Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Những điểm nhấn xung quanh Hội nghị G20

Ngày phát hành: 20/11/2022 Lượt xem 1101


Toàn cảnh lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)

tại Bali, Indonesia ngày 15/11/2022.


            Tổng thống Joko Widodo, được biết đến nhiều hơn với tên Jokowi, đã tổ chức một sự kiện được cho là “giống như hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên của một cuộc chiến tranh lạnh thứ hai”. Tất cả những kết quả chính thức của hội nghị và các sự kiện diễn ra bên lề đều rất đáng chú ý.

 


            Sự kiện này quy tụ các nhân vật quan trọng như Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Các tổng thống của nền dân chủ lớn nhất thế giới là Ấn Độ, và cường quốc mạnh nhất châu Phi là Nam Phi cũng đã ở đó, cũng như các nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Vương quốc Anh, những người đã đến đây ngay sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP-27 tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập.


            Hội nghị G20, từng chỉ được coi là một trong những cuộc họp bên lề trong đời sống kinh tế quốc tế, giờ đây chắc chắn là sự kiện quan trọng nhất, vì nó vừa tập hợp được các quốc gia là những nền dân chủ, vừa có sự hiện diện của một nhóm các chế độ chuyên quyền hùng mạnh và một số quốc gia giàu sang khác mà phần lớn tài sản được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch mà phần còn lại của thế giới đang muốn từ bỏ.


            Diễn biến đáng chú ý đầu tiên là tuyên bố bất ngờ của Tập Cận Bình về chiến tranh hạt nhân. Nhà Trắng đã thông báo rằng tại cuộc gặp chỉ kéo dài hơn 3 giờ đồng hồ với Biden, hai nhà lãnh đạo đã “nhắc lại sự nhất trí của họ rằng chiến tranh hạt nhân không bao giờ nên được tiến hành và không bao giờ có thể giành chiến thắng, đồng thời nhấn mạnh sự phản đối của họ đối với việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine”, trái ngược với những gợi ý lặp đi lặp lại của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin rằng ông ta có thể chỉ cần sử dụng một trong những vũ khí hạt nhân chiến thuật này để hoàn thành các mục tiêu của mình ở Ukraine.


            Bản tin chính thức từ Tân Hoa xã dẫn lời Tập Cận Bình nói với Joe Biden: “Thứ nhất, không có người chiến thắng trong xung đột và chiến tranh; thứ hai, không có giải pháp đơn giản nào cho những vấn đề phức tạp; thứ ba, phải tránh đối đầu giữa các cường quốc”. Tính chất thân tình và thực tế của cuộc gặp cũng thể hiện rõ qua ngôn ngữ cơ thể giữa hai nhà lãnh đạo khi họ có những tiếp xúc ngắn ngủi trước ống kính phóng viên.

 

Cờ các nước thành viên G20 được bố trí tại khu vực tổ chức hội nghị ở Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters


            Một diễn biến tiếp theo là cuộc gặp song phương chính thức kéo dài hơn 30 phút giữa Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tập Cận Bình tại một khu nghỉ dưỡng gần nơi các nhà lãnh đạo G20 ở. Thủ tướng Australia gần đây nhất gặp Tập Cận Bình là Malcolm Turnbull vào năm 2016. Kể từ thời điểm đó, quan hệ của Australia với Trung Quốc và kim ngạch xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đã giảm mạnh. Albanese có thể rất hài lòng với cuộc gặp quan trọng đầu tiên của ông trên trường quốc tế, đã thể hiện một đường lối cứng rắn như mong đợi nhưng cũng bày tỏ rất rõ ràng rằng Australia coi Trung Quốc như một người bạn lâu dài chứ không phải kẻ thù.


            Jokowi luôn tin rằng G20 nên đi theo đường lối không liên kết, nhưng khi không có Putin, ông đã để cho sự cuồng nhiệt chống Nga gia tăng. Vào thời điểm bản dự thảo cuối cùng của thông cáo chung được soạn thảo vào ngày 15/11, rõ ràng là Moskva đang phải đối mặt với sự lên án về cuộc chiến ở Ukraine. Dự thảo cuối cùng, sau đó được thông qua, “nhấn mạnh rằng cuộc chiến Ukraine đang gây ra sự đau khổ to lớn cho con người và làm trầm trọng thêm những yếu kém hiện có trong nền kinh tế toàn cầu”, và lên án các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.


            Bên lề G20, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã gặp ông Sergey Lavrov, quan chức cấp cao nhất của Nga tham dự hội nghị, và sau đó cho biết “Nga đã nhắc lại quan điểm của mình rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân là ‘không thể và không thể chấp nhận được’”. Theo báo “Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng”, Vương Nghị nói thêm rằng đó là “lập trường hợp lý và có trách nhiệm từ Nga. Chúng tôi rất vui vì Nga đã phát đi tín hiệu đối thoại và đồng ý nối lại việc thực hiện thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen”. 


          Trước khi kết thúc ở Bali, Hội nghị thượng đỉnh G20 đã mang lại một điều tốt đẹp nữa cho thế giới. Nó đã gửi một lời nhắc nhở kịp thời tới các đại biểu vẫn còn có mặt tại COP-27 rằng họ vẫn được trông đợi sẽ tuân thủ mục tiêu giới hạn sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C đã được thống nhất tại COP-26 ở Glasgow năm 2021. Động thái này diễn ra sau khi có các báo cáo rằng có một số người ở Sharm El-Sheikh đã có ý định từ bỏ mục tiêu.


            Lavrov đã không đạt được gì khi trở về Moskva nhưng cũng tránh được nỗi nhục khi không phải chứng kiến việc thông qua thông cáo chung vào ngày cuối cùng. Trong khi đó, Jokowi đã trao quyền chủ tịch G20 cho Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ – cho đến nay là một trong những đồng minh thân cận nhất của Putin.       


          Cuối cùng, một người sẽ trở về từ Indonesia với tâm trạng tốt hơn so với khi rời Mỹ là Tổng thống Joe Biden. Hai tuần trước, nếu bạn tin những người thăm dò ý kiến của Mỹ và phần lớn các phương tiện truyền thông, Biden hẳn sẽ chuẩn bị phải đối mặt với “làn sóng đỏ” của Đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Điều này không bao giờ xảy ra và một số lượng đáng kể các ứng cử viên Cộng hòa được Donald Trump đích thân vận động cho đã không giành được ghế của họ, khiến Đảng Dân chủ có động lực mới để chống lại thách thức của Trump vào năm 2024. Đúng như dự đoán, Trump đã tuyên bố ứng cử vào ngày 15/11 với màn phô trương điển hình tại một bữa tiệc trong phòng khiêu vũ lớn tại dinh thự Mar-a-Lago của ông ở Florida, với thành phần tham dự hầu hết là giới truyền thông và các nhân vật nổi tiếng thuộc phe của ông. Tất nhiên, thông điệp của ông vẫn là “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết