Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024

Hội nghị COP26: Thủ tướng Anh kêu gọi các nước quyết tâm đi đến thỏa thuận chung

Ngày phát hành: 11/11/2021 Lượt xem 1155


Thủ tướng Anh Boris Johnson tại thủ đô London ngày 20/10/2021. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN


Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) đã đạt được tiến triển hướng tới mục tiêu khống chế sự ấm lên của Trái Đất, song các bên vẫn cần nỗ lực hơn nữa để có thể đạt được một thỏa thuận trước khi hội nghị này bế mạc vào ngày 12/11. Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc họp báo bên lề hội nghị COP26. 
Thủ tướng Johnson cho rằng các nước cần quyết tâm đi đến một thỏa thuận chung. Theo ông, các nước đã lãng phí 6 năm sau khi ký kết một hiệp định đầy hứa hẹn ở Paris nhưng lại để mặc, khiến các nước dễ bị tổn thương và thế hệ tương lai đang yêu cầu "được bồi thường" tại COP26. Thủ tướng Anh cho rằng các nhà lãnh đạo thế giới "không có gì để biện minh" sau khi những quốc gia bị ảnh hưởng bởi tình trạng ấm lên của Trái Đất, đặc biệt là các quốc đảo, nêu lên thực trạng mà họ đang phải đối mặt. Chính vì vậy, các nước cần tận dụng những giờ phút cuối cùng của hội nghị để cùng nhau hành động, thông qua thỏa thuận chính thức nhằm chống lại tình trạng biến đổi khí hậu mà con người gây ra.
Trước đó, nước chủ nhà đã công bố dự thảo tuyên bố chung, dài 7 trang, trong đó kêu gọi các quốc gia tăng cường đưa ra các mục tiêu giảm phát thải vào cuối năm 2022 và lần đầu tiên kêu gọi loại bỏ dần than đá và các khoản tài trợ nhiên liệu hóa thạch. Dự thảo nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C theo Hiệp định Paris, cần có hành động có ý nghĩa và hiệu quả trong "thập kỷ quan trọng này", kêu gọi các quốc gia, vào cuối năm 2022, đưa ra các chiến lược dài hạn nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0, đồng thời "xem xét lại và củng cố" các mục tiêu cắt giảm phát thải vào năm 2030 trong các kế hoạch quốc gia để phù hợp với mục tiêu của Hiệp định Paris.
        Tổn thất và thiệt hại - một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển - đã được đưa vào dự thảo, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn cho các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng. Dự thảo cũng thừa nhận cần tài trợ cho các nước đang phát triển nhiều hơn mức cam kết 100 tỷ USD/năm vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay cam kết này chỉ có thể được thực hiện sớm nhất vào năm 2022. Ngoài ra, dự thảo cũng đề nghị Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres triệu tập cuộc họp các nhà lãnh đạo thế giới vào năm 2023 để xem xét tiến triển của các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu cho năm 2030.
        Theo các nhà khoa học, để khống chế nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, thế giới phải giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải bằng 0 vào giữa thế kỷ này. Trong khi đó, một nghiên cứu được công bố tại COP26 vào ngày 9/11 cho biết với các mục tiêu ngắn hạn đến năm 2030 mà các nước đã cam kết, nhiệt độ Trái Đất dự kiến sẽ tăng 2,4 độ C trong thế kỷ này./.

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết