Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26), được tổ chức tại Glasgow, Anh, từ ngày 31/10-12/11/2021, có ý nghĩa then chốt trong việc xác định liệu tiến trình quản lý biến đổi khí hậu toàn cầu theo khuôn khổ của Liên hợp quốc có thể hoàn toàn đi theo đường hướng của Hiệp định Paris và liệu cộng đồng quốc tế có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu khi cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang diễn tiến nhanh chóng hay không. Đây cũng là cơ hội quan trọng để cộng đồng toàn cầu xây dựng hệ thống quản lý môi trường toàn cầu công bằng và hợp lý trên cơ sở hợp tác cùng có lợi. COP26 mang đến nhiều cơ hội và thách thức. Do đó, để lộ trình Glasgow đạt được thành công, cần có một cách tiếp cận công bằng, cân bằng và bình đẳng đối với 6 mối quan hệ quan trọng trong nghị trình quản lý khí hậu toàn cầu hiện nay.
Mục tiêu 1,5°C và 2°C
Hiệp định Paris đặt mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 2°C, tốt nhất là 1,5°C. Nhìn lại tiến trình chật vật đàm phán Hiệp định Paris, có thể thấy cộng đồng quốc tế đều ủng hộ mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 2°C và coi đây là mục tiêu thực tế, tạo cơ hội phát triển công bằng để đa số các nước đang phát triển có thể đạt được mục tiêu trung hòa carbon. Tuy nhiên, hiện nay, một số nước phát triển quá tham vọng và tìm cách đạt được mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới ngưỡng 1,5°C. Theo mục tiêu 2°C, tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đến năm 2030 bị giới hạn ở mức 55 tỷ tấn, trong khi theo mục tiêu 1,5°C, tổng lượng phát thải bị giới hạn ở mức 40 tỷ tấn.
Tại kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76 hồi tháng 9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng để đạt được mục tiêu kiểm soát mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới ngưỡng 1,5°C, mỗi quốc gia cần phải trình bày mục tiêu hành động tối đa của mình tại COP26. Để củng cố sức mạnh tổng hợp hướng tới mục tiêu 1,5°C, ngày 17/9/2021, Tổng thống Biden đã triệu tập Diễn đàn năng lượng và khí hậu của các nền kinh tế lớn, nơi ông tuyên bố mục tiêu 1,5°C là mục tiêu quan trọng của COP26. Việc mục tiêu 1,5°C trở thành chủ đề nóng của COP26 đã làm gián đoạn nghiêm trọng nghị trình bình thường của các cuộc đàm phán về những quy định cũng như những đóng góp do các quốc gia tự quyết định (NDC) theo Hiệp định Paris - cách tiếp cận cơ bản từ dưới lên đối với việc quản lý biến đổi khí hậu - đồng thời rút ngắn thời gian để các nước đang phát triển thực hiện mục tiêu trung hòa carbon.
Điều trước tiên và quan trọng nhất trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu là duy trì sự toàn vẹn và hoạt động ổn định của Hiệp định Paris, một khuôn khổ quản trị toàn cầu khó khăn lắm mới nhận được sự nhất trí của tất cả các nước và được xem là cơ sở để hướng tới mục tiêu 2°C trước khi tiến tới mục tiêu 1,5°C trong 2 giai đoạn. Ngoài ra, cần tôn trọng nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt, đòi hỏi các nước phát triển cần đi đầu trong việc nâng cao NDC gắn với mục tiêu 1,5°C trong khi các nước đang phát triển cần nâng cao NDC theo điều kiện và khả năng của mình. Để đẩy nhanh tốc độ dịch chuyển từ mục tiêu 2°C sang mục tiêu 1,5°C, các nước phát triển cũng nên hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển. Do đó, việc áp dụng phương pháp tiếp cận 2 giai đoạn trong việc thúc đẩy mục tiêu kiểm soát nhiệt độ dựa trên nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt trong khuôn khổ Hiệp định Paris là hành động thực tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.
Methane và khí thải nhà kính
Methane (CH4) là loại khí thải nhà kính có tác động lớn. Theo Báo cáo đánh giá lần thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), methane có khả năng hấp thụ nhiệt mạnh và làm nóng Trái đất gấp 84 lần so với CO2 trong 20 năm. Lượng phát thải methane hiện chiếm khoảng 16% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu và đóng góp 25% vào việc làm nóng Trái đất. Do đó, methane là một trong những loại khí nhà kính được cộng đồng quốc tế quan tâm hàng đầu và cắt giảm phát thải methane là chiến lược quan trọng trong nỗ lực mới toàn cầu nhằm kiểm soát việc khai thác và sử dụng than.
Tại Diễn đàn năng lượng và khí hậu của các nền kinh tế lớn, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã cùng đưa ra cam kết giảm phát thải methane toàn cầu ít nhất 30% vào năm 2030 so với mức của năm 2020. Sáng kiến này đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của các thành viên diễn đàn, trong đó có EU, Argentina, Indonesia, Italy, Mexico và Anh. Sau đó, Mỹ và EU đã cùng đề xuất cam kết giảm phát thải methane toàn cầu, tập trung vào ngành khai thác than, khí tự nhiên, nông nghiệp, chăn nuôi và một số ngành khác cũng phát thải methane, đồng thời định lượng chính xác và theo dõi tiến trình giảm phát thải methane toàn cầu thông qua việc phát triển công cụ theo dõi giảm phát thải methane theo thời gian thực. Được chính thức khởi động tại COP26, sáng kiến này tạo ra sức ép mới đối với các nước đang phát triển, buộc họ phải giảm lượng phát thải chủ yếu trong ngành công nghiệp than, khí đốt tự nhiên, nông nghiệp và chăn nuôi.
Methane chỉ là một loại khí nhà kính, và Hiệp định Paris đã chuyển đổi lượng phát thải khí nhà kính thành lượng carbon dioxide (CO2e) tương đương để tính toán lượng phát thải tổng thể cần cắt giảm và các mục tiêu giảm phát thải theo NDC cũng được tính theo CO2e. Cam kết cắt giảm methane toàn cầu của Mỹ và EU gây xáo trộn lớn đối với cả các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu lẫn các mục tiêu NDC mới. Mục tiêu giảm 30% lượng phát thải methane vào năm 2030 sẽ cao hơn nhiều so với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 và 2060 hiện nay, gây bất lợi cho việc thực hiện các mục tiêu trung hòa carbon toàn cầu cũng như việc thực thi đầy đủ Hiệp định Paris. Do đó, việc kiểm soát phát thải methane phải dựa trên Hiệp định Paris, vốn được xem là khuôn khổ cơ bản cho việc tính toán tổng lượng phát thải khí nhà kính.
Thuế carbon và các rào cản đối với thương mại “xanh”
Tháng 12/2019, EU đã khởi động Thỏa thuận “xanh” châu Âu, trong đó đề xuất Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) để giảm thiểu tình trạng rò rỉ carbon. Để tăng cường các biện pháp tương ứng của mình với các nước khác, EU đang đẩy mạnh việc kết hợp CBAM với các quy tắc thương mại quốc tế mới. Ngày 14/7/2021, EU đã thông qua gói đề xuất thúc đẩy CBAM nhằm xây dựng thuế carbon đối với một số mặt hàng nhập khẩu nhất định. Dự kiến CBAM sẽ đưa ra các biện pháp giảm phát thải CO2 mới trên cơ sở chuyển tiếp vào năm 2023 và hoàn thành các biện pháp đó vào năm 2026. EU liên tục thúc đẩy việc đưa CBAM vào khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) để tạo thuận lợi cho các công ty nước ngoài tham gia hệ thống mua bán phát thải của EU. Trong khi đó, Nghị trình thương mại năm 2021 của Chính quyền Biden cũng đề cập đến việc xây dựng thuế điều chỉnh biên giới carbon cũng như nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách giữa các đồng minh và đối tác. Ngày 30/9, Hội đồng thương mại và công nghệ Mỹ-EU được thành lập, với kế hoạch đưa các vấn đề môi trường và khí hậu liên quan đến thương mại vào chương trình làm việc của Nhóm công tác về các thách thức thương mại toàn cầu. EU và Mỹ lên kế hoạch cùng thúc đẩy một liên minh thuế carbon để dẫn dắt một cơ chế thương mại toàn cầu mới.
Về danh nghĩa, cơ chế thương mại “xanh” được thiết kế nhằm giảm phát thải; nhưng về bản chất, cơ chế này đẩy gánh nặng giảm phát thải từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Lượng phát thải của các công ty đa quốc gia ở Mỹ và EU trong chuỗi cung ứng chiếm gần 1/5 lượng phát thải toàn cầu. Theo phân tích của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), kim ngạch xuất khẩu của những nước đang phát triển trong các ngành phát thải nhiều carbon được nhắm mục tiêu sẽ giảm 1,4% với mức thuế carbon là 44 USD/tấn phát thải và giảm 2,4% với mức thuế 88 USD/tấn. Nếu các bên xây dựng các quy tắc thương mại mới dựa trên thuế carbon, thì điều này không chỉ làm tăng các rào cản đối với thương mại “xanh” và hạn chế khả năng cạnh tranh thương mại-kinh tế của các nước đang phát triển mà còn đẩy trách nhiệm giảm phát thải từ các nước phát triển sang những nước này. Các quy tắc kinh tế và thương mại được xây dựng trên danh nghĩa phát triển “xanh” vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng và phá hoại trật tự thương mại toàn cầu.
Công lý khí hậu và trách nhiệm lịch sử
Việc đảm bảo công lý trong giải quyết các vấn đề liên quan đến môi trường và khí hậu là nguyên lý trọng tâm trong kế hoạch chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Biden. Theo mệnh lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ, Bộ Tư pháp có nhiệm vụ thành lập Văn phòng công lý khí hậu. Ở cấp độ quản lý khí hậu quốc tế, công lý trong vấn đề khí hậu có thể được sử dụng như cái cớ để phát động một cuộc tấn công trên phương diện đạo đức nhằm vào các quốc gia có lượng phát thải cao. Đặc phái viên về khí hậu của Mỹ, John Kerry, cảnh báo Trung Quốc phải cắt giảm lượng phát thải sớm hơn để tránh tình trạng hỗn loạn về khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Điều này cho thấy Mỹ đang tự cho mình là chuẩn mực đạo đức để duy trì công lý trong vấn đề khí hậu.
Nói chung, đảm bảo công lý trong vấn đề khí hậu là đảm bảo quyền sống, quyền phát triển và lợi ích an ninh của con người. Thực hiện trách nhiệm đối với hành vi phát thải trong quá khứ là nền tảng và là điểm khởi đầu để đạt được công lý trong vấn đề khí hậu. Các nước phát triển chiếm phần lớn lượng phát thải khí nhà kính trong quá trình công nghiệp hóa và chính lượng phát thải này là lý do khiến các nước phát triển phải dẫn đầu nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Việc một số nước phát triển sử dụng các công cụ tài chính và thương mại như thuế carbon và chính sách thương mại để chối bỏ trách nhiệm đối với những hành vi phát thải trước đây là hành động thiếu công bằng.
Hiện nay, lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu đã gần chạm ngưỡng không thể chấp nhận được và các nước phát triển đang tìm cách gây sức ép buộc các nước đang phát triển phải nâng cao trách nhiệm trong việc giảm phát thải. Việc sử dụng các công cụ chính trị để cản trở sự tăng trưởng của các nước đang phát triển một mặt không phù hợp với các giá trị chung về công bằng và công lý, mặt khác cản trở các quyền và cơ hội phát triển của những nước này.
Khủng hoảng khí hậu và an ninh khí hậu
Theo Báo cáo đánh giá lần thứ 6 về biến đổi khí hậu năm 2021 được IPCC công bố hôm 9/8, nhiệt độ toàn cầu hiện đã tăng 1,1°C so với giai đoạn tiền công nghiệp hóa và có thể tăng hơn 1,5°C trong 20 năm tới. Nồng độ CO2 trung bình đã vượt quá 410 ppm và sẽ chạm hoặc vượt mức 414 ppm (so với mức tiền công nghiệp là 278 ppm) vào năm 2021.
Báo cáo kết luận rằng một khi nồng độ CO2 đạt đến đỉnh điểm, tần suất và cường độ của các thảm họa khí hậu sẽ tăng lên đáng kể. Điều này sẽ phá vỡ sự cân bằng sinh thái, đe dọa sự sống của các loài động thực vật, phá hủy sự đa dạng sinh học, tác động sâu rộng đến chu trình của nước, năng lượng, carbon và các nguyên tố khác của Trái đất.
Tác động của khủng hoảng khí hậu đối với an ninh quốc tế ngày càng trở nên rõ ràng và việc xây dựng cấu trúc an ninh quốc tế mới lấy an ninh khí hậu làm trụ cột đang trở thành trọng tâm của các cuộc tranh đấu chính trị quốc tế. Mỹ đã dẫn dắt Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo về hợp tác an ninh khí hậu và đặc biệt chú trọng chủ đề này. Bộ Ngoại giao Mỹ đang huy động các nguồn lực từ chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ để có thể tích cực can dự vào các điểm nóng địa chính trị liên quan đến an ninh khí hậu. Tại Hội nghị an ninh Munich, Kerry tuyên bố Mỹ sẽ phối hợp chính sách theo các cơ chế đa phương như Nhóm 7 quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Nhóm các nền kinh tế lớn (G20), Công ước về bảo tồn nguồn lợi ở biển Nam Cực (CCLAMLR) và Hội đồng Bắc Cực. Ông cho biết để định hình lại khuôn khổ hợp tác an ninh quốc tế ở cấp Liên hợp quốc, Mỹ đã đề xuất một khuôn khổ hợp tác an ninh tập trung vào trách nhiệm chuẩn bị và ngăn chặn (R2P2).
Làm thế nào để đối phó với mối đe dọa khủng hoảng khí hậu đang ngày càng rõ rệt này? Nếu Mỹ tiếp tục trò chơi vương quyền với phương Tây dưới hình thức chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa đa phương có chọn lọc để duy trì công lý khí hậu và an ninh khí hậu, cũng như theo đuổi mục tiêu duy trì hệ thống bá quyền, thì sự đồng thuận trong vấn đề hợp tác chống biến đổi khí hậu mà cộng đồng quốc tế đã xây dựng trong nhiều năm qua sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nền tảng của khuôn khổ quản lý khí hậu sẽ bị đe dọa. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc ngăn chặn những rủi ro mang tính hệ thống đang gia tăng từ cuộc khủng hoảng khí hậu và gây ra các rủi ro an ninh mới cho cộng đồng quốc tế.
Do đó, để vượt qua khủng hoảng khí hậu và một cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn, cộng đồng quốc tế cần phải thúc đẩy an ninh, hòa bình và sự phát triển bền vững toàn cầu thông qua một cách tiếp cận chung mang tính tích hợp, hợp tác và bền vững đối với an ninh toàn cầu, đồng thời tìm cách đối phó với cuộc khủng hoảng này thông qua sự tương tác giữa con người và thiên nhiên.
Con người và thiên nhiên
Nhiệm vụ trọng đại đối với loài người để đạt được sự phát triển bền vững trong thế kỷ 21 là giải quyết mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Các khái niệm và tư tưởng phương Tây chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ thế giới tự nhiên khách quan và gián tiếp hạn chế không gian phát triển của các nước đang phát triển bằng cách sử dụng bá quyền và các công cụ chính trị. Phương thức quản trị này không thể cân bằng mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên, cân bằng giữa lợi ích của các nước phát triển và các nước đang phát triển hay tạo ra bước đột phá trên con đường phát triển ban đầu. Phương thức này cũng không thể giải quyết một cách căn bản mối quan hệ đầy mâu thuẫn giữa con người và thiên nhiên.
Để giải quyết mâu thuẫn đã có từ lâu này, cần phải tư duy theo hướng hiện đại hóa, đồng thời duy trì sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Nền văn minh Trung Quốc chủ trương “thiên nhân hợp nhất” – tức là duy trì sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Trung Quốc cho rằng đây là cách tiếp cận hiệu quả nhất đối với vấn đề khí hậu. Họ ủng hộ việc tôn trọng, thích ứng và bảo vệ thiên nhiên, đồng thời chủ trương xây dựng một cộng đồng toàn cầu chung sống hòa hợp với thiên nhiên. Nền văn minh sinh thái hiện đại dựa trên sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên là con đường sinh tồn - con đường giúp loài người ứng phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng khí hậu và đảm bảo an ninh khí hậu trong thế kỷ 21. Đây cũng là cách thức cơ bản để giải quyết các vấn đề như sử dụng năng lượng, xây dựng nền kinh tế “xanh”, đảm bảo an ninh sinh thái và quản lý khí hậu toàn cầu. Việc giải quyết thỏa đáng các vấn đề này chắc chắn sẽ thúc đẩy an ninh toàn cầu, hòa bình và sự phát triển bền vững, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển dịch của xã hội loài người từ kỷ nguyên văn minh công nghiệp sang kỷ nguyên văn minh sinh thái./.
Theo TTXVN