Thứ Ba, ngày 23 tháng 04 năm 2024

Tương lai của nước Nga: Những thay đổi về nhân khẩu học

Ngày phát hành: 15/09/2018 Lượt xem 6561

Nhìn từ góc độ lịch sử, nước Nga ngày nay đang trải qua những thay đổi tác động đến mọi khía cạnh phát triển của đất nước. Dĩ nhiên, những thay đổi diễn ra trong một xã hội trong mọi thời đại cụ thể. Tuy nhiên, theo trang mạng eurasiareview.com, những gì nước Nga đã và đang trải qua trong thời kỳ hậu Liên bang Xô viết sụp đổ năm 1991 là những phát triển cơ bản sẽ ảnh hưởng đến cách quốc gia này tự xác lập vị trí của mình về địa chính trị trên thế giới.
Những thay đổi lớn đang diễn ra trong tình hình nhân khẩu học ở Nga. Nhìn bề ngoài, nước Nga có dân số khá đông - khoảng 144 triệu người - so với các nước khác. Tuy nhiên, các biểu đồ nhân khẩu học quan trọng cho thấy dân số Nga đang giảm dần, thậm chí còn giảm mạnh hơn nữa trong những thập kỷ tới. Năm 2012, thống kê của Điện Kremlin đã dự báo rằng dân số Nga sẽ giảm xuống còn 107 triệu người vào năm 2045-2050.
Những khó khăn về nhân khẩu học của Nga không phải là mới. Ngay cả trong thời kỳ Xô viết đã có những dấu hiệu suy giảm dân số tiềm tàng. Trong thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khả năng sinh đẻ trên khắp Liên Xô đã giảm xuống dưới mức 2 con cho một phụ nữ ở phần lãnh thổ châu Âu của Liên bang. Sau khi Liên Xô tan rã, tỷ lệ sinh đẻ của Nga (TFR) tiếp tục giảm. Vào đầu thế kỷ này, TFR đứng ở mức 1 phụ nữ bình quân sinh 1,3 đứa trẻ, trong khi tỷ lệ 2,1 là cần thiết để duy trì dân số ổn dịnh. Dưới thời Putin, nhất là trong giai đoạn 2006-2012, tỷ lệ sinh ở Nga đã tăng trở lại khi TFR đạt 1,7 (nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số cần thiết).
Cùng với tỷ lệ sinh giảm, tuổi thọ của người Nga cũng trải qua giai đoạn xáo trộn lớn sau khi Liên Xô tan rã. Hiện nay, Nga đứng thứ 126 trên thế giới, với tuổi thọ trung bình dưới 70 tuổi.
Hơn nữa, Nga là một trong những nước có tỷ lệ phá thai cao nhất. Năm 2015, con số này là 930.000 ca. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Đồ thị tiêu cực khác của tình hình nhân khẩu học ở Nga là vấn đề bệnh AIDS. Năm 2016-2017, sự phát triển nhanh chóng của dịch bệnh AIDS ở Nga đã lên đến mức độ nguy hiểm, với ngưỡng người được ghi nhận có HIV dương tính đạt mốc 1 triệu ca. Con số thực tế thậm chí có thể cao hơn do nhiều người có xu hướng không muốn tiết lộ tình trạng của họ. Một số báo cáo không chính thức cho rằng con số thực có thể vào khoảng 1,5 triệu người, tức gần 1% dân số Nga.
Bên cạnh xu hướng đáng báo động trong dân số, ngay cả cơ cấu sắc tộc ở Nga cũng thay đổi. Nước Nga ngày nay hầu như là đơn sắc tộc, với người mang sắc tộc Nga chiếm 82% tổng dân số liên bang. Phần lớn cộng đồng người không thuộc sắc tộc Nga chỉ sinh sống ở các nước cộng hòa Tyva và Yakutia ở Siberia. Điều tương tự có thể thấy ở khu vực Bắc Caucasus (trừ cộng đồng người Nga ở các vùng Adygea, Krasnodar và Stavropol).
Trong những thập kỷ tới, dân số người Slavic của Nga sẽ giảm do những xu hướng trên, trong khi dân số Hồi giáo có chiều hướng gia tăng. Năm 2002, có 14,5 triệu người Hồi giáo sống ở Nga, trong khi hiện nay người Hồi giáo chiếm khoảng 20 triệu dân. Tỷ lệ sinh đẻ của người Hồi giáo ở Nga là 2,3, cao hơn so với người Slavic.
Dân số Nga giảm cũng là một vấn đề khi các nước xung quanh Nga có dân số gia tăng nhanh chóng. Trong số này có Trung Quốc, và nhiều người nhận thức được rằng Nga sẽ phải đối mặt với vấn đề Trung Quốc ở vùng Viễn Đông.
Điều đó cho thấy mặc dù hiện nay không có mối đe dọa nào với Nga, sự gia tăng dân số của Trung Quốc vẫn nên được xem là một mối lo ngại. Xu hướng này đáng báo động không chỉ bởi một bộ phận lớn dân số Trung Quốc sống gần khu vực Viễn Đông của Nga mà còn vì dân số Nga đang giảm. Trong những thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ, số người Nga ở Đông Siberia cũng như vùng Viễn Đông đều giảm sút. Trong khi năm 2002, có 28 triệu người sống ở 2 khu vực này (chiếm 19% tổng dân số Nga), thì đến năm 2010, tổng số người Nga ở Đông Siberia và Viễn Đông là 25,4 triệu người.
Và đây chỉ là một trong số những xu hướng chính ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình nhân khẩu học của Nga.

 

Theo TTXVN


Tin Liên quan

Góp ý về nội dung bài viết