Thứ Năm, ngày 25 tháng 04 năm 2024

Những hậu quả tàn khốc sau động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Ngày phát hành: 18/02/2023 Lượt xem 1644

Tính đến 20h ngày 17/2/2023 (giờ Việt Nam), thảm họa động đất kinh hoàng có độ lớn 7,8 tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6/2 đã cướp đi mạng sống của hơn 43.000 người và để lại vô số hậu quả tàn khốc khó có thể đo đếm được.

 

Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) ước tính cần tới 702 triệu USD để hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, tăng gấp ba lần so với ước tính mà IFRC đưa ra trước đó. Theo IFRC, hậu quả của trận động đất đang nhanh chóng gia tăng với cấp số nhân, tình hình tại thực địa đòi hỏi công tác cứu trợ được triển khai khẩn cấp đến từng phút bởi thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời đối với những nạn nhân sống sót sau thảm họa. Về lâu dài, IFRC nhấn mạnh cần có sự hỗ trợ và đoàn kết toàn cầu để cung cấp cứu trợ nhân đạo trong nhiều tháng và nhiều năm tới cho các nạn nhân của trận động đất. 


Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) kêu gọi viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ 1 tỷ USD để giúp đỡ trên 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất. Gói hỗ trợ sẽ tập trung vào đảm bảo an ninh lương thực, an toàn của người dân, giáo dục, nước uống và nơi ở. Tổng thư ký LHQ António Guterres hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường và hỗ trợ đầy đủ ngân sách cho các nỗ lực ứng phó với thảm họa, đồng thời kêu gọi các nước thành viên LHQ “không chần chừ trong việc giúp hàng triệu trẻ em, phụ nữ và nam giới, những người mà cuộc sống đang bị đe dọa bởi thảm họa ảnh hưởng tới nhiều thế hệ này”.
Thực tế cho thấy thảm kịch động đất đã kéo theo hàng loạt thách thức khác với việc hàng trăm nghìn người, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi, hiện đang thiếu nước sạch, lương thực, thuốc men và nơi trú ẩn đảm bảo trong điều kiện mùa Đông nhiệt độ xuống thấp.

 

Lực lượng cứu hộ Quân đội nhân dân Việt Nam với đội chó nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tai Thổ Nhĩ Kỳ


Theo công ty dịch vụ tài chính JPMorgan, thiệt hại trực tiếp của việc cơ sở hạ tầng tại Thổ Nhĩ Kỳ bị phá hủy do động đất có thể lên tới 25 tỷ USD, tương đương 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Trước đó, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) ước tính động đất có thể gây thiệt hại kinh tế tương đương 1% GDP năm 2023 của Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo tình trạng thiếu nước làm tăng nguy cơ mắc các bệnh từ nguồn nước và bùng phát các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, theo Hiệp hội Kinh doanh và Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất mạnh nhất trong gần một thế kỷ khiến nước này có thể thiệt hại tới 84,1 tỷ USD. Thiệt hại chủ yếu là do việc xây dựng lại nhà cửa, hệ thống truyền tải và cơ cở hạ tầng và việc đáp ứng nhu cầu nhà ở trong ngắn, rung và dài hạn của hàng trăm nghìn người bị mất nhà cửa.

 

Đoàn cứu trợ của Bộ Công an Việt Nam làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Thành viên đoàn cung cấp


Giới quan sát cũng đánh giá trận động đất kinh hoàng hôm 6/2 đang làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo ở khu vực Tây Bắc Syria. Mặc dù số nạn nhân tử vong được xác nhận ở Syria thấp hơn so với Thổ Nhĩ Kỳ, song hơn một thập kỷ xung đột đã khiến Syria hoàn toàn không có sự chuẩn bị để ứng phó với thảm họa ở mức độ nghiêm trọng này. Tình hình vốn đã trầm trọng ở Tây Bắc Syria, nơi mà các phe phái đối lập và các nhóm khủng bố lâu nay vẫn tranh giành quyền kiểm soát, nay đã leo thang thành thảm họa nhân đạo toàn diện.

 

Theo ước tính của Viện Trung Đông tại Mỹ, có tới 60% cơ sở hạ tầng của Tây Bắc Syria hư hại hoặc bị phá hủy trước động đất, với các cơ sở y tế đã bị tàn phá nặng nề. Trước động đất, hầu hết người dân đều phải ứng chịu thảm họa nhân đạo do phần lớn các tòa nhà và cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, đặc biệt là các cơ sở y tế, cùng tình trạng thiếu các trang thiết bị y tế và thuốc men. Sau động đất, tình hình nhân đạo càng trở nên nghiêm trọng do tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân viên y tế, thuốc men và thiết bị cứu hộ. IFRC cảnh báo Syria có thể phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh nguy hiểm sau thảm kịch động đất nếu hàng trăm nghìn người mất nhà cửa không sớm có nơi ở ổn định và lâu dài.


Trận động đất sáng ngày 6/2/2023 là thảm họa kinh hoàng nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong thế kỷ qua, kể từ sau trận động đất ở tỉnh Erzincan (miền Đông nước này) năm 1939, cướp đi sinh mạng của 33.000 người. Cơ quan Quản lý thiên tai và tình trạng khẩn cấp (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã có sự dịch chuyển đứt gãy lên tới 7,3 mét sau trận động đất và một vết nứt bề mặt dài 400 km được hình thành, trong khi độ sâu của những cơn chấn động địa chất dao động trong khoảng từ 8 mét đến 10 mét. AFAD nhận định đây là một trong những trận động đất lớn nhất mà Thổ Nhĩ Kỳ trải qua trong 2.000 năm qua./.

 

 

Minh Trà (Tổng hợp)

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết