Thứ Bảy, ngày 20 tháng 04 năm 2024

"Cuộc đại chiến" trí tuệ nhân tạo giữa Microsoft và Google

Ngày phát hành: 14/02/2023 Lượt xem 933



Trước sự xuất hiện của ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT khuấy đảo người dùng mạng trên toàn cầu, các "gã khổng lồ" công nghệ như Google và Microsoft đã lao vào cuộc đua trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) để tránh bị tụt lại phía sau. Dưới đây là bài phân tích về chủ đề này đăng trên báo Pháp Le Figaro.

Trong tuần vừa qua, một cuộc đọ sức truyền thông đã xảy ra giữa Google và Microsoft. Chưa đầy 24 giờ, hai trong số những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới đã tổ chức họp báo, tiết lộ các tính năng mới về sự phát triển AI của họ. Trên thực tế, hiếm khi mà hai bên có một cuộc đối đầu quyết liệt trong cùng một thị trường. Lần gần nhất là từ năm 2010, khi hai bên xảy ra tranh cãi liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ trên điện thoại Window Phone.

Tuy nhiên, thành công toàn cầu của ứng dụng robot hỏi đáp trực tuyến ChatGPT với công nghệ AI đa ngôn ngữ, có khả năng tạo ra một văn bản giống như do con người viết ra, đã châm ngòi cho cuộc cạnh tranh giữa hai tập đoàn. Giám đốc điều hành của Microsoft Satya Nadella đã khẳng định với các nhà phân tích rằng: "Chúng tôi sẽ là những người dẫn đầu trong kỷ nguyên AI mới này". Về phần mình, ông chủ của Google, Sundar Pichai đáp lại "Chúng tôi là những người đi đầu trong phát triển AI". 

Cuộc họp báo đầu tiên diễn ra vào sáng 7/2 ở Seattle, trụ sở của Microsoft. Trước đó, ngày 6/2, Microsoft đã đăng bức ảnh Giám đốc điều hành Satya Nadella đứng cạnh nhân vật đang rất nổi tiếng của Thung lũng Silicon, đó là Sam Altman – lãnh đạo của OpenAI - "cha đẻ" của ChatGPT. Microsoft đã đầu tư gần 10 tỷ USD trong vòng 3 năm vào công ty phát minh ra ứng dụng ChatGPT. Ứng dụng này sử dụng những siêu máy tính để chạy các chương trình máy học chuyên sâu. Sự liên kết này có thể là tấm vé giúp Microsoft giành thắng lợi trong quá trình phát triển công nghệ thông tin.  

Một ngày sau cuộc họp báo của Microsoft, vào chiều ngày 8/2, đến lượt Google tổ chức họp báo từ Paris và được truyền tải toàn cầu từ Youtube. Trong phần mô tả sự kiện này, Google khẳng định: "Chúng tôi đang định hình lại cách mà mọi người tìm kiếm thông tin, khám phá và tương tác với thông tin, bằng cách khiến cho việc tìm kiếm của mọi người trở nên tự nhiên hơn và trực quan hơn bao giờ hết".

Dường như Google không muốn để Microsoft tận dụng thời cơ. Tối 6/2, tập đoàn California đã đăng một thông cáo tiết lộ một số thông tin của cuộc họp báo sắp diễn ra vào hôm 8/2. Thông tin chính đó là Google đã phát triển một ứng dụng Bard, đáp trả ChatGPT và cũng như Microsoft Bing, Google cũng sẽ phát triển máy tìm kiếm của mình.   

Sắp tới, người dùng Internet có thể đặt những câu hỏi phức tạp cho Google và Bing, (ví dụ như: Tôi có thể nấu món gì cho một đứa bé 18 tháng, chỉ muốn ăn đồ ăn có màu cam? Những bài tập thể lực nào cho người mới bắt đầu và không cần dụng cụ ở nhà để có thể giảm mỡ bụng?...) Những câu trả lời sẽ được đưa ra dưới dạng tổng hợp và chi tiết, và có thể bỏ lại đằng sau những chuỗi dài các đường link dẫn vào các trang mạng để đào sâu chủ đề.  

Nếu như phải đánh giá mức độ mạnh mẽ của tính năng này, thì đây có thể là cuộc cách mạng đối với cách thức mà người dùng Internet tìm kiếm trên Internet và có thể sắp xếp lại quân bài chủ đạo của thị trường này, vốn đã bị Google thống trị trong hai thập kỷ qua.

Về phần mình Microsoft dường như đã sẵn sàng. Microsoft đã hợp tác với OpenAI, cải thiện máy tìm kiếm Bing nhờ AI. Cỗ máy tìm kiếm này không phải là sản phẩm duy nhất sẽ được trang bị những tính năng mới liên quan đến AI. Microsoft đã thông báo về một thay đổi trong nền tảng trao đổi thông tin, họp trực tuyến Teams. Vào cuối mỗi cuộc họp trực tuyến, Teams sẽ tự động cắt video và tạo ra một bản tóm tắt về những quyết định được đưa ra, đồng thời đề xuất mỗi người tham gia vào cuộc họp xem lại những điểm quan trọng của cuộc họp. (Ví dụ như khi nào thì tên của họ được nhắc đến, khi nào thì tài liệu được chia sẻ.) Tính năng này có thể giúp người dùng tiết kiệm thời gian.   

Google cũng đã chuẩn bị sẵn nhiều thông báo về các tính năng mới, ít nhất là khoảng 20 thông báo, theo như thông tin từ New York Times. Ví dụ như việc tạo những sản phẩm hình ảnh hoặc trang trí làm đẹp cho các video trên Youtube, hay là thử quần áo trực tuyến, hỗ trợ lập trình các ứng dụng Android, tự động tạo một video từ nhiều video khác. Phần lớn các kế hoạch này sẽ được công bố vào tháng Năm tới, trong cuộc hội nghị hàng năm của Google. Các tính năng này là câu trả lời đối với cảnh báo đỏ mà Giám đốc điều hành của Google, ông Sundar Pichai đã đưa ra, để đối phó với sức mạnh của Chat GPT.    

Vào năm 2016, ông Pichai, vốn đã định hướng những đầu tư của Google vào nghiên cứu AI, không thể để tập đoàn của mình bị tụt lại phía sau. OpenAI đã phát minh ra ứng dụng Dall-E, một AI có khả năng tạo ra các hình ảnh từ một văn bản và Google đã sở hữu Imagen (có tính năng tương tự). Nếu như OpenAi đã tạo ra bản mẫu của ngôn ngữ tự nhiên GPT thì Google cũng đã nghiên cứu từ nhiều năm nay trên ứng dụng LaMDA.

Hai ứng dụng này trên thực tế lại dựa trên một sự phát hiện được công bố bởi các nhà nghiên cứu của Google. Trong phát biểu mới đây, ông Pichai nhắc lại rằng "dự án nghiên cứu Transformer của chúng tôi, bài đăng tham chiếu được đăng vào năm 2017 là những nền tảng của nhiều ứng dụng AI sử dụng mà mọi người bắt đầu thấy ngày nay". 

Google chưa từng mở cửa cho bên thứ ba đối với ứng dụng LamMDA hay Imagen bởi vì những công cụ này vẫn chưa hoàn hảo. Trong một bài đăng vào năm 2021, các kỹ sư của tập đoàn nhấn mạnh rằng các mô hình máy học (machine learning) không suy luận và có thể viết sai và không có khả năng trích nguồn. Vì vậy, họ đã không đưa những công cụ này vào tay của người dùng vì điều đó có thể gây rủi ro đối với danh tiếng của Google.Thế nhưng sự đam mê mang tính toàn cầu đối với ChatGPT từ tháng 11/2022 cũng như áp lực từ các cổ đông đã thúc đẩy tập đoàn Google phải xem lại lập trường của mình. 

Google muốn lập lại vị trí trung tâm của mình trong giới công nghệ và chỉ ra rằng tập đoàn vẫn an toàn, không bị tụt lại phía sau. Người dùng Internet sẽ thấy được những ứng dụng cụ thể của các AI này càng sớm càng tốt. Trong thư điện tử được gửi đi vào hôm 6/2, ông Sundar Pichai đã kêu gọi nhân viên của Google thử nghiệm robot đối thoại trực tuyến Bard và đưa ra phản hồi để cải thiện ứng dụng này. Ông Pichai tuyên bố: "Hãy nhìn vào điều này như là một cuộc thi viết lập trình ‘marathon’ – hackathon, trong nội bộ. Các bộ phận đã được tổ chức lại để có thể cho ra mắt nhanh chóng các tính năng táo bạo. Tuy nhiên, Google không muốn mạo hiểm hành động vội vàng. Bard chỉ được cho ra mắt với người dụng mạng khi nào mà ứng dụng này an toàn và đáng tin cậy.   

Cuộc đua AI không chỉ liên quan đến Google và Microsoft. Nhà nghiên cứu Yann LeCun, Giám đốc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo ở Meta (công ty mẹ của Facebook), đã nhấn mạnh rằng "ChatGPT không phải là một phát minh đáng kinh ngạc, mới mẻ, sáng tạo và độc đáo, vượt trên tất cả những ứng dụng khác" và các tập đoàn khác, bao gồm Meta đã sở hữu những công nghệ tương tự.

Bằng chứng là tại Trung Quốc, vào ngày 7/2, "gã khổng lồ" của Trung Quốc, với cỗ máy tìm kiếm Baidu đã thông báo hoàn thiện giai đoạn thử nghiệm Ernie Bot, một ứng dụng tương tự như ChatGPT. Ernie Bot dựa trên mô hình máy học Ernie mà Baidu đã làm việc từ 2019. Công cụ này sẽ được áp dụng trong nhiều sản phẩm của tập đoàn trong thời gian sắp tới. Thông báo này đã khiến cổ phiếu của Baidu tăng 15% và mang lại lợi nhuận cho các công ty công nghệ Trung Quốc khác cũng đang nghiên cứu về AI. 

Tại phương Tây, AI là cụm từ xuất hiện ở mọi nơi. Theo thống kê của Bloomberg, cụm từ này đã được nhắc đến 200 lần tại các cuộc hội nghị phân tích gần đây nhất của 15 doanh nghiệp công nghệ lớn nhất tại Mỹ, tức là gấp 3 lần kể từ đầu năm 2022. Giống như là khi cơn sốt về cụm từ metaverse – đa vũ trụ hay Web3, dự trù sẽ có vô số thông báo được đưa ra trong năm 2023 này. Các quỹ đầu tư đã được kích hoạt. Từ tháng 1/2023, gần 700 triệu USD đã được đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực AI, trong đó có OpenAI, so với 900 triệu USD cho cả năm 2022.   

Các tập đoàn lớn trang bị vũ khí cho mình bằng việc mua cổ phần trong các công ty khởi nghiệp hứa hẹn. Nếu như Microsoft có OpenAI, thì Google đã đầu tư gần 300 triệu USD vào công ty Anthropic hồi cuối năm ngoái và sở hữu 10%. Công ty này được thành lập bởi các nhà nghiên cứu từng làm việc ở OpenAI, đã tạo ra một mẫu ngôn ngữ của riêng mình – Claude.

Năm "gã khổng lồ" công nghệ GAFAM - Google, Apple, Facebook (Meta), Amazon và Microsoft cũng sẽ xem xét kỹ các công ty khởi nghiệp, phát minh ra các ứng dụng mới cụ thể cho AI mới. Google cũng như Open AI sẽ cho phép bên thứ ba, sử dụng công nghệ của họ với điều kiện phải trả phí. Các công nghệ mới có thể sẽ sớm xuất hiện./.

 

Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết