Ngày 25/9, Ủy ban châu Âu (EC) công bố danh sách hơn 100 công ty đầu tiên tham gia ký kết Hiệp ước Trí tuệ nhân tạo tự nguyện (AI) của Liên minh châu Âu (EU). Động thái này đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn diện và minh bạch cho linh vực AI tại EU.
Những bên ký kết bao gồm các tập đoàn đa quốc gia cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) từ nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghệ thông tin, viễn thông, chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, ô tô và hàng không.
Hiệp ước AI nhằm hỗ trợ các công ty trong việc tuân thủ Đạo luật AI của EU, dù đạo luật này chưa chính thức có hiệu lực. Mục tiêu của hiệp ước là khuyến khích các doanh nghiệp bắt đầu áp dụng các nguyên tắc của Đạo luật AI, đồng thời tăng cường sự hợp tác giữa Văn phòng AI của EU với các bên liên quan, bao gồm cả các công ty, tổ chức xã hội dân sự và các học viện.
Các công ty tham gia Hiệp ước AI của EU cam kết thực hiện ít nhất 3 hành động quan trọng nhằm đảm bảo tuân thủ quy định và phát triển AI bền vững. Đầu tiên, các công ty sẽ xây dựng chiến lược quản trị AI, đề xuất các biện pháp thúc đẩy ứng dụng AI trong tổ chức và chuẩn bị cho việc tuân thủ đầy đủ Đạo luật AI trong tương lai. Thứ hai, các công ty sẽ lập bản đồ để xác định các hệ thống AI có rủi ro cao, phù hợp với các quy định của Đạo luật AI. Cuối cùng, các công cam kết nâng cao nhận thức về AI, thông qua việc đào tạo nhân viên về trách nhiệm và đạo đức trong phát triển AI.
Ngoài ra, hơn một nửa các công ty đã cam kết thực hiện thêm các biện pháp bổ sung, bao gồm đảm bảo giám sát của con người, giảm thiểu rủi ro và dán nhãn rõ ràng cho các nội dung do AI tạo ra, đặc biệt là các công nghệ như minh bạch. Các công ty có thể tham gia Hiệp ước AI bất cứ lúc nào cho đến khi Đạo luật AI chính thức có hiệu lực.
Song song với việc hỗ trợ các công ty chuẩn bị cho Đạo luật AI, EC đang thúc đẩy đổi mới AI thông qua các sáng kiến chiến lược. Vào ngày 10/9 vừa qua, sáng kiến Nhà máy AI (AI) Factories chính thức ra đời, cung cấp cho các công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp các dịch vụ trọn gói về dữ liệu, nhân tài và sức mạnh tính toán để phát triển và ứng dụng AI. AI Factories sẽ giúp phát triển và kiểm chứng các ứng dụng AI trong các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, năng lượng, quốc phòng, vận tải, và nông nghiệp.
Sáng kiến AI Factories là điểm nhấn trong gói cải cách AI của EC, đã được giới thiệu vào tháng 1/2024. Các biện pháp khác trong gói này bao gồm hỗ trợ vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư mạo hiểm, triển khai Không gian dữ liệu chung của châu Âu, sáng kiến GenAI4EU (thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng những mô hình ngôn ngữ lớn ở châu Âu) và chương trình Thách thức lớn về AI, cung cấp hỗ trợ tài chính và truy cập siêu máy tính cho các công ty khởi nghiệp. EC cũng dự định thành lập Hội đồng Nghiên cứu AI châu Âu để khai thác tiềm năng của dữ liệu và tăng cường chiến lược áp dụng AI trong công nghiệp.
Đạo luật AI đã có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua, với một số điều khoản đã được triển khai. Toàn bộ đạo luật sẽ có hiệu lực đầy đủ sau 2 năm, với một số ngoại lệ: lệnh cấm một số công nghệ AI sẽ có hiệu lực sau 6 tháng; các quy định về mô hình AI mục đích chung sẽ áp dụng sau 12 tháng; và các hệ thống AI được tích hợp vào sản phẩm sẽ chịu sự điều chỉnh của luật pháp sau 36 tháng.
Việc ban hành và thực hiện Đạo luật AI đánh dấu bước tiến lớn của EU trong việc định hình tương lai AI, không chỉ từ góc độ pháp lý mà còn trong vai trò lãnh đạo trong đổi mới công nghệ toàn cầu./.
Theo TTXVN