Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ảnh tư liệu)
Giá trị tinh thần cốt lõi, bao trùm và xuyên suốt lịch sử dân tộc, làm nên sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam, trước hết và trên hết là tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là một trong những chuẩn mực đạo đức cách mạng, được đề cập đến trong Điều 2 của Quy định số 144-QĐ/TW quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới: “Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị”.
Giá trị cốt lõi làm nên sức mạnh to lớn của dân tộc Việt Nam
Chưa có một định nghĩa cụ thể nào về lòng yêu nước, nhưng chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản, yêu nước là yêu mảnh đất mình sinh ra và lớn lên, yêu tiếng nói, yêu con người, yêu những trang sử hào hùng và vẻ vang của dân tộc. Lòng yêu nước được thể hiện qua hành động sẵn sàng đóng góp công sức để bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp.
Tinh thần yêu nước, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đã được thể hiện xuyên suốt trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam và trở thành mẫu số chung để quy tụ, tập hợp mọi người dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội, giới tính, tuổi tác… tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Dân tộc Việt Nam từ xa xưa vốn đã có truyền thống yêu nước, tự lực, tự cường. Con người Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào cũng cố gắng vươn lên, khắc phục mọi khó khăn để làm chủ cuộc đời, cứu dân, cứu nước. Điều này đã trở thành biểu tượng trong các tác phẩm văn học dân gian, trong các truyện cổ tích, truyền thuyết.
Điều này cũng đã được ghi lại rất rõ ràng trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi:
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt đời nào cũng có…”
Tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc Việt Nam được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc đã được phát triển lên thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng “nhấn chìm tất cả bè lũ cướp nước và bán nước”, thực hiện sứ mệnh cao cả là giải phóng đất nước khỏi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước, đưa đất nước đi vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “đem sức ta mà giải phóng cho ta” (1), “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn” (2). Người đặt tên nước Việt Nam gắn với các cụm từ “dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc” và trong lời dặn trước lúc đi xa Người mong muốn về một nước Việt Nam “hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (3).
Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước được khởi đầu từ Đại hội VI của Đảng đã mở ra một thời kỳ mới để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt cả về vật chất và tinh thần. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (4).
Đảng và Nhà nước luôn chú trọng khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc
Trong suốt tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã luôn quan tâm, coi trọng, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc để phát triển đất nước. Nội dung của tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc cũng được tiếp cận từ nhiều bình diện khác nhau, làm phong phú hơn nội hàm của khái niệm này.
Tại Đại hội III, Đảng xác định luôn nêu cao tinh thần tự lực cánh sinh trong nhiệm vụ cách mạng hai miền, cổ vũ nhân dân miền Bắc “tự lực cánh sinh để xây dựng một nền kinh tế tự chủ”, ở miền Nam “kháng chiến lâu dài, tự lực cánh sinh, diệt giặc cứu nước”.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” nhấn mạnh đối với nhiệm vụ xây dựng con người là “Có tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội” (5).
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định mô hình và đặc trưng của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa của ta là một xã hội: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện…” (6).
Đường lối đổi mới đất nước của Đảng tiếp tục được bổ sung, phát triển qua các kỳ Đại hội VIII, IX, X, XI, XII, XIII là những định hướng cụ thể thể hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn Đảng, toàn dân ta. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định 5 quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó, quan điểm thứ 3 nêu rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước” (7).
Để thực hiện quan điểm này, Nghị quyết yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hoá, con người Việt Nam. Bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững.
Như vậy, có thể nói khát vọng chung của dân tộc Việt Nam hiện nay là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam.
Cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Trong bối cảnh hiện nay, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc chính là tạo ra nguồn lực to lớn đối với sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, ý chí tự cường và khát vọng phát triển đất nước trong giai đoạn mới là nhiệm vụ của mỗi người, nhưng trước hết là nhiệm vụ của các cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Người dạy rằng: “Người đảng viên - dù công tác to hay nhỏ, địa vị cao hay thấp - ở đâu cũng phải làm gương mẫu cho quần chúng. Mỗi đảng viên là một người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, để giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành. Mà muốn cho quần chúng hăng hái thi hành, thì người đảng viên ắt phải xung phong làm gương mẫu để quần chúng bắt chước, làm theo” (8).
Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên cần nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc để quần chúng noi theo.
Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cán bộ, đảng viên cần có niềm tin sâu sắc vào Đảng, vào đường lối phát triển đất nước, vững tin vào con đường đã lựa chọn để vượt qua những khó khăn, thách thức; luôn nuôi dưỡng khát vọng phát triển cơ quan, địa phương, đất nước từ đó có động lực mạnh mẽ trong học tập, lao động, sáng tạo để bắt kịp xu hướng phát triển hiện nay của thế giới.
Mỗi cán bộ, Đảng viên phải gương mẫu đi đầu, nhận thức đúng, đầy đủ nhiệm vụ mục tiêu phát triển của quê hương đất nước, bằng bản lĩnh và ý chí của người cách mạng, thể hiện khát vọng phát triển cá nhân hài hòa trong khát vọng phát triển chung của quê hương, đất nước, coi đây là động lực trong sáng dẫn dắt ý chí, khát vọng hành động nhằm góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Với tinh thần tự lực, tự cường, mỗi cán bộ, Đảng viên phải tự trang bị, rèn luyện cho mình một tác phong làm việc khoa học, thái độ làm việc cầu thị, hợp tác, tinh thần tự nghiên cứu, độc lập, sáng tạo. Chỉ khi có thái độ học tập thường xuyên, thực chất thì mới có điều kiện để nâng cao hiểu biết, áp dụng vào công việc. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nếu không thường xuyên tự học, nghiên cứu suốt đời thì mỗi người sẽ trở nên lạc hậu, dễ trở thành người bảo thủ, trì trệ, cản trở phát triển.
Đồng thời, cán bộ, đảng viên cần thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; luôn đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân, phải là người thấy đúng dám bảo vệ, thấy sai dám đấu tranh. Với tinh thần “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, mỗi cán bộ, Đảng viên kiên quyết, kiên trì, tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, tiêu cực, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Mỗi cán bộ, Đảng viên còn phải gương mẫu đi đầu trong việc xây dựng và thực hành đoàn kết, vì đoàn kết chính là yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh của dân tộc ta. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, Đảng viên phải xây dựng được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó, gần gũi với nhân dân, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”. Có vậy, mới phát huy nguồn sức mạnh, trí tuệ to lớn từ trong nhân dân, cùng nhau hợp sức xây dựng địa phương, quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh, hạnh phúc…/.
Điều 2. Bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập
1. Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng và các nguyên tắc xây dựng Đảng. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Thực hiện nghiêm Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
2. Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, ý chí vươn lên, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần phát triển đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị.
3. Xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách. Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, hành động vì lợi ích chung, vì nước, vì dân.
4. Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế. Tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng theo đường lối đối ngoại của Đảng phù hợp với luật pháp quốc tế, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng cộng đồng vì hòa bình, ổn định, tiến bộ và phát triển.
(Điều 2, Quy định 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới)
Theo TTXVN
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.596
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.147
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.624
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021, t.2, tr. 322
(5) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 58-59
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 70
(7) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, sđd, t.1, tr.110.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập sđd, t.7, tr.55.