Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Vòng luẩn quẩn của sự nóng lên toàn cầu

Ngày phát hành: 19/03/2023 Lượt xem 1529


Giải mã vòng luẩn quẩn của sự nóng lên toàn cầu, tạp chí “Nouvel Obs” (Pháp) mới đây dẫn một nghiên cứu quốc tế cảnh báo rằng hiện tượng tan chảy băng vĩnh cửu hoặc băng biển, cháy rừng,... các hiện tượng này gây ra vòng tròn lặp đi lặp lại của nguyên nhân và hệ quả, nhưng hiện chưa được xem xét một cách đầy đủ trong các mô hình xử lý và chính điều đó có thể đẩy Trái Đất đến những hệ lụy nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.


Khủng hoảng khí hậu là một hiện tượng phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta hình dung. Một ví dụ điển hình là sự tan chảy của các tảng băng biển. Lớp băng trên bề mặt phản xạ một phần tia nắng Mặt Trời trở lại không gian, giúp hạn chế sự nóng lên của Trái Đất - nhưng sau đó nó sẽ mỏng dần đi. Kết quả là Trái Đất ít băng hơn, đồng nghĩa với khả năng “làm mát” kém đi, do đó nhiệt độ toàn cầu tăng lên, từ đó sẽ lại làm băng tan chảy nhiều hơn… Vòng luẩn quẩn của nguyên nhân và kết quả - "vòng lặp" - đã hình thành.


Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã nghiên cứu các vòng lặp này và đưa ra cảnh báo trong một bài đăng trên tạp chí “One Earth”. Công trình nghiên cứu, tổng hợp và đánh giá các vòng lặp bằng cách tổng hợp các nghiên cứu khác nhau, từ đó nêu đề xuất nhằm ngăn chặn tốt hơn thảm họa khí hậu mà con người bắt đầu phải hứng chịu.


Công trình do Giáo sư William Ripple, chuyên ngành sinh thái học tại Đại học bang Oregon (Mỹ) và nhà nghiên cứu Christopher Wolf chủ trì, với sự hợp tác của một nhóm các nghiên cứu khác, bao gồm cả các nhà khoa học châu Âu. Các tác giả khẳng định công trình cho thấy đòi hỏi cấp bách của việc “giảm rất nhanh lượng khí thải phát ra để hạn chế sự nóng lên trong tương lai".

 


Tổng cộng, các nhà khoa học đã xác định được ít nhất 41 vòng lặp, trong đó 20 vòng lặp liên quan đến vật lý (như băng tan) và 21 vòng lặp liên quan đến sinh học (chẳng hạn như rừng chết). Trong số đó, 27 vòng lặp có xu hướng làm tăng hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong khi chỉ có 7 vòng có tác động làm chậm hoặc ổn định quá trình biến đổi khí hậu và 7 vòng lặp có các tác động nhưng không chắc chắn. Nhóm nghiên cứu cũng "hy vọng rằng các vòng lặp mới sẽ được nhận dạng thêm trong thời gian tới, đặc biệt là trong sinh học, lĩnh vực có thể diễn ra nhiều tương tác phức tạp".


Trong số các vòng lặp vật lý rõ ràng nhất là cháy rừng. Sóng nhiệt và hạn hán, cường độ và tần suất của chúng là do biến đổi khí hậu, đã tạo điều kiện “thuận lợi” cho nạn cháy rừng. Khi bị cháy, cây cháy thải ra một lượng lớn khí, chủ yếu là carbon dioxide (CO2), góp phần gia tăng hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính tăng lên sẽ gây ra nhiều đợt nắng nóng và hạn hán hơn, tiếp tục gia tăng nguy cơ xảy ra nhiều đám cháy hơn và giải phóng nhiều CO2 hơn…


Một vòng lặp vật lý khác là hơi nước. Một bầu không khí ấm hơn thực tế sẽ chứa nhiều hơi nước hơn, đây cũng là một loại khí nhà kính… và do đó sẽ thúc đẩy sự nóng lên nhiều hơn, từ đó góp phần làm cho bầu không khí tiếp tục ấm hơn.
Các nhà khoa học cũng đề cập đến sự hấp thụ CO2 của các đại dương: nước càng lạnh, chúng càng hấp thụ nhiều CO2 hơn. Ngược lại, khi nhiệt độ đại dương càng tăng thì lượng CO2 hòa tan trong nước càng được giải phóng nhiều hơn, góp phần làm tăng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính.


Sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu tạo ra một vòng lặp sinh học. Các loại đất đóng băng gần như vĩnh viễn ở các vĩ độ cao đang tan chảy tại một số nơi do nhiệt độ tăng. Khi tan băng, các thực vật phân hủy được chứa trong băng sẽ giải phóng khí mê-tan, một loại khí nhà kính mạnh hơn nhiều so với CO2. Ngày nay, người ta ước tính rằng giữa khí mê-tan và CO2, lớp băng vĩnh cửu chứa 1.700 tỷ tấn carbon có khả năng sẽ giải phóng vào khí quyển nếu tan chảy hoàn toàn. Đó là chưa tính đến những vi khuẩn cổ xưa có thể vẫn sống sót, hoặc những thiệt hại đối với môi trường sống do sự sụp đổ của đất tan băng gây ra. Xét về vòng lặp, carbon được giải phóng do sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu sẽ làm tăng sự nóng lên và điều này sẽ lại góp phần làm tan chảy băng nhiều hơn...


Tương lai của các vùng đầm lầy cũng không kém phần lo ngại. Những vùng đất ngập nước này là những bể chứa carbon tự nhiên trên mặt đất quan trọng nhất. Chúng lưu trữ cacbon nhiều hơn tất cả các thảm thực vật trên thế giới cộng lại. Tuy nhiên, những vùng đầm lầy này cũng đang bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu và bởi các hành động của con người. Bị rút cạn nước để chuyển đổi đất cho mục đích nông nghiệp và thậm chí được sử dụng làm nhiên liệu. Sự khô kiệt của các vùng đất này gắn với sự gia tăng nhiệt độ sẽ tạo thành một vòng lặp khác.


Trong số 41 vòng lặp, có ít nhất 15 vòng lặp do con người gây ra khiến vấn đề chống biến đổi khí hậu càng trở nên phức tạp. Ví dụ, sự phát triển của cách thức và phương tiện đi lại hay hoạt động nông nghiệp có trở nên thân thiện hơn với môi trường hay không. Theo các tác giả của nghiên cứu, những yếu tố này “liên quan đến các hệ thống kinh tế và xã hội phức tạp”, cần được phân tích kỹ lưỡng và có sự phối hợp liên ngành.


Nghiên cứu nhấn mạnh để hạn chế hậu quả các vòng lặp kể trên, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là làm tốt công tác dự báo. Bên cạnh đó, cần sử dụng các phương pháp tự nhiên để thu giữ carbon. Giáo sư Ripple khẳng định: "Thiết lập về mặt chiến lược các bể chứa carbon tự nhiên lớn, chẳng hạn như trồng rừng, là một cách để đạt được mức trung hòa carbon… Đã quá muộn để ngăn chặn hoàn toàn tác hại của biến đổi khí hậu, nhưng nếu chúng ta triển khai nhanh các hành động thích ứng, đồng thời ưu tiên các nhu cầu cơ bản của con người và công bằng xã hội, thì vẫn có thể hạn chế được thiệt hại". Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên, nhưng nó củng cố những cảnh báo mà tất cả các chuyên gia đã đưa ra trong nhiều năm và nhắc lại lần nữa cho chúng ta thực tế về tình trạng khẩn cấp khí hậu./.

 

Theo TTXVN

 

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết