Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Việt Nam - Trung tâm sản xuất mới

Ngày phát hành: 02/12/2022 Lượt xem 1139


Mới đây, trang mạng của Viện nghiên cứu chính trị quốc tế ISPI có bài viết của Peter Masina - Giáo sư Lịch sử và Thể chế châu Á thuộc trường Đại học Naples- L’Orientale, với tiêu đề: “Tiêu điểm về Việt Nam”.


Bài báo viết: Việt Nam hiện là trung tâm sản xuất mới về điện tử, may mặc, cùng các ngành thâm dụng lao động khác. Với việc gia nhập WTO từ năm 2007, Việt Nam nhanh chóng trở thành quốc gia đi đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Trong thập kỷ tiếp theo, Việt Nam đã ký một số hiệp ước tự do hóa thương mại - bao gồm cả hiệp định với Liên minh châu Âu (EU), có hiệu lực năm 2020, qua đó, Việt Nam đã củng cố vị thế cả về thu hút đầu tư và thương mại quốc tế.


Ngoài thỏa thuận với EU, còn có hai thỏa thuận có tầm quan trọng đặc biệt: Thứ nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một dự án đầy tham vọng có thể cách mạng hóa các quy tắc thương mại quốc tế theo mô hình của Mỹ và gây ra mối đe dọa đối với vị trí của Trung Quốc trong chuỗi sản xuất giá trị khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, với việc không được phía Mỹ phê chuẩn, hiệp định đã được chuyển đổi thành Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được các nước khu vựcThái Bình Dương ký kết, trong đó có Việt Nam. Mặc dù TPP chưa được Mỹ phê chuẩn nhưng vẫn đòi hỏi Việt Nam phải tiến hành cải cách mạnh mẽ trong nước, bao gồm việc phê chuẩn công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Thứ hai là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) không chỉ bao gồm các nước ASEAN mà còn có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây là hiệp định thương mại lớn nhất từng được ký kết, có sự tham gia của các quốc gia chiếm khoảng 30% GDP và 30% dân số thế giới.


Năng động hơn Bắc Kinh?


Việt Nam gần đây đã nổi lên như một trong số ít nền kinh tế có khả năng tiếp tục tăng trưởng trong đại dịch. Đây là một thành tựu phi thường mà Việt Nam đã đạt được với các chính sách hiệu quả và sự tham gia ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) còn đưa ra những chỉ dẫn nhầm lẫn, Việt Nam đã liên tưởng tới dịch SARS có khởi nguồn từ Trung Quốc và áp dụng các biện pháp như sử dụng khẩu trang, triển khai giãn cách xã hội, cùng khả năng giám sát hiệu quả để tránh bị phong tỏa toàn diện. Việc đóng cửa với bên ngoài không thể tránh khỏi tác động của biến thể Delta, nhưng câu trả lời là một chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 nhanh chóng và rộng rãi. Cho đến nay, khi Trung Quốc tiếp tục đóng cửa với bên ngoài, thì Việt Nam đã hoàn toàn tự do hóa nhập cảnh mà không yêu cầu kiểm dịch.
Do đó, đại dịch COVID-19 đã củng cố thêm xu hướng dịch chuyển với các sản phẩm định hướng xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, xu hướng này đã nổi lên mạnh mẽ do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Trong năm 2019, khoảng 20% hàng xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ đã được thay thế bằng hàng xuất khẩu từ Việt Nam, mặc dù trong một số trường hợp, đó chỉ là việc đổi thương hiệu đơn giản của hàng Trung Quốc vào thị trường Mỹ với nhãn mác “Made in Vietnam”.


Tuy nhiên, chiến tranh thương mại và đại dịch đã đẩy nhanh xu hướng dài hạn, chứng kiến các công đoạn sản xuất sử dụng nhiều lao động sẽ di dời khỏi Trung Quốc do sự gia tăng tiền nhân công tại “gã khổng lồ châu Á”. Chính yếu tố này đã khiến Samsung chuyển công ty lắp ráp điện thoại di động sang Việt Nam và gần đây là quyết định của Faxconn với việc chuyển dịch sản xuất Apple Watch và AirPods.


Vai trò chính trong chuỗi cung ứng khu vực


Với vị trí địa lý gần gũi, mặc dù vẫn tồn động những khó khăn giữa hai nước, song hiện giờ Trung Quốc dường như cũng đảm bảo được những lợi ích kinh tế quan trọng của Việt Nam. Sự gần gũi giữa tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), nơi tập trung sản xuất công nghiệp định hướng xuất khẩu, và khu vực miền Bắc Việt Nam đã giúp Việt Nam dễ dàng tổ chức các mạng lưới sản xuất tích hợp cao. Tại Việt Nam, các sản phẩm được lắp ráp để xuất khẩu vẫn có linh kiện cấu thành của Trung Quốc và thường sử dụng máy móc nhập khẩu từ Trung Quốc. Sự tương tác này làm cho Việt Nam trở nên đặc biệt trong khu vực Đông Nam Á.


Trung Quốc và Mỹ thu hút tỷ trọng gần như nhau về xuất khẩu của khu vực, tuy nhiên, Trung Quốc có tỷ trọng xuất khẩu sang các nước láng giềng Đông Nam Á cao gấp 3 lần. Và với Việt Nam, sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc thậm chí còn rõ nét hơn so với các nước ASEAN khác (trên 30%), trong khi Mỹ vẫn là thị trường đầu ra cho các sản phẩm địa phương (hơn 27%).


Chính sự bất đối xứng này trong thương mại quốc tế đã khiến Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất điển hình: quốc gia hội nhập mạnh mẽ vào thị trường toàn cầu, nhập khẩu nhiều để có thể xuất khẩu, nhưng lại có nguy cơ bị giới hạn trong các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Đây là một vấn đề trở ngại với các cơ quan chức năng Việt Nam, nhưng không dễ giải quyết. Với dân số gần 100 triệu người và trẻ hơn đáng kể so với Trung Quốc, nhiều khả năng, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động trong tương lai gần. Tuy nhiên, xu hướng thu hút các nhà đầu tư hiện nay có thể kéo theo việc gia tăng nhân công trong tương lai gần. Việt Nam sẽ phải bắt nhịp tiến trình thông qua quá trình chuyển đổi sang sản xuất sử dụng nhiều công nghệ và tri thức hơn, như Trung Quốc đang tiến hành với phần lớn các vùng ven biển. Nếu không có khả năng cập nhật công nghiệp, Việt Nam có thể phải đối mặt với quá trình dịch chuyển hoặc phải nhập khẩu lao động nước ngoài giá rẻ để duy trì khả năng cạnh tranh trong các quy trình sử dụng nhiều lao động (như trường hợp hiện nay đối với một số ngành sản xuất ở Malaysia và Thái Lan).


Do yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông, một vùng biển rất rộng lớn chứa các mỏ dầu, quan trọng hơn là con đường thương mại chính từ Đông Á đến Ấn Độ Dương gây nên căng thẳng lớn với một số nước trong khu vực Đông Nam Á. Việc tranh chấp này còn gây ra sự cạnh tranh cũng như đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong khu vực.  Việt Nam, với vị trí địa chính trị (vừa bị đe dọa, vừa được hưởng lợi nhờ tiếp giáp Trung Quốc) đã mang lại cho Việt Nam tầm quan trọng ngày càng gia tăng cả về kinh tế và địa chính trị. Do đó, nhiều công ty nước ngoài đã chọn Việt Nam trong chiến lược đa dạng hóa nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời cho phép họ duy trì kết nối với mạng lưới sản xuất khu vực mà “gã khổng lồ châu Á” vẫn tiếp tục và sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết