Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Thực trạng biến đổi và định hướng xây dựng giá trị quan hạt nhân xã hội chủ nghĩa Trung Quốc

Ngày phát hành: 11/08/2018 Lượt xem 2979

(HĐLL) Sự trỗi dậy ngày càng mạnh lên về kinh tế, quân sự, quá trình hội nhập sâu rộng, cùng sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ đã và đang khiến cho hệ giá trị đương đại Trung Quốc có những biến đổi sâu sắc, phức tạp. Để đáp ứng nhu cầu nhận thức ngày càng đa dạng của đông đảo quần chúng nhân dân, ngăn chặn và chống lại sự xâm nhập của các yếu tố văn hóa phương Tây có khả năng xói mòn các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước giành thế chủ động trong cuộc cạnh tranh vị thế dẫn đầu về văn hóa với các cường quốc lớn, đặc biệt là Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã xác định cần phải xây dựng hệ giá trị quan hạt nhân XHCN đặc sắc Trung Quốc làm nền tảng định hướng đời sống tinh thần người dân, đồng thời, ở một tầm nhìn xa hơn, việc xây dựng hệ giá trị này còn góp phần giúp Trung Quốc tiến nhanh hơn trên con đường hiện thực hóa “giấc mộng Trung Hoa” thông qua việc dẫn dắt, lãnh đạo thế thế giới bằng hệ giá trị xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Hoa. Trên thực tế, mục tiêu xây dựng hệ giá trị XHCN đặc sắc Trung Quốc đang gặp nhiều thách thức trong quá trình xác lập và triển khai do chịu nhiều tác động sâu sắc của qua trình vận động, tương tác giữa các nhân tố truyền thống và hiện đại, chính thức và phi chính thức dưới những áp lực khác nhau từ bên trong và bên ngoài. Để làm rõ hơn vấn đề này, bài viết sẽ tập trung vào phân tích các nhân tố tác động, thực trạng biến đổi và định hướng xây dựng hệ giá trị quan hạt nhân XHCN của Trung Quốc.


1. Các nhân tố tác động


(1) Các nhân tố bên ngoài


Những thay đổi của bối cảnh quốc tế trước năm 1978, đặc biệt là sự tan rã của Liên Xô (năm 1989) và một số nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào các thập niên cuối của thế kỷ XX là một bài học nhức nhối buộc Trung Quốc phải nhận thức đúng tầm quan trọng của vấn đề xây dựng hệ giá trị mang tính định hướng trong đời sống xã hội. Mặt khác, sự vươn lên của Nhật Bản, Hàn Quốc và các phân tích về nguyên nhân thành công của các con rồng châu Á có một phần đóng góp không nhỏ từ các giá trị Đông Á, xét về một khía cạnh nào đó là khó có thể chấp nhận đối với Trung Quốc - quốc gia vốn có một quá khứ lâu dài với niềm tự hào như là một trung tâm chủ đạo của nền văn minh và hệ giá trị  Đông Á. 


Cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của truyền thông, đặc biệt là truyền thông mới như điện thoại, Internet đã làm biến đổi thế giới, khiến cho quá trình toàn cầu hóa diễn ra nhanh chóng hơn. Điều đó mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, nhất là khi quốc gia này gia nhập WTO, song cũng phát sinh nhiều vấn đề khiến Trung Quốc không thể nắm bắt, kiểm soát và thích ứng được nhất là trong lĩnh vực văn hóa.


Mặt khác, mở cửa và hội nhập quốc tế, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các sản phẩm văn hóa của phương Tây và làn sóng văn hóa Hàn Quốc lan tỏa vào mọi ngõ ngách trong đời sống văn hóa xã hội Trung Quốc. Sự lan tỏa này đã ít nhiều xói mòn một số giá trị văn hóa truyền thống và thay đổi hành vi của một bộ phận không nhỏ người dân Trung Quốc. Như vậy là, các nhân tố bên ngoài đến từ những thay đổi không ngừng trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng kỹ thuật số trên phạm vi toàn cầu đã và đang thúc đẩy Trung Quốc đi đến lựa chọn buộc phải tạo nên “hình thái ý thức, hệ giá trị có sức lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục các quốc gia khác”  nhằm góp phần đưa Trung Quốc trở thành cường quốc văn hóa xã hội chủ nghĩa và là trung tâm văn hóa thế giới mới của nhân loại. 


(2)  Các nhân tố bên trong


Sau bốn mươi năm tiến hành cải cách mở cửa, vị thế quốc tế Trung Quốc ngày càng được nâng cao, mô hình xã hội đangcó những bước chuyển đổi mạnh mẽ. Những chuyển đổi mạnh mẽ đó đã và đang khiến cho giá trị đương đại Trung Quốc có những biến đổi phức tạp dưới sức tác động đa chiều của các nhân tố truyền thống - hiện đại, chính thức - phi chính thức. 


Quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại


 “Mỗi một thời đại đều có tinh thần của thời đại đó, mỗi một thời đại đều có quan niệm giá trị của thời đại đó”  là nhận định của Tập Cận Bình về sự cần thiết của việc thực hiện giá trị quan hạt nhân XHCN Trung Quốc trong thời đại mới. Nhưng giá trị quan hạt nhân của Trung Quốc không phải là sự đứt đoạn với dòng chảy lịch sử. Đối với dân tộc Trung Hoa, lịch sử hàng ngàn năm cùng nền văn hóa rực rỡ đã góp phần tạo nền những giá trị truyền thống, trong đó lấy các quan niệm giá trị của đạo Nho làm hạt nhân. Hơn hai nghìn năm tồn tại của chế độ phong kiến đã khiến cho các giá trị “nhân” “lễ” của Nho gia kết hợp với tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất”, “đạo pháp tự nhiên” của Đạo và triết lý “Từ bi vi hoài” (lòng trắc ẩn), “phổ độ chúng sinh” của Phật giáo dần dần trở thành hệ giá trị quan truyền thống của Trung Quốc. Những quan niệm truyền thống này đã trở thành giá trị cốt lõi (khoan dung, hòa hợp, nhân ái) trong đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc và có sức lan tỏa đến các quốc gia thuộc khu vưc văn hóa đồng văn. Tuy nhiên, xét về bản chất, ở những góc độ nhất định các quan niệm giá trị truyền thống của Trung Quốc dưới sự tác động của thể chế phong kiến tập quyền đặc biệt là lễ giáo “tam cương ngũ thường” đã trở thành những khuôn khổ cứng nhắc khống chế tư tưởng của con người, quy phạm hành vi của con người, từ đó chỉnh đốn kỷ cương xã hội, bảo vệ sự thống trị của đẳng cấp.


Từ thời cận đại đến nay, quan niệm giá trị truyền thống của người dân Trung Quốc đã gặp những thách thức và cơ hội to lớn do những quan niệm giá trị cận đại phương Tây đem lại. Đứng trước nguy cơ sinh tồn của dân tộc Trung Hoa, phái duy tân của giai cấp địa chủ như Lâm Tắc Từ, Ngụy Nguyên, phái cải lương của giai cấp tư sản như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, phái cách mạng của giai cấp tư sản như Tôn Trung Sơn, Hoàng Hưng… đều có sự gặp gỡ về quan điểm cần tiếp nhận những tinh hoa bên ngoài để phát triển đất nước. Trong quá trình học tập kỹ thuật tiên tiến, thể chế chính trị, quan niệm giá trị của phương Tây, một số quan niệm giá trị tư tưởng thâm căn cố đế trong xã hội phong kiến đang dần dần thay đổi trong đời sống xã hội Trung Quốc và các quan niệm giá trị tư tưởng mới dần dần được tiếp nhận. Trong quá trình Trung Quốc phá vỡ các khuôn khổ ràng buộc của xã hội phong kiến, bắt đầu hành trình hiện đại hóa, những giới hạn của giáo lý “tam cương ngũ thường” từng bước bị loại trừ; tư tưởng tư lợi, cá nhân hẹp hòi và bóc lột giai cấp của CNTB từng bước bị phê phấn và quan niệm giá trị XHCN từng bước trở thành hệ giá trị đương đại của Trung Quốc.  


Quá trình chuyển đổi từ đóng cửa sang mở cửa


Nhìn lại lịch sử phát triển của Trung Quốc trước năm 1978, chúng ta có thể hiểu rõ hơn lý do khiến cho các giá trị Trung Quốc có sự biến đổi mạnh mẽ khi xã hội chuyển từ tình trạng trì trệ, tình trạng khép kín lạc hậu sang mở cửa toàn diện với thế giới trên mọi lĩnh vực, trong đó có văn hóa.


Trước cải cách mở cửa, thể chế chính trị Trung Quốc có tính chất tập quyền cao độ với nhiều khuyết tật. Bộ máy nhà nước quan liêu, hệ thống tổ chức cồng kềnh, công tác đảng và chính quyền chồng chéo cùng với việc áp dụng mô hình thể chế kinh tế kế hoạch tập trung cao độ và đóng cửa đất nước đã khiến cho hệ thống quan liêu cồng kềnh và chi phí của nó ngày một phình to. Các chính sách được chế định, hoặc ban hành thiếu tính khoa học, ổn định, liên tục, thậm chí mắc nhiều sai lầm… dẫn đến hậu quả nguồn lực phân bổ vào những lĩnh vực khác nhau không hiệu quả, quyền dân chủ của người dân thiếu sự đảm bảo bằng chế độ và pháp luật, nền kinh tế lạc hậu hàng trăm năm so với các nước phát triển ở phương Tây, việc xã hội hóa hoạt động sản xuất các sản phẩm văn hóa bị xem nhẹ, đời sống người dân thiếu thốn, các vấn đề xã hội nảy sinh và sự phát triển văn hóa bị trói buộc, sức sản xuất văn hóa bị kìm hãm… Đặc biệt, quyền lực tập trung cao độ và cơ chế kế hoạch hóa đã ngăn cách quyền sáng tạo và kinh doanh các sản phẩm văn hóa của các cá nhân, các tổ chức. Điều này ở tầng bậc sâu xa nhất đã tạo nên những tác động tiêu cực về đạo đức, giá trị, thái độ sống và cách ứng xử của con người trong đời sống văn hóa, xã hội. Do vậy, mở cửa đất nước trên mọi lĩnh vực đã đem đến những thay đổi toàn diện và tạo nên những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc. Việc mở cửa đã khiến Trung Quốc nhanh chóng bước vào quá trình toàn cầu hóa. Trong bối cảnh mới này, nhân tố hình thái ý thức hay kinh tế sẽ không còn là nguyên nhân căn bản chủ yếu làm nảy sinh xung đột mà sự khác biệt, đa dạng về văn hóa đang trở thành nhân tố chủ gây chia rẽ và xung đột lớn nhất trong đời sống xã hội.  Do đó, những tác động của quá trình toàn cầu hóa, những chuyển đổi lớn lao của đời sống trong nước đang từng bước thúc đẩy quá trình “xung đột quan niệm giá trị”, “dung hòa quan niệm giá trị và “va chạm quan niệm giá trị” diễn ra ngày phức tạp và khó kiểm soát ở Trung Quốc. 


Cùng với việc cải cách mở cửa của Trung Quốc, các loại tư tưởng văn hóa, quan niệm giá trị của các nước trên thế giới sẽ ồ ạt kéo vào, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc. Một mặt, tác động của quá trình cải cách mở cửa sẽ góp phần đưa các quan niệm giá trị truyền thống Trung Quốc có cơ hội hội nhập sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa. Mặt khác, sự giao lưu, tác động lẫn nhau về quan niệm giá trị giữa các nước cũng thúc đẩy mạnh hơn tiến trình tiếp thu, học tập quan niệm giá trị phương Tây của người Trung Quốc. Văn hóa tư tưởng, quan niệm giá trị của xã hội TBCN cũng thông qua giao lưu văn hóa giáo dục mà được truyền bá vào Trung Quốc và tốc độ được đẩy mạnh. Điều này đã tạo nên những đợt sóng xung đột tư tưởng văn hóa trong đời sống văn hóa xã hội. Trong đó, quan niệm giá trị văn hóa phương Tây có ảnh hưởng lớn nhất đối với thế giới tinh thần của thế hệ thanh niên Trung Quốc. Bên cạnh việc tiếp nhận những giá trị mang tính phổ quát của phương Tây, không ít thanh thiếu niên theo đuổi và sùng bái chủ nghĩa kim tiền, chủ nghĩa hưởng lạc và tác phong tự do tùy tiện. Những tác động trái chiều đó đã làm biến đổi các giá trị truyền thống, đồng thời cũng khiến cho thế giới tinh thần của người Trung Quốc phải đối mặt với những mối đe dọa tiềm tàng.


Quá trình chuyển đổi từ đơn nhất đến đa nguyên


Trong xã hội truyền thống Trung Quốc, quan niệm giá trị phong kiến là giá trị chủ lưu trong đời sống tinh thần xã hội Trung Quốc. Những biến động lớn lao của lịch sử Trung Quốc thời cận đại đã tạo điều kiện cho quan niệm giá trị phương Tây du nhập vào Trung Quốc, đồng thời cũng tạo nên sự va chạm giữa các giá trị Đông - Tây, từ đó thúc đẩy sự ra đời của những quan niệm giá trị mới. Sự du nhập của giá trị quan phương Tây khiến cho xu hướng giá trị của xã hội truyền thống có sự phân hóa. Trong đó, sự xung độttư tưởng của phái bảo thủ (giai cấp địa chủ) với tư phái cải lương(giai cấp tư sản) và với tư tưởng của giai cấp vô sản ở những mức độ khác nhau tạo nên cục diện chia rẽ sâu sắc của hệ thống tư tưởng khác nhau. Song nhìn chung, nội dung và hình thức của đời sống tinh thần xã hội lấy văn hóa tư tưởng nho giáo làm chủ đạo vẫn tương đối đơn nhất. 


Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời (1949), tuy nước Trung Quốc mới đã có những tiến bộ quan trọng trên phương diện phát triển kinh tế xã hội, song dưới thể chế kinh tế kế hoạch tập trung cao độ, đời sống tinh thần của người dân vẫn tương đối giản đơn. Sau cải cách mở cửa, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng cũng đem lại sự đa nguyên hóa đa dạng hóa cho giá trị văn hóa tư tưởng. Một mặt, văn hóa tư tưởng, quan niệm giá trị đa dạng phong phú trong sự hình thành phát triển của các nước du nhập vào Trung Quốc làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân; mặt khác, dưới sự xung đột của quan niệm giá trị văn hóa đa nguyên, đặc biệt là sự thâm nhập sâu của trào lưu tư tưởng xã hội phương Tây, địa vị chỉ đạo nhất nguyên hóa của chủ nghĩa Mác cũng chịu sự tấn công mạnh mẽ của giá trị quan ngoại lai. Những “giá trị phổ quát” của phương Tây như tự do, dân chủ, nhân quyền đã trở thành tư tưởng chi phối, dẫn dắt quan niệm hạt nhân của đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc. Đồng thời, trào lưu tư tưởng như sùng bái đồng tiền, chủ nghĩa hưởng lạc, chủ nghĩa hậu hiện đại, nho học mới, chủ nghĩa lịch sử hư vô v.v… bắt đầu thâm nhập sâu vào mọi ngõ ngách trong đời sống tinh thần xã hội. Quan niệm giá trị từng bước chuyển từ đơn nhất hướng tới đa nguyên và tạo nên tính phức tạp đa nguyên trong đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc.


Những biến đổi trong đời sống tinh thần


Toàn cầu hóa, thị trường hóa, internet hóa đã mở rộng không gian, thời gian và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình giao lưu văn hóa của Trung Quốc với thế giới. Quá trình chuyển đổi lịch sử từ truyền thống đến hiện đại, từ đóng cửa đến mở cửa, từ đơn nhất đến đa nguyên đã và đang khiến cho những biến đổi về giá trị ở Trung Quốc ngày càng diễn ra phức tạp, phản ánh sự thay đổi sâu sắc của kết cấu xã hội, và ở mức độ nhất định cũng tạo nên cục diện hỗn loạn trong đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc. Những biến đổi trong đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc được thể hiện ở các bình diện sau: 


Sự dao động và thiếu hụt của tín ngưỡng xã hội.Trong bối cảnh hiện nay, thiếu hụt tín ngưỡng xã hội đã trở thành một vấn đề lớn không thể xem nhẹ trong đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc. Cụ thể, sự dao động và thiếu hụt tín ngưỡng xã hội của người dân Trung Quốc chủ yếu thể hiện ở ba tình huống: Một là, sự dao động và thiếu hụt đối với niềm tin vào chủ nghĩa Mác. Theo một số điều tra, từ khi cải cách mở cửa đến nay, nhóm người tín ngưỡng chủ nghĩa Mác có giảm đi so với trước kia. Hai là, sự dao động và thiếu hụt đối với niềm tin chính trị.Một số người cố ý tách rời sinh hoạt chính trị, dẫn đến việc bản thân không có tri thức chính trị, giá trị quan chính trị và tín ngưỡng chính trị một cách hệ thống.Ba là, tính tìm kiếm lợi ích mạnh mẽ. Một số người tuy tham gia vào đời sống chính trị xã hội, song không có xu hướng phân biệt rõ ràng các quan niệm giá trị tư tưởng xã hội như tôn giáo, trào lưu tư tưởng xã hội, giá trị quan chủ lưu, tín ngưỡng không rõ ràng, song khi có liên quan đến quyền lợi của bản thân lại thể hiện tính tìm kiếm lợi ích mạnh mẽ.
Suy giảm lòng tin và suy thoái đạo đức xã hội.Đạo đức xã hội của người Trung Quốc hiện nay đã gặp khó khăn rõ rệt, chủ yếu biểu hiện ở năm phương diện sau: Thứ nhất, thiết hụt sự trung thực. Chữ tín vốn là một giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Trung Hoa, nhưng, hiện nay những giới hạn cuối cùng của lòng trung thực đang bị phá vỡ bởi thói bội tín, lừa gạt, tệ nạn buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, trốn thuế, thuốc giả, thực phẩm bẩn, vi phạm bản quyền, quay cóp, gian lận trong thi cử. Thứ hai,hiện tượng vô cảm. Hiện tượng thấy chết không cứu, giúp người muốn báo ơn, giả vờ đụng xe v.v… diễn ra rất nhiều tại Trung Quốc. Thứ ba, suy thoái đạo đức quan chức với các biểu hiện lãnh đạo không phân biệt đúng sai, mê tín, khoa trương lãng phí, không tuân thủ kỷ luật, không có chí tiến thủ; nhận hối lộ, dùng quyền mưu lợi riêng; tham ô hủ bại, phá hủy nghiêm trọng hình tượng của Đảng và Nhà nước. Thứ tư, thiếu trách nhiệm xã hội. Một số người giàu lên sau cải cách mở cửa thiếu tinh thần trách nhiệm xã hội, hoang phí, khoe khoang sự giàu có nhưng lại không bỏ một đồng làm từ thiện, trở thành đối tượng “người giàu bị ghét” của quần chúng nhân dân. Thứ năm, không tuân thủ đạo đức công cộng. Một số người có những lời nói hành vi vi phạm đạo đức xã hội ở những nơi công cộng như khu danh lam, sân bay, bến tàu, tàu điện ngầm v.v…, khi bị ngăn cản còn cố tình không hợp tác, gây ảnh hưởng xấu tới cộng đồng.


Sự mất định hướng trong việc theo đuổi giá trị. Theo đuổi giá trị phản ánh cách nhìn căn bản của con người đối với các quan hệ giá trị, là chỉ ý thức giá trị căn bản trong hành vi, tư tưởng của con người. Theo đuổi giá trị có vai trò chủ đạo đối với việc hình thành hành vi, tư tưởng của con người. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống xã hội Trung Quốc đang có những biến đổi, xung đột lowisn lao giữa các giá tri truyền thống, giá trị ngoại lai và những giá trị mới đang hình thành khiến cho việc theo đuổi các giá trị của không ít người rơi vào trạng thái bối rối và lạc lối nhất là một số bộ phận thanh thiếu niên Trung Quốc.


2. Thực trạng biến đổi và quá trình xác định hệ giá trị quan hạt nhân XHCN của Trung Quốc


Những phân tích ở trên về các nhân tố tác động đã cho thấy một thực tế, hiện nay, những xung đột cũ - mới giá trị đang trở thành một vấn đề thường trực trong đời sống xã hội Trung Quốc và quốc gia này không phải ngoại lệ. Trong một xã hội phát triển bình thường thì việc chuyển dịch các giá trị văn hóa có thể không quá gay gắt, nhưng trong một xã hội đang chuyển đổi từ một xã hội truyền thống khép kín, sang một xã hội hiện đại mở cửa với tốc độ chóng mặt như Trung Quốc thì những vấn đề của sự chuyển đổi văn hóa, lối sống, giá trị được thể hiện khá phức tạp  và ở các chiều kích khác nhau. Việc nhìn lại lịch sử Trung Quốc ở trên đã cho thấy, đất nước này đã trải qua nhiều lần chuyển đổi. Thời cận đại, xã hội phong kiến truyền thống của Trung Quốctừng bước tan rã và thay đổi một cách chậm chạp để tiếp nhận một xã hội hiện đại kiểu phương Tây đương thời ở những mức độ khác nhau. Dù mô hình xã hội phương Tây bị đưa vào một cách cưỡng ép bởi chủ nghĩa thực dân, nhưng trong lòng xã hội Trung Quốc có một sự thay đổi tạo nên mô hình xã hội nửa thực dân nửa phong kiến. Sau khi nước CHND Trung Hoa ra đời, đời sống xã hội Trung Quốc tiếp tục có sự biến đổi, đặc biệt là sau cải cách mở cửa. Trước yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa, khiến cho các không gian công cộng, các tiêu chí xã hội có sự biến đổi trước những thách thức về nhu cầu đòi hỏi các giá trị cá thể cần phải được khẳng định. Nhu cầu thể hiện bản ngã trở thành một yêu cầu tất yếu dưới nhiều dạng thức khác nhau và ở tất cả các giai tầng xã hội, nhất là khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang đòi hỏi con người thay đổi liên tục để thích nghi với tình hình mới. Những chuyển đổi xã hội đã kéo theo những chuyển đổi lối sống, chuyển đổi văn hóa và tạo nên những biến đổi về giá trị. Sự biến đổi này là quy luật tất yếu vì cuộc sống không bao giờ đặt ra cái gì mà lịch sử không thể giải quyết được cả.Trước những thay đổi mạnh mẽ đó, các giá trị quan truyền thống dường như đang mai một dần trong khi giá trị quan phương Tây lại có ảnh hưởng và sự xâm nhập tương đối sâu rộng trong đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ. Trong quá trình biến đổi đó, có không ít quan điểm của giới nghiên cứu cho rằng cần xác lập “thuyết xây dựng lại triệt để” văn hóa truyền thống, để cắt đứt và xóa bỏ văn hóa Trung Quốc, triệt để phản đối truyền thống mới có thể xây dựng văn hóa mới  . Song song với việc triệt tiêu văn hóa truyền thống, nhiều quan điểm cực đoan cũng cho rằng cần “Tây hóa toàn bộ”, vì giá trị quan truyền thống Trung Quốc trói buộc cá tính của con người, cản trở sự phát triển của xã hội Trung Quốc. Thực tế trên đã khiến cho việc xây dựng giá trị quan trong quá trình chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang hiện đại của xã hội Trung Quốc đương đại tương đối trì trệ. Giá trị quan truyền thống đã bị xóa bỏ ở một mức độ nhất định, trong khi đó giá trị quan Trung Quốc đương đại lại chưa thành hình. Do đó, sự thiếu hụt về giá trị quan Trung Quốc đương đại dẫn đến sự mất phương hướng ở mức độ nhất định về đời sống tinh thần của người dân. 


Trước những thay đổi rất lớn do tác động của chuyển dịch xã hội, việc định vị các giá trị quan hạt nhân của Trung Quốc không phải là công việc dễ dàng. Trung Quốc đã gặp nhiều lúng túng ngay từ khâu đầu tiên trong việc định vị hệ giá trị quan mới của dân tộc hiện nay là gì. Việc nhìn lại tiến trình xác lập giá trị quan hạt nhân Trung Quốc sẽ cho thấy rõ hơn thực tế này. 


Từ đầu thế kỷ XXI, việc xây dựng giá trị quan của Trung Quốc đã bắt đầu được chú trọng đặc biệt. Năm 2001, Trung Quốc ban hành văn bản “Cương yếu xây dựng đạo đức công dân”,lấy 20 chữ “ái quốc thủ pháp, minh lễ thành tín, đoàn kết hữu thiện, cần kiệm tự cường, kính nghề phụng hiến” (yêu nước tuân thủ luật pháp, giữ gìn lễ nghĩa thành thật, đoàn kết thân thiện, cần kiệm tự cường, yêu nghề cống hiến) làm nội dung chủ yếu trong xây dựng đạo đức công dân. Báo cáo Hội nghị Trung ương 6 khóa XVI tháng 10 năm 2006 đã đưa ra mệnh đề “xây dựng hệ thống giá trị hạt nhân xã hội chủ nghĩa, đồng thời nêu rõ nội dung của hệ thống hạt nhân XHCN là “tư tưởng chỉ đạo của chủ nghĩa Mác, lý tưởng chung của XHCN đặc sắc Trung Quốc, tinh thần dân tộc lấy chủ nghĩa yêu nước làm hạt nhân và tinh thần thời đại lấy cải cách sáng tạo làm hạt nhân, quan điểm vinh nhục XHCN cấu thành hệ thống giá trị hạt nhân XHCN”. Quan điểm này đã được đưa vào Báo cáo Đại hội XVII (2007) của ĐCS Trung Quốc:


Hộp 1: Hệ thống giá trị theo báo cáo của ĐCSTQ tại Đại hội 17


Một là, lấy tư tưởng chỉ đạo chủ nghĩa Mác làm kim chỉ nam cơ bản để thành lập Đảng Cộng sản, thành lập đất nước, là linh hồn của ý thức hệ XHCN.
Hai là, lấy lý tưởng chung XHCN đặc sắc Trung Quốc là con đường tất yếu để thực hiện phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại, là động lực mạnh mẽ để nhân dân các dân tộc Trung Quốc phấn đấu đoàn kết.
Ba là, lấy tinh thần dân tộc, lấy chủ nghĩa yêu nước làm hạt nhân và tinh thần thời đại, lấy cải cách sáng tạo làm hạt nhân. 
Bốn là, lấy “tám điều vinh, tám điều nhục” làm nội dung chủ yếu của quan niệm xây dựng con người CNXH trong điều kiện kinh tế thị trường. 


 Nếu thể chế chính trị phương Tây hiện đại đã định hình nên những giá trị được phần đông cộng đồng thế giới đón nhận như “tự do”, “dân chủ”, “dân quyền”, thì dường như định hướng xây dựng hệ giá trị quan của Trung Quốc trong giai đoạn này gặp rất nhiều lúng túng trong việc tạo nên sự ngưng tụ của một hệ giá trị mới thể hiện rõ bản sắc đương đại và có sức thuyết phục đối với cộng đồng thế giới. Bởi lẽ, hệ giá trị cơ bản mà ĐCS Trung Quốc đề xuất qua các kì đại hội được tổng kết trong hộp trên, xét từ nhiều phương diện mới dừng lại ở lời tuyên bố của ĐCS Trung Quốc chưa đủ điều kiện trở thành hệ giá trị hoàn thiện và mang tính bền vững trong đời sống xã hội nước này. Sự thiếu vắng một hệ giá trị mang tính bền vững và thuyết phục mới chính là nguyên nhân cốt lõi khiến cho Trung Quốc khó có khả năng lên ngang hàng với quyền lực của Mỹ. Thừa nhận hạn chế này, các nhà chiến lược Trung Quốc, đã miêu tả tình trạng xây dựng giá trị quan như một liên kết chính trong sức mạnh tổng hợp của họ là yếu. Theo họ, sự thiếu thuyết phục của hệ thống giá trị hạt nhân đã khiến cho sự chuyển đổi cấu trúc giữa sức mạnh cứng và mềm thiếu tương xứng, sức mạnh mềm trở thành liên kết yếu trong việc hoạch định chiến lược của Trung Quốc. Từ những phân tích trên, chúng tôi cho rằng, điểm yếu nhất trong cấu trúc tổng thể sức mạnh tổng hợp Trung Quốc là chính là sự thiếu hụt hệ thống giá trị chính trị mang tính thuyết phục và bền vững về “mô hình Trung Quốc”. Khắc phục những hạn chế trên,  Báo cáo Đại hội XVIII năm 2012 đề ra “ba đề xướng”, đó là “đề xướng giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa; đề xướng tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị; đề xướng yêu nước, kính nghề, thành thật, thân thiện, tích cực bồi dưỡng giá trị quan hạt nhân XHCN” 


Hộp 2: Nội dung 3 đề xướng giá trị quan hạt nhân XHCN


* Đề xướng giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa;
* Đề xướng tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị; 
* Đề xướng yêu nước, kính nghề, thành thật, thân thiện
Nội dung mà “ba đề xướng” này thể hiện là khái quát mới nhất giá trị quan hạt nhân XHCN, đại diện cho sự biểu đạt tương đối cố định giá trị quan của Trung Quốc hiện nay.

 

Bảng 1. 12 giá trị quan hạt nhân XHCN của Trung Quốc

 

Chính trị
Xã hội
Cá nhân
1.Giàu mạnh
5. Tự do
9.Yêu nước
2. Dân chủ
6. Bình đẳng
10.Kính nghề
3.Văn minh
7. Công bằng
11.Thành thật
4.Hài hòa
8. Pháp trị
12. Thân thiện

 

Hộp 3: Định hướng hệ giá trị theo báo cáo của ĐCS Trung Quốc tại Đại hội XIX


Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác ý thức hệ, sáng tạo lý luận của Đảng được thúc đẩy toàn diện; vai trò chỉ đạo của Chủ nghĩa Mác trên lĩnh vực ý thức hệ được thể hiện rõ nét; chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc và Giấc mơ Trung Quốc đi sâu vào lòng người; giá trị quan cốt lõi xã hội chủ nghĩa và văn hóa truyền thống ưu tú của dân tộc Trung Hoa được nhân lên rộng rãi; các hoạt động xây dựng văn minh tinh thần của quần chúng được triển khai thiết thực. 


Việc nghiên cứu các văn bản của Trung Quốc như văn bản “Ý kiến về việc bồi dưỡng và thực hiện giá trị quan hạt nhân XHCN” đã nêu rõ giá trị quan hạt nhân XHCN của nước này là “kết nối với sự phát triển của CNXH đặc sắc Trung Quốc, kế thừa thành quả ưu tú của văn minh nhân loại và truyền thống ưu tú của Trung Hoa”. Văn bản này đã đề cập tới nguồn gốc của giá trị Trung Quốc: Một là, chủ yếu đến từ thực tiễn xây dựng CNXH đặc sắc Trung Quốc, đương nhiên cũng bao gồm giá trị quan hình thành trong thời kỳ cách mạng XHCN; hai là, có nguồn gốc từ truyền thống ưu tú của dân tộc Trung Hoa; ba là, tiếp thu tinh hoa văn minh của các nước khác, trong đó có các nước tiên tiến phương Tây. Giá trị quan Trung Quốc theo quan điểm trên rõ ràng không nằm ngoài ba nguồn gốc đã nêu và chắc chắn cũng không phải là một sự pha trộn đơn thuần từ những nguồn cội đó. Câu hỏi đặt ra là từ việc xác định ba nguồn gốc trên Trung Quốc làm thế nào để xây dựng được giá trị hạt nhân của Trung Quốc đương đại, từ đó làm nổi bật sự khác biệt của giá trị Trung Quốc với hệ thống giá trị của phương Tây? 


Trong “ba đề xướng” có nêu “giàu mạnh, văn minh, dân chủ, hài hòa” là 04 giá trị đại diện cho nhà nước thuộc tầng diện chính trị của Trung Quốc. Trong khi,“tự do, bình đẳng, công bằng, pháp trị” đại diện cho tầng diện xã hội, chịu ảnh hưởng của giá trị phương Tây; “yêu nước, kính nghề, thành thật, thân thiện” đại diện cho cá nhân, thể hiện giá trị truyền thống. Nếu như nhìn nhận “giá trị Trung Quốc” từ góc độ quá khứ, hiện tại và tương lai, giá trị quan được xác định trong giai đoạn hiện nay phản ánh những nỗ lực tìm tòi đối với việc xây dựng “giá trị Trung Quốc” của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Những nỗ lực này là kết quả tất yếu của quá trình hiện đại hóa đang diễn ra ở Trung Quốc. Trong quá trình này, Trung Quốc hy vọng, các giá trị sẽ không ngừng biến chuyển để trở thành cách biểu đạt hợp lý hơn, có tính đại diện hơn và đi vào lòng người hơn, từ đó mọi người sẽ tự nguyện bảo vệ nó hơn. 


Để làm được điều này, một thách thức lớn đối với Trung Quốc là làm thế nào để trả lời và giải quyết được một số vấn đề hạt nhân của giá trị quan Trung Quốc là gì?Trong ba nguồn gốc của “giá trị Trung Quốc” Đảng Công sản xác định, chủ nghĩa xã hội là chủ yếu. Điều này, có nguyên nhân lịch sử là chủ nghĩa Mác ở Trung Quốc chủ yếu thiên về cách mạng và xây dựng, ít liên quan tới lĩnh vực giá trị văn hóa, đạo đức. Cùng với sự thúc đẩy của quá trình Trung Quốc hóa chủ nghĩa Mác, thực tiễn xây dựng hiện đại hóa và cải cách mở cửa của Trung Quốc, dần dần đã làm phong phú nội dung giá trị và văn hóa CNXH Trung Quốc. Đồng thời, những nội dung này cũng không thể tránh khỏi sự trùng lặp với giá trị đạo đức truyền thống của Trung Quốc và với giá trị văn hóa phương Tây ngoại lai. Giá trị XHCN được xây dựng trên cơ sở cách mạng chính trị và lý luận chính trị, kế thừa tính đơn nhất của nguyên tắc chính trị cứng nhắc và hình thái ý thức. Cùng với sự hình thành của thế lực kinh tế chính trị Trung Quốc, giá trị hạt nhân của Trung Quốc nên thích hợp với sức ảnh hưởng của Trung Quốc hiện nay, đồng thời có thể phản ánh kinh nghiệm trưởng thành của Trung Quốc. Đây không chỉ là nhận thức chung của người dân Trung Quốc, mà còn là sự công nhận chung của thế giới. Điểm quan trọng nhất là, giá trị quan phương Tây sở dĩ hiện nay là giá trị quan có ưu thế trên toàn thế giới là bởi dưới hệ giá trị quan này, công cuộc hiện đại hóa của các nước phương Tây đã giành được những thành tựu. Cũng như vậy, giá trị Trung Quốc hiện nay đã nổi lên và ngày càng thu hút sự quan tâm, nguyên nhân quan trọng nhất bởi công cuộc hiện đại hóa của Trung Quốc đã giành được những thành tựu chỉ đứng sau hiện đại hóa của phương Tây. Do đó, giá trị Trung Quốc muốn có địa vị ngang bằng với giá trị phương Tây, quan trọng nhất chính là hiện đại hóa của Trung Quốc phải thành công. Nội hàm của giá trị Trung Quốc như thế nào, quan trọng nhất không phải là sự kế thừa hay quan hệ tác động giữa ba nguồn gốc nêu trên, mà là thực tiễn hiện đại hóa của Trung Quốc, là tiến trình hiện đại hóa XHCN đặc sắc Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của lý luận Đặng Tiểu Bình và thành công của nó. Đây là điểm then chốt quan trọng nhất của “giá trị Trung Quốc” mà giới hoạch đinh Trung Quốc xác định họ cần nắm bắt. Nói cách khác, nơi hình thành thực sự của nội hàm giá trị Trung Quốc không phải là lịch sử trước đây hay văn minh bên ngoài, mà là thực tiễn ngày nay của Trung Quốc, là tổng kết kinh nghiệm và thể nghiệm giá trị đã qua trên con đường xây dựng mô hình Trung Quốc. Theo đó, những tiêu chí giá trị quan trọng bao hàm trong “ba đề xướng” đều đến từ thực tiễn của mô hình Trung Quốc, là vô cùng chính xác. Tuy nhiên, trong khi quy nạp, người Trung Quốc có thể cố ý bỏ đi một số khái niệm mang tính tiêu biểu, điều này đã dẫn đến các tranh luận trái chiều. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, khái niệm gì không quan trọng, quan trọng là người Trung Quốc phải nhận thức được rằng, giá trị Trung Quốc đương đại chỉ có thể thể hiện dưới góc độ đương đại của việc thực hiện hiện đại hóa Trung Quốc, nội hàm của nó phải được quy định bởi những giá trị mà mọi người dân Trung Quốc coi trọng và tự hào trong quá trình hiện đại hóa đất nước và dân tộc.


3. Thay lời kết luận


Việc tìm hiểu các nhân tố tác động, sự biến đổi về giá trị đương đại và định hướng xác định hệ giá trị hạt nhân XHCN của Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay đã bước đầu giúp chúng tôi rút ra một số gợi mở sau:


- Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, Trung Quốc  không nhất thiết phải phá bỏ các giá trị cũ hoặc “cứng nhắc rập khuôn” các giá trị mới, trong tương quan với các giá trị ngoại sinh, giá trị truyền thống có thể hóa thân thành sức mạnh mới -hài hòa, yêu nước, thành thật và thân thiện… là những giá trị không bao giờ cũ. 
- Các giá trị được xây dựng thường có 3 nguồn gốc: từ giá trị truyền thống, từ hệ tư tưởng mà quốc gia theo đuổi và từ phương Tây.
- Xác lập hệ giá trị hạt nhân là một quá trình lâu dài và các giá trị hạt nhân được phân theo ba nhóm quốc gia, xã hội, cá nhân được diễn đạt dễ hiểu, dễ nhớ, bám sát thực tiễn, yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và các giá trị mới thường được bổ sung tiếp nhận từ các giá trị văn minh hiện đại có nguồn gốc phương Tây.


Những gợi mở về xây dựng hệ giá trị hạt nhân XHCN của Trung Quốc một quốc gia nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về lịch sử, văn hóa, tư tưởng và thể chế là rất cần thiết, có ý nghĩa cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, những bài học trên không phải là công thức giáo điều có thể rập khuôn máy móc mà phải có sự tiếp nhận một cách sáng tạo trên cơ sở những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể của Việt Nam./.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

 

(1) Viện Khoa học xã hội Trung Quốc: Báo cáo hiện đại hóa 2009, http://www.cas.cn/zt/kjzt/bg09/mt/200910/t20091027_2637126.shtml.
(2) Tập Cận Bình: “Thanh niên nên tự giác thực hiện giá trị quan hạt nhân XHCN”, Nhân dân nhật báo, ngày 05-5-2014

(3) Xem thêm Samuel P H.The Clash of Civilizations?[J].Foreign Affairs,Summer 1993

(4) Trương Đại Niên, Phương Khắc Lập: “Khái luận văn hóa Trung Quốc”, Bắc Kinh: NXB Đai học sư phạm Bắc Kinh, năm 2008, trang 353

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết