Chủ tịch G20, Tổng thống nước chủ nhà Indonesia Joko Widodo phát biểu tại ngày làm việc đầu tiên của
Hội nghị Thượng đỉnh G20.
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), diễn ra tại Bali, Indonesia đã kết thúc với việc đạt được những cam kết mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa mục tiêu đối phó các thách thức lớn toàn cầu. Với những cam kết tài trợ và hợp tác được đưa ra tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G20 đã thể hiện sự đánh giá cao tầm quan trọng của việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các vấn đề then chốt như khí hậu và chuyển đổi năng lượng…
G20 và những kỳ vọng
G20 được thành lập năm 1999, là diễn đàn quốc tế bao gồm: 19 quốc gia và một khối khu vực: các quốc gia trong nhóm G7 (Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh, Italy và Canada); Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi), các nền kinh tế mới nổi có quy mô lớn (Australia, Argentina, Indonesia, Mexico, Saudi Arabia, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ) và Liên minh châu Âu (EU).
G20 ra đời với mục đích là thảo luận về những vấn đề kinh tế quan trọng, thúc đẩy các chính sách liên quan đến việc ổn định tình hình tài chính quốc tế cũng như định hướng phát triển cho nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, cho đến nay, “nhiệm vụ” của G20 đã được mở rộng không chỉ giải quyết vấn đề kinh tế và tài chính, mà còn các chính sách năng lượng, môi trường, thương mại quốc tế, đầu tư, hợp tác phát triển.
Đến nay, G20 đã tổ chức được 17 Hội nghị thượng đỉnh, thảo luận hầu hết các vấn đề lớn của kinh tế thế giới, đã thông qua nhiều văn kiện, thỏa thuận quan trọng về chống khủng hoảng tài chính toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng, thương mại, đầu tư, đổi mới-sáng tạo, ứng phó biến đổi khí hậu, chống dịch bệnh…
Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 17 diễn ra ngày 15 và 16/11/2022 tại hòn đảo du lịch Bali của Indonesia, với sự tham dự của hàng chục nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo tổ chức quốc tế, cùng khoảng 600 đại biểu và hơn 2.100 nhà báo từ trên 410 cơ quan truyền thông quốc tế. Hội nghị cũng có 22 khách mời là các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế.
Đây là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á và cũng là sự kiện quan trọng nhất đánh dấu nhiệm kỳ Chủ tịch G20 của Indonesia với tổng cộng 438 cuộc họp cấp Bộ trưởng, quan chức cấp cao, Nhóm công tác và Nhóm cam kết diễn ra dày đặc kể từ ngày 1/12/2021 đến nay.
Nước Chủ tịch G20 Indonesia đã chọn chủ đề của năm nay là “Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn”, trong đó tập trung vào 3 chương trình nghị sự chính gồm: Tăng cường cấu trúc y tế toàn cầu, Chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số và Chuyển đổi năng lượng bền vững.
Về vấn đề y tế, hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đã bàn thảo về những quy định đối với cơ cấu huy động nguồn lực y tế thiết yếu; tăng cường các biện pháp giám sát dịch tễ, định hướng cho nền tảng hợp tác về nghiên cứu và kiểm soát các mầm bệnh; thiết lập nền tảng chung kết nối các hệ thống chứng nhận tài liệu y tế kỹ thuật số...
Về chuyển đổi kinh tế kỹ thuật số, G20 đã thảo luận về các sáng kiến và đề xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế kỹ thuật số, coi đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế trong giai đoạn hậu COVID-19. Cùng với đó là nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ, nhất là tại các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; phát triển kỹ năng và phổ biến kiến thức kỹ thuật số; kết nối các công ty khởi nghiệp và thúc đẩy tài trợ thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm...
Về chuyển đổi năng lượng bền vững, các nước đã thảo luận để tìm giải pháp mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và các nguồn năng lượng sạch, thúc đẩy quá trình giảm phát thải khí carbon, đặc biệt là thông qua Nguyên tắc chung Bali về thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.
Theo các nhà quan sát, hội nghị thượng đỉnh G20 năm nay nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế. Trước tiên là bởi 20 thành viên của khối chiếm tới 80% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 75% kim ngạch thương mại và 60% dân số toàn cầu. Đây cũng là một trong những sự kiện quốc tế có quy mô lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức tại khu vực Đông Nam Á.
Cùng với đó, hội nghị cũng là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung Quốc có cuộc gặp gỡ thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức và ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Và hội nghị thượng đỉnh G20 lần này cũng là lần xuất hiện đầu tiên của hàng loạt gương mặt lãnh đạo mới của các cường quốc như Anh, Italy, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Quan trọng hơn cả, hội nghị G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh các nền kinh tế G20 mâu thuẫn sâu sắc, bị chia rẽ chưa từng thấy. Trong khi đó, thế giới cũng gánh chịu tác động nặng nề từ hàng loạt cuộc khủng hoảng, nổi bật là xung đột Nga-Ukraine, suy thoái kinh tế, khủng hoảng lương thực và năng lượng, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát tăng vọt... Do đó, hội nghị thượng đỉnh G20 lần này đã được kỳ vọng sẽ tạo cơ hội để các nước đối thoại, xoa dịu những mâu thuẫn và khác biệt.
Những cam kết quan trọng
Sau hai ngày họp, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc vào chiều ngày 16/11 và ra Tuyên bố của các nhà lãnh đạo, trong đó nhấn mạnh các nỗ lực chung và biện pháp phục hồi trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19.
Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết thực hiện các hành động cụ thể, chính xác, nhanh chóng và cần thiết, sử dụng tất cả các công cụ chính sách hiện có để giải quyết các thách thức chung. G20 cam kết tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển - nhất là các quốc đảo nhỏ và kém phát triển - ứng phó với các thách thức toàn cầu và đạt các mục tiêu phát triển bền vững (SDG).
Trên tinh thần “Cùng nhau phục hồi, Phục hồi mạnh mẽ hơn” của Chủ tịch G20 Indonesia đưa ra trong năm 2022, các nhà lãnh đạo G20 khẳng định quyết tâm phối hợp hành động nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự hướng tới phục hồi toàn cầu mạnh mẽ, bao trùm, kiên cường và phát triển bền vững. Theo đó, G20 sẽ tăng đầu tư công và tiến hành cải cách cơ cấu, thúc đẩy đầu tư tư nhân, thương mại đa phương và tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm hỗ trợ tăng trưởng dài hạn, chuyển đổi bền vững và bao trùm, xanh và công bằng.
Tuyên bố nhấn mạnh G20 cũng sẽ duy trì ổn định tài chính và vĩ mô; thúc đẩy an ninh lương thực và năng lượng; hỗ trợ ổn định thị trường, cung cấp hỗ trợ tạm thời và có mục tiêu nhằm giảm tác động của việc tăng giá; tăng cường thương mại và đầu tư để đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực dài hạn, cũng như các hệ thống năng lượng, phân bón và lương thực có khả năng ứng phó và bền vững.
G20 cũng sẽ mở rộng hơn nữa đầu tư cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như các nước đang phát triển khác thông qua nhiều nguồn và công cụ tài chính sáng tạo hơn nhằm hỗ trợ đạt được các SDG; đồng thời yêu cầu các ngân hàng phát triển đa phương huy động và cung cấp bổ sung tài chính để hỗ trợ đạt được các SDG và ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Trước các thách thức an ninh lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng hơn do các xung đột và căng thẳng hiện nay, G20 cam kết thực hiện các hành động khẩn cấp để cứu sống, ngăn chặn nạn đói và suy dinh dưỡng, đồng thời kêu gọi nhanh chóng chuyển đổi hướng tới các hệ thống và chuỗi cung ứng nông nghiệp và thực phẩm bền vững và có khả năng ứng phó.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng hiện nay, các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cấp thiết nhanh chóng chuyển đổi và đa dạng hóa các hệ thống năng lượng, tăng cường an ninh năng lượng, khả năng ứng phó và ổn định thị trường, bằng cách đẩy nhanh và đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng sạch, bền vững, công bằng, với giá cả phải chăng và bao trùm, cũng như dòng đầu tư bền vững.
Về chuyển đổi năng lượng, G20 nhắc lại cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon trên toàn cầu vào giữa thế kỷ này hoặc sớm hơn, đồng thời kêu gọi các nước phát triển thực hiện các cam kết nhằm huy động khẩn cấp 100 tỷ USD mỗi năm trong giai đoạn 2020-2025 để hỗ trợ các nước đang phát triển, giúp hoàn thành mục tiêu của Công ước khung Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) và thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Liên quan đến xung đột Nga-Ukraine hiện nay, tuyên bố của các nhà lãnh đạo G20 nhấn mạnh sự cần thiết duy trì luật pháp quốc tế và hệ thống đa phương nhằm bảo vệ hòa bình và duy trì ổn định, nhấn mạnh giải pháp hòa bình cho các xung đột, các nỗ lực giải quyết khủng hoảng, cũng như ngoại giao và đối thoại là rất quan trọng.
Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng đã chứng kiến lễ chuyển giao cương vị Chủ tịch G20 từ Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Trong lễ chuyển giao,Thủ tướng Modi đã khẳng định việc đảm nhiệm cương vị Chủ tịch của G20 là niềm tự hào của người dân Ấn Độ và cam kết sẽ đưa G20 trở thành "chất xúc tác" cho sự thay đổi toàn cầu. Thủ tướng Modi cho biết trong năm Chủ tịch G20, từ ngày 1/12/2023, Ấn Độ sẽ tổ chức các hội nghị liên quan tại nhiều địa điểm khác nhau trên cả nước. và một trong những nội dung trọng tâm của Ấn Độ là chuyển đổi số.
Ngoài hội nghị cấp cao G20, thế giới còn được chứng kiến nhiều hoạt động sôi nổi khác với nhiều cam kết được đưa ra bên lề hội nghị. Có thể kể đến là sự kiện Mỹ, Indonesia và Liên minh châu Âu (EU) đã đồng tổ chức hội nghị “Ðối tác về cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu (PGII)”. Ðây là sáng kiến được các nhà lãnh đạo Nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) công bố tháng 6 vừa qua nhằm huy động 600 tỷ USD từ nay đến năm 2027 để thực hiện cam kết giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. Trong tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng người đồng cấp Indonesia Joko Widodo và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã tái khẳng định cam kết chung tăng cường các quan hệ đối tác toàn cầu đầu tư tiêu chuẩn cao vào cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và chất lượng ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “PGII tập hợp các đối tác-từ các chính phủ và khu vực tư nhân-nhằm mang lại kết quả thật sự cho mọi người dân trên khắp thế giới”. Cũng tại sự kiện này, các nước đồng tổ chức và tham dự, gồm Argentina, Canada, Pháp, Ðức, Ấn Ðộ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Senegal và Anh, cũng đã công bố các dự án và các hình thức hợp tác mới trong việc đầu tư vào các lĩnh vực then chốt như khí hậu và chuyển đổi năng lượng, kết nối kỹ thuật số, y tế, giáo dục, bình đẳng giới, giao thông vận tải.
Một sự kiện khác là Mỹ, Nhóm các nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) và Nhóm đối tác quốc tế (IPG-gồm Canada, Ðan Mạch, EU, Pháp, Ðức, Italy, Na Uy và Anh) đã khởi động Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) mang tính đột phá trị giá 20 tỷ USD với Indonesia nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong ngành điện của quốc gia Ðông Nam Á này.
Canada cũng công bố cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Canada dự kiến dành 750 triệu CAD (565 triệu USD) cho một tập đoàn của nhà nước để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á trong ba năm, bắt đầu từ tháng 3/2023. Ðây là thỏa thuận tài trợ lớn nhất mà đảng Tự do cầm quyền ở Canada cam kết như một phần trong chiến lược Ấn Ðộ Dương-Thái Bình Dương sắp tới của Ottawa, và cũng là một phần của dự án G20 nhằm giúp các nước có thu nhập thấp và trung bình có được các thành phố an toàn và bền vững hơn…
Những cam kết mạnh mẽ trên đã cho thấy quyết tâm của khối trong việc đi đầu nỗ lực đối phó thách thức chung. Sứ mệnh quan trọng của các nước G20 là phát huy vai trò dẫn dắt thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng tiến tới phục hồi bền vững, trong đó có việc cung cấp tài chính giúp các nước nghèo vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay./.
Theo TTXVN