Việt Nam - cường quốc kỹ thuật số tiếp theo của Đông Nam Á
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông thế giới Zhao Houlin cùng các đại biểu
thực hiện nghi thức khai mạc Triển lãm Thế giới số 2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Trang Jakarta Globe của Indonesia ngày 2/11 đăng bài nhận định, trong vài năm qua, Việt Nam đã trở thành ngôi sao đang lên ở Đông Nam Á. Sau quá trình chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trên thế giới. Môi trường kinh tế thuận lợi cũng tạo điều kiện cho nền kinh tế kỹ thuật số và một hệ sinh thái khởi nghiệp ngày càng mở rộng. Đại dịch COVID-19 cũng củng cố các xu hướng kỹ thuật số, thúc đẩy Việt Nam trở thành cường quốc kinh tế kỹ thuật số tiếp theo ở Đông Nam Á.
Sự phổ biến của nền kinh tế kỹ thuật số ở Việt Nam
Trong tương lai, nền kinh tế kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò không thể thiếu trong việc duy trì đà tăng trưởng của đất nước. Ngay cả khi còn ở giai đoạn sơ khai, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam thể hiện tiềm năng to lớn nhờ sự hỗ trợ của chính phủ, sự đón nhận của người dân và bối cảnh đại dịch.
Nỗ lực của chính phủ trong việc nắm bắt chuyển đổi kỹ thuật số: Thừa nhận tầm quan trọng của nền kinh tế kỹ thuật số, chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến khác để khuyến khích tăng trưởng trong lĩnh vực này, gồm cải thiện cơ sở hạ tầng Internet và khả năng tiếp cận các dịch vụ 5G, số hóa chính phủ và ứng dụng công nghệ cho các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đến năm 2030, chính phủ dự đoán nền kinh tế kỹ thuật số sẽ chiếm 30% GDP của Việt Nam - một mục tiêu đầy tham vọng khi nền kinh tế kỹ thuật số hiện chỉ chiếm 8,2% GDP. Tuy nhiên, điều này cho thấy quan điểm lạc quan của chính phủ về nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam và sự sẵn sàng hỗ trợ hệ sinh thái kỹ thuật số.
Dân số hiểu biết về công nghệ và xu hướng kỹ thuật số đang gia tăng: Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có số lượng điện thoại thông minh cao nhất với 63,1 triệu điện thoại thông minh đang được sử dụng. Việt Nam được kỳ vọng sẽ bắt kịp các đồng nghiệp trong khu vực vì phần lớn dân số Việt Nam là trẻ và trong độ tuổi lao động. Dưới đây là tóm tắt về các xu hướng đang gia tăng:
Thứ nhất là truyền thông xã hội. Truyền thông xã hội đã trở thành hoạt động phổ biến nhất của người Việt Nam, với thời gian truy cập trung bình là 2 giờ mỗi ngày.
Thứ hai là thương mại điện tử. Theo báo cáo của Google, Bain & Co. và Temasek, tổng giá trị giao dịch (GMV) thương mại điện tử của Việt Nam dự kiến tăng trưởng với tốc độ CAGR 31%, vượt trội so với các nước ASEAN khác và sẽ nâng GMV thương mại điện tử của đất nước lên 26 tỷ USD vào năm 2025.
Thứ ba là xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Theo khảo sát của công ty phân tích dữ liệu Statista của Đức, 78% người mua sắm trực tuyến vẫn thích thanh toán bằng tiền mặt khi mua hàng qua mạng. Do đó, có rất nhiều cơ hội để xu hướng thanh toán tiền mặt phổ biến hơn nữa. Với hơn 40 ví điện tử được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, thị trường thanh toán kỹ thuật số đang nhộn nhịp nhanh hơn bao giờ hết.
Tăng tốc áp dụng kỹ thuật số thời đại dịch
Điểm mấu chốt của làn sóng dịch COVID-19 thứ tư là thúc đẩy thói quen ưu tiên các dịch vụ trực tuyến. Một khi hành vi của người tiêu dùng chuyển thành thói quen, họ vẫn có thể tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến cho các nhu cầu hàng ngày của mình khi đại dịch qua đi.
Tiềm năng của nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều quỹ đầu tư, dẫn đến một môi trường đầu tư năng động cho các công ty công nghệ trong vài năm qua. Các quỹ đầu tư tiếp tục thể hiện cam kết với thị trường khi liên minh 17 quỹ cam kết đầu tư 800 triệu USD vào các công ty khởi nghiệp từ năm 2021 đến năm 2025.
Việt Nam - trung tâm khởi nghiệp tiếp theo ở Đông Nam Á
Nắm bắt cơ hội trong nền kinh tế số, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển và mở rộng nhanh chóng, định vị Việt Nam trở thành trung tâm khởi nghiệp tiếp theo ở Đông Nam Á. Điều này có thể là nhờ những lợi thế sau:
Thứ nhất là động lực vĩ mô. Môi trường vĩ mô ổn định ở Việt Nam được coi là hỗ trợ sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và hệ sinh thái khởi nghiệp.
Thứ hai là việc sở hữu nhiều tài năng công nghệ. Việt Nam là quê hương của rất nhiều tài năng công nghệ sáng tạo. Theo xếp hạng Chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2021 của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam được xếp hạng là quốc gia đổi mới sáng tạo nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, xếp hạng cao hơn các nước láng giềng như Indonesia, Thái Lan và Philippines. Hơn nữa, điểm số của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Một nguồn quan trọng khác trợ giúp đội ngũ nhân tài của Việt Nam là sự đầu tư của Việt kiều vào giáo dục và kỹ thuật.
Thứ ba là chính sách hỗ trợ của chính phủ cho các công ty khởi nghiệp. Chính phủ Việt Nam lạc quan về hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước, với kỳ vọng Việt Nam sẽ có 8 “kỳ lân” vào năm 2030. Để tạo điều kiện cho sự tăng trưởng này, chính phủ đã đưa ra nhiều sáng kiến và thông qua luật hỗ trợ các công ty khởi nghiệp cũng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời dành ưu đãi về vốn và thuế.
Thứ tư là vai trò mở đường của các “kỳ lân” đời đầu. Việt Nam hiện có ba kỳ lân, chứng tỏ rằng môi trường kỹ thuật số ở Việt Nam hiện nay rất thích hợp để các công ty khởi nghiệp phát triển mạnh trong những năm tới.
Kết luận
Nền kinh tế kỹ thuật số sẽ là một trong những yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. Được hỗ trợ bởi nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, một chính phủ tiến bộ, dân số trẻ ngày càng hiểu biết về công nghệ, nền kinh tế kỹ thuật số mang lại nhiều tiềm năng cho các công ty khởi nghiệp khám phá và tạo ra giá trị. Với tốc độ phát triển ấn tượng hiện nay, Việt Nam đang trên đà trở thành cường quốc kinh tế kỹ thuật số tiếp theo ở Đông Nam Á./.
Theo TTXVN