Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Sáu yếu tố định hình kinh tế thế giới năm 2024

Ngày phát hành: 07/01/2024 Lượt xem 682

 

Ba năm đại dịch COVID-19 hoành hành và hai năm lãi suất tăng mạnh ở các nước lớn đã mang đến những biến động hiếm thấy cho nền kinh tế thế giới. Với đà tăng giá được kiểm soát và Ngân hàng trung ương Mỹ, Ngân hàng trung ương châu Âu ngừng tăng lãi suất, tình hình vĩ mô đã ổn định phần nào và giá trị tài sản phục hồi nhanh chóng. Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với sự không chắc chắn, với nhiều yếu tố có khả năng gây ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng trong năm 2024?

Bao giờ Fed hạ lãi suất?

Vấn đề lạm phát từng gây khó khăn cho Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong suốt hai năm qua. Tuy nhiên, hiện lạm phát gần như đã được kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (PCI) của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 11/2023 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, lạm phát đang tiến gần đến mốc mục tiêu chính sách là 2%. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã bắt đầu nói về khả năng cắt giảm lãi suất, thị trường chứng khoán và trái phiếu Mỹ tạo ra làn sóng tăng giá ngay trước thềm lễ hội Giáng Sinh 2023. 

Tuy nhiên, các nhà giao dịch trên thị trường và các nhà hoạch định chính sách của Fed có ý kiến bất đồng về cách cắt giảm lãi suất. Các quỹ tin rằng sau khi giá cả ổn định và tăng trưởng giảm, lãi suất sẽ hạ nhanh chóng. Có dự đoán cho rằng lãi suất sẽ được cắt giảm vào tháng 3/2024, với 6 lần cắt giảm tổng cộng 150 điểm phần trăm trong cả năm 2024. Tuy nhiên, các quan chức Fed lần lượt đưa ra cảnh báo rằng việc cắt giảm lãi suất có thể không diễn ra nhanh chóng như vậy. Nhiều khả năng các động thái đảo chiều lãi suất sẽ bắt đầu sau nửa đầu năm 2024, với ba lần cắt giảm khoảng 75 điểm phần trăm.

Điểm chính trong sự bất đồng giữa thị trường và Fed nằm ở cách nhìn nhận về thị trường việc làm và rủi ro tài chính. Tác giả bài viết cho rằng thị trường việc làm ở Mỹ đang đi theo một quỹ đạo chưa từng có, tỷ lệ thất nghiệp tăng và tốc độ tăng lương giảm. Điều này hoàn toàn khác với con đường trước đó, khiến bước ngoặt của lãi suất trở nên đầy bất ổn. Lựa chọn chính sách tốt nhất của Fed lúc này là giữ nguyên mọi thứ cho đến khi chuyển sang trạng thái thắt chặt tài chính hoặc suy thoái kinh tế buộc phải điều chỉnh chính sách.

Châu Âu có rơi vào suy thoái kinh tế?

Tình hình kinh tế ở châu Âu tồi tệ hơn nhiều so với ở Mỹ. Sau khi đại dịch kết thúc, nền kinh tế châu Âu phục hồi đáng kể và giá cả giảm mạnh. Tuy nhiên, thị trường việc làm không phục hồi kiểu bùng nổ và nhu cầu không mạnh. Chi phí sinh hoạt tăng cao đã dẫn đến những lời kêu gọi tăng lương. Áp lực tiền lương và sự nhạy cảm truyền thống của châu Âu đối với siêu lạm phát đã khiến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trở nên "diều hâu" hơn và từ chối thảo luận về sự thay đổi lãi suất. 

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đã ở dưới mốc điểm an toàn trong 17 tháng liên tiếp và đang suy thoái sâu; PMI của ngành dịch vụ cũng đã di chuyển xuống dưới điểm an toàn và nền kinh tế châu Âu ngấp nghé bên bờ vực suy thoái. Lãi suất cao tiếp tục tác động đến các quốc gia và công ty có mức nợ cao, đồng thời các vấn đề về bất động sản thương mại trở nên nghiêm trọng.
 
Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ bước vào thời kỳ thu hẹp tài chính trong năm 2024 và chỉ có chính sách tiền tệ mới có chỗ để phát huy tác dụng. Về việc khi nào ECB có thể xoay chuyển lập trường chính sách, thái độ của Đức - nền kinh tế lớn nhất EU - là rất quan trọng. Các ngành công nghiệp lớn nhất, đặc biệt là ngành ô tô lương cao, của Đức cũng đang nhanh chóng mất thị phần toàn cầu. Cuộc khủng hoảng ngân sách và thời điểm diễn ra bầu cử cũng làm tăng khả năng Đức nới lỏng chính sách. Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu ECB có dẫn đầu trong việc cắt giảm lãi suất hay không. Nhiều chuyên gia dự báo EU sẽ rơi vào suy thoái và ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào giữa năm 2024.

BoJ điều chỉnh đường cong lợi suất như thế nào?

Tỷ giá đồng yen Nhật so với đồng USD đã mất giá thêm 8% trong năm 2023, thậm chí có thời điểm giảm xuống dưới 150. Các thị trường và nhà đầu tư kỳ vọng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ sớm điều chỉnh đường cong lãi suất. Hơn 10 năm qua, Nhật Bản đã giữ nguyên chính sách nới lỏng định lượng, đẩy lãi suất thậm chí xuống dưới mức 0. 

Sau khi Mỹ và châu Âu bước vào chu kỳ tăng lãi suất, chính sách lãi suất bằng 0 của Nhật Bản ngày càng trở nên bất hợp lý, thu hút một lượng lớn trái phiếu chính phủ bán khống. Do chênh lệch lãi suất rất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản, các vị thế giao dịch chênh lệch giá gần như trở thành “hồ rào cản” trên thị trường tài chính. Quy mô bán khống trái phiếu Nhật Bản rất lớn, xử lý bất cẩn có thể dẫn đến thảm họa tài chính toàn cầu, vì vậy BoJ đã có một số điều chỉnh chính sách, nhằm làm tăng biến động tỷ giá và tăng chi phí bán khống. Cơ quan này hy vọng rằng các nhà đầu cơ sẽ rút lui khi gặp khó khăn.

Giờ đây, việc bán khống đã giảm đi rất nhiều, nền kinh tế Nhật Bản cũng đã thoát khỏi nguy cơ suy giảm, kỳ vọng lạm phát và kỳ vọng tăng lương đã trở lại bình thường, thời điểm điều chỉnh chính sách quản lý đường cong lợi suất đang đến gần hơn. Có thể thấy BoJ rất rõ ràng về phương hướng điều chỉnh chính sách nhưng lại rất kín tiếng về thời điểm. Nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản sẽ bắt đầu điều chỉnh việc quản lý đường cong lợi suất vào tháng 3/2024.

Cuộc chiến bầu cử Mỹ

Nước Mỹ sẽ diễn ra bầu cử quốc gia vào tháng 11/2024. Mặc dù các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đang diễn ra sôi nổi nhưng vẫn chưa có một dấu hiệu nào cho thấy ứng cử viên của đảng nào giành lợi thế trong cuộc đua vị trí tổng thống. Theo truyền thống, đảng Cộng hòa luôn tìm kiếm sự thận trọng về mặt tài chính trong khi đảng Dân chủ tập trung nhiều hơn vào ngân sách lớn. Tuy nhiên, kể từ thời cựu Tổng thống Donald Trump, quan điểm của hai đảng về vấn đề tài chính thâm hụt khá giống nhau. Cuộc tranh luận về trần nợ tại Quốc hội Mỹ cũng đã phát triển thành một cuộc chiến đảng phái khi cả hai bên đều không tìm cách thực sự kiểm soát chi tiêu của chính phủ. 

Dự luật Giảm Lạm phát của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã khiến thâm hụt tài chính của Mỹ lên tới 8,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).  Điều chưa từng xảy ra trong thời bình, chưa kể nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện không cần kích thích thêm. Khoản trả lãi của chính phủ đối với khoản nợ khổng lồ vốn đã lớn hơn ngân sách quốc phòng, nhưng cuộc tranh luận bầu cử lại tập trung vào các chủ đề phi kinh tế như nhập cư.

