuần là người bảo vệ quyền truy đòi cuối cùng.

 

Một trong những hình thức phúc lợi xã hội có tổ chức quan trọng nhất ở Singapore là các nhóm cộng đồng tự lực do nhà nước hướng dẫn, được cấu trúc theo các ranh giới chủng tộc.  Nhóm cộng đồng được thành lập để giúp xóa đói giảm nghèo cho những công dân có thu nhập thấp nhất bằng cách giúp họ thông qua các chương trình giáo dục phổ thông khác nhau để cải thiện cơ hội kinh tế. Chương trình phúc lợi xã hội bắt đầu trong cộng đồng người Mã Lai năm 1981 được coi là thành công vào cuối thập kỷ. Nhờ vậy, chính phủ dần mở rộng để thành lập các tổ chức tự lực tương tự cho các nhóm “kém hiệu quả” của Trung Quốc, Ấn Độ.

 

Sự tham gia của chính phủ Singapore vào các nhóm cộng đồng chỉ ở mức độ giám sát quy định chung. Các quy trình liên quan đến việc phân bổ phúc lợi cho các thành viên có thu nhập thấp được giao cho các trưởng nhóm cộng đồng. Hình thức phúc lợi được tư nhân hóa trong đó việc ra quyết định quan trọng được thực hiện ở cấp độ phi tập trung được chứng minh là hình thức phúc lợi hiệu quả hơn nhiều về mặt kinh tế.

 

Triết lý tự lực và trách nhiệm không chỉ nổi bật trong phúc lợi xã hội mà còn được nhân rộng trong cách tiếp cận của chính phủ Singapore đối với tiết kiệm hưu trí, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhà ở. Chính sách ưu tiên để đảm bảo các cá nhân có đủ nguồn lực cho những ngày khó khăn là thông qua Quỹ Dự phòng Trung ương CPF, nơi có một phần tiền lương hàng tháng của người được khấu trừ và gửi vào đó. Những khoản tiền này chỉ có thể được sử dụng cho chi phí y tế, bảo hiểm, mua nhà hoặc đến tuổi nghỉ hưu, phản ánh sự khuyến khích của chính phủ về tính tự lực, nên “tự giúp mình trước khi nhờ người khác giúp đỡ”.

 

Bằng cách bắt buộc người dân Singapore tiết kiệm, phúc lợi xã hội ở Singapore theo truyền thống đã được nội bộ hóa trước hết cho từng cá nhân và gia đình. Điều này tạo thành điểm mấu chốt của chính sách xã hội “Nhiều bàn tay giúp đỡ” của chính phủ trong đó vai trò của gia đình và cộng đồng trực tiếp trong việc cung cấp phúc lợi sẽ hiệu quả hơn và được chú trọng hơn các chương trình do chính phủ tài trợ.

 

Bài học thứ ba, tầm quan trọng của thực hiện áp dụng sự phân cấp phúc lợi xã hội (decentralizing welfare). Thành công trong cách tiếp cận phúc lợi xã hội của Singapore bắt nguồn từ thiết kế phi tập trung xoay quanh các cộng đồng ở cấp cơ sở. Cách tiếp cận phi tập trung hoạt động hiệu quả vì đã khắc phục được cơ bản các vấn đề quan trọng mà các chương trình phúc lợi cần phải giải quyết.

 

Xóa đói giảm nghèo chỉ là làm giảm nhẹ. Giảm bớt khó khăn kinh tế tạm thời hoàn toàn khác với mục tiêu đưa người nghèo thoát nghèo. Phúc lợi xã hội hiệu quả phải được thực hiện mà không khuyến khích sự phụ thuộc hoặc phá hủy động cơ làm việc của người nghèo. Ngay cả khi nghèo đói là một vấn đề chung của “xã hội”, kiến thức cần thiết để giải quyết các trường hợp nghèo đói riêng lẻ không bao giờ được tập trung trong văn phòng nhà nước. Ngược lại, những kiến thức đó phải được phân tán rộng rãi và sẽ khác nhau hoàn toàn giữa các nền văn hóa, tôn giáo, cộng đồng, nghề nghiệp và cá nhân.

 

Nguyên nhân của đói nghèo xã hội có thể xuất phát từ các tập quán văn hóa tồn tại lâu dài, thói quen cá nhân hoặc các vấn đề thể chế địa phương. Có thể dễ dàng đặt nhiệm vụ cung cấp phúc lợi cho “chính phủ”. Nhưng việc các quan chức nhà nước phân bổ phúc lợi do người đóng thuế tài trợ thường phức tạp hơn nhiều, thể hiện qua hàng nghìn tỷ đô la lãng phí đã không giúp được người nghèo hoặc những chi phí khổng lồ bị lãng phí chỉ vì mục đích hành chính.

 

Singapore với các chương trình phúc lợi xã hội hiệu quả được quản lý ở cấp độ tư nhân, phi tập trung hoá được trang bị tốt hơn với kiến thức phù hợp với điều kiện bối cảnh cần thiết để đối phó với môi trường hiện có. Khi việc ra quyết định được phân cấp, hoàn cảnh cụ thể của mỗi cá nhân được đánh giá tốt hơn, do đó sẽ đưa ra biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với những người nhận phúc lợi xã hội. Mô hình cung cấp phúc lợi kết hợp giữa tư nhân và công cộng của Singapore cung cấp bài học hữu ích cho Việt Nam. Chương trình phúc lợi toàn diện có thể dễ dàng được thiết kế để xóa đói giảm nghèo. Nhưng xóa đói giảm nghèo sẽ được giải quyết tốt hơn nhiều thông qua phương pháp tiếp cận dựa trên thị trường như cách tiếp cận phi tập trung của Singapore. Khi việc ra quyết định được phân cấp, hoàn cảnh độc đáo và câu chuyện cuộc đời của mỗi cá nhân có thể được đánh giá tốt hơn, do đó cũng đưa ra biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn đối với những người nhận phúc lợi xã hội.

 

Bài học thứ tư, lựa chọn mô hình bảo hiểm hưu trí phù hợp. Việc lựa chọn mô hình bảo hiểm hưu trí của mỗi quốc gia nhất thiết phải gắn liền với điều kiện kinh tế - xã hội, lịch sử, chính trị của quốc gia đó. Trong khi phần đông các quốc gia trên thế giới đều xây dựng bảo hiểm hưu trí theo mô hình tài chính công hoặc mô hình tài chính đóng góp thì Singapore là một trong những nước tiên phong với mô hình độc đáo - tài khoản cá nhân.

 

Bài học của Singapore về quản lý và tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm hưu trí, đó là: việc lựa chọn mô hình bảo hiểm hưu trí vốn dĩ đã quan trọng nhưng cách thức quản lý, tổ chức bảo hiểm hưu trí ra sao còn khó khăn và quan trọng hơn. Nếu Việt Nam vẫn đang loay hoay trong vấn đề tổ chức quản lý với bộ máy cồng kềnh nhưng chưa hiệu quả thì có thể thấy vấn đề bảo hiểm hưu trí được Singapore giải quyết rất gọn nhẹ, linh hoạt, tiết kiệm tối ưu sức người, sức của.

 

Ở Singapore, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm quản lý Nhà nước về chế độ hưu trí và thanh toán các chi phí liên quan cho người tham gia. Bên cạnh đó, Quỹ CPF đặt chi nhánh ở các địa phương trên cả nước, thực hiện chức năng phê duyệt yêu cầu của người tham gia khi họ sử dụng các quyền lợi của mình.

 

Singapore đã tận dụng tối đa những lợi thế mà khoa học công nghệ mang lại vào thực tiễn thực hiện bảo hiểm hưu trí. Chỉ cần truy cập vào trang thông tin điện tử của Hội đồng Quản lý CPF, người truy cập có thể dễ dàng tìm hiểu quy định pháp luật bảo hiểm hưu trí do những quy định được đăng tải một cách tường minh, dễ hiểu và thân thiện với người sử dụng. Thành viên CPF chỉ cần đăng nhập bằng tài khoản cá nhân của mình là có thể biết được chính xác số tiền trong tài khoản, các chế độ được tham gia, số tiền bảo hiểm cần đóng.

 

Tóm lại, sự kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế và chính sách xã hội là nền tảng vững chắc cho mối quan hệ giữa Chính phủ và người dân. Singapore quan niệm, phát triển kinh tế đã khó, nhưng để có một xã hội trật tự, an toàn và chính trị ổn định, vốn là nền tảng của sự phát triển, còn khó khăn hơn. Chính sách xã hội độc đáo của Singapore là chìa khóa cho tốc độ phát triển vượt bậc của Singapore. Trong bối cảnh hậu Covid 19, ưu tiên lớn nhất của chính phủ Singapore là hỗ trợ người dân duy trì công việc làm ổn định hoặc tìm kiếm những công việc mới, củng cố tổ chức xã hội và cải thiện mạng lưới an toàn xã hội.

 

PGS.TS. Phạm Thị Thanh Bình*

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. David Reisman (2009), Social Policy in an Ageing Society: Age and Health in Singapore, Edward Elgar Publishing, 2009.

2. Jun Jie Woo (2021), Singapore’s Social Policy to Covid 19 Focusing on Jobs and Employment, publishing by Global Dynamics of Social Policy, 2021.

3. Steven J Davis (2017), Decoding Singapore’s success in social policy, published in Chicago Booth Review, 2017.

4. Phan Thị Thanh Huyền (2022), Bảo hiểm hưu trí: Một số bài học kinh nghiệm từ Singapore (laodongcongdoan.vn)


 



* Email: phamthanhbinh297@yahoo.com.vn; Mobile: 0909929761

[2] Quản lý Nhà nước đối với Quỹ CPF (1995) là Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm quản lý cao nhất thuộc về Bộ trưởng. Trực tiếp quản lý CPF là Hội đồng Quản lý quỹ dự phòng Trung ương (Central Provident Fund Board - CPFB) với sự tham gia của Chính phủ, đại diện người sử dụng lao động và người lao động.

[4] JCI (Joint Commission International) là một tổ chức có uy tín trên thế giới trong việc thẩm định và công nhận chất lượng y tế, đặc biệt là chất lượng bệnh viện, tập trung vào mục tiêu đảm bảo an toàn và mang lại hiệu quả điều trị cao nhất cho người bệnh.

[6] CPF được dùng cho 5 mục đích chính bao gồm: Sở hữu nhà ở; hưu trí; y tế; quỹ bảo trợ gia đình; đầu tư.

[8] Milton Friedman là nhà kinh tế học đoạt giải Nobel (1976) người Mỹ, là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản tự do

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết