Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Việt Nam 2022: Khác biệt với thế giới, nhưng không “dị biệt”

Ngày phát hành: 31/12/2022 Lượt xem 1055


Nhờ tăng trưởng kinh tế thần kỳ, chỉ số lạm phát thấp, xuất nhập khẩu bùng nổ, nền chính trị ổn định và thành công ngoại giao rực rỡ, Việt Nam nổi lên như một trong những điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh ảm đạm, suy thoái và khủng hoảng bao trùm toàn cầu.

Trong đánh giá tổng hợp “Việt Nam 2022 nhìn lại”, Sputnik tổng hợp 10 sự kiện tiêu biểu, vấn đề, dấu ấn nổi bật quan trọng, được quan tâm nhất của Việt Nam năm 2022.


Quyết liệt chống tham nhũng: Sau 10 năm đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đã tăng gần 40 bậc và xếp ở vị trí 87/180 quốc gia. Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung để khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, tài chính, tín dụng, quy hoạch xây dựng, giám định, định giá tài sản. Hàng loạt đại án lớn nghiêm trọng được đưa ra ánh sáng như vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần tiến bộ quốc tế (AIC)… Sputnik đánh giá, Việt Nam đã đưa ra bài học quý giá mà các quốc gia đang phát triển khác có thể noi theo trong nỗ lực làm trong sạch bộ máy chính quyền.


Kỳ tích kinh tế đi ngược xu thế toàn cầu: Kinh tế Việt Nam chứng kiến kỳ tích thần kỳ và đi ngược hoàn toàn với xu thế sụt giảm toàn cầu cũng như những cơn gió ngược ở châu Á. Việt Nam khác biệt nhưng không “dị biệt”. Bất chấp suy thoái, khủng hoảng năng lượng, biến động địa chính trị toàn cầu, “cuộc chiến” tiền tệ, lãi suất và những cú sốc bất chợt gây đứt gãy chuỗi cung ứng vốn, GDP vẫn tăng trưởng ước đạt 7,5% - 8% cả năm, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Năm 2023 được dự báo còn nhiều thay đổi, diễn biến khó lường. Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế mới nổi.


Kỷ lục xuất nhập khẩu trên 700 tỷ USD: Theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Đặc biệt, trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng trong một vài năm qua thì thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc. Theo Tổng cục Hải quan, đến giữa tháng 12/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 700 tỷ USD.


Giá xăng dầu và tình trạng khan hiếm nguồn cung: Thực tế, sự khan hiếm nguồn cung nhiên liệu trong nước bắt đầu xuất hiện từ tháng 2, thiếu hụt xăng dầu diễn ra cục bộ ở nhiều nơi, nhiều cửa hàng bán lẻ treo biển hết xăng, hoặc ngưng bán, gây ra tình trạng chen chúc xếp hàng đổ xăng, gây nhiều bức xúc trong dư luận về công tác điều hành xăng dầu và đảm bảo nguồn cung cho sản xuất, tiêu dùng trong nước.


Biến động thị trường trái phiếu, tài chính, ngân hàng, bất động sản: Lĩnh vực bất động sản Việt Nam hiện vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn, từ nguy cơ “bong bóng” chuyển sang nguy cơ “suy thoái”. Các vấn đề như thiếu nguồn cung ở các phân khúc vẫn tồn tại, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ thiếu trầm trọng... Do ảnh hưởng của ngành bất động sản, trên thị trường chứng khoán, các cổ phiếu nhóm ngành này chứng kiến đà biến động mạnh mẽ, có nhiều phiên ghi nhận làn sóng bán tháo kỷ lục. 2022 cũng là năm biến động mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam.


Duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt ngăn VND mất giá: Với việc ban hành nhiều chính sách linh hoạt, Chính phủ có thể ổn định các chỉ số vĩ mô quan trọng nhất, bao gồm tỷ giá và lạm phát, duy trì chính sách tiền tệ chủ động, đảm bảo cân đối các mục tiêu vĩ mô. VND được dự báo sẽ giảm đáng kể từ quý 2/2023 và có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023, do Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chuyển từ chính sách “thắt chặt tiền tệ” sang “bình thường hóa” vào năm tới.
Dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế số, FPT và Viettel sản xuất chip bán dẫn: Ngành công nghệ thông tin của Việt Nam năm 2022 chứng kiến sự chuyển động mạnh mẽ - sự lột xác về chuyển đổi số. Nghị quyết Trung ương 6 cũng đồng thời chính thức coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Theo công bố của Google, Temasek và Bain & Company, tổng giá trị hàng hóa kinh tế số Việt Nam năm 2022 ước đạt 23 tỷ USD, tăng khoảng 28% so với năm 2021, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, Việt Nam ghi nhận 2 điểm sáng quan trọng - bước đầu bước vào và khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.


Dấu ấn ngoại giao nâng cao vị thế: Hoạt động đối ngoại của Việt Nam nổi bật với những chuyến thăm cấp cao đa phương hiệu quả, tiếp tục khẳng định vị thế, uy tín đất nước - Việt Nam là bạn, là đối tác, là thành viên tích cực, đầy trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến công du và tiếp xúc cấp cao với nhiều kết quả thực chất đã góp phần tăng cường sự tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác với nhiều đối tác quan trọng trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Trung Quốc, Mỹ, Nga, Lào, Campuchia, các thành viên ASEAN, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... Việt Nam cũng tham gia tích cực, có trách nhiệm vào các diễn đàn khu vực và quốc tế như ASEAN, AIPA, APEC, LHQ.


Việt Nam đã chính thức nâng cấp quan hệ lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện” với Hàn Quốc. Chính quyền Mỹ cũng nhiều lần bày tỏ mong muốn đưa quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới. Nhìn lại năm 2022, Việt Nam tiếp tục khẳng định chính sách đối ngoại rộng mở, tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.


Trúng cử Hội đồng Nhân quyền: Kết quả bầu cử cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; đồng thời là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao thời gian qua.


SEA Games 31 – Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu dự World Cup: Đăng cai tổ chức SEA Games 31 thành công đóng góp rất lớn xây dựng hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lần đầu dự World Cup 2023  cũng là sự tự hào. Đây là những điểm nhấn quan trọng của ngành thể thao năm nay. Đội tuyển nữ Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử giành vé tham dự vòng chung kết FIFA World Cup nữ 2023 là niềm vui được mong đợi từ lâu của gần 100 triệu dân Việt Nam./.

 

Theo TTXVN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết