Theo phóng viên TTXVN tại Paris, tổng hợp về tình hình nhân khẩu học thế giới, nhật báo Les Echos nhận thấy rằng sự già đi của dân số ở các nước giàu đang gia tăng, đặc biệt là ở châu Âu và châu Á. Các nước như Hàn Quốc và Nhật Bản là những quốc gia đầu tiên báo động về tình trạng này. Những nước khác, chẳng hạn như Nga, cũng lo ngại. Tuy nhiên, Mỹ là một ngoại lệ, với sự phục hồi trong cân bằng tự nhiên.
Các nước phát triển đang trải qua một "mùa Đông" nhân khẩu học. Cả xu hướng lẫn cách thể hiện đều không mới, nhưng tốc độ già hóa đã tăng kể từ khi bắt đầu có dịch COVID-19. Tỷ lệ sinh vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch. Từ Bắc đến Nam, phụ nữ ngày càng sinh ít con hơn trước.
Châu Âu ngày càng sống đúng với tên gọi của mình, Lục địa già, và các nước phải đối mặt với tình trạng ngân sách phúc lợi ngày càng tăng để giải quyết vấn đề này. Italy là quốc gia châu Âu có tốc độ già hóa nhanh nhất. Năm 2022, số ca sinh ở Italy đã giảm xuống dưới mốc tượng trưng 400.000, đứng ở mức 393.000, con số thấp nhất kể từ năm 1861, ngày thống nhất đất nước. Theo số liệu tạm thời của năm 2023, số trẻ em sinh ra sẽ dưới mức 380.000. Với tỷ lệ sinh thấp nhất châu Âu - 1,24 con/phụ nữ - xu hướng này sẽ vô cùng khó ngăn chặn. Theo Istat, 1/4 phụ nữ Italy sinh vào những năm 1990 không có kế hoạch sinh con. Số trẻ sơ sinh hàng năm đã giảm 30% trong một thập kỷ.
Tại Đức, tỷ lệ sinh đã tăng từ 1,38 trẻ trên một phụ nữ vào năm 2000 lên 1,58 vào năm 2021, nhờ chính sách gia đình tích cực hơn và việc xây dựng thêm nhiều nhà trẻ ở các thành phố lớn. Nhưng đến năm 2022, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 1,46 trẻ trên một phụ nữ. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2013, và thậm chí còn thấp hơn nếu chỉ giới hạn ở phụ nữ quốc tịch Đức (1,36). Những số liệu đầu tiên cho năm 2023 cũng xác nhận xu hướng giảm với số ca sinh nở ít hơn 7,4% trong khoảng 9 tháng đầu năm. Đức hiện có 84,3 triệu dân vào năm 2022, nhiều hơn con số gần 70 triệu người vào đầu những năm 1950. Tuy nhiên, nếu thời gian tới không có lao động nước ngoài đến, dân số Đức sẽ giảm vào năm 1972.
Ở Hy Lạp, số lượng trẻ em chào đời năm 2022 đang ở mức thấp nhất trong 90 năm qua và xu hướng giảm này có vẻ như vẫn tiếp tục. Tại Nga, tuy tỷ lệ tử vong giảm nhờ các chính sách y tế và cuộc chiến chống nghiện rượu và thuốc lá đã mang lại kết quả tích cực. Tuổi thọ của người Nga cũng đang trên đà đạt kỷ lục: gần 74 tuổi. Nhưng bất chấp các chính sách khuyến khích sinh nở, mức sinh vẫn giảm và Nga đang phải chịu ảnh hưởng của đợt suy thoái nhân khẩu học những năm 1990 với kết quả là tỷ lệ sinh mới giảm 4%/năm. Với 144 triệu người, đất nước này hiện đang có số dân ít hơn so với năm 2000.
Nhưng châu Âu không phải là nơi duy nhất đáng lo ngại. Nhiều nước mới nổi cũng phải đối mặt với tỉ lệ sinh giảm. Châu Mỹ Latinh, Trung Đông và châu Á đều bị ảnh hưởng. Tại Colombia, tỷ lệ sinh giảm xuống còn 1,85 trẻ trên một phụ nữ vào năm 2022. Tại Thái Lan, số sinh hiện thấp hơn số tử và đã giảm 30% trong 10 năm. Trung bình một phụ nữ Trung Quốc chỉ có 1,1 con vào năm 2022. Ở Iran, số con trên mỗi phụ nữ giảm xuống còn 1,7. Ở Triều Tiên, con số này sẽ giảm xuống dưới ngưỡng đổi mới thế hệ, tức 2,1 con trên một phụ nữ.
Đặc biệt, với tỷ lệ sinh rơi tự do và hiện đạt gần 0,7 trẻ em trên một phụ nữ vào cuối năm 2023, Hàn Quốc đang chuẩn bị chứng kiến dân số của mình mất đi ít nhất 15 triệu dân trong vòng 50 năm tới. Theo dự báo mới nhất của Viện Thống kê Hàn Quốc, quốc gia này sẽ chỉ có 36 triệu người vào năm 2072, so với 51,6 triệu dân hiện nay. Do số lượng sinh thấp nên gần 48% dân số cả nước khi đó sẽ từ 65 tuổi trở lên. Năm ngoái, tỷ lệ này chỉ là 17,4%.
Hiện chỉ có Mỹ là trường hợp ngoại lệ. Tại nước này, cân bằng tự nhiên đã bắt đầu phục hồi kể từ năm 2022 và xu hướng này tăng tốc vào năm 2023, sau khi COVID-19 kết thúc. Theo ước tính ban đầu, sự gia tăng dân số do khoảng cách giữa sinh và tử thực tế lên tới 531.400 người vào năm 2023. Tuy nhiên, con số này vẫn bằng một nửa so với năm 2018 và 2019. Năm 2023, tại Mỹ có gần 3,66 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra, giảm nhẹ so với năm 2022 (3,68 triệu), nhưng tăng đáng kể so với năm 2021 (3,58 triệu).
Bất chấp sự bùng nổ kinh tế và sự lạc quan mới trong nước, tỷ lệ sinh ở Mỹ vẫn chưa lấy lại được sức sống trước khủng hoảng, thời điểm có 3,8 triệu trẻ em được sinh ra mỗi năm. Trên thực tế, số ca sinh đã giảm kể từ những năm 2010 ở Mỹ do quá trình chuyển đổi nhân khẩu học đang diễn ra. Đây cũng là một trong những mối quan tâm của Elon Musk, ông chủ của hãng xe Tesla và chủ sở hữu của nền tảng mạng xã hội X, người có 10 người con, và là người công khai phàn nàn về tỷ lệ sinh giảm. Dòng người nhập cư cho đến nay đã tạo điều kiện cho việc mở rộng dân số liên tục của Mỹ, nơi có 335 triệu dân./.
Theo TTXVN