Một trong những sự kiện nổi bật nhất được dư luận quốc tế quan tâm trong năm 2022 là việc Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ ngày 24/2/2022. Gần một năm trôi qua, cục diện địa chính trị toàn cầu đã ghi nhận rất nhiều biến chuyển, kéo theo những tác động về mọi mặt với thế giới, từ kinh tế, năng lượng đến an ninh lương thực…
Xung đột Nga-Ukraine bùng phát
Ngày 24/2, hai ngày sau khi tuyên bố công nhận chủ quyền của hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk ở miền Đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại hai nước Cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk. Song trên thực tế, chiến dịch quân sự của Nga không chỉ giới hạn ở khu vực miền Đông Ukraine mà đã lan ra toàn bộ lãnh thổ Ukraine. Và chỉ trong một thời gian ngắn, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đã buộc nhiều nước phải xem xét, điều chỉnh lại chính sách đối ngoại, chính sách quốc phòng.
Nhiều quốc gia, trong đó có Gruzia, Ukraine và Moldova đồng loạt gửi đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), khối này cũng nhanh chóng trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova. Trong khi đó, Phần Lan và Thụy Điển, hai quốc gia giữ vị thế trung lập và theo đuổi chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập niên qua, cũng thay đổi lập trường, bắt đầu tiến trình trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ukraine cũng đẩy nhanh quá trình gia nhập NATO.
Việc Nga triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine cũng đã khiến Mỹ và nhiều nước phương Tây quyết định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Các lệnh trừng phạt này không chỉ gây thiệt hại cho Nga mà chính các nước áp đặt trừng phạt cũng đã chịu những hậu quả khó lường.
Khủng hoảng năng lượng
Trong năm qua, nhiều nền kinh tế ở châu Âu đã rơi vào suy thoái và đẩy châu lục này vào cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng chưa tìm ra được lối thoát. Năng lượng vốn được ví như "máu" cần có để vận hành mọi ngành công nghiệp, các hoạt động kinh tế-thương mại, hộ gia đình và cả hệ thống giao thông vận tải.
Do tác động từ cuộc xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng khí hậu, nguồn cung năng lượng đang trong tình trạng biến động trên toàn thế giới. Cuộc chiến ở Ukraine và lệnh trừng phạt của phương Tây đã làm đảo lộn thị trường năng lượng toàn cầu. Trước đó, châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào Nga trong việc cung cấp năng lượng, đặc biệt là khí đốt và dầu mỏ. Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 7 triệu thùng mỗi ngày, chiếm khoảng 12% nguồn cung toàn cầu. Đáng nói hơn, khoảng 50% xuất khẩu dầu của Nga là sang các nước châu Âu. Châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhiên liệu của Nga với gần 40% lượng khí đốt tự nhiên và 25% lượng dầu. Thế nên, bất kỳ một đòn trừng phạt nào mà châu Âu nhằm lĩnh vực năng lượng của Nga đều có thể dẫn tới những hệ lụy khó lường, đặc biệt phần thua thiệt có thể còn nhiều hơn về phía các quốc gia châu Âu.
Khi thế giới không có đủ khí đốt cho quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch cũng như bổ sung lượng dự trữ đã cạn kiệt trước những tháng lạnh giá mùa Đông, các nước thi nhau trả giá cao hơn trong cuộc đua giành nguồn cung. Nút thắt sẽ càng bị siết chặt khi nhiệt độ giảm thêm. Dự trữ tại các kho châu Âu đang ở mức thấp nhất vào thời điểm này trong năm khi có quá ít khí đốt tự nhiên được đưa từ Nga và Na Uy đến. Tình hình càng đáng báo động hơn vì các turbin gió sản xuất ít điện hơn do thiếu gió, trong khi các nhà máy điện hạt nhân cũ kỹ của châu Âu đang bị đóng cửa hoặc hỏng. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giá khí đốt ở châu Âu đã tăng vọt gần 500% trong năm qua và hiện đang được giao dịch gần mức cao kỷ lục.
Để hạn chế giá khí đốt quá cao hiện nay ở mức có thể chấp nhận, châu Âu trong nhiều tháng qua đã tìm cách áp đặt mức giá trần đối với khí đốt nhập khẩu từ Nga. Tuy nhiên, đây thực sự là vấn đề khó đạt được bởi nhiều nước lo ngại việc áp đặt giá trần quá thấp sẽ khó giữ chân nhà cung cấp, trong khi mức trần cao lại bị nhiều nước thành viên phản đối. Giá khí đốt đã đạt đỉnh vào cuối tháng 8/2022 với gần 350 euro/MWh kéo dài trong nhiều ngày, nhưng cuối tháng 11 vừa qua, giá đã giảm xuống còn dưới 150 euro/MWh. Mức giá trần được Ủy ban châu Âu đưa ra là 275 euro/MWh, nhưng nhiều nước cho rằng mức giá này là quá cao. Việc áp giá trần đối với khí đốt của Nga được cho là không dễ dàng. Chắc chắn các biện pháp trả đũa giữa hai bên sẽ khiến thị trường năng lượng toàn cầu thêm bất ổn, và chính người tiêu dùng sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, chiến lược năng lượng của EU đang có những thay đổi mang tính cơ cấu. Chính phủ nhiều nước đã đưa ra các chính sách nhằm làm giảm tác động của việc chi phí năng lượng tăng cao đối với nền kinh tế xã hội, như giảm thuế đối với các sản phẩm năng lượng, điều tiết giá sản phẩm năng lượng, trợ cấp năng lượng cho các nhóm hoặc doanh nghiệp đặc biệt, hy vọng có thể hỗ trợ các nhóm yếu thế tạm thời vượt qua khó khăn.
Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu hiện nay cũng là động lực để giúp châu Âu quyết tâm hơn với dự định thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Thị trường năng lượng châu Âu cũng chuyển hướng sang khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ. Ngoài Bắc Mỹ, các quốc gia như Algeria, Ai Cập, Israel, Qatar và Azerbaijan cũng đã trở thành những nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế quan trọng cho EU…
Khủng hoảng lương thực toàn cầu
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm 2020, thực tế nhiều chuỗi cung ứng đã bị gián đoạn nhưng nó sẽ không đến mức rơi vào khủng hoảng nếu không chịu tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, hai nước đều là những nhà xuất khẩu lúa mì lớn trên thế giới.
Cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine cộng với những biện pháp trả đũa lẫn nhau giữa các bên trong năm qua đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu và hậu cần, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp lương thực. Bởi, cả Nga và Ukraine đều là những nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mỳ và 17% sản lượng ngô xuất khẩu, 32% lúa mạch và 75% dầu hướng dương. Về thị trường ngũ cốc, Ukraine và Nga đều thuộc top 3 trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu lớn nhất thế giới. Xung đột khiến Ukraine phải đóng cửa các cảng biển, trong khi Nga gặp khó khăn trong việc xuất khẩu do các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh áp đặt.
Kể từ sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (ngày 24/2), Ukraine đã ra lệnh cấm xuất khẩu lương thực, ưu tiên cung cấp lương thực cho người dân ở các vùng chiến sự. Nga cũng hành động tương tự khi cấm xuất khẩu lúa mì cho một số nước láng giềng đến tháng 6/2022. Nhưng chưa hết, Nga lại là nhà xuất khẩu phân bón hàng đầu thế giới và nước này đã cho tạm ngừng xuất khẩu cho đến khi dịch vụ vận chuyển ra vào nước Nga được khôi phục.
Có một thực tế là từ trước thời điểm Nga khởi động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2 thì giá thực phẩm toàn cầu cũng đã ở mức cao kỷ lục. Sự bùng nổ giá khí đốt đã buộc một số nhà sản xuất phân bón phải cắt giảm quy mô sản xuất. Điều này càng làm tăng chi phí cho nông dân và đẩy giá lương thực toàn cầu tăng cao. Việc gia tăng giá phân bón, thức ăn, nhiên liệu cũng đã gây nhiều khó khăn cho duy trì sản lượng lương thực trong các vụ mùa thu hoạch của năm 2022, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế tại tất cả các khu vực. Dù các nhà sản xuất nông nghiệp vốn luôn đối mặt với khủng hoảng, song tần suất và mức độ các “cú sốc” trong năm qua đã trở nên nghiêm trọng hơn, khi bất ổn kinh tế và giá cả leo thang kết hợp với sự sụt giảm sản lượng lương thực.
Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong năm qua chỉ tạm lắng khi Nga và Ukraine đồng ý tham gia Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Thỏa thuận về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua Biển Đen đã giúp tạo hành lang quá cảnh trong xuất khẩu trên tuyến đường qua Biển Đen, để cung cấp ngũ cốc Ukraine, bảo đảm nguồn cung lương thực cho các thị trường quốc tế trong bối cảnh xung đột xảy ra tại Ukraine. Đi kèm thỏa thuận này là bản ghi nhớ về tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga, với thời hạn 3 năm.
Theo phía Ukraine, nhờ Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen mà đã có hơn 500 tàu chở hơn 14 triệu tấn ngũ cốc từ ba cảng của Ukraine đã được xuất khẩu ra thế giới. Các hoạt động xuất khẩu lúa mỳ của Nga cũng đã tăng gấp 3 lần. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cũng đã ghi nhận giảm trong 8 tháng liên tiếp và điều này đã phần nào giúp hàng triệu người trên toàn cầu thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực. Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng “vẫn còn nhiều việc phải làm do giá lương thực vẫn còn quá cao và khả năng tiếp cận phân bón vẫn còn hạn chế”.
Áp lực lạm phát, suy thoái kinh tế với các nước
Cũng có một thực tế khác nữa là trước khi khủng hoảng Nga-Ukraine xảy ra, các nước đang phát triển đã phải chật vật để phục hồi sau đại dịch COVID-19, với mức lạm phát kỷ lục, lãi suất tăng và gánh nặng nợ chồng chất.
Trong năm qua, lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới-Mỹ-đã bùng phát trở lại, đạt mức cao chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980. Giá cả phi mã đã làm giảm mức lương được điều chỉnh theo lạm phát của người Mỹ và ảnh hưởng lớn tới người tiêu dùng.
Nhưng điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ. Lạm phát còn tấn công các quốc gia khác trên thế giới. Theo phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, lạm phát đã trở thành một hiện tượng toàn cầu, tác động đến toàn bộ các nước tiên tiến, gần 90% số các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Khoảng 2/3 các nền kinh tế tiên tiến và hơn một nửa các thị trường mới nổi có mức lạm phát cao hơn mức lạm phát mục tiêu vào năm 2021. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến lạm phát trên toàn thế giới sẽ đạt 8,8% trong năm nay, đây sẽ là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1996.
Trong khi đó, châu Âu đặc biệt bị ảnh hưởng bởi cú sốc năng lượng, khiến giá tiêu dùng tăng với tốc độ hai con số trên khắp lục địa và tại Vương quốc Anh. Chịu ảnh hưởng nặng nề của xung đột tại Ukraine, sức tăng trưởng của nền kinh tế châu Âu đang ngày càng “đuối”, trong khi lạm phát hầu như chưa có dấu hiệu giảm nhiệt và cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn trầm trọng. Giá năng lượng tăng vọt đã làm giảm sức mua của các hộ gia đình, đẩy chi phí sản xuất tăng cao. Lạm phát ở 19 quốc gia Eurozone trong tháng 9 lên tới gần 10%, gấp 5 lần so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). IMF cảnh báo tăng trưởng sụt giảm ở nhiều nước châu Âu hiện nay có thể sẽ dẫn đến "suy thoái sâu sắc hơn" trên toàn châu lục.
Để giải bài toán lạm phát, trong năm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có đến 7 lần tăng lãi suất cơ bản. Anh cũng tăng lãi suất tới 8 lần lên 3% - mức cao nhất kể từ năm 1989. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất 3 lần liên tiếp với mức tăng 75 điểm cơ bản, lớn nhất từ trước đến nay… Các biện pháp này đã phần nào phát huy hiệu quả khi CPI của Mỹ trong tháng 10 là 7,7% - mức tăng thấp nhất kể từ tháng 1/2022, còn lạm phát tại Eurozone và Anh cũng lần đầu tiên “hạ nhiệt” trong gần 2 năm trở lại đây. Nhưng hầu hết các chuyên gia kinh tế vẫn chung nhận định, lạm phát “vẫn còn rất đáng lo ngại”, các nước vẫn đang phát đi tín hiệu sẽ duy trì việc tăng lãi suất trong thời gian tới, song giảm đà tăng nhằm đưa lạm phát hướng về mục tiêu 2% đã đề ra.
Có thể thấy rõ, thế giới đã trải qua một năm khó khăn khi liên tiếp gặp khủng hoảng. Ở thời điểm này, những yếu tố bất lợi như cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu hay cạnh tranh địa chính trị vẫn là những vấn đề nan giải. Chưa kể những diễn biến khó lường của dịch bệnh cũng như tác động ngày một nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu, khi bão lũ, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng năm 2022 đã gây thiệt hại kinh tế ước tính lên tới 115 tỷ USD trên phạm vi toàn thế giới. Tất cả những yếu tố này đang trở thành lực cản cho sự phát triển của thế giới trong năm tới. Thậm chí nhiều chuyên gia coi suy thoái kinh tế ở châu Âu vào năm 2023 là điều gần như chắc chắn.
Trong bối cảnh đó, trong bài phát biểu tại cuộc họp báo cuối năm tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ) ngày 19/12/2022, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, mặc dù thế giới phải đối mặt nhiều thử thách trong năm 2022, trong bối cảnh xung đột ở Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang thách thức các quốc gia nghèo nhất, thì chúng ta vẫn không ngừng hy vọng để cùng nhau thể hiện quyết tâm biến năm 2023 thành một năm vì hòa bình, một năm để hành động nhằm kiến tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn. Tổng thư ký kêu gọi các giải pháp thiết thực cho các vấn đề của thế giới bởi theo ông “không có giải pháp hoàn hảo, mà chỉ là những giải pháp thiết thực đang tạo ra sự khác biệt có ý nghĩa cho cuộc sống của mọi người”./.
Theo TTXVN