Chủ tịch Cuba Fidel Castro với các chiến sỹ đoàn Khe Sanh, Quân Giải phóng Trị Thiên Huế, trong chuyến thăm
vùng giải phóng Quảng Trị, ngày 15/9/1973. Ảnh tư liệu: TTXVN
Những gì mà Việt Nam và Cuba dành cho nhau trong hơn nửa thế kỷ qua đã vượt qua khuôn khổ thông thường của một mối quan hệ song phương, bởi đó là mối quan hệ trước sau như một, trong sáng và sẻ chia giữa 2 nước anh em, bất chấp sự xa cách về địa lý cũng như mọi biến thiên của thời cuộc.
Đây là nhận định của tờ Regeneración - kênh truyền thông chính luận của Đảng Phong trào Tái thiết Quốc gia (Morena) cầm quyền tại Mexico nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cuba của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 25-27/9, theo lời mời của Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch nước Cộng hòa Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez và Phu nhân.
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, mở đầu bài viết, tờ Regeneración số ra ngày 24/9 nêu rõ đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Tô Lâm đến Cuba trên cương vị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Cuba là một trong những nước đầu tiên đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sang thăm, ngay trước thềm kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1960-2025).
Do đó, tác giả Pedro Gellert khẳng định chuyến thăm tiếp tục là một minh chứng rõ nét về độ tin cậy chính trị ở mức cao nhất, về quyết tâm của chính phủ và nhân dân hai nước trong việc không ngừng củng cố mối quan hệ hữu nghị đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng tư lệnh Fidel Castro đã dày công vun đắp, mối quan hệ sau này đã trở thành hình mẫu và biểu tượng của thời đại.
Điểm lại quá trình lịch sử của mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Cuba, nhà báo kỳ cựu Pedro Gellert, đồng thời là cố vấn truyền thông của đảng Morena cầm quyền tại Mexico, cho biết trong những năm tháng nhân dân Việt Nam tiến hành cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vào những năm 1960, 1970, Cuba luôn là biểu tượng và đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam, dành cho Việt Nam sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu và hiệu quả.
Với khẩu hiệu “Tất cả vì Việt Nam”, phong trào đoàn kết với Việt Nam đã lan tỏa rộng khắp đất nước Cuba. Không nơi nào trên thế giới có hàng nghìn nhà máy, trường học, khu phố mang tên các anh hùng, các địa danh của Việt Nam, như ở Cuba. Trong khi đó, nhiều con đường, nhà máy, công trình thiết yếu quan trọng trên mọi miền đất nước Việt Nam còn lưu dấu bàn tay lao động và sức sáng tạo của bạn bè Cuba, những người đã làm hết những gì có thể để giúp Việt Nam chiến thắng cũng như vực dậy sau chiến tranh.
Đặc biệt, câu nói “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” mà Fidel nhấn mạnh trong cuộc mít-tinh tại quảng trường cách mạng Jose Marti ở La Habana năm 1966 và hình ảnh Fidel là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng Quảng Trị năm 1973 đã trở thành nguồn động viên lớn lao cho cách mạng Việt Nam đồng thời là biểu tượng bất hủ cho tình đoàn kết cao đẹp Việt Nam - Cuba.
Trong khi đó, đáp lại chân tình của người đồng chí, anh em, Việt Nam luôn dành tình cảm hữu nghị đặc biệt, đoàn kết và hợp tác chân thành, coi việc hỗ trợ Cuba là nghĩa vụ tự nhiên, xuất phát từ lương tâm và tình cảm quốc tế trong sáng, truyền thống hữu nghị và nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Ngay từ những năm đầu tiên sau thời kỳ Đổi mới 1986, nhân dân Việt Nam đã đồng lòng chịu đựng thiếu thốn, hy sinh lợi ích để hỗ trợ, phần nào giúp Cuba vượt qua thời điểm khó khăn của “thời kỳ đặc biệt” đầu những năm 1990. Nhiều dự án viện trợ không hoàn lại, hợp tác được triển khai, như giúp Cuba sản xuất lúa gạo, từng bước bảo đảm an ninh lương thực.
Việt Nam cũng hết lòng chia sẻ với Cuba kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế, đồng thời hỗ trợ Cuba thông qua thường xuyên viện trợ thực phẩm bao gồm các mặt hàng thiết yếu như gạo, cà phê và các sản phẩm nông nghiệp khác để giúp Cuba khắc phục khó khăn kinh tế do lệnh cấm vận thương mại. Ngoài ra, Việt Nam còn chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa gạo và kỹ thuật nông nghiệp bền vững thông qua việc cử hàng trăm chuyên gia đến đảo quốc Caribe này.
Bên cạnh đó, tình cảm đoàn kết và ủng hộ Cuba cũng luôn được Việt Nam thể hiện nhất quán và mạnh mẽ tại hầu hết các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt việc yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm vận phi lý áp đặt lên đảo quốc nhỏ bé này trong nhiều thập kỷ qua.
Trong khi đó, ở cấp độ khu vực, mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Cuba cũng mang tính tham chiếu giúp Việt Nam và các nước Mỹ Latinh xích lại gần nhau hơn. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba năm 1960, Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Chile năm 1971 và Argentina năm 1973. Trong 5 năm đầu tiên sau khi thống nhất đất nước (1975-1980), Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 10 quốc gia Mỹ Latinh. Đây cũng là quãng thời gian mà Việt Nam đã sát cánh cùng các người anh em Mỹ Latinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Cũng trong giai đoạn này, không chỉ ủng hộ mạnh mẽ giúp Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc năm 1977, các quốc gia Mỹ Latinh còn hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, mở rộng quan hệ đối ngoại cũng như chống lại các biện pháp bao vây, cấm vận. Kể từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc Đổi mới năm 1986, quan hệ giữa Việt Nam và các nước Mỹ Latinh bước vào một giai đoạn phát triển mới, mạnh mẽ và toàn diện hơn.
Trong 2 thập kỷ qua, kim ngạch thương mại Việt Nam – Mỹ Latinh đã tăng 67 lần, từ 300 triệu USD năm 2000 lên 20 tỷ USD vào năm 2022. Việt Nam đã triển khai hàng loạt dự án đầu tư tại khu vực 650 triệu dân này , trong đó bao gồm các lĩnh vực mang tính chiến lược như năng lượng, khai thác dầu khí và viễn thông./.
Theo TTXVN