Nếu ông Trump đắc cử, các chính sách hiện tại của Fed có thể bị thách thức, việc tái đắc cử vị trí Chủ tịch Fed của ông Powell cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này có thể buộc Mỹ phải điều chỉnh các chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo kể từ năm 2008, khiến quá trình mất cân bằng toàn cầu có thể tăng tốc hơn nữa. Ngoài ra, cam kết chống biến đổi khí hậu của nước này có thể bị giảm sút. Việc làm ở Mỹ bùng nổ nhưng tỷ lệ ủng hộ ông Biden lại rất thấp. Liệu khoảng cách giữa hai bên có còn gần như cuộc bầu cử lần trước?

Khủng hoảng chuỗi cung ứng có tái diễn?

Hiện tượng thời tiế El Niño đang lan rộng khắp châu Mỹ. Khu vực miền Nam nước Mỹ đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp và chăn nuôi. Lưu vực sông Amazon đã phải hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và khiến hàng triệu loài vật đứng trước bờ vực tuyệt chủng. Hạn hán đã khiến mực nước kênh đào Panama xuống thấp nghiêm trọng, số lượng tàu chở hàng qua lại nơi đây giảm tới 40% so với mức thông thường, gây ảnh hưởng đáng kể đến tuyến đường châu Á - Đông Mỹ. 

Cùng lúc đó, lực lượng phiến quân Houthi ở Vịnh Aden đã tấn công các tàu buôn, buộc các hãng vận tải biển lớn phải chuyển tuyến đường đi qua kênh đào Suez sang Mũi Hảo Vọng, làm tăng chi phí và kéo dài lịch trình vận chuyển. Lời kêu gọi hộ tống tàu chiến của Mỹ chưa nhận được sự hưởng ứng từ nhiều nước và hiệu quả chưa thấy rõ, tuyến vận tải biển Á - Âu bị ảnh hưởng đáng kể. Giá thuê container tăng mạnh, rủi ro chuỗi cung ứng do dịch bệnh gây ra dường như đang quay trở lại.

Những rủi ro về chuỗi cung ứng cho đến nay vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu. Thời gian cần thiết để giải quyết tình trạng tắc nghẽn của hai kênh đào chính có thể dài hơn hoặc ngắn hơn và cần phải quan sát thêm. Tuy nhiên, các vấn đề an ninh chuỗi cung ứng chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến trình phi toàn cầu hóa và trở thành logic cơ bản cho sự tái phát của lạm phát.

ChatGPT thay đổi thế giới như thế nào?

Ứng dụng ChatGPT ra mắt cách đây một năm, đã có tác động mạnh mẽ đến thế giới và tạo ra một dòng vốn chưa từng có chảy vào ngành công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Các ứng dụng AI quy mô lớn đang mọc lên như "nấm sau mưa", có thể hình dung rằng chúng sẽ tạo ra tác động rất lớn đến xã hội, đời sống và nền kinh tế thế giới. Mặc dù ChatGPT đã cho thấy những khả năng đáng ngạc nhiên, thậm chí là siêu việt, nhưng vẫn các mô hình lợi nhuận mới dường như vẫn chưa thành công. Những cân nhắc về bảo mật dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ cũng đã cản trở sự phát triển nhanh chóng của ChatGPT. Tuy nhiên, hầu hết các công ty công nghệ lớn đều đang tích hợp các yếu tố AI, điều chỉnh chiến lược và cơ cấu công ty cũng như chuẩn bị nâng cấp các sản phẩm hiện có.

Năm 2024 có thể là một năm bước ngoặt đối với ChatGPT. Khi copilot được tích hợp vào Windows (có thể là giữa năm nay), AI từ chỗ là một thử nghiệm thu hút các công ty công nghệ đã trở thành cơ hội "kiếm tiền" quan trọng và ngày càng phủ sóng ở quy mô lớn hơn, từ trong từng ngôi nhà của người dân cho tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hệ thống của chính phủ... Việc triển khai AI tạo sinh trên các hệ thống máy tính và điện thoại di động có thể mở ra kỷ nguyên dân chủ hóa trí tuệ nhân tạo./.

 

 

Theo TTXVN tại Hong Kong

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết