Chủ Nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024

Giải pháp kết nối các trường học trên thế giới với Internet vào năm 2030

Ngày phát hành: 03/09/2024 Lượt xem 97


Theo  báo chí địa phương tại Geneva cho biết, gần 2,6 tỷ người trên toàn thế giới vẫn chưa được tiếp cận Internet. Một nửa trong số họ là trẻ em, phần lớn tập trung ở các nước đang phát triển và vùng nông thôn xa xôi. Để khắc phục thực trạng này, Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đang thực hiện sứ mệnh kết nối tất cả các trường học trên thế giới với internet vào năm 2030 thông qua dự án Giga. 


 Ông Alex Wong, một trong những chủ nhiệm dự án Giga cho biết, gần một nửa trong số khoảng 6 triệu trường học trên thế giới hiện nay vẫn chưa được kết nối Internet, khiến khoảng 500 triệu trẻ em và thanh thiếu niên không được tiếp cận giáo dục trực tuyến. Tuy nhiên, tình trạng này diễn ra không đồng đều giữa các nước. Ở các nước có thu nhập cao, khoảng 90% dân số được truy cập Internet thường xuyên, trong khi ở các nước có thu nhập thấp, tỷ lệ này giảm xuống còn khoảng 40%. Chi phí cho dịch vụ Internet cũng có sự khác biệt. Cụ thể, người dân ở các nước có thu nhập cao thường chi 0,4% thu nhập hằng tháng để kết nối Internet, trong khi ở các nước có thu nhập thấp, chi phí này trung bình chiếm 8,6% thu nhập của người dân và có thể lên tới 20%. Điều này có nghĩa là các nước có thu nhập thấp có khả năng trang bị cho Internet kém hơn 20 lần so với các nước có thu nhập cao. Ngoài ra, trong số 2,6 tỷ người không được kết nối Internet trên thế giới thì phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái.


Theo ông Alex Wong, cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra đã làm nổi bật những thách thức và tầm quan trọng của kết nối kỹ thuật số. Hệ quả là trẻ em không được tiếp cận Internet trong đại dịch đã chậm tiến bộ hơn, không chỉ trong giáo dục mà còn trong việc trở thành một phần của cộng đồng và đảm bảo việc làm cho tương lai.


Dự án Giga sẽ giải quyết vấn đề bất bình đẳng này và nỗ lực kết nối thế hệ trẻ với Internet. Việc cung cấp khả năng truy cập Internet cho các trường học sẽ cho phép học sinh học tập, phát triển các kỹ năng số, truy cập nội dung học trực tuyến và kết nối với thế giới. Ngoài ra, trường học có thể trở thành địa điểm quan trọng cung cấp quyền truy cập Internet cho các cộng đồng xung quanh.


Mục tiêu của Giga là tạo ra các điều kiện cần thiết, bao gồm việc cung cấp dữ liệu và công cụ, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án. Giga bắt đầu dự án bằng cách lập bản đồ vị trí của các trường học và theo dõi trạng thái kết nối của các trường học theo thời gian thực. Kể từ khi dự án ra mắt vào năm 2019, Giga đã lập bản đồ hơn 2,1 triệu trường học trên khắp thế giới bằng trí tuệ nhân tạo để tự động xác định các trường học từ hình ảnh vệ tinh, bao gồm cả ở Ghana, Kenya, Niger, Rwanda và Sierra Leone. Sau đó, Giga lập mô hình cơ sở hạ tầng và các khoản đầu tư cần thiết để cung cấp kết nối. Ở giai đoạn tiếp theo, Giga giúp các chính phủ đảm bảo tài chính và ký kết hợp đồng kết nối cho các trường học với các nhà cung cấp dịch vụ, bằng cách hợp tác với khu vực tư nhân. Hiện tại, 34 quốc gia đã được Giga hỗ trợ, bao gồm Sierra Leone, Botswana cùng với Bosnia và Herzegovina, đồng thời 13.400 trường học đã được cung cấp kết nối Internet, mang lại lợi ích cho 6 triệu học sinh.


Cùng với dự án Giga, từ nay đến năm 2030, một số tổ chức khác cũng đang nỗ lực tìm giải pháp cung cấp nội dung học tập trên Internet đến các khu vực bị ngắt kết nối. Công ty khởi nghiệp Kiwix cung cấp cho các trường học, nhà tù và trại tị nạn nội dung Internet có sẵn mà không cần kết nối. Stéphane Coillet-Matillon, Giám đốc điều hành của Kiwix cho biết giải pháp của Kiwix là lấy toàn bộ thông tin từ các trang web như Wikipedia và nén dữ liệu vừa với USB hoặc điện thoại di động cơ bản. Bằng cách như vậy, bất kỳ ai cũng có thể lướt trang web này mà không cần Internet. Beekee, một công ty công nghệ khác, thậm chí còn phát triển loại công cụ cho phép người dùng tham khảo các tài nguyên giáo dục mà không cần truy cập mạng wifi./. 


Theo TTXVN

Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết