Thứ Sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024

134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tháng Năm nhớ Bác

Ngày phát hành: 17/05/2024 Lượt xem 214

Ảnh tư liệu

 

Vào những ngày Tháng Năm lịch sử, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi nhớ ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Sinh thời, cứ mỗi dịp sinh nhật Bác, đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế lại gửi tới Bác những tình cảm sâu nặng, lời chúc tốt đẹp nhất và ai cũng muốn có một món quà kính tặng Bác. Nhưng với Bác, như Bác từng nói, "món quà quý nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”, chính vì thế, mỗi dịp sinh nhật Bác là một lần chúng ta lại thấy sáng ngời đức tính giản dị, khiêm nhường của con người vĩ đại ấy.  

Lần đầu tiên tổ chức sinh nhật Bác


Ngày 2/9/1945, trước hàng vạn người dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Đây cũng là lần đầu tiên Người chính thức ra mắt trước quốc dân đồng bào. Trước đó do hoàn cảnh đất nước còn trong vòng nô lệ, các hoạt động cách mạng phải giữ bí mật nên thông tin về Người rất hạn chế.


Ngày 18/5/1946, trên trang nhất báo Cứu Quốc xuất bản tại Hà Nội có đăng một bài báo đặc biệt với tựa đề: “Cụ Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam”. Trong bài báo, lần đầu tiên thông tin về ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/1890, được công khai để nhân dân được biết. Cũng từ đó, ngày 19/5 đã trở thành một ngày trọng đại đối với dân tộc ta, nhân dân ta và cả bạn bè quốc tế.


Năm 1946 cũng là lần đầu tiên nhân dân ta tổ chức mừng sinh nhật Bác. Những hoạt động chúc mừng không chỉ thể hiện tình cảm của nhân dân với Bác, mà còn để biểu thị khối đại đoàn kết của toàn quân, toàn dân quanh vị lãnh tụ của một quốc gia non trẻ đang đương đầu với những thử thách to lớn.


Hôm đó, tại Bắc Bộ phủ, Bác Hồ đã tiếp các cháu thiếu nhi Thủ đô, các đại biểu Nam Bộ, Ban vận động Trung ương đời sống mới... đến chúc thọ.
"Các em đua nhau gắn huy hiệu Măng mọc thẳng non lên áo Bác, tặng Bác những chữ "i", "t" tượng trưng cho phong trào Bình dân học vụ, những tập sách nhỏ in Điều lệ và bài hát của Hội Nhi đồng cứu quốc" (1). Quà của Bác Hồ cho các cháu là một cây bách tán với lời gửi gắm: "Mai sau cái cây này sẽ mọc một trăm cái tán. Các cháu về chăm cho cây lớn, cây tốt thế là các cháu yêu Bác lắm đấy!" (2).


Sau đoàn thiếu nhi là đoàn hơn 50 anh, chị thay mặt cho miền Nam tới chúc mừng sinh nhật Bác. Trong đoàn có chị Nguyễn Thị Định, người sau này trở thành một nữ tướng anh hùng, một phụ nữ tiêu biểu cho truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của phụ nữ Việt Nam.


Xúc động trước tình cảm của các đồng bào, đồng chí, Bác nói: “Thật ra, các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh nhật của tôi, chứ tuổi năm mươi sáu chưa có gì đáng được chúc thọ, cũng hãy còn như là thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở Bắc đây, tôi thật thấy làm xấu hổ vì trong Nam chưa được thái bình. Hai giọt lệ chảy dài trên gò má Bác... (3).

Những kỷ niệm ở “Thủ đô gió ngàn”


Cách mạng Tháng Tám thành công chưa được bao lâu, thực dân Pháp lại âm mưu xâm lược nước ta một lần nữa. Tháng 12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trở lại căn cứ địa Việt Bắc tiếp tục lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong 9 năm ở “thủ đô gió ngàn”, những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác vô cùng đơn giản nhưng luôn đầm ấm và đầy ý nghĩa, với những lời chúc mừng của đồng bào, đồng chí và hoa rừng của những người phục vụ.


Năm 1948, trước dịp sinh nhật Bác chỉ vài ngày, đồng chí Lộc (tên thật là Nguyễn Văn Ty) - người giúp việc cho Bác, cũng là người bạn thân thiết đã cùng Bác hoạt động ở Thái Lan, Trung Quốc, sau đó theo Bác trở về nước tham gia hoạt động cách mạng - vừa mới qua đời. Bác rất đau buồn. Khi các đồng chí phục vụ mang một bó hoa rừng đến chúc mừng sinh nhật Bác, Bác đã đề nghị dành bó hoa cùng đến viếng mộ đồng chí Lộc.


Lễ mừng sinh nhật của Bác Hồ năm ấy, Bác đã dành để nói chuyện về một tấm gương trung thành với Đảng, suốt đời làm việc cho Đảng, không tính toán cá nhân, đòi hỏi địa vị.


“Cả cuộc đời vì nước, vì dân”. Sinh nhật vui và hạnh phúc nhất trong cuộc đời Bác, có lẽ là dịp kỷ niệm Người 64 tuổi, ngày 19/5/1954. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến với bao gian khổ hy sinh, quân và dân ta đã giành được những thắng lợi to lớn, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tin thắng lợi đến chỉ trước ngày sinh của Bác vài ngày, là món quà đặc biệt nhất của quân và dân ta kính dâng lên Bác kính yêu. Hòa cùng niềm vui chung của cả nước, Bác viết thư gửi cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ:


"Thư gửi toàn thể cán bộ và chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ.
Trước hết Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh. Toàn thể các chú cũng như cán bộ và chiến sĩ ở toàn quốc đã quyết tâm tranh được thắng lợi lớn để chúc thọ Bác. Bác quyết định khao các chú. Khao thế nào tuỳ theo điều kiện, nhưng nhất định khao.


Thế là Bác cháu ta cùng vui. Vui để cố gắng mới, để khắc phục khó khăn mới và để tranh thắng lợi mới. Bác và chính phủ định thưởng cho tất cả các chú huy hiệu "Chiến sĩ Điện Biện Phủ". Các chú tán thành không?


Bác dặn các chú một lần nữa: chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm trọn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú. Bác hôn các chú.


Bác Hồ Chí Minh" (4)


Ngày 19/5/1954, Bác có cuộc gặp gỡ và mở tiệc chiêu đãi các chiến sĩ đã lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và các bạn Liên Xô. Bác khen ngợi và hỏi về đời sống chiến đấu ở Điện Biên Phủ cũng như hoàn cảnh gia đình từng người. Bác xúc động khi nghe kể về hoàn cảnh khó khăn của các chiến sĩ và động viên: Đất nước rồi sẽ độc lập, chắc chắn dân sẽ đủ ăn. Bác tự tay gắn huy hiệu cho Hoàng Đăng Vinh, người đã bắt sống tướng De Castries và đề nghị để đạo diễn Liên Xô Roman Karmen cùng chụp ảnh với các chiến sĩ.

Bác viết tài liệu “Tuyệt đối bí mật”


Miền Bắc được giải phóng. Trung ương Đảng và Chính phủ trở về thủ đô Hà Nội. Nhưng đúng ngày 19/5, Bác thường đi làm việc, thăm hỏi một nơi khác, nhằm tránh những lễ nghi phiền phức tốn kém.


Dịp kỷ niệm sinh nhật Bác năm 1965 là một dấu mốc đặc biệt, Bác kính yêu tròn 75 tuổi, cũng là lúc Người bắt đầu viết "Di chúc" để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.


Sáng ngày 10/5/1965, tại phòng làm việc ở nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, Bác đặt bút viết những dòng đầu tiên của tài liệu "Tuyệt đối bí mật".


Với sự khiêm tốn, giản dị, Bác không gọi là "Di chúc", "Chúc thư" hay "Di huấn"... mà chỉ gọi giản dị là "Tài liệu", "Thư", hay "Mấy lời… tóm tắt vài việc". Bác cũng không muốn nhiều người biết việc làm của một người sắp "đi xa", ngại dẫn đến những suy nghĩ không có lợi trong hoàn cảnh cả nước kháng chiến, nên mở đầu bài viết, Bác ghi rõ "Nhân dịp 75 tuổi" và bên lề trái, Bác ghi chú thêm hàng chữ "Tuyệt đối bí mật".


Trong thời gian 1 giờ (từ 9 đến 10 giờ) Bác viết xong phần mở đầu Di chúc. Các ngày tiếp theo, cũng vào giờ đó, Bác viết tiếp các phần còn lại. Riêng ngày 14/5/1965, do bận công việc buổi sáng, Bác chuyển sang viết vào buổi chiều với thời gian gấp đôi, từ 14 đến 16 giờ. Đúng 16 giờ, Bác đánh máy xong bản Di chúc và cho vào phong bì. 21 giờ hôm đó, Bác giao chiếc phong bì cho đồng chí Vũ Kỳ và dặn: “Chú cất giữ cẩn thận, vào dịp này sang năm nhớ đưa lại cho Bác”.
Những ngày trung tuần tháng 5 của những năm sau, Bác duy trì viết, sửa chữa, bổ sung tài liệu "Tuyệt đối bí mật". Theo đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, "trong khoảng thời gian 4 năm, từ 10/5/1965 đến 19/5/1969, Bác đã để cả thảy 28 buổi, phần lớn mỗi buổi hai giờ rưỡi để viết Di chúc".


Sang năm 1969, sức khoẻ của Bác có phần yếu nhiều. Dịp kỷ niệm sinh nhật năm ấy, Bác không đi "công tác xa" như những năm trước đó. Sáng ngày 10/5/1969, Bác đã viết lại toàn bộ phần mở đầu của Di chúc vào mặt sau tờ cuối cùng của tập bản Tin tham khảo đặc biệt (do Việt Nam Thông tấn xã phát hành) số ra thứ 7 ngày 3/5/1969. Sáng ngày sinh nhật lần thứ 79, Bác lại xem và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc lần cuối. Di chúc của Bác đúc kết những tư tưởng lớn lao, những suy tư trăn trở và tầm nhìn bao quát về công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc và xây dựng lại đất nước của Người, đã trở thành tài sản tinh thần vô giá, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng của chúng ta hôm nay và mai sau.


Buổi lễ mừng sinh nhật Bác lần thứ 79 rất đơn giản, đầm ấm. Mọi người đều đứng xung quanh Bác. Đồng chí Tố Hữu tặng hoa, đồng chí Lê Duẩn đọc lời chúc mừng. Bác cười vui thân mật mời mọi người ăn bánh kẹo và không quên dặn “nhớ mang phần về cho các cô và các cháu ở nhà”. Không ai nghĩ, đó là lần cuối cùng được đón mừng sinh nhật cùng Bác Hồ kính yêu./.

 

 

Theo TTXVN

 

(1), (2), (3): Sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 3, tr.220, 221

(4): Sách Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.470.

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết