Thứ Ba, ngày 14 tháng 01 năm 2025

Tổng kết thực tiễn phục vụ công tác nghiên cứu lý luận: thực trạng và những vấn đề đặt ra

Ngày phát hành: 26/09/2018 Lượt xem 13247

 

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta rất coi trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận. Nhờ thường xuyên tổng kết thực tiễn mà đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng luôn phù hợp với thực tiễn, đủ năng lực chỉ đạo thực tiễn, được kiểm chứng bằng những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Kinh nghiệm lịch sử cũng chỉ ra rằng, những lúc xa rời thực tiễn thì không nắm bắt được quy luật khách quan, rơi vào sai lầm, khuyết điểm của chủ nghĩa giáo điều. Thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua có một nguyên nhân bắt nguồn từ chỗ Đảng ta luôn bám sát thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan, mà song hành với nó chính là coi trọng tổng kết thực tiễn để không ngừng bổ sung, phát triển lý luận, lấy thực tiễn để kiểm nghiệm lý luận.

Chính vì vậy, trong công tác lý luận, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ và đề cao vai trò, vị trí của hoạt động tổng kết thực tiễn. Nghị quyết Hội nghị Trung ương năm khóa IX (tháng 3-2002) “Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới” đã khẳng định phải: “Coi trọng việc tổng kết thực tiễn trong nghiên cứu lý luận và trong hoạt động của các cấp ủy đảng; coi tổng kết thực tiễn là nhiệm vụ thường xuyên của các cấp, các ngành; gắn nghiên cứu thực tiễn Việt Nam với tiếp thu có chọn lọc những thành tựu khoa học của nhân loại([1]). Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Nâng cao năng lực hoạch định đường lối, chính sách với phù hợp quy luật khách quan và đặc điểm của Việt Nam, tạo bước đột phá để phát triển([2]), phải “đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước([3]). Từ quan điểm đó, việc tổng kết thực tiễn phục vụ cho nghiên cứu lý luận được tiến hành cơ bản hơn, với sự tham gia của nhiều lực lượng, nhiều thành phần, đặc biệt trong quá trình chuẩn bị xây dựng văn kiện các đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, nghị quyết hội nghị Trung ương, sơ - tổng kết các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, chỉ thị của Ban Bí thư sau một chu trình vận hành (5 năm, 10 năm). Các đợt tổng kết thực tiễn - lý luận 20 năm và 30 năm đổi mới, Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo, tổ chức các tiểu ban chuyên đề, cử nhiều đoàn khảo sát đến các địa phương, doanh nghiệp, tiến hành nhiều hội thảo quốc gia... để nắm bắt thực tiễn, bổ sung và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Trong chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương các nhiệm kỳ, để chuẩn bị ban hành một nghị quyết, kết luận, Trung ương đều thành lập ban chỉ đạo xây dựng các đề án, thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo, quản lý và chuyên gia khoa học, có nhiệm vụ tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng sau một chu trình vận động (5, 10 năm) đều được sơ - tổng kết để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung trong chu trình mới hoặc ban hành văn bản mới để nâng cao hơn năng lực chỉ đạo thực tiễn.

Nhờ nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tổng kết thực tiễn, Trung ương Đảng ngày càng xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy đảng các cấp, các ngành trong tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở thẩm quyền được phân định, cấp ủy đảng các cấp ra sức kiện toàn các cơ quan tham mưu có nhiệm vụ chuyên trách nòng cốt trong tổng kết thực tiễn, xây dựng kế hoạch tổng kết các nội dung theo chương trình làm việc toàn khóa của cấp ủy từng cấp. Tổng kết thực tiễn phục vụ cho nghiên cứu lý luận được xác định là trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trong đó các cơ quan tham mưu chiến lược đóng vai trò chuyên trách nòng cốt là Hội đồng Lý luận Trung ương, các ban đảng (Tổ chức, Tuyên giáo, Kinh tế, Dân vận, Kiểm tra, Nội chính), cơ quan nghiên cứu lý luận và chính trị của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam...) ngày càng được tăng cường nguồn lực, định hình phương pháp và tiến hành tổng kết thực tiễn có nền nếp. Hoạt động phối hợp giữa Trung ương với các địa phương, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị chiến đấu trong tổng kết thực tiễn diễn ra thường xuyên, đa dạng hóa về phương thức. Đội ngũ cán bộ tổng kết thực tiễn được đào tạo cơ bản hơn, ý thức ngày càng cao hơn trách nhiệm tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận, truyền bá và giáo dục lý luận, nhất là phục vụ trực tiếp cho lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp. Phương pháp tổng kết thực tiễn ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đặc biệt hình thức thí điểm mô hình dần trở nên phổ biến đối với những  vấn đề chưa đủ luận cứ khoa học và dữ liệu thực tế cho áp dụng phổ biến. Hoạt động tổng kết thực tiễn gắn bó ngày càng chặt chẽ với công tác nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được nêu trên, cần phải thẳng thắn thấy rằng, tổng kết thực tiễn phục vụ cho nghiên cứu lý luận vẫn còn không ít hạn chế. Nhìn chung, hoạt động tổng kết thực tiễn chưa được tiến hành một cách chuyên nghiệp, thiếu đội ngũ chuyên trách đủ số lượng và chất lượng cần thiết phục vụ cho công tác này. Tổng kết thực tiễn là hoạt động khoa học - thực tiễn đặc thù nhưng còn thiếu phương pháp luận và khung lý thuyết xác định (khách thể, đối tượng, phạm vi, phương pháp, công cụ, phương tiện, mối quan hệ giữa tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, giáo dục lý luận, nghiên cứu khoa học, hoạch định đường lối...) làm cơ sở cho cấp ủy các cấp chủ động tiến hành. Vì thiếu phương pháp luận và khung lý thuyết thống nhất, những người làm công tác tổng kết thực tiễn không được bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, tiến hành tổng kết thực tiễn thiếu chuyên nghiệp. Do đó, khi cần huy động lực lượng tham gia một nhiệm vụ tổng kết thực tiễn nào đó thường rất thiếu chuyên gia làm nòng cốt, khi có yêu cầu nhiệm vụ thì nhiều nơi tiến hành chiếu lệ, hình thức, không thu được kết quả tích cực. Thẩm quyền, trách nhiệm của các chủ thể và lực lượng tham gia tiến hành tổng kết thực tiễn chưa được phân định rành mạch. Thông thường, khi đứng trước yêu cầu nhiệm vụ được giao, các cơ quan đều thành lập ban chỉ đạo đủ cơ cấu thành phần nhưng thiếu chuyên gia nòng cốt hiểu sâu sắc về lý luận, am tường về thực tiễn, thành thục về phương pháp.

Rõ ràng, công tác tổng kết thực tiễn dù đã được coi trọng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ bổ sung, phát triển lý luận. Không ít vấn đề thực tiễn đã mở đường, thậm chí đã tiến hành thí điểm nhiều năm, nhưng công tác tổng kết thực tiễn vẫn chưa có kết luận rõ ràng (nhất thể hóa chức danh lãnh đạo, mô hình chính quyền đô thị...). Hoạt động tổng kết thực tiễn của cấp ủy tại  nhiều địa phương nhiều nơi diễn ra hình thức, nên sản phẩm tổng kết thực tiễn chỉ dừng lại ở những báo cáo hành chính xơ cứng mà không có khả năng tri thức hóa hoặc chứa đựng rất ít tri thức khoa học để chắt lọc phục vụ cho bổ sung, phát triển lý luận. Tình trạng nhiều địa phương “vận dụng” tùy tiện đường lối, chủ trương chung vào điều kiện cụ thể của mình không chỉ do non yếu về lý luận, mà có cả nguyên nhân xem nhẹ tổng kết thực tiễn để làm rõ những đặc thù địa phương trong quá trình chỉ đạo thực hiện. Hoặc tình trạng học tập một cách máy móc kinh nghiệm địa phương khác dẫn tới thất bại cũng là do yếu kém của công tác tổng kết thực tiễn, không nắm rõ đặc điểm địa phương mình để vận dụng phù hợp (như phong trào làm xi măng lò đứng, xây dựng nhà máy mía đường, trồng cao su...). Thực trạng đó bao hàm cả bệnh giáo điều lý luận và bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa trong chỉ đạo thực tiễn ở các địa phương.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém nêu trên có thể liệt kê rất nhiều, nhưng tựu trung gồm: (1) Chủ nghĩa giáo điều về mặt lý luận tồn tại trong một thời gian dài như một quán tính ăn sâu trong cán bộ, đảng viên đã hạn chế tính chủ động, tích cực trong tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển sáng tạo lý luận; tâm lý phổ biến là trông chờ cấp trên nói gì thì cấp dưới áo dụng nguyên xi hoặc “vận dụng” một cách tùy tiện theo kinh nghiệm sẵn có của bản thân (2); Chủ nghĩa kinh nghiệm là căn bệnh phổ biến dẫn tới coi thường lý luận, thiếu ý thức nâng cấp, phát triển tri thức kinh nghiệm thành tri thức lý luận trong quá trình lãnh đạo, quản lý, điều hành; (3) Cấp ủy nhiều nơi chưa quan tâm đúng mức đầu tư nhân lực, vật lực và thời gian cho tổng kết thực tiễn phục vụ nghiên cứu lý luận và phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, nếu tiến hành cũng chỉ là chiếu lệ, hình thức, thiếu bài bản, công phu, khoa học; (4) Thiếu lực lực lượng chuyên gia làm nòng cốt cho tổng kết thực tiễn và đào tạo, hướng dẫn, tập huấn phương pháp tổng kết thực tiễn.  

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, đưa công tác tổng kết thực tiễn ngang tầm với đòi hỏi nhiệm vụ công tác lý luận trong tình hình mới theo tinh thần Đại hội XII của Đảng, thời gian tới cần chú ý mấy vấn đề sau đây:

Một là, nâng cao hơn nhận thức của cấp ủy các cấp đối với công tác tổng kết thực tiễn phục vụ nghiên cứu lý luận và hoạt động chỉ đạo, điều hành. Phải làm cho cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức  rõ mặt ưu điểm và mặt hạn chế của tư duy kinh nghiệm, trên cơ sở đó tìm giải pháp phát huy ưu điểm và khắc phục hạn chế. Sinh ra và trưởng thành trong xã hội tiểu nông, nên trong tiềm thức của  nhiều cán bộ, đảng viên luôn có căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa, song để tự sửa chữa căn bệnh này là điều không đơn giản. Phải bắt đầu bằng nâng cao trình độ lý luận chính trị, tạo thành thói quen lấy lý luận để phân tích, đánh giá thực tiễn, lấy thực tiễn để kiểm chứng lý luận. Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này, bởi tổng kết thực tiễn không thể có được đối với những người non kém về lý luận, có chăng cũng chỉ là phép cộng cơ học các các kinh nghiệm mà thôi, càng không thể nói đến bổ sung, phát triển lý luận từ kinh nghiệm thực tiễn. Do đó, việc tăng cường năng lực tổng kết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ không thể tách rời với nâng cao tư duy lý luận, đặc biệt là lý luận cơ bản để có phương pháp luận và phương pháp đúng đắn khi vận dụng vào tổng kết thực tiễn. Đào tạo lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp không chỉ nhằm phát triển tư duy lý luận mà phải bao hàm cả tăng cường kỹ năng tổng kết thực tiễn. Kỹ năng đó phải biến thành hành trang thường trực trong tổ chức chỉ đạo thực tiễn, tạo thói quen rèn luyện óc quan sát, điều tra, phân tích và tổng hợp kinh nghiệm để biến tri thức khoa học, dùng lý luận để xem xét, sử dụng các tri thức kinh nghiệm phù hợp trong hoạt động thực tiễn.

 Hai là, định hình khung lý thuyết và phương pháp khoa học phục vụ cho hoạt động tổng kết thực tiễn. Khung lý thuyết cho tổng kết thực tiễn phải làm rõ khách thể, đối tượng, chủ thể, nội dung, lực lượng tham gia tổng kết thực tiễn; mối quan hệ giữa tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, với nghiên cứu khoa học, với chỉ đạo điều hành; các phương pháp sử dụng tổng kết thực tiễn,.... Phải định hình được các phương pháp và kỹ năng tổng kết thực tiễn, giúp cán bộ nắm bắt được thuộc tính, bản chất các sự vật, hiện tượng; cách thức sử dụng kinh nghiệm phục vụ trực tiếp cho chỉ đạo, điều hành; con đường và cách thức tri thức hóa các kinh nghiệm. Khi đã định hình được khung lý thuyết và phương pháp luận, cần chuyển hóa vào quá trình đào tạo được lồng ghép trong chương trình trung cấp, cao cấp lý luận chính trị hoặc tổ chức tập huấn chuyển giao cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Trang bị khung lý thuyết và phương pháp tổng kết thực tiễn phải đi đôi với trang bị phương pháp đánh giá chính sách, xem xét quá trình vận động từ lý luận thông qua chính sách để thâm nhập vào thực tiễn. Chính sách là hình thức trung gian giữa lý luận và thực tiễn, không ít quan điểm, đường lối, chủ trương đúng đắn của Đảng khó đi vào cuộc sống hay bị lệch lạc trong “vận dụng” không hẳn do chỉ đạo thực hiện, mà do khâu thể chế hóa thành chính sách.

Ba là, hoàn thiện các thể chế, cơ chế và điều kiện hóa cho tổng kết thực tiễn phục vụ nghiên cứu lý luận. Đó là ban hành các thể chế xác định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của cấp ủy, cấp ủy viên, của cơ quan chuyên trách làm nòng cốt trong tổng kết thực tiễn ở mỗi cấp, mỗi ngành. Tổng kết thực tiễn phải được xây dựng thành chế độ bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên; gắn liền với chế độ học tập, nâng cao trình độ lý luận; gắn với yêu cầu đưa cán bộ gần dân, bám sát thực tiễn. Rà soát, đánh giá lại các cơ chế tổng kết thực tiễn hiện có ở các cơ quan chuyên trách nòng cốt với sự phân tách hoạt động hành chính đảng với hoạt động chuyên môn nghiệp vụ phục vụ tổng kết thực tiễn ở các ban đảng. Các ban đảng là những cơ quan tham mưu của Đảng, có vai trò nòng cốt chuyên trách trong tổng kết thực tiễn, nhưng đến nay còn chưa tách biệt giữa hoạt động hành chính đảng với hoạt động nghiên cứu, tham mưu (bao gồm cả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tham mưu đường lối, chủ trương) đòi hỏi phải có trình độ chuyên ngành, liên ngành và phương pháp tương ứng. Cơ chế hiện có  chưa giúp cán bộ tham mưu nâng cao trình độ lý luận, thiếu được trang bị các phương pháp, kỹ năng tổng kết thực tiễn, nên lúng túng khi triển khai một đề án tổng kết thực tiễn cụ thể. Cần phải hoàn thiện các chính sách liên quan, đặc biệt là bảo đảm nguồn lực, điều kiện, môi trường công tác cho các cơ quan, cán bộ  ra sức trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nhờ đó mà làm tròn vai trò chuyên trách nòng cốt trong tổng kết thực tiễn.

Bốn là, đa dạng hóa phương thức tổng kết thực tiễn, gắn tổng kết thực tiễn với nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học. Tổng kết thực tiễn khi trở thành chế độ bắt buộc như học tập, nghiên cứu lý luận, thì phương thức tổng kết thực tiễn cần phải đa dạng hóa. Tức là giúp cán bộ rèn luyện óc quan sát, điều tra, phân tích tình hình và tổng kết kinh nghiệm,... ở bất cứ hoàn cảnh, tình huống nào nhằm tối ưu hóa khi vận dụng lý luận cũng như phát hiện tri thức mới để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Tổng kết thực tiễn lâu nay mới chủ yếu coi trọng phương thức gián tiếp thông qua thành lập ban chỉ đạo và tổ chức theo hệ thống dọc. Phương thức này rất cần thiết nhằm triển khai một đề án, nhiệm vụ tổng kết thực tiễn - lý luận cụ thể khi lý luận còn có độ trễ trước thực tiễn, đòi hỏi phải được bổ sung bằng chính dữ liệu của đời sống hay chu trình của một nghị quyết đủ niên độ thời gian (5 năm, 10 năm) phải tổng kết, đánh giá. Ngoài tổng kết theo phương thức gián tiếp thì còn có tổng kết theo phương thức trực tiếp, tức người lãnh đạo dành thời gian đi cơ sở để quan sát, điều tra, tổng kết các mô hình; nghiên cứu các nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến (đơn vị anh hùng, cá nhân anh hùng, gương điển hình tiên tiến); tổng kết thực tiễn thông qua tham dự đào tạo lý luận chính trị. Nhờ tham dự trực tiếp mà cán bộ tổng kết được thực tiễn một cách chân thật, sâu sắc, như Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn: “Muốn hiểu biết toàn bộ một sự vật, hiểu biết bản chất và quy luật nội bộ của nó, thì phải suy xét kỹ lưỡng, gom góp những cảm giác phong phú lại, rồi chọn lọc cái nào thật, cái nào giả, cái nào đúng, cái nào sai, từ ngoài đến trong, để tạo thành một hệ thống khái niệm lý luận. Đó là hiểu biết do thực hành mà có và được cải tạo trong thực hành. Hiểu biết ấy sâu sắc hơn, đúng hơn, phản ánh sự vật một cách hoàn toàn hơn”([4]). Để phương thức tổng kết trực tiếp có hiệu quả đòi hỏi phải định hình chế độ đi cơ sở của cán bộ lãnh đạo các cấp; hình thành  thói quen quan sát, điều tra, xem xét các tình huống trong thực tiễn, đặc biệt là phát hiện các mâu thuẫn và hướng giải quyết mâu thuẫn; xây dựng chế độ tham dự đào tạo lý luận chính trị đối với cán bộ lãnh đạo các cấp. Chế độ đi cơ sở giúp cán bộ có điều kiện nắm bắt thực tiễn, bổ sung dữ liệu thực tiễn cho những nhận thức còn chưa sáng rõ, đồng thời kiểm tra lý luận bằng thực tiễn. Các nhân tố mới, gương điển hình tiên tiến rất phong phú trong đời sống, gồm cả gương tập thể và cá nhân, cần phải được phân tích và đánh giá thấu đáo để phổ biến nhân rộng, bổ sung cho tri thức lý luận. Gương tiên tiến là bao hàm cả tư tưởng  tiên tiến, phong cách tiên tiến, cách làm tiên tiến. Đào tạo lý luận chính trị là một không gian tốt cho tổng kết thực tiễn trong môi trường học đường([5]), đặc biệt đối với các lớp có sự tham gia giảng dạy của cán bộ lãnh đạo cao cấp. Cần đổi mới phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức một chiều sang khuyến khích tranh luận, phản hồi của người học, tăng độ tương tác giữa người học, nhờ đó sẽ thu được khối lượng tri thức thực tiễn nhất định ngay trên môi trường học đường. Người giảng viên với vốn tri thức lý luận của mình sẽ giúp người học có định hướng đúng trong sử dụng tri thức kinh nghiệm, sửa chữa căn bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa khi vận dụng lý luận vào thực tế.

Năm là, tăng cường năng lực tổng kết thực tiễn cho cấp ủy các cấp và xây dựng đội ngũ chuyên gia làm nòng cốt trong tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận. Do tổng kết thực tiễn trước hết là trách nhiệm của cấp ủy các cấp, cho nên, mỗi cấp ủy viên phải được tăng cường năng lực tổng kết thực tiễn, định hình ý thức thường trực về nhiệm vụ tổng kết thực tiễn gắn với nâng cao trình độ lý luận. Cấp ủy viên muốn lãnh đạo tốt thì phải có năng lực tư duy lý luận và năng lực tổng kết thực tiễn. Hai mặt này có quan hệ biện chứng với nhau. Có tư duy lý luận thì mới sử dụng tri thức kinh nghiệm đúng đắn, phù hợp, sửa chữa bệnh kinh nghiệm chủ nghĩa. Sử dụng tri thức kinh nghiệm phù hợp là cách thức để rút ngắn khoảng cách giữa lý luận với thực tế, để vận dụng lý luận không tùy tiện, thậm chí loại trừ những giải pháp không phù hợp mà tư duy lý luận xơ cứng đề xuất. Tuy nhiên, để công tác tổng kết thực tiễn được tiến hành một cách chuyên nghiệp, cần phải xây dựng được đội ngũ chuyên gia nòng cốt. Đội ngũ đó thuộc các cơ cấu của hội đồng lý luận, các ban đảng từ Trung ương đến địa phương, phải có trình độ lý luận sâu sắc, am tường thực tiễn, thành thục về phương pháp và kỹ năng tổng kết thực tiễn. Cần tạo điều kiện để đội ngũ chuyên gia nòng cốt thường xuyên thâm nhập thực tiễn, tổng kết các mô hình, phong trào, tham gia đào tạo lý luận chính trị và định hình ý thức chủ động, tích cực về tổng kết thực tiễn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Có cơ chế, chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với đội ngũ chuyên gia nòng cốt để họ yên tâm công tác, trau dồi nghề nghiệp, dành tâm huyết cho nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Xây dựng hệ thống dữ liệu và trang bị các công cụ, phương tiện cần thiết để đội ngũ cán bộ chuyên trách nòng cốt thuận lợi trong tổng kết thực tiễn gắn với nghiên cứu lý luận, nghiên cứu khoa học./.

 

PGS.TS Đoàn Minh Huấn



([1]). Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.134-135

([2]). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, 2016, tr.200

([3]).  Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.201

([4]). Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, H. 2011. tập 7, tr. 127

([5]). Tại Trung Quốc, nhiều sáng kiến được tổng kết từ chính các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cao cấp, như lập khu chế xuất, khoán trong nông nghiệp... Ở nước ta, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phương án chọn Buôn Ma Thuột điểm huyệt cho mở màn chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 đến 13-4-1975), tạo ra khả năng đột biến trong cục diện chiến tranh, được tổng kết từ sáng kiến của một học viên trong một lớp bồi dưỡng sĩ quan cao cấp (tiền thân của Học viện Quốc phòng ngày nay).

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết