Chủ Nhật, ngày 15 tháng 09 năm 2024

Nguyên nhân khiến Hàn Quốc tiến tới xã hội "siêu già"

Ngày phát hành: 08/03/2023 Lượt xem 1240

Số lượng trẻ sơ sinh chào đời tại Hàn Quốc đang tiếp tục giảm vì thế hệ trẻ ngại kết hôn và sinh con. Ảnh: Reuters


Hàn Quốc đang đối mặt với tỷ lệ sinh giảm và lực lượng lao động già đi nhanh chóng trong bối cảnh xu hướng mới "bihon" (tạm dịch: không kết hôn) đang trở nên phổ biến ở nước này bất chấp những thách thức mà lối sống này đặt ra cho lực lượng lao động nói riêng và kinh tế Hàn Quốc nói chung. 

 Khủng hoảng nhân khẩu học

Số liệu mới đây của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) cho thấy, tỷ lệ sinh tại nước này năm 2022 ở mức thấp chưa từng có, trong khi số ca tử vong cao hơn số ca sinh trong năm thứ 3 liên tiếp. Tổng cộng 249.000 trẻ chào đời trong năm 2022, giảm 4,4% so với mức ghi nhận năm 2021. Tổng tỷ suất sinh (TFR) của Hàn Quốc năm ngoái - số con trung bình mà một phụ nữ sinh trong đời - là 0,78. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ năm 1970 khi KOSTAT bắt đầu tổng hợp dữ liệu liên quan.

Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc đã giảm trong một thời gian dài do các cặp vợ chồng trẻ trì hoãn hoặc không sinh con trong bối cảnh suy thoái kinh tế và giá nhà cao. Năm ngoái, độ tuổi trung bình của các sản phụ tại nước này là 33,5 tuổi, tăng 0,2 tuổi so với năm 2021. Phụ nữ sinh con đầu lòng ở độ tuổi trung bình là 33; sinh con thứ hai và thứ ba lần lượt ở độ tuổi 34,2 và 35,6 tuổi.   

Báo cáo của KOSTAT cho thấy trung bình cứ 1.000 phụ nữ Hàn Quốc cuối lứa tuổi 20 chỉ có khoảng 24 người sinh con trong năm ngoái, giảm 3,5 người so với năm 2021. Trái lại, ở cuối độ tuổi 30, con số này năm 2022 là 44 người, tăng 0,5 so với một năm trước đó.   

Cũng theo báo cáo của cơ quan này, số ca tử vong trong năm ngoái là 372.800 ca, tăng 17,4% so với năm 2021 và cao hơn 120.000 ca so với số ca sinh. Đây là bước ngoặt lớn, trái ngược so với năm 1981 khi Hàn Quốc ghi nhận mức tăng dân số tự nhiên lên tới 630.000 người.
Hàn Quốc hiện là quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với mức 0,78, tiếp đến là Nhật Bản (1,33), Đức (1,53), Anh (1,56), Mỹ (1,64) và Pháp (1,79)... Hàn Quốc đã bước vào xã hội già hóa từ năm 2001 khi số người cao tuổi chiếm 7,2% dân số.

Năm 2018, tỷ lệ dân số cao tuổi đạt 14,4% đã khiến quốc gia này chính thức bước vào xã hội dân số già. Với xu hướng như hiện nay, đến năm 2025, sẽ có 20,6% dân số Hàn Quốc thuộc nhóm cao tuổi và quốc gia Đông Bắc Á này chính thức bước vào giai đoạn “xã hội siêu già”.

 Quan điểm hôn nhân thay đổi

Quan điểm truyền thống về hôn nhân ở Hàn Quốc đã thay đổi mạnh mẽ trong những năm gần đây. Mọi người bắt đầu sử dụng từ "bihon" để biểu thị quyết định không kết hôn của một người trong khi từ "mihon" chỉ tình trạng chưa kết hôn.

Trong cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 26,7% số người được hỏi cho biết họ nghĩ rằng họ "phải" kết hôn vào một thời điểm nào đó. Nhưng theo kết quả khảo sát năm 2022 của Hiệp hội nghiên cứu an sinh xã hội Hàn Quốc, chỉ có 4% phụ nữ độc thân ở độ tuổi 20 và đầu độ tuổi 30 tại Hàn Quốc cho rằng việc kết hôn và sinh con là cần thiết.

Khảo sát mới nhất cũng chỉ ra 12,9% nam giới độc thân trong cùng độ tuổi đồng ý rằng kết hôn và sinh con là việc cần làm với phụ nữ. Khoảng 53,2% người được hỏi là nữ giới tin rằng kết hôn và sinh con không quan trọng với phụ nữ, trong khi tỷ lệ có câu trả lời tương tự ở nam giới là 25,8%.

Theo kết quả khảo sát gần đây do Hankook Research thực hiện, lý do thường được đề cập nhiều nhất cho quyết định không kết hôn là chi phí sau kết hôn tăng, tiếp theo là gánh nặng tâm lý liên quan đến việc sinh con và nuôi dạy con cái và quan điểm coi hôn nhân là "lựa chọn chứ không phải là yêu cầu" của cuộc sống.

Hệ thống thuê nhà ở Hàn Quốc yêu cầu một khoản tiền đặt cọc lớn. Giá nhà ở khu vực thủ đô Seoul tăng mạnh khiến các cặp vợ chồng mới cưới khó tìm được nhà ở vừa túi tiền. Các bậc phụ huynh cũng thường cần chi một số tiền lớn cho giáo dục con cái. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc vẫn ngại kết hôn vì bạn đời và cha mẹ có những kỳ vọng khác nhau về hôn nhân và vai trò của phụ nữ trong gia đình.

 Lựa chọn sống độc thân ngày càng được chấp nhận rộng rãi

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã nhanh chóng thích nghi với xu hướng trên khi cung cấp cho những người lao động chưa kết hôn những lợi ích tương tự như những người đã kết hôn.

Tháng 1/2023, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông LG Uplus đã giới thiệu chương trình hỗ trợ nhân viên thích sống độc thân. Những người nêu nguyện vọng của họ trên bảng tin của công ty sẽ được hưởng mức trợ cấp tương đương 1 tháng lương cơ bản và 5 ngày nghỉ có lương - những đặc quyền tương tự dành cho nhân viên khi kết hôn.
 
LG Uplus cho biết, chương trình được thiết kế để tôn trọng lối sống đa dạng. Hiện tại, chỉ những người từ 43 tuổi trở lên có kinh nghiệm làm việc ít nhất 10 năm tại công ty mới đủ điều kiện hưởng trợ cấp, nhưng LG Uplus có kế hoạch nới lỏng các quy định này.

Hai năm trước, công ty dịch vụ tài chính NH Investment and Securities trở thành công ty Hàn Quốc đầu tiên triển khai chương trình "bihon". Công ty cung cấp tiền mặt tương đương 1 tháng lương cho những nhân viên từ 45 tuổi trở lên tuyên bố ý định không lập gia đình. NH Investment & Securities thông báo chính sách này nhằm đảm bảo đối xử bình đẳng giữa những nhân viên đã kết hôn và chưa kết hôn đồng thời cung cấp phúc lợi hợp lý cho những người lựa chọn sống độc thân.

Các công ty Hàn Quốc có chính sách phúc lợi "bihon" cho hay họ đáp lại lời kêu gọi của các nhân viên chưa lập gia đình nhằm khắc phục tình trạng bất công tại nơi làm việc. Doanh nghiệp lớn ở Hàn Quốc thường cung cấp các khoản trợ cấp giáo dục hào phóng cho nhân viên có con. Một số công ty thậm chí còn chi trả học phí đại học cho con của nhân viên - điều này dẫn tới khoảng cách về lương giữa nhân viên có con và không có con.

Tình trạng nhân viên sống độc thân ngày càng tăng đang khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh phúc lợi để giữ chân nhân tài. Những lợi ích như vậy nghe có vẻ như đang khuyến khích mọi người sống độc thân và đi ngược lại nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm tăng tỷ lệ sinh. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc ủng hộ "bihon" thúc đẩy những đồng nghiệp đã kết hôn sinh thêm con.

Bà Shin Kyung-ah - Giáo sư xã hội học tại Đại học Hallym - cho biết, nhiều phụ nữ đi làm ngần ngại sinh con thứ hai vì sợ tăng gánh nặng cho đồng nghiệp. Nếu trợ cấp được trao cho những nhân viên chưa lập gia đình, thì những lao động đã lập gia đình sẽ dễ dàng sinh thêm con hơn. 

Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng hạn chế tỷ lệ sinh thấp và tăng dân số lao động nhưng vẫn chưa có thể đảo ngược tình hình. Năm ngoái, chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol đã đề xuất hạ độ tuổi nhập học của trẻ em để khuyến khích mọi người tham gia lực lượng lao động sớm hơn nhưng ý tưởng này đã bị loại bỏ sau khi đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng./.


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết