Mô hình trồng rừng ngập mặn chống biến đổi khí hậu, phục hồi sinh thái tại khu vực Đầm Nại
(huyện Ninh Hải, Ninh Thuận). Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN
Theo đài RFI, là một trong 4 quốc gia gánh chịu những tác hại nặng nề nhất của tình trạng biến đổi khí hậu, tại hội nghị COP21, Việt Nam đã cam kết cắt giảm 8% lượng khí nhà kính phát thải vào năm 2030 so với năm 2005 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm nghiên cứu văn hóa Đồng Nai Cửu Long cho rằng sự phát triển kinh tế của Việt Nam gắn liền với địa hình đặc biệt của một quốc gia trải dài từ Bắc xuống Nam dọc theo bờ biển dài 3.200km với 112 cửa sông. Vùng duyên hải, nơi cư ngụ của hơn 74% dân số, là cột sống của nền kinh tế Việt Nam: 80% sản xuất kỹ nghệ của Việt Nam tập trung trên vùng đất nhỏ hẹp dọc theo bờ biển từ Hải Phòng đến Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM). Sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở những vùng đất thấp, đóng góp 24% GDP, 30% hàng xuất khẩu. Riêng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 45,8% lượng nông phẩm toàn quốc và 80% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm.
Theo những dự đoán của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đến năm 2100, mực nước biển dọc theo bờ biển Việt Nam có thể dâng cao 1m. Nước biển dâng cao, cùng với giông bão, sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các thành phố vùng duyên hải, các hải cảng, cơ sở hạ tầng. Ngược lại, trong trường hợp hạn hán gay gắt, nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào nội địa, đặc biệt ở vùng châu thổ ĐBSCL.
Theo phúc trình của Ủy ban Liên chính phủ (IPCC) 2007 về biến đổi khí hậu (BĐKH), khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5°C, mực nước ở Biển Đông sẽ dâng cao khoảng 0,51 - 0,66m vào năm 2100 và như thế sẽ gây ra những tác động sau:
Trung phần Việt Nam có nhiều dòng sông ngắn bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy ra các vùng đồng bằng duyên hải, nên trong tương lai khi mực nước biển dâng cao 0,5-0,6m và trong trường hợp có mưa to trong nhiều ngày, sẽ có những trận lũ lụt khủng khiếp kéo dài hơn so với hiện tại. Một phần của các khu kinh tế ở châu thổ sông Hồng, khu vực Đông Bắc Bộ, Bắc và Nam Trung Bộ từ Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa đến Bình Định và ở Đông Nam sẽ bị ngập nước vào mùa mưa.
Riêng ĐBSCL, do dòng chảy sông Mekong dao động rất mạnh theo mùa, nên hàng năm bị ngập lụt vào mùa mưa và ngập mặn vào mùa khô, khi nước biển dâng cao 0,5-0,6m, tình trạng ngập nước và ngập mặn theo mùa sẽ trầm trọng hơn so với hiện nay. Tóm lại, dù đạt được những mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 giới hạn nhiệt độ tăng 1,5°C, mức nước biển vẫn tiếp tục dâng cao 0,51-0,66m vào cuối thế kỷ XXI, đủ để gây ra những tổn thất đáng kể đối với những khu kỹ nghệ tập trung ở vùng duyên hải, cũng như trong canh tác nông-ngư nghiệp, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân toàn quốc nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Phúc trình mới nhất của IPCC vào tháng 8/2021 cho thấy viễn cảnh bi quan hơn về những tác động của biến đổi khí hậu, Trái đất đang trên đà bị hâm nóng thêm 1,5°C, và trong vòng 2 thập niên sẽ chạm ngưỡng 1,5°C nếu khí nhà kính tiếp tục được phát thải như hiện nay.
Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng, nên nhu cầu năng lượng và lượng khí nhà kính phát thải ngày càng tăng. Công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất và đóng góp lớn vào nền kinh tế của Việt Nam. Cho nên, lượng phát thải khí CO2 ra môi trường là rất lớn và con số này đang tiếp tục tăng.
Năm 2014, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính, xác định 4 lĩnh vực phát khí thải chính tại Việt Nam: gồm năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; các khu chế xuất và giao thông vận tải. Ước tính, ngành công nghiệp Việt Nam phát thải 300 triệu tấn CO2 vào năm 2020 và 520 triệu tấn vào năm 2030.
Mặc dù là một quốc gia đang phát triển nhưng Việt Nam đã tích cực, nhanh chóng phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và tự nguyện tham gia vào kế hoạch “Dự kiến quyết tâm đóng góp của từng quốc gia (INDC). Được sự hỗ trợ của các quốc gia Bắc Âu, Đức, Australia..., Việt Nam đã thiết lập 24 phương án để cắt giảm khí nhà kính phát thải.
Trong bối cảnh tiềm năng thủy điện lớn cơ bản đã khai thác hết, nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt điện khí hóa lỏng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu thế giới, cho nên việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung được Việt Nam chú trọng.
Ngoài điện gió, điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo khác được Việt Nam khai thác, Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời do ở gần xích đạo và có những vùng khô nắng nhiều, như vùng biên giới Tây Nam Bộ giáp ranh Campuchia và các tỉnh Nam Trung Bộ. Vì thế, điện mặt trời cũng đang được nhà nước Việt Nam khuyến khích phát triển khi dừng các dự án điện hạt nhân và giảm bớt các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, còn những lĩnh vực mà Việt Nam chưa quan tâm đúng mức. Trước hết là về sản xuất nông nghiệp. Trái đất sẽ bị hâm nóng ít nhất là 1,5°C trong thời gian vài thập niên sắp tới, dù lượng khí nhà kính phát thải có được cắt giảm mạnh mẽ hay không và khi đó nước biển sẽ dâng cao thêm 0,51-0,66m. Như vậy, tình trạng ngập lụt trong mùa mưa và ngập mặn trong mùa khô của ĐBSCL sẽ trầm trọng hơn so với hiện nay.
Để tự cứu mình, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã phác họa kế hoạch ứng phó, để có đủ nước ngọt dùng cho sinh hoạt, cũng như thiết kế các công trình ngăn mặn, thoát lũ. Tuy nhiên, ĐBSCL không chỉ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, mà còn đứng trước những thử thách khác do chính các kế hoạch sản xuất nông ngư nghiệp tạo ra:
Thứ nhất, trong khi nước biển dâng mỗi năm chỉ khoảng 2-3mm, việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát khiến cho ĐBSCL bị sụt lún gấp nhiều lần so với nước biển dâng cao. Thứ hai là việc tiếp tục canh tác lúa vụ 3. Thứ ba là việc chuyển tải nước sông Hậu xuống vùng duyên hải để trồng lúa và nuôi trồng thủy sản nước ngọt/lợ làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô.
Những sinh hoạt vừa kể của người dân là do chủ trương thiếu nhất quán của các địa phương, khiến chúng ta không khỏi hoài nghi về hiệu quả của kế hoạch ứng phó ảnh hưởng của nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu mà Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam vạch ra cho ĐBSCL.
Về việc cắt giảm và thu gom khí nhà kính phát thải, tuy Việt Nam tỏ ra rất tích cực, nhưng vẫn còn một vài lĩnh vực chưa được quan tâm đến trong kế hoạch cắt giảm khí nhà kính, như khu công nghệ lọc dầu, sản xuất xi măng, gạch ngói, doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, vật liệu xây cất, chế xuất thực phẩm, ở các chung cư, cao ốc, bến cảng, cảng hàng không...
Ngoài các nhà máy điện than, các nhà máy điện sử dụng dầu cặn, sinh khối và trấu, khí đốt thiên nhiên cũng đều phát khí thải, vì thế, Việt Nam cần nghiên cứu phát triển “Công nghệ Thu gom khí nhà kính” có hiệu quả cao. Đây là lĩnh vực chưa hề được Việt Nam quan tâm./.
Theo TTXVN